SN 42.11 – Kinh Hiền (KTƯ-04. Chương 42. Tương Ưng Thôn Trưởng)
(42. 1. 11) Bhadraka (Hiền):
Bhadrakasuttaṃ (423)
1. Một thời Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Mallā tại Uruvelakappa, một thị
trấn của dân chúng Mallā.
2. Rồi thôn trưởng Bhadraka đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn
rồi ngồi xuống một bên.
3. Ngồi xuống một bên, thôn trưởng Bhadraka bạch Thế Tôn:
- Lành thay, bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn thuyết cho con về sự tập khởi và sự chấm
dứt của khổ!
- Này thôn trưởng, nếu y cứ vào thời quá khứ, Ta thuyết cho ông về sự
tập khởi và sự chấm dứt của khổ, nói rằng: "Như vậy đã xảy ra trong thời quá khứ"; ở đây, ông sẽ phân vân, sẽ có nghi ngờ.
Này thôn trưởng, nếu y cứ vào thời vị lai, Ta thuyết cho ông về sự
tập khởi và sự chấm dứt của khổ, nói rằng: "Như vậy sẽ xảy ra trong thời tương lai";
ở đây, ông
sẽ có phân vân, sẽ có nghi ngờ.
Nhưng nay
Ta ngồi chính ở đây, này thôn trưởng, với ông cũng ngồi ở đây,
Ta sẽ thuyết cho ông về sự tập khởi và sự chấm
dứt của khổ. Hãy lắng nghe và suy nghiệm kỹ, Ta sẽ nói.
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Thôn trưởng Bhadraka vâng đáp Thế Tôn.
4. Thế Tôn nói như sau:
- Ông nghĩ thế nào, này thôn trưởng, ở tại Uruvelakappa có những người, nếu họ bị giết, hay bị tù, hay bị thiệt hại, hay bị
chỉ trích, ông có khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não không?
- Thưa
có, bạch Thế Tôn. Ở tại Uruvelakappa có những người, nếu họ bị
giết hay bị tù, hay bị thiệt hại, hay bị chỉ trích, thì con có khởi lên sầu,
bi, khổ, ưu, não.
5. - Này thôn trưởng, ở tại Uruvelakappa này có những người, nếu họ bị
giết, hay bị tù, hay bị thiệt hại, hay bị chỉ trích, nhưng ông không khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não?
- Thưa có, bạch Thế
Tôn, ở tại Uruvelakappa có những người, nếu họ bị giết, hay bị tù, hay bị thiệt
hại, hay bị chỉ trích, nhưng con không khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não.
- Do nhân gì,
do duyên gì, này thôn trưởng, đối với
một số người ở tại Uruvelakappa, nếu họ bị giết, hay bị bắt, hay bị thiệt
hại, hay bị chỉ trích, thì ông có khởi
lên sầu, bi, khổ, ưu, não?
- Do nhân gì,
do duyên gì, này thôn trưởng, đối với
một số người ở Uruvelakappa, nếu họ bị giết, hay bị bắt, hay bị thiệt hại,
hay bị chỉ trích nhưng ông không khởi
lên sầu, bi, khổ, ưu, não?
- Ðối với một số người ở tại Uruvelakappa, bạch Thế Tôn, nếu họ bị giết,
hay bị bắt, hay bị thiệt hại, hay bị chỉ trích, con có khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não, là vì con có dục và tham đối với họ.
- Nhưng đối với một số người ở tại Uruvelakappa, bạch Thế Tôn, nếu họ bị
giết, hay bị bắt, hay bị thiệt hại, hay bị chỉ trích, nhưng con không khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não,
là vì con không có dục và tham đối với họ.
- Ông nói: "Con có lòng dục tham đối với họ. Con không có lòng dục
tham đối với họ".
Này thôn trưởng, có phải được thấy, được
biết, được đạt tới tức thời, được thể nhập nhờ pháp này, ông uốn
nắn phương pháp (naya) theo phương pháp ấy đối với quá khứ, vị lai?
Nếu có khổ
nào khởi lên trong quá khứ, tất cả khổ ấy
khởi lên lấy dục làm căn bản, lấy dục làm sở nhân; dục là căn bản của khổ.
Phàm có khổ nào khởi lên trong tương lai, tất cả khổ ấy khởi
lên lấy dục làm căn bản, lấy dục làm sở nhân; dục là căn bản của khổ.
- Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Thật hy hữu thay, bạch Thế Tôn! Thật
là khéo nói, lời nói này của Thế Tôn: "Phàm có khổ gì khởi lên, tất cả khổ ấy khởi lên đều lấy dục làm căn bản, lấy dục làm sở nhân; dục là căn bản của khổ!"
7. Bạch Thế Tôn, con có người con trai tên là Ciravāsi, sống xa ở đây.
Khi giờ nó dậy, bạch Thế Tôn, con cử người đi và nói: "Này ông, hãy đi và hỏi thăm đứa trẻ Ciravāsi". Cho đến
khi người ấy trở về, bạch Thế Tôn, con ở trong tình trạng bồn chồn, hồi hộp:
"Không biết đứa trẻ Ciravāsi có bệnh
tật gì không?"
8. - Ông nghĩ thế nào, này thôn trưởng, nếu đứa trẻ Ciravāsi của ông bị
giết, hay bị bắt, hay bị thiệt hại, hay bị chỉ trích, ông có khởi lên sầu, bi,
khổ, ưu, não không?
- Bạch Thế Tôn, nếu đứa con trai Ciravāsi của con bị giết, hay bị bắt,
hay bị thiệt hại, hay bị chỉ trích, hay sinh mạng bị đổi khác, thời làm sao con
không khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não được?
- Với pháp môn này, này thôn trưởng, cần phải hiểu như sau: Phàm có khổ nào
khởi lên, tất cả khổ ấy đều lấy dục làm căn bản, lấy dục làm sở nhân; dục là
căn bản của khổ.
9. Ông nghĩ thế nào, này thôn trưởng, nếu ông không thấy, không nghe mẹ của Ciravāsi, ông có lòng dục, lòng tham hay
lòng ái đối với mẹ của Ciravāsi không?
- Thưa
không, bạch Thế Tôn.
- Nhưng này thôn trưởng, khi ông thấy được, này Thôn trưởng, khi ông nghe được,
thời ông có
lòng dục, hay lòng tham, hay lòng ái đối với mẹ của Ciravāsi
không?
- Thưa
có, bạch Thế Tôn.
10. - Ông nghĩ thế nào, này thôn trưởng, nếu mẹ của Ciravāsi bị giết,
hay bị bắt, hay bị thiệt hại, hay bị chỉ trích, thời ông có khởi lên sầu, bi,
khổ, ưu, não không?
- Bạch Thế Tôn, nếu mẹ của Ciravāsi bị giết, hay bị bắt, hay bị thiệt hại,
hay bị chỉ trích, hay mạng sống bị đổi khác, thời làm sao con không khởi sầu,
bi, khổ, ưu, não được?
- Với pháp môn này, này thôn trưởng, cần phải hiểu biết như sau: Phàm có khổ gì khởi lên, tất cả khổ ấy đều lấy dục làm căn bản,
lấy dục làm sở nhân; dục là căn bản của đau khổ.
No comments:
Post a Comment