Kinh Hạt Muối:
Loṇakapallasuttaṃ (Kinh Tăng Chi Bộ - tập 1)
1. - Ai nói như
sau, này các Tỷ-kheo:
"Người này làm nghiệp như thế nào, như
thế nào, người ấy cảm thọ như vậy, như vậy". Nếu sự kiện là vậy, này các Tỷ-kheo, thời không có đời sống Phạm hạnh, không có cơ
hội để nêu rõ đau khổ được chơn chánh đoạn diệt.
Và này các
Tỷ-kheo, ai nói như sau: "Người này làm
nghiệp được cảm thọ như thế nào, như thế nào, người ấy cảm thọ quả dị thục như vậy, như vậy". Nếu sự kiện là vậy, này các Tỷ-kheo, thời có đời sống Phạm hạnh, có cơ hội để nêu rõ đau khổ được chơn
chánh đoạn diệt.
2. Ở đây, này
các Tỷ-kheo, có
người làm nghiệp ác nhỏ mọn, và
nghiệp ác ấy đưa người ấy vào địa ngục.
Ở đây, này các
Tỷ-kheo, có
người làm nghiệp ác nhỏ mọn tương tợ,
và nghiệp ác ấy đưa người ấy đến cảm
thọ ngay trong hiện tại, cho đến chút ít cũng không thấy được (trong
đời sau), nói gì là nhiều.
3. Hạng người như thế nào, này các Tỷ-kheo, có làm nghiệp ác nhỏ mọn, và nghiệp ác ấy
đưa người ấy vào địa ngục?
Ở đây, này các
Tỷ-kheo,
· có
người thân không tu tập,
· giới
không tu tập,
· tâm
không tu tập,
· tuệ không
tu tập, hạn hẹp, tự ngã nhỏ nhen, sống chịu khổ ít oi.
Người như vậy,
này các Tỷ-kheo, làm nghiệp
ác nhỏ mọn, và nghiệp ác ấy đưa người ấy vào địa ngục.
Hạng người như thế nào, này các Tỷ-kheo, có làm
nghiệp ác nhỏ mọn tương tợ,
và nghiệp ác ấy đưa người ấy đến cảm
thọ ngay trong hiện tại, cho đến chút ít cũng không thấy được (trong
đời sau), nói gì là nhiều?
Ở đây, này các
Tỷ-kheo,
· có người
thân được tu tập,
· giới được tu
tập,
· tâm được tu
tập,
· tuệ được tu
tập, không có hạn hẹp, tự ngã to lớn, sống đời vô lượng.
Người như vậy,
này các Tỷ-kheo, có làm nghiệp ác nhỏ mọn tương tợ, và
nghiệp ác ấy đưa người ấy đến cảm thọ ngay trong hiện tại, cho đến chút ít cũng
không thấy được (trong đời sau), nói gì là nhiều.
4. Ví như, này các Tỷ-kheo, có người bỏ một nắm muối vào trong một
chén nước nhỏ. Các thầy nghĩ như thế nào, này các Tỷ-kheo, nước trong
chén ấy có vì nắm muối trở thành mặn và không uống được phải không?
- Thưa đúng vậy, bạch Thế Tôn. Vì cớ sao?
Nước trong chén nhỏ này là ít, do nắm muối này, nước trở thành mặn, không uống
được.
- Ví như, này các Tỷ-kheo, có người bỏ một nắm muối vào sông Hằng.
Các thầy nghĩ như thế nào, này các Tỷ-kheo, sông Hằng có vì nắm muối trở thành
mặn và không uống được phải không?
- Thưa không, bạch Thế Tôn. Vì cớ sao? Lớn
là cả khối nước sông Hằng. Khối nước ấy không vì nắm muối này, nước trở thành
mặn và không uống được.
- Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây, có người
làm nghiệp ác nhỏ mọn, và nghiệp ác ấy đưa người ấy vào địa ngục. Ở đây, này
các Tỷ-kheo, có người làm nghiệp ác nhỏ mọn tương tợ, và nghiệp ác ấy đưa người
ấy đến cảm thọ ngay trong hiện tại, cho đến chút ít cũng không thấy được (trong
đời sau), nói gì là nhiều.
5. Hạng
người như thế nào, này các Tỷ-kheo, có làm nghiệp ác nhỏ mọn, và nghiệp ác ấy
đưa người ấy vào địa ngục? Ở
đây, này các Tỷ-kheo có người thân không tu tập, giới không tu tập, tâm không
tu tập, tuệ không tu tập, hạn hẹp, tự ngã nhỏ nhen, sống chịu khổ ít oi. Hạng
người như vậy, này các Tỷ-kheo, làm nghiệp ác nhỏ mọn, và nghiệp ác ấy đưa
người ấy vào địa ngục.
Hạng
người như thế nào, này các Tỷ-kheo, có làm nghiệp ác nhỏ mọn tương tợ, và
nghiệp ác ấy đưa người ấy đến cảm thọ ngay trong hiện tại, cho đến chút ít cũng
không thấy được (trong đời sau), nói gì là nhiều. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người thân được tu tập, giới
được tu tập, tâm được tu tập, tuệ được tu tập, hạn hẹp, tự ngã to lớn, sống đời
vô lượng. Người như vậy, này các Tỷ-kheo, có làm nghiệp ác nhỏ mọn tương tợ, và
nghiệp ác ấy đưa người ấy đến cảm thọ ngay trong hiện tại, cho đến chút ít cũng
không thấy được, nói gì là nhiều.
6. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người bị tù tội
vì nửa đồng tiền, bị tù tội
vì một đồng tiền, bị tù tội vì một trăm đồng tiền. Nhưng
ở đây, này các Tỷ-kheo, có người không
bị tù tội vì nửa đồng tiền, không bị tù tội vì một đồng tiền,
không bị tù tội vì một trăm đồng tiền.
Như thế nào, này các Tỷ-kheo, bị tù tội vì nửa
đồng tiền, bị tù tội vì một đồng tiền, bị tù tội vì một trăm đồng tiền? Ở đây, này các
Tỷ-kheo, có người nghèo khổ, ít sở hữu, ít tài sản. Người như vậy, này các
Tỷ-kheo, bị tù tội vì nửa đồng tiền, bị tù tội vì một đồng tiền, bị tù tội vì
một trăm đồng tiền.
Như thế nào, này các Tỷ-kheo, không bị tù tội
vì nửa đồng tiền, không bị tù tội vì một đồng tiền, không bị tù tội vì một trăm
đồng tiền? Ở đây, này
các Tỷ-kheo, có người giàu có, có tiền của lớn, có tài sản lớn. Người như vậy,
này các Tỷ-kheo, không bị tù tội vì nửa đồng tiền, không bị tù tội vì một đồng
tiền, không bị tù tội vì một trăm đồng tiền.
Cũng
vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây có người làm nghiệp ác nhỏ mọn, nghiệp ác ấy đưa
người ấy vào địa ngục. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người làm nghiệp ác nhỏ mọn
tương tự, nghiệp ác ấy đưa người ấy đến cảm thọ ngay trong hiện tại, cho đến
chút ít cũng không thấy được, còn nói gì là nhiều.
7. Hạng người
như thế nào, này các Tỷ-kheo, có làm nghiệp ác nhỏ mọn, nghiệp ác ấy đưa người
ấy vào địa ngục? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người thân không tu tập, giới không
tu tập, tâm không tu tập, tuệ không tu tập, hạn hẹp, tự ngã nhỏ nhen, sống chịu
khổ ít oi. Người như vậy, này các Tỷ-kheo, làm nghiệp ác nhỏ mọn, nghiệp ác ấy
đưa người ấy vào địa ngục.
Hạng người như
thế nào, này các Tỷ-kheo, có làm nghiệp ác nhỏ mọn tương tự, nghiệp ác ấy đưa
người ấy đến cảm thọ ngay trong hiện tại, cho đến chút ít cũng không thấy được,
còn nói gì là nhiều? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người thân được tu tập, giới được
tu tập, tâm được tu tập, tuệ được tu tập, không có hạn hẹp, tự ngã to lớn, sống
đời vô lượng. Người như vậy, này các Tỷ-kheo, có làm nghiệp ác nhỏ mọn tương
tự, nghiệp ác ấy đưa người ấy đến cảm thọ ngay trong hiện tại, cho đến chút ít
cũng không thấy được, còn nói gì là nhiều.
8. Ví dụ một người đồ tể hay người giết dê, này
các Tỷ-kheo, đối với một số người đánh cắp dê, có thể giết hay trói, hay tịch
thu tài sản, hay làm như ý muốn. Ðối
với một số người cũng đánh cắp dê, không có thể giết, không có thể trói, không
có thể tịch thu tài sản, hay không có thể làm như ý muốn.
Như thế nào, này các Tỷ-kheo, người đồ tể hay
người giết dê, đối với một số người đánh cắp dê, có thể giết, có thể trói, có
thể tịch thu tài sản, hay có thể làm như ý người ấy muốn?
Ở đây, này các
Tỷ-kheo, có người
nghèo khổ, ít sở hữu tài sản. Kẻ đồ tể hay người giết dê, đối với kẻ
đánh cắp dê như vậy có thể giết, hay trói, hay có thể tịch thu tài sản, hay có
thể làm như ý người ấy muốn.
Như thế nào, này các Tỷ-kheo, người đồ tể
hay người giết dê, đối với kẻ đánh cắp dê như vậy không có thể giết, không có
thể trói, không có thể tịch thu tài sản, hay không có thể làm như ý muốn?
Ở đây, này các
Tỷ-kheo, có
người giàu có, có sở hữu lớn, có tài sản lớn, hay nhà vua, hay đại thần của nhà
vua. Người đồ tể hay người giết dê, đối với kẻ đánh cắp dê như vậy
không có thể giết, không có thể trói, không có thể tịch thu tài sản, hay không
có thể làm như ý người ấy muốn. Không có gì phải làm khác hơn là chắp tay và
cầu xin như sau: "Thưa ngài, hãy cho con lại con dê hay giá tiền con
dê".
Cũng
vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây, đối với một số người có làm nghiệp ác nhỏ mọn, và
nghiệp ác ấy đưa người ấy vào địa ngục. Nhưng ở đây, này các Tỷ-kheo, đối với
một số người làm nghiệp ác nhỏ mọn tương tự, và nghiệp ác ấy đưa người ấy đến
cảm thọ ngay trong hiện tại, cho đến chút ít cũng không thấy được, còn nói gì
là nhiều.
9. Hạng người
như thế nào, này các Tỷ-kheo, có làm nghiệp ác nhỏ mọn,
và nghiệp ác ấy đưa người ấy vào địa ngục? Ở đây, này các
Tỷ-kheo, có người có người thân không tu tập,
giới không tu tập, tâm không tu tập, tuệ không tu tập, hạn hẹp, tự ngã nhỏ
nhen, sống chịu khổ ít oi. Người như
vậy, này các Tỷ-kheo, làm nghiệp ác nhỏ mọn, và nghiệp ác ấy đưa người ấy vào
địa ngục.
Hạng người như
thế nào, này các Tỷ-kheo, có người làm nghiệp ác nhỏ
mọn tương tự, nghiệp ác ấy đưa người ấy đến cảm
thọ ngay trong hiện tại, cho đến chút ít cũng không thấy được, còn nói gì là
nhiều? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người thân được tu
tập, giới được tu tập, tâm được tu tập, tuệ được tu tập, không có hạn hẹp, tự
ngã to lớn, sống đời vô lượng. Người
như vậy, này các Tỷ-kheo, có làm nghiệp ác nhỏ mọn tương tự, nghiệp ác ấy đưa
người ấy đến cảm thọ ngay trong hiện tại, cho đến chút ít cũng không thấy được,
còn nói gì là nhiều.
10. Ai nói như
sau, này các Tỷ-kheo: "Người này làm nghiệp như thế nào, như
thế nào, người ấy sẽ cảm thọ (quả) như vậy, như vậy". Nếu sự kiện
là vậy, này các Tỷ-kheo, thời không có đời sống Phạm hạnh, không có cơ hội để
nêu rõ đau khổ được chơn chánh đoạn diệt. Và này các
Tỷ-kheo, có ai nói như sau: "Người này làm nghiệp được cảm thọ như thế
nào, như thế nào, người ấy sẽ cảm thọ quả dị thục như vậy, như vậy".
Nếu sự kiện là vậy, này các Tỷ-kheo, thời có đời sống Phạm hạnh, có
cơ hội để nêu rõ đau khổ được chơn chánh đoạn diệt.
1 comment:
Ghi chú của Cư Sĩ Nguyên Bình:
Tính chất nghiệp quả là dị thục, có nghĩa là nghiệp nhân đã đổi khác đến độ thuần thục trở thành quả.
Vì vậy có thể đoạn giảm mức độ tai họa của nghiệp ác bằng cách tu tập nghiệp thiện, bằng cách tu tập để không còn tâm ích kỷ nhỏ nhen, để tự ngã được rộng lớn, đạt được sự kham nhẫn lớn lao.
Thế nào là tự ngã? Thế Tôn dạy rằng:
“Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo biết tự ngã: Cho đến như vậy, tôi có lòng tin, có giữ giới,
có đa văn, có bố thí, có trí tuệ, có biện tài. Nếu Tỷ-kheo biết như vậy, được gọi là vị biết tự ngã”. (TC 3A, 113)
Như vậy là tu tập để tự ngã rộng lớn tức là tu tập phát triển sáu pháp: Tịnh tín, giới hạnh, bố thí, đa văn, trí tuệ và biện tài. Do viên mãn sáu pháp này, tâm ích kỷ cố chấp bị phá sạch do đó được gọi là tự ngã rộng lớn.
Post a Comment