Các Nguyên Nhân: Nidānasuttaṃ
(Kinh Tăng Chi Bộ)
1. - Có ba nguyên nhân này, này các
Tỷ-kheo, khởi lên các nghiệp. Thế nào là ba?
· Tham là nguyên nhân khởi lên các nghiệp.
· Sân là nguyên nhân khởi lên các nghiệp.
· Si là nguyên nhân khởi lên các nghiệp.
2. Phàm nghiệp nào
được làm vì tham, này các
Tỷ-kheo, sanh ra từ tham, duyên khởi từ
tham, tập khởi từ tham, tại chỗ nào tự ngã được hiện hữu, tại chỗ ấy,
nghiệp ấy được thuần thục. Chỗ nào nghiệp ấy được thuần thục, chỗ ấy quả dị thục của nghiệp ấy được cảm thọ ngay trong hiện tại,
hay trong đời sống kế tiếp,
hay trong một đời sau nữa.
3. Phàm nghiệp nào được làm vì sân,
này các Tỷ-kheo, sanh ra từ sân, duyên khởi từ sân, tập khởi từ sân, tại chỗ
nào tự ngã được hiện hữu, tại chỗ ấy, nghiệp ấy được thuần thục. Chỗ nào nghiệp
ấy được thuần thục, chỗ ấy quả dị thục của nghiệp ấy được cảm thọ ngay trong
hiện tại, hay trong đời sống kế tiếp, hay trong một đời sau nữa.
4. Phàm nghiệp nào được làm vì si,
này các Tỷ-kheo, sanh ra từ si, duyên khởi từ si, tập khởi từ si, tại chỗ nào
tự ngã được hiện hữu, tại chỗ ấy, nghiệp ấy được thuần thục. Chỗ nào nghiệp ấy
được thuần thục, chỗ ấy quả dị thục của nghiệp ấy được cảm thọ ngay trong hiện
tại, hay trong đời sống kế tiếp, hay trong một đời sau nữa.
5.
Ví như, này các Tỷ-kheo, các hạt giống không bị bể vụn, không bị hư thối, không
bị gió và nắng làm hư, còn tươi tốt được khéo gieo vào một đồng ruộng tốt, được
trồng vào đất khéo sửa soạn, và được trời mưa xuống đều đặn, các hạt giống ấy,
này các Tỷ-kheo, được lớn lên, tăng trưởng, lớn mạnh.
Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, phàm nghiệp nào được làm vì tham, này các Tỷ-kheo, sanh ra từ tham,
duyên khởi từ tham, tập khởi từ tham, tại chỗ nào tự ngã được hiện hữu, tại chỗ
ấy, nghiệp ấy được thuần thục. Chỗ nào nghiệp ấy được thuần thục, chỗ ấy quả dị thục
của nghiệp ấy được cảm thọ ngay trong hiện tại, hay trong đời sống kế
tiếp, hay trong một đời sau nữa.
Phàm nghiệp nào được làm vì sân,
này các Tỷ-kheo, sanh ra từ sân, duyên khởi từ sân, tập khởi từ sân, tại chỗ
nào tự ngã được hiện hữu, tại chỗ ấy, nghiệp ấy được thuần thục. Chỗ nào nghiệp
ấy được thuần thục, chỗ ấy quả dị thục của nghiệp ấy được cảm thọ ngay trong
hiện tại, hay trong đời sống kế tiếp, hay trong một đời sau nữa.
Phàm nghiệp nào được làm vì si,
này các Tỷ-kheo, sanh ra từ si, duyên khởi từ si, tập khởi từ si, tại chỗ nào
tự ngã được hiện hữu, tại chỗ ấy, nghiệp ấy được thuần thục. Chỗ nào nghiệp ấy
được thuần thục, chỗ ấy quả dị thục của nghiệp ấy được cảm thọ ngay trong hiện
tại, hay trong đời sống kế tiếp, hay trong một đời sau nữa.
6. Có ba nguyên nhân này, này các Tỷ-kheo, khởi lên các
nghiệp.
7. Có ba nguyên nhân này, này các
Tỷ-kheo, khởi lên các nghiệp. Thế nào là ba?
Không tham là nguyên nhân khởi lên các nghiệp.
Không sân là nguyên nhân khởi lên các nghiệp.
Không si là nguyên nhân khởi lên các nghiệp.
8.
Phàm nghiệp nào được làm vì không
tham, này các Tỷ-kheo, sanh ra từ không tham, duyên khởi từ không tham,
tập khởi từ không tham. Vì rằng tham được từ bỏ, như vậy, nghiệp ấy được đoạn
tận, được cắt đứt từ gốc rễ, được làm như thân cây Tāla, được làm cho không thể hiện hữu, được làm cho
không thể sanh khởi trong tương lai.
9. Phàm nghiệp nào được làm vì không sân, này các Tỷ-kheo, sanh ra từ không sân, duyên khởi từ không
sân, tập khởi từ không sân. Vì rằng sân được từ bỏ, như vậy, nghiệp ấy được
đoạn tận, được cắt đứt từ gốc rễ, được làm như thân cây Tāla, được làm cho
không thể hiện hữu, được làm cho không thể sanh khởi trong tương lai.
10. Phàm nghiệp nào được làm vì không si,
này các Tỷ-kheo, sanh ra từ không si, duyên khởi từ không si, tập khởi từ không
si. Vì rằng si được từ bỏ, như vậy, nghiệp ấy được đoạn tận, được cắt đứt từ
gốc rễ, được làm như thân cây Tāla, được làm cho không thể hiện hữu, được làm
cho không thể sanh khởi trong tương lai.
11. Ví như này các Tỷ-kheo, các hạt giống không thể bị bể
vụn, không bị hư thối, không bị gió và nắng làm hư, còn được tươi tốt, được
khéo gieo. Và một người lấy lửa đốt
chúng, sau khi lấy lửa đốt, làm cho chúng thành tro, sau khi làm thành tro,
quạt chúng trong gió lớn, hay cho vào dòng nước sông chảy nhanh mang cuốn đi. Như
vậy, này các Tỷ-kheo, các hạt giống ấy được đoạn tận, được cắt đứt từ gốc rễ,
được làm cho như thân cây Tāla, được làm
cho không thể hiện hữu, được làm cho không thể sanh khởi trong tương lai.
Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, phàm nghiệp nào được làm vì không tham, này các Tỷ-kheo, sanh ra từ không tham, duyên khởi từ
không tham, tập khởi từ không tham. Vì rằng tham được từ bỏ, như vậy, nghiệp ấy
được đoạn tận, được cắt đứt từ gốc rễ, được làm như thân cây Tāla, được làm cho
không thể hiện hữu, được làm cho không thể sanh khởi trong tương lai.
Phàm nghiệp nào được làm vì không sân,
này các Tỷ-kheo, sanh ra từ không sân, duyên khởi từ không sân, tập khởi từ
không sân. Vì rằng sân được từ bỏ, như vậy, nghiệp ấy được đoạn tận, được cắt
đứt từ gốc rễ, được làm như thân cây Tāla, được làm cho không thể hiện hữu,
được làm cho không thể sanh khởi trong tương lai.
Phàm nghiệp nào được làm vì không si, này các
Tỷ-kheo, sanh ra từ không si, duyên khởi từ không si, tập khởi từ không si. Vì
rằng si được từ bỏ, như vậy, nghiệp ấy được đoạn tận, được cắt đứt từ gốc rễ,
được làm như thân cây Tāla, được làm cho không thể hiện hữu, được làm cho không
thể sanh khởi trong tương lai.
12. Có ba nguyên nhân này, này các
Tỷ-kheo, khởi lên các nghiệp:
Phàm có hạnh nghiệp nào,
Sanh từ tham sân si,
Do kẻ vô trí làm,
Dầu có ít hay nhiều,
Tại đây được cảm thọ,
Không phải tại chỗ khác.
Do vậy vị Tỷ-kheo,
Từ bỏ tham, sân, si,
Làm khởi lên minh, trí,
Từ bỏ mọi ác thú.
No comments:
Post a Comment