NAMO TASSA BHAGAVATO ARAHATO SAMMASAMBUDDHASA

Chánh Pháp (Phật Pháp)

Chánh Pháp mà đức Thế Tôn đã khéo thuyết giảng"thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu".

Chánh Pháp ấy là Bốn Thánh Đế và sự tu tập chân chánh là sự thực hành con đường Thánh Đạo Tám Ngành (còn được gọi là: Bát Chánh Đạo, hay Bát Thánh Đạo): Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm và Chánh Định; y chỉ viễn ly, y chỉ ly tham, y chỉ đoạn diệt, y chỉ từ bỏ; là con đường duy nhất đưa đến đoạn tận Tham Sân Si, chấm dứt khổ đau, chấm dứt sanh tử luân hồi, chứng ngộ Niết Bàn.

Chúng ta hãy thường xuyên ôn tập và ghi nhớ lời dạy sau đây của đức Phật để tự nhắc mình luôn tinh tấn tu tập Thánh Đạo Tám Ngành:

  • "Vô thỉ là luân hồi này, này các Tỷ-kheo, khởi điểm không thể nêu rõ đối với sự lưu chuyển luân hồi của các chúng sanh bị vô minh che đậy, bị tham ái trói buộc".
  • "Này các Tỷ-kheo, do không giác ngộ, do không thông đạt Bốn Thánh Đế mà Ta và các Ông lâu ngày phải dong ruổi, lưu chuyển như thế này. Thế nào là bốn? Thánh đế về Khổ, Thánh đế về Khổ tập, Thánh đế về Khổ diệt, Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt".
  • "Này các Tỷ-kheo, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Khổ".
  • Một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Khổ tập".
  • Một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Khổ diệt".
  • Một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Con đường đưa đến Khổ diệt"".
  • "Này các Tỷ-kheo, Thánh đế về Khổ, cần phải liễu tri.
  • Thánh đế về Khổ tập cần phải đoạn tận.
  • Thánh đế về Khổ diệt cần phải chứng ngộ.
  • Thánh đế về Con đường đưa đến Khổ diệt cần phải tu tập".

(trích Kinh Tương Ưng Bộ)

--------------------------------------------------------------------------------------------------------

Popular Posts

Monday, September 22, 2014

Kinh Phù-di [Tu đúng cách mới có kết quả]

Kinh Phù-di (Bhūmijasutta) - Kinh Trung Bộ số 126

1. Như vầy tôi nghe. Một thời Thế Tôn trú ở Rājagaha (Vương Xá), Veḷuvana (Trúc Lâm), tại chỗ nuôi dưỡng sóc (Kalandakanivāpa).
2. Rồi Tôn-giả Bhūmija (Phù-di) vào buổi sáng đắp y, cầm y bát, đi đến trú xứ của Vương tử Jayasena, sau khi đến ngồi trên chỗ đã soạn sẵn.
3. Rồi Vương tử Jayasena đi đến Tôn-giả Bhūmija, sau khi đến nói lên với Tôn-giả Bhūmija những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Vương tử Jayasena thưa với Tôn-giả Bhūmija:
- Thưa Tôn-giả Bhūmija, có một số Sa-môn, Bà-la-môn có lý thuyết như sau, có quan điểm như sau: "Nếu có ước nguyện hành Phạm hạnh, thời không đạt được quả vị; nếu không có ước nguyện hành Phạm hạnh, thời không đạt được quả vị; nếu có và không có ước nguyện hành Phạm hạnh, thời không đạt được quả vị; nếu không có và không không có ước nguyện hành Phạm hạnh, thời không đạt được quả vị". Ở đây, bậc Ðạo sư của Tôn-giả Bhūmija có nói gì, và có lập luận gì?
4. - Này Vương tử, tôi không tận mặt Thế Tôn được nghe như vậy, được ghi nhớ như vậy. Và sự việc này xảy ra, Thế Tôn có giải thích như sau: 
  • "Nếu có ước nguyện, hành Phạm hạnh không Chánh đáng (ayoniso), thời không đạt được quả vị; 
  • nếu không có ước nguyện, hành Phạm hạnh không Chánh đáng, thời không đạt được quả vị; 
  • nếu có và không có ước nguyện, hành Phạm hạnh không Chánh đáng, thời không đạt được quả vị; 
  • nếu không có và không không có ước nguyện, hành Phạm hạnh không Chánh đáng, thời không đạt được quả vị. 
  • Còn nếu có ước nguyện, hành Phạm hạnh một cách Chánh đáng, thời đạt được quả vị; 
  • nếu không có ước nguyện, hành Phạm hạnh một cách Chánh đáng, thời đạt được quả vị; 
  • nếu có và không có ước nguyện, hành Phạm hạnh một cách Chánh đáng, thời đạt được quả vị; 
  • nếu không có và không không có ước nguyện, hành Phạm hạnh một cách Chánh đáng, thời đạt được quả vị". 

Thưa Vương tử, tôi không tận mặt Thế Tôn được nghe như vậy, được ghi nhớ như vậy. Sự việc xảy ra, Thế Tôn có giải thích như vậy.
5. - Nếu Ðạo Sư của Tôn-giả Bhūmija thuyết lý như vậy, lập luận như vậy, thời tôi nghĩ rằng chắc chắn vị Ðạo Sư của Tôn-giả Bhūmija, đứng cao hơn trên đầu tất cả Sa-môn, Bà-la-môn tầm thường.
6. Rồi Vương tử Jayasena mời Tôn-giả Bhūmija, dùng với bát ăn (thālipāka) của mình.
7. Rồi Tôn-giả Bhūmija, sau bữa ăn khất thực trở về, đi đến chỗ Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn-giả Bhūmija bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, ở đây, vào buổi sáng con đắp y, cầm y bát, đi đến trú xứ của Vương tử Jayasena, sau khi đến con ngồi trên chỗ đã soạn sẵn, bạch Thế Tôn, Vương tử Jayasena đến chỗ con, sau khi đến nói lên với con những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, bạch Thế Tôn, Vương tử Jayasena nói với con như sau: "Thưa Tôn-giả Bhūmija, có một số Sa-môn, Bà-la-môn có lý thuyết như sau, có quan điểm như sau: "Nếu có ước nguyện hành Phạm hạnh, thời không đạt được quả vị; nếu không có ước nguyện hành Phạm hạnh, thời không đạt được quả vị; nếu có và không có ước nguyện hành Phạm hạnh, thời không đạt được quả vị; nếu không có và không không có ước nguyện hành Phạm hạnh, thời không đạt được quả vị". Ở đây, bậc Ðạo sư của Tôn-giả Bhūmija có nói gì, và có lập luận gì?"
Khi được nghe nói vậy, bạch Thế Tôn, con có nói với Vương tử Jayasena, như sau: "Này Vương tử, tôi không tận mặt Thế Tôn được nghe như vậy, được ghi nhớ như vậy. Và sự việc này xảy ra, Thế Tôn có giải thích như sau: "Nếu có ước nguyện, hành Phạm hạnh không Chánh đáng (ayoniso), thời không đạt được quả vị; nếu không có ước nguyện, hành Phạm hạnh không Chánh đáng, thời không đạt được quả vị; nếu có và không có ước nguyện, hành Phạm hạnh không Chánh đáng, thời không đạt được quả vị; nếu không có và không không có ước nguyện, hành Phạm hạnh không Chánh đáng, thời không đạt được quả vị. Còn nếu có ước nguyện, hành Phạm hạnh một cách Chánh đáng, thời đạt được quả vị; nếu không có ước nguyện, hành Phạm hạnh một cách Chánh đáng, thời đạt được quả vị; nếu có và không có ước nguyện, hành Phạm hạnh một cách Chánh đáng, thời đạt được quả vị; nếu không có và không không có ước nguyện, hành Phạm hạnh một cách Chánh đáng, thời đạt được quả vị".
- "Nếu Ðạo Sư của Tôn-giả Bhūmija thuyết lý như vậy, lập luận như vậy, thời tôi nghĩ rằng chắc chắn vị Ðạo Sư của Tôn-giả Bhūmija, đứng cao hơn trên đầu tất cả Sa-môn, Bà-la-môn tầm thường".
Bạch Thế Tôn, không hiểu hỏi như vậy, trả lời như vậy, con có nói đúng lời Thế Tôn nói, con không xuyên tạc lời Thế Tôn với điều không đúng sự thực, nhưng con đã giải thích đúng pháp, tùy pháp, và một vị đồng Phạm hạnh nói đúng pháp, tùy pháp sẽ không có lý do để chỉ trích?
8. - Thật vậy, này Bhūmija, được hỏi vậy, được trả lời vậy, ông nói đúng lời Thế Tôn nói, ông không xuyên tạc Thế Tôn với điều không đúng sự thực, ông đã giải thích đúng pháp, tùy pháp, và một vị đồng Phạm hạnh nói đúng pháp, tùy pháp không có lý do gì để chỉ trích.
9. Này Bhūmija, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào có tà kiến, tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà tinh tấn, tà niệm, tà định; nếu họ có ước nguyện hành Phạm hạnh, thời không đạt được quả vị; nếu họ không có ước nguyện, hành Phạm hạnh, thời không đạt được quả vị; nếu họ có và không có ước nguyện, hành Phạm hạnh, thời không đạt được quả vị; nếu họ không có và không không có ước nguyện, hành Phạm hạnh, thời không đạt được quả vị. Vì sao vậy? Ðây không phải là phương pháp, này Bhūmija, để đạt được quả vị.
10. Ví như, này Bhūmija, một người cần dầu, tìm cầu dầu, đi chỗ này chỗ kia để tìm dầu. Sau khi đổ cát vào thùng, tiếp tục rưới nước rồi ép (cát cho ra dầu). Nếu người ấy có ước nguyện, sau khi đổ cát vào thùng, tiếp tục rưới nước rồi ép (cát cho ra dầu), người ấy không lấy được dầu. Nếu người ấy không có ước nguyện, sau khi đổ cát vào thùng, tiếp tục rưới nước rồi ép (cát cho ra dầu), người ấy không lấy được dầu. Nếu người ấy có và không có ước nguyện, sau khi đổ cát vào thùng, tiếp tục rưới nước rồi ép (cát cho ra dầu), người ấy không lấy được dầu. Nếu người ấy không có và không không có ước nguyện, sau khi đổ cát vào thùng, tiếp tục rưới nước rồi ép (cát cho ra dầu), người ấy không lấy được dầu. Vì sao vậy? Ðây không phải là phương pháp, này Bhūmija, để lấy được dầu.
Cũng vậy, này Bhūmija, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào có tà kiến, tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà tinh tấn, tà niệm, tà định, nếu họ có ước nguyện hành Phạm hạnh, thời không đạt được quả vị; nếu họ không có ước nguyện, hành Phạm hạnh, thời không đạt được quả vị; nếu họ có và không có ước nguyện, hành Phạm hạnh, thời không đạt được quả vị; nếu họ không có và không không có ước nguyện, hành Phạm hạnh, thời không đạt được quả vị. Vì sao vậy? Ðây không phải là phương pháp, này Bhūmija, để đạt được quả vị.
11. Ví như, này Bhūmija, một người cần sữa, tìm cầu sữa, đi chỗ này chỗ kia để tìm sữa, nắm sừng con bò cái trẻ để vắt sữa. Nếu người ấy có ước nguyện, nắm sừng con bò cái trẻ để vắt sữa, người ấy không lấy được sữa. Nếu người ấy không có ước nguyện, nắm sừng con bò cái trẻ để vắt sữa, người ấy không lấy được sữa. Nếu người ấy có và không có ước nguyện, nắm sừng con bò cái trẻ để vắt sữa, người ấy không lấy được sữa. Nếu người ấy không có và không không có ước nguyện, nắm sừng con bò cái trẻ để vắt sữa, người ấy không lấy được sữa. Vì sao vậy? Ðây không phải là phương pháp, này Bhūmija, để lấy được sữa.
Cũng vậy, này Bhūmija, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào có tà kiến, tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà tinh tấn, tà niệm, tà định, nếu họ có ước nguyện hành Phạm hạnh, thời không đạt được quả vị; nếu họ không có ước nguyện, hành Phạm hạnh, thời không đạt được quả vị; nếu họ có và không có ước nguyện, hành Phạm hạnh, thời không đạt được quả vị; nếu họ không có và không không có ước nguyện, hành Phạm hạnh, thời không đạt được quả vị. Vì sao vậy? Ðây không phải là phương pháp, này Bhūmija, để đạt được quả vị.
12. Ví như, này Bhūmija, một người cần sanh tô, tìm cầu sanh tô, đi chỗ này chỗ kia để tìm cầu sanh tô, sau khi đổ nước vào một cái ghè, rồi lấy que khuấy đánh. Nếu người ấy có ước nguyện, sau khi đổ nước vào một cái ghè, lấy que khuấy đánh, người ấy không lấy được sanh tô. Nếu người ấy không có ước nguyện, sau khi đổ nước vào một cái ghè, lấy que khuấy đánh, người ấy không lấy được sanh tô. Nếu người ấy có và không có ước nguyện, sau khi đổ nước vào một cái ghè, lấy que khuấy đánh, người ấy không lấy được sanh tô. Nếu người ấy không có và không không có ước nguyện, sau khi đổ nước vào một cái ghè, lấy que khuấy đánh, người ấy không lấy được sanh tô. Vì sao vậy? Ðây không phải là phương pháp, này Bhūmija, để lấy được sanh tô.
Cũng vậy, này Bhūmija, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào có tà kiến, tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà tinh tấn, tà niệm, tà định, nếu họ có ước nguyện hành Phạm hạnh, thời không đạt được quả vị; nếu họ không có ước nguyện, hành Phạm hạnh, thời không đạt được quả vị; nếu họ có và không có ước nguyện, hành Phạm hạnh, thời không đạt được quả vị; nếu họ không có và không không có ước nguyện, hành Phạm hạnh, thời không đạt được quả vị. Vì sao vậy? Ðây không phải là phương pháp, này Bhūmija, để đạt được quả vị.
13. Ví như, này Bhūmija, một người cần lửa, tìm cầu lửa, đi chỗ này chỗ kia để tìm lửa. Người ấy đem phần phía trên đồ quay lửa, rồi cọ xát với một khúc que ướt và có nhựa. Nếu người ấy có ước nguyện, đem phần phía trên đồ quay lửa, rồi cọ xát với một khúc que ướt và có nhựa, thời người ấy không lấy được lửa. Nếu người ấy không có ước nguyện, đem phần phía trên đồ quay lửa, rồi cọ xát với một khúc que ướt và có nhựa, thời người ấy không lấy được lửa. Nếu người ấy có và không có ước nguyện, đem phần phía trên đồ quay lửa, rồi cọ xát với một khúc que ướt và có nhựa, thời người ấy không lấy được lửa. Nếu người ấy không có và không không có ước nguyện, đem phần phía trên đồ quay lửa, rồi cọ xát với một khúc que ướt và có nhựa, thời người ấy không lấy được lửa. Vì sao vậy? Ðây không phải là phương pháp, này Bhūmija, để lấy được lửa.
Cũng vậy, này Bhūmija, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào có tà kiến, tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà tinh tấn, tà niệm, tà định, nếu họ có ước nguyện hành Phạm hạnh, thời không đạt được quả vị; nếu họ không có ước nguyện, hành Phạm hạnh, thời không đạt được quả vị; nếu họ có và không có ước nguyện, hành Phạm hạnh, thời không đạt được quả vị; nếu họ không có và không không có ước nguyện, hành Phạm hạnh, thời không đạt được quả vị. Vì sao vậy? Ðây không phải là phương pháp, này Bhūmija, để đạt được quả vị.
14. Này Bhūmija, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào có Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định; nếu họ có ước nguyện, hành Phạm hạnh một cách Chánh đáng, thời đạt được quả vị; nếu không có ước nguyện, hành Phạm hạnh một cách Chánh đáng, thời đạt được quả vị; nếu có và không có ước nguyện, hành Phạm hạnh một cách Chánh đáng, thời đạt được quả vị; nếu không có và không không có ước nguyện, hành Phạm hạnh một cách Chánh đáng, thời đạt được quả vị. Vì cớ sao? Ðây là phương pháp, này Bhūmija, để đạt được quả vị.
15. Ví như, này Bhūmija, một người cần dầu, cầu tìm dầu, đi chỗ này chỗ kia để tìm dầu, sau khi đổ những hột giống dầu vào cái thùng, tiếp tục rưới nước rồi ép (cho ra dầu). Nếu người ấy có ước nguyện, sau khi đổ những giống dầu vào trong cái thùng, tiếp tục rưới nước rồi ép (cho ra dầu), thời người ấy lấy được dầu. Nếu người ấy không có ước nguyện, sau khi đổ những giống dầu vào trong cái thùng, tiếp tục rưới nước rồi ép (cho ra dầu), thời người ấy lấy được dầu. Nếu người ấy có và không có ước nguyện, sau khi đổ những giống dầu vào trong cái thùng, tiếp tục rưới nước rồi ép (cho ra dầu), thời người ấy lấy được dầu. Nếu người ấy không có và không không có ước nguyện, sau khi đổ những giống dầu vào trong cái thùng, tiếp tục rưới nước rồi ép (cho ra dầu), thời người ấy lấy được dầu. Vì cớ sao? Này Bhūmija, đây là phương pháp để đạt được quả vị.
Cũng vậy, này Bhūmija, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào có Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định; nếu họ có ước nguyện, hành Phạm hạnh một cách Chánh đáng, thời đạt được quả vị; nếu không có ước nguyện, hành Phạm hạnh một cách Chánh đáng, thời đạt được quả vị; nếu có và không có ước nguyện, hành Phạm hạnh một cách Chánh đáng, thời đạt được quả vị; nếu không có và không không có ước nguyện, hành Phạm hạnh một cách Chánh đáng, thời đạt được quả vị. Vì cớ sao? Ðây là phương pháp, này Bhūmija, để đạt được quả vị.
16. Ví như, này Bhūmija, một người cần sữa, tìm cầu sữa, đi chỗ này chỗ kia để tìm sữa. Và người ấy vắt sữa từ nơi vú con bò cái còn trẻ. Nếu người ấy có ước nguyện, vắt sữa từ nơi vú con bò cái còn trẻ, thời người ấy lấy được sữa. Nếu người ấy không có ước nguyện, vắt sữa từ nơi vú con bò cái còn trẻ, thời người ấy lấy được sữa. Nếu người ấy có và không có ước nguyện, vắt sữa từ nơi vú con bò cái còn trẻ, thời người ấy lấy được sữa. Nếu người ấy không có và không không có ước nguyện, vắt sữa từ nơi vú con bò cái còn trẻ, thời người ấy lấy được sữa. Vì cớ sao? Này Bhūmija, đây là phương pháp để đạt được quả vị.
Cũng vậy, này Bhūmija, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào có Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định; nếu họ có ước nguyện, hành Phạm hạnh một cách Chánh đáng, thời đạt được quả vị; nếu không có ước nguyện, hành Phạm hạnh một cách Chánh đáng, thời đạt được quả vị; nếu có và không có ước nguyện, hành Phạm hạnh một cách Chánh đáng, thời đạt được quả vị; nếu không có và không không có ước nguyện, hành Phạm hạnh một cách Chánh đáng, thời đạt được quả vị. Vì cớ sao? Ðây là phương pháp, này Bhūmija, để đạt được quả vị.
17. Ví như, này Bhūmija, một người cần sanh tô, tìm cầu sanh tô, đi chỗ này chỗ kia tìm cầu sanh tô; sau khi đổ lạc (dadhi – sữa chua – người hiệu đính) vào trong một cái ghè, rồi lấy cây que khuấy, đánh. Nếu người ấy có ước nguyện, sau khi đổ lạc vào trong một cái ghè, rồi lấy cây que khuấy, đánh, thời người ấy lấy được sanh tô. Nếu người ấy không có ước nguyện, sau khi đổ lạc vào trong một cái ghè, rồi lấy cây que khuấy, đánh, thời người ấy lấy được sanh tô. Nếu người ấy có và không có ước nguyện, sau khi đổ lạc vào trong một cái ghè, rồi lấy cây que khuấy, đánh, thời người ấy lấy được sanh tô. Nếu người ấy không có và không không có ước nguyện, sau khi đổ lạc vào trong một cái ghè, rồi lấy cây que khuấy, đánh, thời người ấy lấy được sanh tô. Vì cớ sao? Này Bhūmija, đây là phương pháp để đạt được quả vị.
Cũng vậy, này Bhūmija, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào có Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định; nếu họ có ước nguyện, hành Phạm hạnh một cách Chánh đáng, thời đạt được quả vị; nếu không có ước nguyện, hành Phạm hạnh một cách Chánh đáng, thời đạt được quả vị; nếu có và không có ước nguyện, hành Phạm hạnh một cách Chánh đáng, thời đạt được quả vị; nếu không có và không không có ước nguyện, hành Phạm hạnh một cách Chánh đáng, thời đạt được quả vị. Vì cớ sao? Ðây là phương pháp, này Bhūmija, để đạt được quả vị.
18. Ví như, này Bhūmija, có một người cần lửa, tìm cầu lửa, đi chỗ này chỗ kia để tìm lửa, sau khi mang phần trên đồ quay lửa rồi cọ xát với một khúc cây khô không có nhựa. Nếu người ấy có ước nguyện, đem phần phía trên đồ quay lửa rồi cọ xát với một khúc cây khô không có nhựa, thời người ấy lấy được lửa. Nếu người ấy không có ước nguyện, đem phần phía trên đồ quay lửa rồi cọ xát với một khúc cây khô không có nhựa, thời người ấy lấy được lửa. Nếu người ấy có và không có ước nguyện, đem phần phía trên đồ quay lửa rồi cọ xát với một khúc cây khô không có nhựa, thời người ấy lấy được lửa. Nếu người ấy không có và không không có ước nguyện, đem phần phía trên đồ quay lửa rồi cọ xát với một khúc cây khô không có nhựa, thời người ấy lấy được lửa. Vì cớ sao? Này Bhūmija, đây là phương pháp để đạt được quả vị.
Cũng vậy, này Bhūmija, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào có Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định; nếu họ có ước nguyện, hành Phạm hạnh một cách Chánh đáng, thời đạt được quả vị; nếu không có ước nguyện, hành Phạm hạnh một cách Chánh đáng, thời đạt được quả vị; nếu có và không có ước nguyện, hành Phạm hạnh một cách Chánh đáng, thời đạt được quả vị; nếu không có và không không có ước nguyện, hành Phạm hạnh một cách Chánh đáng, thời đạt được quả vị. Vì cớ sao? Ðây là phương pháp, này Bhūmija, để đạt được quả vị.
19. Nếu bốn ví dụ này, này Bhūmija, khởi đến từ nơi ông cho Vương tử Jayasena, thời Vương tử Jayasena tự nhiên tin tưởng ông, và khi đã tin tưởng, sẽ hành động đúng theo cung cách một người đã tin tưởng ông.
- Nhưng làm sao, bạch Thế Tôn, bốn ví dụ này khởi đến từ nơi con cho Vương tử Jayasena, khởi lên một cách tự nhiên, từ trước chưa từng được nghe, như Thế Tôn được?
Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Tôn-giả Bhumja hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy.

No comments: