(56. 5. 7) Lỗ Khóa (1):
Paṭhamachiggaḷayugasuttaṃ (2864) - Kinh Tương Ưng tập 5
1. Ở Vesālī, Ðại Lâm, tại
Trùng Các giảng đường.
2. - Ví như, này các Tỷ-kheo,
một người quăng một khúc gỗ có một lỗ hổng vào biển lớn. Tại đấy có con rùa mù,
sau mỗi trăm năm nổi lên một lần.
3. Các ông nghĩ thế nào, này
các Tỷ-kheo, con rùa mù ấy sau mỗi trăm năm nổi lên một lần, có thể chui cổ vào
khúc gỗ có một lỗ hổng hay không?
- Năm khi mười họa may ra có
thể được, bạch Thế Tôn, sau một thời gian dài. *
4. - Ta
tuyên bố rằng còn mau hơn, này các Tỷ-kheo, là con rùa mù ấy, sau mỗi trăm năm
nổi lên một lần, có thể chui cổ vào khúc gỗ có một lỗ hổng ấy; còn hơn kẻ ngu,
khi một lần đã rơi vào đọa xứ để được làm người trở lại. Vì sao?
5. Vì rằng ở đấy không có pháp
hành, chánh hành, thiện nghiệp, phước nghiệp. Ở đấy, này các Tỷ-kheo, chỉ có ăn
thịt lẫn nhau, và chỉ có người yếu bị ăn thịt. Vì sao?
6. Vì không thấy được bốn
Thánh đế. Thế nào là bốn? Thánh đế về Khổ, Thánh đế về Khổ tập, Thánh đế về Khổ
diệt, Thánh đế về Con đường đưa đến khổ diệt.
7. Do vậy, này các Tỷ-kheo, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây
là Khổ". Một sự cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Khổ tập".
Một sự cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Khổ diệt". Một sự cố
gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Con đường đưa đến khổ diệt".
* Ở đây xin chú thích bản Kinh Hiền Ngu số 129,
Trung Bộ 3, phẩm Không Tánh, vì cả hai bản Kinh, thì câu Pāḷi đều giống nhau: "Yadi nūna, bhante, kadāci karahaci
dīghassa addhuno accayenāti - Nếu có được chăng nữa, bạch Thế Tôn,
thời chỉ được một lần, sau một thời gian rất lâu dài".
(56. 5. 8) Lỗ Khóa (2): Dutiyachiggaḷayugasuttaṃ (2865)
1. Ở Vesālī, Ðại Lâm, tại
Trùng Các giảng đường.
2. - Ví như, này các Tỷ-kheo,
quả đất lớn này chỉ toàn một bãi nước, và một người đến ném xuống đấy một khúc
cây có một lỗ hổng. Rồi gió phương Ðông thổi nó trôi về phương Tây; gió phương
Tây thổi nó trôi về phương Ðông; gió phương Bắc thổi nó trôi về phương Nam; gió
phương Nam thổi nó trôi về phương Bắc. Tại đấy, một con rùa mù cứ mỗi trăm năm
nổi lên một lần.
3. Các ông nghĩ thế nào, này
các Tỷ-kheo, con rùa mù ấy sau mỗi trăm năm nổi lên một lần, có thể chui cổ vào
trong khúc cây có một lỗ hổng không?
- Thật khó được vậy, bạch Thế
Tôn, con rùa mù ấy, sau mỗi trăm năm nổi lên một lần, có thể chui cổ vào trong
khúc cây có một lỗ hổng ấy!
4. - Thật khó được vậy, này
các Tỷ-kheo, là được làm người! Thật khó được vậy, này các Tỷ-kheo, là Như Lai
xuất hiện ở đời, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác! Thật khó được vậy, này các Tỷ-kheo,
là Pháp và Luật này do Như Lai thuyết giảng chiếu sáng trên đời.
5. Nhưng nay, này các Tỷ-kheo,
các ông đã được làm người, và Như Lai xuất hiện ở đời, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng
Giác. Và Pháp và Luật được Như Lai thuyết giảng chói sáng ở đời.
6. Do vậy, này các Tỷ-kheo, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây
là Khổ". Một sự cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Khổ tập".
Một sự cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Khổ diệt". Một sự cố
gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Con đường đưa đến khổ diệt".
---------------------
Ví dụ con Rùa mù còn được đề cập trong Kinh Hiền Ngu - Kinh Trung Bộ số 129
----Trích Kinh Hiền Ngu - TB129-----
Này các Tỷ-kheo, với rất nhiều pháp môn, Ta nói về các loại
bàng sanh, nhưng thật khó nói cho được đầy đủ, này các Tỷ-kheo, vì đau khổ ở
loài bàng sanh quá nhiều.
Ví
như, này các Tỷ-kheo, một người quăng một
khúc cây có một cái lỗ trên biển, một ngọn gió từ phương Đông thổi nó
trôi qua phía tây; một ngọn gió từ phương Tây thổi nó trôi qua phía đông; một
ngọn gió từ phương Bắc thổi nó trôi qua phía nam; một ngọn gió từ phương Nam thổi
nó trôi qua phía bắc. Rồi có một con
rùa mù, cứ một trăm năm mới trồi đầu lên một lần. Này các Tỷ-kheo, các
Ông nghĩ thế nào ? Con rùa mù ấy có thể đút cổ nó vào trong lỗ cây này được
không ?
– Nếu có được chăng nữa, bạch Thế Tôn, thời chỉ được
một lần, sau một thời gian rất lâu dài.
– Còn mau hơn, này các Tỷ-kheo,
con rùa mù ấy có thể chui cổ vào khúc cây có lỗ hổng kia; nhưng này các Tỷ-kheo,
Ta tuyên
bố rằng còn khó hơn được làm người trở lại, một khi người ngu bị rơi vào đọa xứ.
Vì sao vây ? Vì ở đấy,
này các Tỷ-kheo, không
có pháp hành, an tịnh hành, thiện hành, phước hành. Này các Tỷ-kheo,
ở đây chỉ có ăn lẫn nhau và ăn thịt kẻ yếu.
Và này các Tỷ-kheo, nếu
người ngu ấy sau một thời gian rất lâu dài, có được làm người trở lại, thời người
ấy sẽ sanh trong gia đình thấp hèn, trong gia đình hạ cấp, trong gia
đình kẻ đi săn, trong gia đình kẻ đan tre, trong gia đình người làm xe, hay
trong gia đình người đổ phân, trong những gia đình nghèo khốn, không đủ để uống hay để ăn, cho
đến miếng vải che lưng cũng khó tìm được. Lại nữa, người ấy thô xấu, khó nhìn, lùn thấp, hay bệnh,
mù hay có tật, què hay bị bại, người ấy không có thể được các đồ ăn, đồ uống, vải
xa, vòng hoa, hương liệu, giường nằm, chỗ trú xứ và ánh sáng. Người ấy
hành thân ác hành, khẩu ác hành, ý ác hành; vì hành thân ác hành, khẩu ác hành,
ý ác hành; sau khi thân hoại mạng chung, sinh ra trong cõi dữ, ác thú, đọa xứ,
Địa ngục.
Ví
như, này các Tỷ-kheo, một người đánh bạc, trong canh đổ bạc đầu tiên, mất con,
mất vợ, mất tất cả tài sản, lại cuối cùng phải tù tội. Nhưng này các Tỷ-kheo,
còn nhỏ bé canh đổ bạc ấy, do canh đổ bạc đầu tiên này, người ấy mất con, mất vợ,
mất tất cả tài sản, lại cuối cùng phải tù tội. Và canh bạc này to lớn hơn, với
canh bạc ấy người ngu, do thân ác hành, khẩu ác hành, ý ác hành, sau khi thân
hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, Địa ngục. Này các
Tỷ-kheo, đây là địa xứ hoàn toàn viên
mãn của kẻ ngu.
----hết trích----
No comments:
Post a Comment