NAMO TASSA BHAGAVATO ARAHATO SAMMASAMBUDDHASA

Chánh Pháp (Phật Pháp)

Chánh Pháp mà đức Thế Tôn đã khéo thuyết giảng"thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu".

Chánh Pháp ấy là Bốn Thánh Đế và sự tu tập chân chánh là sự thực hành con đường Thánh Đạo Tám Ngành (còn được gọi là: Bát Chánh Đạo, hay Bát Thánh Đạo): Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm và Chánh Định; y chỉ viễn ly, y chỉ ly tham, y chỉ đoạn diệt, y chỉ từ bỏ; là con đường duy nhất đưa đến đoạn tận Tham Sân Si, chấm dứt khổ đau, chấm dứt sanh tử luân hồi, chứng ngộ Niết Bàn.

Chúng ta hãy thường xuyên ôn tập và ghi nhớ lời dạy sau đây của đức Phật để tự nhắc mình luôn tinh tấn tu tập Thánh Đạo Tám Ngành:

  • "Vô thỉ là luân hồi này, này các Tỷ-kheo, khởi điểm không thể nêu rõ đối với sự lưu chuyển luân hồi của các chúng sanh bị vô minh che đậy, bị tham ái trói buộc".
  • "Này các Tỷ-kheo, do không giác ngộ, do không thông đạt Bốn Thánh Đế mà Ta và các Ông lâu ngày phải dong ruổi, lưu chuyển như thế này. Thế nào là bốn? Thánh đế về Khổ, Thánh đế về Khổ tập, Thánh đế về Khổ diệt, Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt".
  • "Này các Tỷ-kheo, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Khổ".
  • Một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Khổ tập".
  • Một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Khổ diệt".
  • Một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Con đường đưa đến Khổ diệt"".
  • "Này các Tỷ-kheo, Thánh đế về Khổ, cần phải liễu tri.
  • Thánh đế về Khổ tập cần phải đoạn tận.
  • Thánh đế về Khổ diệt cần phải chứng ngộ.
  • Thánh đế về Con đường đưa đến Khổ diệt cần phải tu tập".

(trích Kinh Tương Ưng Bộ)

--------------------------------------------------------------------------------------------------------

Popular Posts

Friday, August 1, 2014

Kinh Xan Tham

Xan Tham: Maccharīsuttaṃ (Kinh Tương Ưng Bộ - Tập 1)

1) Một thời Thế Tôn trú ơ Sàvatthi, Jetavana, tại vườn ông Anàthapindika.
2) Rồi rất nhiều quần tiên Satullapa, sau khi đêm đã gần mãn, với dung sắc thù thắng, chói sáng toàn vùng Jetavana, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên.

3) Đứng một bên, một vị Thiên nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:
Vì xan tham, phóng dật,
Như vậy không bố thí,
Ai ước mong công đức,
Có trí nên bố thí.

4) Rồi một vị Thiên khác nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:
Điều kẻ xan tham sợ,
Nên không dám bố thí,
Sợ ấy đến với họ,
Chính vì không bố thí.

Điều kẻ xan tham sợ,
Chính là đói và khát,
Kẻ ngu phải cảm thọ,
Đời này và đời sau.

Vậy hãy chế xan tham,
Bố thí, nhiếp cấu uế,
Chúng sanh vững an trú,
Công đức trong đời sau.

5) Rồi một vị Thiên khác nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:
Không chết giữa người chết,
Như thiện hữu trên đường,
San sẻ lương thực hiếm,
Thường pháp là như vậy.

Kẻ ít, vui san sẻ,
Kẻ nhiều, khó đem cho,
Bố thí từ kẻ khó,
Đong được ngàn đồng vàng.

6) Rồi một vị Thiên khác nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:
Khó thay sự đem cho,
Khó thay làm hạnh ấy.
Kẻ ác khó tùy thuận,
Khó thay pháp bậc lành.

Do vậy kẻ hiền, ác,
Sanh thú phải sai khác,
Kẻ ác sanh địa ngục,
Người lành lên cõi trời.

7) Rồi một vị Thiên khác bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, trong tất cả vị ấy, vị nào đã nói một cách tốt đẹp?
Về vấn đề này, tất cả các Ông đã nói một cách tốt đẹp. Tuy vậy hãy nghe Ta:
Sở hành vẫn chơn chánh,
Dầu phải sống vụn vặt,
Dầu phải nuôi vợ con,
Với đồ ăn lượm lặt,
Nhưng vẫn bố thí được,
Từ vật chứa ít ỏi,
Từ ngàn người bố thí,
Từ trăm ngàn vật cho,
Trị giá không ngang bằng,
Kẻ bố thí như vậy.

8) Rồi một vị Thiên khác nói lên bài kệ này với Thế Tôn:

Vì sao họ bố thí,
Rộng lớn nhiều như vậy,
Trị giá không ngang bằng,
Kẻ nghèo, chơn bố thí?
Sao ngàn người bố thí,
Từ trăm ngàn vật cho,
Trị giá không ngang bằng,
Kẻ bố thí như vậy?

9) Rồi Thế Tôn nói lên bài kệ này với vị Thiên ấy:
Có những người bố thí,
Một cách bất bình thường,
Sau khi chém và giết,
Mới làm vơi nỗi sầu.
Sự bố thí như vậy,
Đầy nước mắt đánh đập,
Trị giá không ngang bằng,
Kẻ nghèo, chơn bố thí.
Từ ngàn người bố thí,
Từ trăm ngàn vật cho,
Trị giá không ngang bằng,
Kẻ bố thí như vậy.



No comments: