NAMO TASSA BHAGAVATO ARAHATO SAMMASAMBUDDHASA

Chánh Pháp (Phật Pháp)

Chánh Pháp mà đức Thế Tôn đã khéo thuyết giảng"thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu".

Chánh Pháp ấy là Bốn Thánh Đế và sự tu tập chân chánh là sự thực hành con đường Thánh Đạo Tám Ngành (còn được gọi là: Bát Chánh Đạo, hay Bát Thánh Đạo): Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm và Chánh Định; y chỉ viễn ly, y chỉ ly tham, y chỉ đoạn diệt, y chỉ từ bỏ; là con đường duy nhất đưa đến đoạn tận Tham Sân Si, chấm dứt khổ đau, chấm dứt sanh tử luân hồi, chứng ngộ Niết Bàn.

Chúng ta hãy thường xuyên ôn tập và ghi nhớ lời dạy sau đây của đức Phật để tự nhắc mình luôn tinh tấn tu tập Thánh Đạo Tám Ngành:

  • "Vô thỉ là luân hồi này, này các Tỷ-kheo, khởi điểm không thể nêu rõ đối với sự lưu chuyển luân hồi của các chúng sanh bị vô minh che đậy, bị tham ái trói buộc".
  • "Này các Tỷ-kheo, do không giác ngộ, do không thông đạt Bốn Thánh Đế mà Ta và các Ông lâu ngày phải dong ruổi, lưu chuyển như thế này. Thế nào là bốn? Thánh đế về Khổ, Thánh đế về Khổ tập, Thánh đế về Khổ diệt, Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt".
  • "Này các Tỷ-kheo, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Khổ".
  • Một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Khổ tập".
  • Một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Khổ diệt".
  • Một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Con đường đưa đến Khổ diệt"".
  • "Này các Tỷ-kheo, Thánh đế về Khổ, cần phải liễu tri.
  • Thánh đế về Khổ tập cần phải đoạn tận.
  • Thánh đế về Khổ diệt cần phải chứng ngộ.
  • Thánh đế về Con đường đưa đến Khổ diệt cần phải tu tập".

(trích Kinh Tương Ưng Bộ)

--------------------------------------------------------------------------------------------------------

Popular Posts

Sunday, August 10, 2014

Kinh Trú Xứ Tỷ-kheo-ni (tu tập có hướng tâm và tu tập không có hướng tâm)

4.  Ba điều quan trọng cần lưu ý khi tu  tập Bốn Niệm Xứ


4.2     Cần biết tu tập về Hướng Tâm và tu tập Không Hướng Tâm

47. 1. 10) Kinh Trú Xứ Tỷ-kheo-ni: Bhikkhunūpassayasuttaṃ (1188 - Kinh Tương Ưng)

1. Tại Sāvatthī.
2. Rồi Tôn-giả Ānanda, vào buổi sáng, đắp y, cầm y bát đi đến một trú xứ của Tỷ-kheo-ni; sau khi đến, ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn.
3. Rồi một số đông Tỷ-kheo-ni đến Tôn-giả Ānanda; sau khi đến, đảnh lễ Tôn-giả Ānanda rồi ngồi xuống một bên. Ngồi một bên, các Tỷ-kheo-ni ấy thưa với Tôn-giả Ānanda:
- Ở đây, bạch Thượng Tọa Ānanda, một số đông Tỷ-kheo-ni sống khéo an trú tâm trên Bốn niệm xứ, đạt được sự rõ biết (sampajānanti) quảng đại, trước sau thù thắng.
- Như vậy là phải, này các đại tỷ! Như vậy là phải, này các đại tỷ! Này các đại tỷ, Tỷ-kheo hay Tỷ-kheo-ni nào sống với tâm khéo an trú trong Bốn niệm xứ, vị ấy được chờ đợi sẽ đạt được sự rõ biết quảng đại, trước sau thù thắng.
4. Rồi Tôn-giả Ānanda với bài pháp thoại, sau khi tuyên thuyết cho các Tỷ-kheo-ni ấy, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi.
5. Rồi Tôn-giả Ānanda sau khi đi khất thực ở Sāvatthī, sau buổi ăn, trên con đường khất thực trở về, đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên. Ngồi một bên, Tôn-giả Ānanda bạch Thế Tôn:
- Ở đây, bạch Thế Tôn, con, vào buổi sáng, đắp y, cầm y bát đi đến một trú xứ của Tỷ-kheo-ni, sau khi đến, con ngồi trên chỗ đã soạn sẵn. Rồi, bạch Thế Tôn, một số đông Tỷ-kheo-ni đi đến con, sau khi đến, đảnh lễ con rồi ngồi xuống một bên. Ngồi một bên, bạch Thế Tôn, các Tỷ-kheo-ni ấy thưa với con: "Ở đây, bạch Thượng Tọa Ānanda, một số đông Tỷ-kheo-ni sống khéo an trú tâm trên Bốn niệm xứ, đạt được sự rõ biết quảng đại, trước sau thù thắng". Khi được nói vậy, bạch Thế Tôn, con nói với các Tỷ-kheo-ni ấy: "Như vậy là phải, này các đại tỷ! Như vậy là phải, này các đại tỷ! này các đại tỷ, Tỷ-kheo hay Tỷ-kheo-ni nào sống với tâm khéo an trú trong Bốn niệm xứ, vị ấy được chờ đợi sẽ đạt được sự rõ biết quảng đại, trước sau thù thắng".
6. - Như vậy là phải, này Ānanda! Như vậy là phải, này Ānanda! Này Ānanda, Tỷ-kheo hay Tỷ-kheo-ni nào sống với tâm khéo an trú trên Bốn niệm xứ, vị ấy được chờ đợi sẽ đạt được sự rõ biết quảng đại, trước sau thù thắng. Thế nào là bốn?
7. Ở đây, này Ānanda, Tỷ-kheo sống, quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, Chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Vị ấy trú, quán thân trên thân, hoặc thân sở duyên (kāyārammaṇo) khởi lên, hoặc thân nhiệt não (kāyasmiṃ pariḷāho), hoặc tâm thụ động, hoặc tâm phân tán, hướng ngoại (bahiddhā vā cittaṃ vikkhipati); do vậy, này Ānanda, Tỷ-kheo cần phải hướng tâm đến một tướng tịnh tín (pasādanīye nimitte). Do vị ấy hướng tâm đến một tướng tịnh tín, hân hoan (pāmojjaṃ: thắng hỷ) sanh. Người có tâm hân hoan, hỷ sanh. Người có tâm hỷ, thân được khinh an. Người có thân khinh an, lạc thọ sanh. Người có lạc thọ, tâm được định tĩnh. Vị ấy tư sát như sau: "Mục đích mà ta hướng tâm đến, mục đích ấy đã đạt được. Nay ta rút lui (paṭisaṃharāmī) (khỏi đối tượng tịnh tín)". Vị ấy rút lui, không tầm, không tứ. Vị ấy rõ biết: "Không tầm, không tứ, nội tâm Chánh niệm, ta được an lạc".
8. Lại nữa, này Ānanda, Tỷ-kheo sống, quán thọ trên các thọ, nhiệt tâm, tỉnh giác, Chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Vị ấy trú, quán thọ trên các thọ, hoặc thọ sở duyên khởi lên, hoặc thân nhiệt não, hoặc tâm thụ động, hoặc tâm phân tán, hướng ngoại; do vậy, này Ānanda, Tỷ-kheo cần phải hướng tâm đến một tướng tịnh tín. Do vị ấy hướng tâm đến một tướng tịnh tín, hân hoan sanh. Người có tâm hân hoan, hỷ sanh. Người có tâm hỷ, thân được khinh an. Người có thân khinh an, lạc thọ sanh. Người có lạc thọ, tâm được định tĩnh. Vị ấy tư sát như sau: "Mục đích mà ta hướng tâm đến, mục đích ấy đã đạt được. Nay ta rút lui (khỏi đối tượng tịnh tín)". Vị ấy rút lui, không tầm, không tứ. Vị ấy rõ biết: "Không tầm, không tứ, nội tâm Chánh niệm, ta được an lạc".
9. Lại nữa, này Ānanda, Tỷ-kheo sống, quán tâm trên tâm, nhiệt tâm, tỉnh giác, Chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Vị ấy trú, quán tâm trên tâm, hoặc tâm sở duyên khởi lên, hoặc thân nhiệt não, hoặc tâm thụ động, hoặc tâm phân tán, hướng ngoại; do vậy, này Ānanda, Tỷ-kheo cần phải hướng tâm đến một tướng tịnh tín. Do vị ấy hướng tâm đến một tướng tịnh tín, hân hoan sanh. Người có tâm hân hoan, hỷ sanh. Người có tâm hỷ, thân được khinh an. Người có thân khinh an, lạc thọ sanh. Người có lạc thọ, tâm được định tĩnh. Vị ấy tư sát như sau: "Mục đích mà ta hướng tâm đến, mục đích ấy đã đạt được. Nay ta rút lui (khỏi đối tượng tịnh tín)". Vị ấy rút lui, không tầm, không tứ. Vị ấy rõ biết: "Không tầm, không tứ, nội tâm Chánh niệm, ta được an lạc".
10. Vị ấy sống, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, Chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Vị ấy trú, quán pháp trên các pháp, hoặc pháp sở duyên khởi lên, hoặc thân nhiệt não, hoặc tâm thụ động, hoặc tâm phân tán, hướng ngoại; do vậy, này Ānanda, Tỷ-kheo cần phải hướng tâm đến một tướng tịnh tín. Do vị ấy hướng tâm đến một tướng tịnh tín, hân hoan sanh. Người có tâm hân hoan, hỷ sanh. Người có tâm hỷ, thân được khinh an. Người có thân khinh an, lạc thọ sanh. Người có lạc thọ, tâm được định tĩnh. Vị ấy tư sát như sau: "Mục đích mà ta hướng tâm đến, mục đích ấy đã đạt được. Nay ta rút lui (khỏi đối tượng tướng tịnh tín)". Vị ấy rút lui, không tầm, không tứ. Vị ấy rõ biết: "Không tầm, không tứ, nội tâm Chánh niệm, ta được an lạc".
11. Như vậy, này Ānanda, là sự tu tập về hướng tâm.
12. Và này Ānanda, thế nào là sự tu tập không có hướng tâm?
13. Này Ānanda, Tỷ-kheo tâm không hướng ngoại, rõ biết: "Tâm ta không hướng ngoại". Rồi vị ấy rõ biết: "Tâm ta không chấp thủ đối với cái gì ở trước, hay cái gì ở sau (pacchāpure), nhưng được giải thoát, không có hướng tâm". Rồi vị ấy rõ biết: "Ta trú, quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, Chánh niệm, ta được an lạc".
14. Này Ānanda, Tỷ-kheo tâm không hướng ngoại, rõ biết: "Tâm ta không hướng ngoại". Rồi vị ấy rõ biết: "Tâm ta không chấp thủ đối với cái gì ở trước, hay cái gì ở sau, nhưng được giải thoát, không có hướng tâm". Rồi vị ấy rõ biết: "Ta trú, quán thọ trên các thọ, nhiệt tâm, tỉnh giác, Chánh niệm, ta được an lạc".
15. Này Ānanda, Tỷ-kheo tâm không hướng ngoại, rõ biết: "Tâm ta không hướng ngoại". Rồi vị ấy rõ biết: "Tâm ta không chấp thủ đối với cái gì ở trước, hay cái gì ở sau, nhưng được giải thoát, không có hướng tâm". Rồi vị ấy rõ biết: "Ta trú, quán tâm trên tâm, nhiệt tâm, tỉnh giác, Chánh niệm, ta được an lạc".
16. Này Ānanda, Tỷ-kheo tâm không hướng ngoại, rõ biết: "Tâm ta không hướng ngoại". Rồi vị ấy rõ biết: "Tâm ta không chấp thủ đối với cái gì ở trước, hay cái gì ở sau, nhưng được giải thoát, không có hướng tâm". Rồi vị ấy rõ biết: "Ta trú, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, Chánh niệm, ta được an lạc".
17. Như vậy, này Ānanda, là tu tập không có hướng tâm.
18. Như vậy, này Ānanda, Ta thuyết tu tập có hướng tâm; Ta thuyết tu tập không có hướng tâm. Những gì, này Ānanda, một bậc Ðạo Sư cần phải làm vì hạnh phúc, vì lòng thương tưởng đối với các đệ tử, vì lòng từ mẫn khởi lên, những việc ấy, Ta đã làm cho các ông. Này Ānanda, đây là những gốc cây. Ðây là những nhà trống. Hãy tu Thiền, này Ānanda. Chớ có phóng dật. Chớ có hối hận về sau. Ðây là lời giáo giới của Ta cho các ông.
19. Thế Tôn thuyết giảng như vậy, Tôn-giả Ānanda hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy.

No comments: