(3. 2. 2. 9) Các Căn Bản Bất
Thiện: Akusalamūlasuttaṃ (1463) - KTC
1. - Này các
Tỷ-kheo, có ba căn bản bất thiện này. Thế nào là ba? Tham là căn bản bất thiện, sân là căn bản bất thiện, si là
căn bản bất thiện.
2. Cái gì là tham, này các Tỷ-kheo, cái ấy bất thiện. Ai với lòng tham có làm gì về thân, về lời, về
ý, cái ấy bất thiện. Với ai có lòng tham, bị lòng tham chinh phục, tâm không được tự chủ, vu
cáo làm người khác đau khổ, bằng cách sát hại, trói buộc, tịch thu tài sản,
mắng nhiếc hay tẩn xuất, dựa trên: "Ta là sức mạnh, ta có sức mạnh",
cái ấy là bất thiện. Như vậy, rất nhiều ác bất thiện pháp này sanh từ tham, duyên khởi từ
tham, tập khởi từ tham, khởi lên nơi người ấy.
3. Cái gì là sân,
này các Tỷ-kheo, cái ấy bất thiện. Ai với lòng sân có làm gì về thân, về lời,
về ý, cái ấy bất thiện. Với ai có lòng sân, bị lòng sân chinh phục, tâm không
được tự chủ, vu cáo làm người khác đau khổ, bằng cách sát hại, trói buộc, tịch
thu tài sản, mắng nhiếc hay tẩn xuất, dựa trên: "Ta là sức mạnh, ta có sức
mạnh", cái ấy là bất thiện. Như vậy, rất nhiều ác bất thiện pháp này sanh
từ sân, duyên khởi từ sân, tập khởi từ sân, khởi lên nơi người ấy.
4. Cái gì là si, này các
Tỷ-kheo, cái ấy bất thiện. Ai với lòng si có làm gì về thân, về lời, về ý, cái
ấy bất thiện. Với ai có lòng si, bị lòng si chinh phục, tâm không được tự chủ,
vu cáo làm người khác đau khổ, bằng cách sát hại, trói buộc, tịch thu tài sản,
mắng nhiếc hay tẩn xuất, dựa trên: "Ta là sức mạnh, ta có sức mạnh",
cái ấy là bất thiện. Như vậy, rất nhiều ác bất thiện pháp này sanh từ si, duyên
khởi từ si, tập khởi từ si, khởi lên nơi người ấy.
5. Như vậy, này các Tỷ-kheo, người này được gọi
là người nói phi thời, nói không thực, nói không trúng đích, nói phi pháp, nói
phi luật. Vì sao người như vậy, này các Tỷ-kheo,
được gọi là người nói phi thời, nói không thực, nói không trúng đích, nói phi
pháp, nói phi luật? Như vầy là vì người này, này các Tỷ-kheo, đã vu cáo làm
người khác đau khổ, bằng cách sát hại, trói buộc, tịch thu tài sản, mắng nhiếc
hay tẩn xuất, dựa trên: "Ta là sức mạnh, ta có sức mạnh". Khi được
đối chất với sự thật, người ấy phủ nhận, không có chấp nhận, khi được đối chất
với sự không thật, người ấy không có nhiệt tình thoát mở ra ngoài, nói rằng:
"Ðây là không chân, đây là không thực". Cho nên, người như vậy được
gọi là người nói phi thời, nói không thực, nói không trúng đích, nói phi pháp,
nói phi luật.
Người như vậy,
này các Tỷ-kheo, bị
các ác bất thiện pháp do tham
sanh nhiếp phục, tâm mất tự chủ, ngay trong hiện tại sống đau khổ
với sự tổn não, với sự ưu não, với sự nhiệt não, sau khi thân hoại mạng chung,
được chờ đợi là ác thú. Người như vậy, này các Tỷ-kheo, bị các ác bất thiện pháp do sân sanh nhiếp phục,
tâm mất sự tự chủ, ngay trong hiện tại sống đau khổ với sự tổn não, với sự ưu
não, với sự nhiệt não, sau khi thân hoại mạng chung, được chờ đợi là ác thú.
Người như vậy, này các Tỷ-kheo, bị các ác bất thiện pháp do si sanh nhiếp phục, tâm mất tự chủ, ngay trong
hiện tại sống đau khổ với sự tổn não, với sự ưu não, với sự nhiệt não, sau khi
thân hoại mạng chung, được chờ đợi là ác thú.
6. Ví như này
các Tỷ-kheo, cây Sāla hay cây Dhava hay cây Phandana bị phá hoại, bị bao trùm bởi ba loại tầm gởi, đi đến tổn hại, đi đến
bất hạnh, đi đến tổn hại, và bất hạnh.
Cũng vậy, này
các Tỷ-kheo, người như vậy, này các Tỷ-kheo, bị các ác bất thiện pháp do tham
sanh nhiếp phục, tâm mất tự chủ, ngay trong hiện tại sống đau khổ với sự tổn
não, với sự ưu não, với sự nhiệt não, sau khi thân hoại mạng chung, được chờ
đợi là ác thú. Người như vậy, này các Tỷ-kheo, bị các ác bất thiện pháp do sân
sanh nhiếp phục, tâm mất sự tự chủ, ngay trong hiện tại sống đau khổ với sự tổn
não, với sự ưu não, với sự nhiệt não, sau khi thân hoại mạng chung, được chờ
đợi là ác thú. Người như vậy, này các Tỷ-kheo, bị các ác bất thiện pháp do si
sanh nhiếp phục, tâm mất tự chủ, ngay trong hiện tại sống đau khổ với sự tổn
não, với sự ưu não, với sự nhiệt não, sau khi thân hoại mạng chung, được chờ
đợi là ác thú.
Những pháp này,
này các Tỷ-kheo, là ba căn bản bất thiện.
7. Có ba căn bản của thiện, này các Tỷ-kheo. Thế
nào là ba? Không tham là căn bản của thiện, không
sân là căn bản của thiện, không si là
căn bản của thiện.
8. Cái gì là
không tham, này các Tỷ-kheo, cái ấy thiện. Ai với lòng không tham có làm gì về
thân, về lời, về ý, cái ấy thiện. Ai không có lòng tham, không bị lòng tham
chinh phục, tâm được tự chủ, không vu cáo làm người khác đau khổ, bằng cách sát
hại, trói buộc, tịch thu tài sản, mắng nhiếc hay tẩn xuất, dựa trên: "Ta
là sức mạnh, ta có sức mạnh", cái ấy là thiện. Như vậy, rất nhiều thiện
pháp này sanh từ không tham, duyên khởi từ không tham, tập khởi từ không tham,
khởi lên nơi người ấy.
9. Cái gì là
không sân, này các Tỷ-kheo, cái ấy thiện. Ai với lòng không sân có làm gì về
thân, về lời, về ý, cái ấy thiện. Với ai không có lòng sân, không bị lòng sân
chinh phục, tâm được tự chủ, không vu cáo làm người khác đau khổ, bằng cách sát
hại, trói buộc, tịch thu tài sản, mắng nhiếc hay tẩn xuất, dựa trên: "Ta
là sức mạnh, ta có sức mạnh", cái ấy là thiện. Như vậy, rất nhiều thiện
pháp này sanh từ không sân, duyên khởi từ không sân, tập khởi từ không sân,
khởi lên nơi người ấy.
10. Cái gì là
không si, này các Tỷ-kheo, cái ấy là thiện. Ai với lòng không si có làm gì về
thân, về lời, về ý, cái ấy thiện. Với ai không có lòng si, không bị lòng si
chinh phục, tâm được tự chủ, không vu cáo làm người khác đau khổ, bằng cách sát
hại, trói buộc, tịch thu tài sản, mắng nhiếc hay tẩn xuất, dựa trên: "Ta
là sức mạnh, ta có sức mạnh", cái ấy là thiện. Như vậy, rất nhiều thiện
pháp này sanh ra từ không si, duyên khởi từ không si, tập khởi từ không si,
khởi lên nơi người ấy.
11. Như vậy,
này các Tỷ-kheo, người
này được gọi là người nói đúng thời, nói thực, nói trúng đích, nói đúng pháp,
nói đúng luật. Vì sao người như vậy,
này các Tỷ-kheo, được gọi là người nói đúng thời, nói thực, nói trúng đích, nói
đúng pháp, nói đúng luật? Như vầy là vì người này, này các Tỷ-kheo, đã không vu
cáo làm người khác đau khổ, bằng cách sát hại, trói buộc, tịch thu tài sản,
mắng nhiếc hay tẩn xuất, dựa trên: "Ta là sức mạnh, ta có sức mạnh". Khi
được đối chất với sự thật, người ấy chấp nhận, không có phủ nhận, khi được đối
chất với sự không thật, người ấy nhiệt tình thoát mở ra ngoài, nói rằng:
"Ðây là chân, đây là thực". Cho nên, người như vậy được gọi là người
nói đúng thời, nói thực, nói trúng đích, nói đúng pháp, nói đúng luật.
Người như vậy,
này các Tỷ-kheo, đoạn
tận các ác bất thiện do tham sanh, cắt đứt từ gốc rễ, làm cho như thân cây
Tāla, làm cho không hiện hữu, làm cho không thể sanh khởi trong tương lai, ngay
trong hiện tại sống an lạc, không có tổn não, không có ưu não, không có nhiệt
não, sau khi thân hoại mạng chung, ngay trong hiện tại được Bát-Niết-bàn.
Người như vậy, này các Tỷ-kheo, đoạn tận các ác
bất thiện do sân sanh, cắt đứt từ gốc rễ, làm cho như thân
cây Tāla, làm cho không hiện hữu, làm cho không thể sanh khởi trong tương lai,
ngay trong hiện tại sống an lạc, không có tổn não, không có ưu não, không có
nhiệt não, sau khi thân hoại mạng chung, ngay trong hiện tại được Bát-Niết-bàn.
Người như vậy, này các Tỷ-kheo, đoạn tận các ác bất thiện do si sanh, cắt đứt
từ gốc rễ, làm cho như thân cây Tāla, làm cho không hiện hữu, làm cho không thể
sanh khởi trong tương lai, ngay trong hiện tại sống an lạc, không có tổn não,
không có ưu não, không có nhiệt não, sau khi thân hoại mạng chung, ngay trong
hiện tại được Bát-Niết-bàn.
12. Ví như, này
các Tỷ-kheo, cây Sāla hay cây Dhava, cây Phandana, bị ba cây tầm gởi phá hoại
bao trùm. Rồi có người đi đến, cầm cuốc và thúng. Người ấy chặt đứt rễ cây tầm gởi ấy, sau khi
chặt đứt rễ, người ấy đào mương. Ðào mương xong, người ấy nhổ các rễ lên, nhổ
cho đến các rễ nhỏ, rễ có mùi thơm (Usīra). Rồi người ấy chặt cây tầm gởi thành
từng khúc nhỏ, bửa và chẻ thành từng mảnh nhỏ, người ấy đem phơi giữa gió và
mặt trời. Sau khi phơi giữa gió và mặt trời, người ấy lấy lửa đốt, làm thành
một đống tro, và quạt chúng ra giữa gió lớn, hay đổ chúng xuống dòng nước chảy
nhanh. Như vậy, này các Tỷ-kheo,
các cây tầm gởi ấy, bị cắt đứt gốc từ rễ, bị làm cho như thân cây Tāla, làm cho không
hiện hữu, làm cho không thể sanh khởi trong tương lai.
Cũng vậy, này
các Tỷ-kheo, người như vậy, này các Tỷ-kheo, đoạn tận các ác bất thiện do tham
sanh, cắt đứt từ gốc rễ, làm cho như thân cây Tāla, làm cho không hiện hữu, làm
cho không thể sanh khởi trong tương lai, ngay trong hiện tại sống an lạc, không
có tổn não, không có ưu não, không có nhiệt não, sau khi thân hoại mạng chung,
ngay trong hiện tại được Bát-Niết-bàn. Người như vậy, này các Tỷ-kheo, đoạn tận
các ác bất thiện do sân sanh, cắt đứt từ gốc rễ, làm cho như thân cây Tāla, làm
cho không hiện hữu, làm cho không thể sanh khởi trong tương lai, ngay trong
hiện tại sống an lạc, không có tổn não, không có ưu não, không có nhiệt não,
sau khi thân hoại mạng chung, ngay trong hiện tại được Bát-Niết-bàn. Người như
vậy, này các Tỷ-kheo, đoạn tận các ác bất thiện do si sanh, cắt đứt từ gốc rễ,
làm cho như thân cây Tāla, làm cho không hiện hữu, làm cho không thể sanh khởi
trong tương lai, ngay trong hiện tại sống an lạc, không có tổn não, không có ưu
não, không có nhiệt não, sau khi thân hoại mạng chung, ngay trong hiện tại được
Bát-Niết-bàn.
Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là ba căn bản của
thiện.
No comments:
Post a Comment