NAMO TASSA BHAGAVATO ARAHATO SAMMASAMBUDDHASA

Chánh Pháp (Phật Pháp)

Chánh Pháp mà đức Thế Tôn đã khéo thuyết giảng"thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu".

Chánh Pháp ấy là Bốn Thánh Đế và sự tu tập chân chánh là sự thực hành con đường Thánh Đạo Tám Ngành (còn được gọi là: Bát Chánh Đạo, hay Bát Thánh Đạo): Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm và Chánh Định; y chỉ viễn ly, y chỉ ly tham, y chỉ đoạn diệt, y chỉ từ bỏ; là con đường duy nhất đưa đến đoạn tận Tham Sân Si, chấm dứt khổ đau, chấm dứt sanh tử luân hồi, chứng ngộ Niết Bàn.

Chúng ta hãy thường xuyên ôn tập và ghi nhớ lời dạy sau đây của đức Phật để tự nhắc mình luôn tinh tấn tu tập Thánh Đạo Tám Ngành:

  • "Vô thỉ là luân hồi này, này các Tỷ-kheo, khởi điểm không thể nêu rõ đối với sự lưu chuyển luân hồi của các chúng sanh bị vô minh che đậy, bị tham ái trói buộc".
  • "Này các Tỷ-kheo, do không giác ngộ, do không thông đạt Bốn Thánh Đế mà Ta và các Ông lâu ngày phải dong ruổi, lưu chuyển như thế này. Thế nào là bốn? Thánh đế về Khổ, Thánh đế về Khổ tập, Thánh đế về Khổ diệt, Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt".
  • "Này các Tỷ-kheo, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Khổ".
  • Một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Khổ tập".
  • Một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Khổ diệt".
  • Một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Con đường đưa đến Khổ diệt"".
  • "Này các Tỷ-kheo, Thánh đế về Khổ, cần phải liễu tri.
  • Thánh đế về Khổ tập cần phải đoạn tận.
  • Thánh đế về Khổ diệt cần phải chứng ngộ.
  • Thánh đế về Con đường đưa đến Khổ diệt cần phải tu tập".

(trích Kinh Tương Ưng Bộ)

--------------------------------------------------------------------------------------------------------

Popular Posts

Tuesday, October 21, 2014

2.1. Kinh Dhammika, Tiểu Bộ -Kinh Tập (Sn II, 14)

2.1      Kinh Dhammika, Tiểu Bộ -Kinh Tập (Sn II, 14)

Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sāvatthī, tại Jetavana, trong khu vườn ông Anāthapiṇḍika. Rồi nam cư-sĩ Dhammika đi đến Thế Tôn với năm trăm nam cư-sĩ, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, nam cư-sĩ Dhammika nói lên những bài kệ với Thế Tôn:
Dhammika:
376. Kính thưa Gotama,
Bậc trí tuệ rộng lớn,
Con xin kính hỏi Ngài,
Vấn đề đặc biệt này:
Với vị đệ tử Ngài,
Làm thế nào là thiện?
Nếu là vị xuất gia,
Bỏ nhà, sống không nhà,
Hay là vị có nhà,
Sống đời nam cư-sĩ?
377. Ngài rõ biết đường đi,
Cùng mục đích tối hậu,
Của Thế Tôn, đời này,
Và thế giới chư thiên,
Không ai sánh bằng Ngài,
Bậc thấy nghĩa thù diệu,
Chính Ngài được tôn xưng,
Là đức Phật thù thắng.
378. Ngài biết tất cả trí,
Ngài trình bày Chánh Pháp,
Vì lòng thương, từ mẫn,
Ðối với mọi chúng sanh,
Ngài mở rộng bức màn,
Bậc có mắt mọi nơi,
Không cấu uế, thanh tịnh,
Ngài chói toàn thế giới.
379. Vị vua loài Nāgā,
Tên Erāvaṇo,
Ðã đến gần bên Ngài,
Ðược nghe: Ngài chiến thắng,
Vị ấy tìm đến Ngài,
Ðể nghe lời khuyên nhủ,
Sau khi nghe, thích thú,
Nói lên lời: " Lành thay!"
380. Vua Vessavaṇa,
Kuvera đến Ngài,
Tìm hiểu hỏi han Ngài,
Về vấn đề diệu Pháp,
Ðược hỏi, ôi bậc trí,
Hãy nói lên cho vua,
Sau khi nghe, vị ấy,
Cũng thích thú, ưa thích.
381. Các bậc ngoại đạo này,
Ưa luận tranh khẩu chiến,
Các tà mạng ngoại đạo,
Hay các Ni-kiền Tử,
Tất cả không vượt qua,
Hơn thắng trí của Ngài,
Như người đang đứng lại,
Không thắng kẻ đi mau.
382. Các Bà-la-môn này,
Ưa luận tranh khẩu chiến,
Có những bậc Phạm-chí,
Ðã đến tuổi trưởng thượng,
Tất cả đều trói buộc,
Bởi tư tưởng của Ngài,
Kể cả những hạng người,
Tự phụ, nói khoe khoang.
383. Pháp này là tế nhị,
Ðem lại nguồn an lạc,
Ðã được bậc Thế Tôn,
Khéo nói, khéo thuyết giảng,
Tất cả mọi hạng người,
Ðều thích thú, ưa nghe,
Ðược hỏi, hãy nói lên,
Ôi đức Phật tối thượng.
384. Các vị Tỷ-kheo này,
Ðang ngồi đây tất cả,
Kể cả nam cư-sĩ,
Tất cả đều chờ nghe,
Hãy để họ nghe Pháp,
Bậc Vô uế Giác-ngộ,
Như chư Thiên nghe lời,
Vāsava khéo nói.
Thế Tôn:
385. Tỷ-kheo, hãy nghe Ta,
Ta khiến các Thầy nghe,
Pháp đoạn trừ điều ác,
Tất cả hãy trọ trì,
Với ai thấy ý nghĩa,
Nghĩ ngợi, có suy tư,
Hãy sống theo chánh hạnh,
Thích hợp với xuất gia.
386. Tỷ-kheo chớ ra ngoài,
Trong thời gian phi thời,
Hãy vào làng khất thực,
Ðúng thời, thì hãy đi,
Ai đi đứng phi thời,
Bị bẫy sập trói buộc,
Do vậy các đức Phật,
Không có đi phi thời.
387. Các sắc và các tiếng,
Các vị, hương và xúc,
Chính những loại Pháp ấy,
Làm mê hoặc chúng sanh,
Hãy nhiếp phục lòng dục,
Ðối với các Pháp ấy,
Hãy vào cho đúng thời,
Ðể dùng buổi ăn sáng.
388. Tỷ-kheo được đúng thời,
Các đồ ăn khất thực,
Hãy đi về một mình,
Ngồi tại chỗ an tịnh,
Suy tư hướng nội tâm,
Ý không chạy ra ngoài,
Làm cho thoát ra khỏi,
Mọi chấp thủ tự ngã.
389. Nếu vị ấy có nói,
Với một vị đệ tử,
Hay nói với một vị,
Một Tỷ-kheo nào khác,
Hãy nói cho vị ấy,
Sự thù diệu Chánh Pháp,
Không có nói hai lưỡi,
Không bài xích một ai.
390. Nhưng có những hạng người,
Dùng khẩu chiến bằng lời,
Những hạng người tuệ nhỏ,
Chúng ta không tán thán,
Triền phược trói buộc họ,
Từ chỗ này, chỗ kia,
Ở đây họ dẫn tâm,
Ðưa tâm đi quá xa.
391. Ðồ khất thực, tịnh-xá,
Cùng sàng tọa, trú xứ,
Nước để trừ bụi nhớp,
Y áo Tăng-già-lê,
Sau khi nghe Chánh Pháp,
Do Thiện Thệ thuyết giảng,
Bậc đệ tử thắng tuệ,
Quán sát, hãy dùng chúng.
392. Do vậy đồ khất thực,
Sàng tọa và trú xứ,
Nước để trừ bụi nhớp,
Y áo Tăng-già-lê,
Ðối với những Pháp ấy,
Ðừng để cho dính nhiễm,
Tỷ-kheo như giọt nước,
Không dính trên lá sen.
393. Trách nhiệm của gia chủ,
Ta cũng nói các Ông,
Làm theo đúng như vậy,
Ðệ tử là tốt lành,
Pháp Tỷ-kheo toàn diện,
Khó thành tựu đầy đủ,
Vì là người gia chủ,
Phải làm nhiều việc đời.
394. Chớ giết loài hữu tình,
Chớ bảo người giết hại,
Hay chấp nhận kẻ khác,
Giết hại các hữu tình,
Ðối với mọi sanh loại,
Từ bỏ các hành phạt,
Ðối với kẻ mạnh bạo,
Như đối kẻ run sợ.
385. Rồi hãy quyết từ bỏ,
Lấy của không được cho,
Ðệ tử khéo sáng suốt,
Vật gì, vật của ai,
Chớ khiến người khác lấy,
Chớ chấp nhận lấy trộm,
Hãy từ bỏ, chấm dứt,
Mọi của cải không cho.
396. Hãy từ bỏ, tránh xa,
Ðời sống phi Phạm-hạnh,
Như bậc trí tránh né,
Lửa cháy hố than hừng,
Nếu tự mình bất lực,
Không thể sống Phạm-hạnh,
Thời chớ có xâm phạm,
Vợ của các người khác.
397. Khi đi đến hội chúng,
Hay đi đến đoàn chúng,
Hay một mình một người,
Chớ nói lời nói láo,
Chớ khiến người nói láo,
Chớ chấp nhận nói láo,
Tất cả điều không thật,
Hãy tránh xa, từ bỏ.
398. Chớ sống theo nếp sống,
Uống rượu và say rượu,
Với vị là cư-sĩ,
Ðã chấp nhận Pháp này,
Chớ khiến người uống rượu,
Chớ chấp thuận uống rượu,
Sau khi biết uống rượu,
Cuối đường là điên cuồng.
399. Chỉ kẻ ngu say rượu,
Mới làm các điều ác,
Và khiến các người khác,
Sống buông lung, phóng dật,
Hãy từ bỏ, tránh xa,
Xứ phi công đức này,
Khiến điên cuồng, si mê,
Làm kẻ ngu thỏa thích.
400. Chớ có giết hữu tình,
Chớ lấy của không cho,
Chớ nói láo không thật,
Chớ uống rượu say mê,
Từ bỏ phi Phạm-hạnh,
Không hành trì dâm dục,
Không có ăn ban đêm,
Không ăn lúc phi thời.
401. Chớ mang các vòng hoa,
Chớ dùng các nước thơm,
Hãy nằm trên mặt đất,
Trên thảm chiếu trải dài,
Tám hạnh này được gọi,
Là hạnh ngày trai giới,
Do đức Phật giảng dạy,
Ðể chấm dứt khổ đau.
402. Từ nay ngày trai giới,
Chia nửa tháng hai phần,
Ngày mười bốn, mười lăm,
Hay ngày tám mỗi tháng,
Với tâm ý hoan hỷ,
Thực hành Pháp thần thông,
Gồm có đủ tám phần,
Khéo vẹn toàn, đầy đủ.
403. Do vậy, vào buổi sáng,
Thực hành ngày trai giới,
Bậc có trí sáng suốt,
Với tâm tư tín thành,
Với tâm ý tùy hỷ,
Cúng dường Tỷ-kheo Tăng,
Với món ăn, đồ uống,
Hợp với khả năng mình.

404. Hãy nuôi dưỡng mẹ cha,
Hợp Pháp và đúng Pháp,
Và cũng đúng với Pháp,
Hãy làm nghề buôn bán,
Người gia chủ như vậy,
Sở hành không phóng dật,
Ðược sanh làm Thiên nhân,
Tên là: "Tự chói sáng".

No comments: