MN 44 – Tiểu Kinh Phương Quảng (Cūḷavedallasutta)
1.
Như vầy tôi nghe. Một thời Thế Tôn ở Rājagaha (Vương Xá), tai Veḷuvana (Trúc
Lâm), chỗ Kalandakanivāpa. Rồi nam cư-sĩ Visākha đến chỗ Tỷ-kheo ni Dhammadinnā ở, sau khi
đến, đảnh lễ Tỷ-kheo ni Dhammadinnā rồi ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi xuống
một bên, nam cư-sĩ Visākha thưa với Tỷ-kheo ni Dhammadinnā:
(Tự
thân)
2.
- Thưa Ni-sư, tự thân, tự thân, (Sakkāya), được gọi là như vậy. Thưa Ni-sư, Thế
Tôn gọi tự thân là như thế nào?
-
Hiền-giả Visākha, Thế Tôn gọi năm thủ uẩn là tự
thân, tức là sắc thủ uẩn, thọ thủ uẩn, tưởng thủ uẩn, hành thủ uẩn và thức
thủ uẩn. Hiền-giả Visākha, năm thủ uẩn này, Thế Tôn gọi là tự thân.
3.
- Lành thay, thưa Ni-sư.
Nam
cư-sĩ Visākha hoan hỷ, tín thọ lời Tỷ-kheo ni Dhammadinnā nói, rồi hỏi Tỷ-kheo
ni Dhammadinnā thêm một câu hỏi nữa:
-
Tự thân tập khởi, tự thân tập khởi, thưa Ni-sư, được gọi là như vậy. Thưa Ni-sư,
Thế Tôn gọi tự thân tập khởi (Sakkāya-samudaya) là như thế
nào?
-
Hiền-giả Visākha, khát ái này đưa đến tái
sanh, câu hữu với hỷ và tham, tìm cầu hỷ lạc chỗ này chỗ kia, tức là dục ái,
hữu ái và phi hữu ái. Hiền-giả Visākha, khát ái này, Thế Tôn gọi là
tự thân tập khởi.
4.
- Tự thân diệt, tự thân diệt, thưa Ni-sư, được gọi là như vậy. Thế Tôn gọi tự thân diệt là như thế nào?
-
Hiền-giả Visākha,
sự đoạn diệt, không tham đắm,
không có dư tàn của khát ái ấy, sự xả ly, sự vất bỏ, sự giải thoát, sự vô chấp.
Hiền-giả Visākha, sự đoạn diệt này, Thế Tôn gọi là tự thân diệt.
5.
- Thưa Ni-sư, tự thân diệt đạo, tự thân diệt đạo, được gọi là như vậy. Thưa Ni-sư,
Thế Tôn gọi tự thân diệt đạo là như thế nào?
-
Hiền-giả Visākha, Con đường Thánh tám ngành này, Thế Tôn gọi là
tự thân diệt đạo, tức là Chánh Tri kiến, Chánh Tư duy, Chánh ngữ, Chánh
nghiệp, Chánh mạng, Chánh Tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định.
6. – Thưa Ni-sư, thủ này tức là năm thủ uẩn kia hay thủ này khác với
năm thủ uẩn?
-
Không phải, Hiền-giả Visākha. Thủ này tức là năm thủ uẩn kia, thủ này không
khác với năm thủ uẩn kia, Hiền-giả Visākha, phàm
có dục tham đối với năm thủ uẩn, tức là (chấp) thủ đối với chúng ở đây vậy.
(Thân
kiến)
7. - Thưa Ni-sư, thế nào là thân kiến?
-
Ở đây, Hiền-giả Visākha, kẻ vô văn phàm phu không đến yết kiến các bậc
Thánh, không thuần thục pháp các bậc Thánh, không tu tập pháp các bậc Thánh,
không đến yết kiến các bậc Chân nhân, không thuần thục pháp các bậc Chân nhân,
không tu tập pháp các bậc Chân nhân,
1)
xem sắc là tự ngã
2)
hay xem tự ngã là có sắc,
3)
hay xem sắc là trong tự ngã
4)
hay xem tự ngã là trong sắc;
xem thọ là tự ngã, hay xem tự ngã là có thọ, hay
xem thọ là trong tự ngã, hay xem tự ngã là trong thọ;
xem tưởng là tự ngã, hay xem tự ngã là có tưởng,
hay xem tưởng là trong tự ngã, hay xem tự ngã là trong tưởng;
xem hành là tự ngã, xem tự ngã là có hành, hay xem
hành là trong tự ngã, hay xem tự ngã là trong hành;
xem thức là tự ngã, hay xem tự ngã là có thức, hay
xem thức là trong tự ngã, hay xem tự ngã là trong thức.
Như vậy, Hiền-giả Visākha, là thân kiến.
8. - Thưa Ni-sư, thế nào là không phải thân kiến?
-
Ở đây, Hiền-giả Visākha, vị Ða văn Thánh đệ tử đến yết kiến các bậc
Thánh, thuần thục pháp các bậc Thánh, tu tập pháp các bậc Thánh, đến yết kiến
các bậc Chân nhân, thuần thục pháp các bậc Chân nhân, tu tập pháp các bậc Chân
nhân,
1)
không xem sắc là tự ngã,
2)
không xem tự ngã là có sắc,
3)
không xem sắc là trong tự ngã,
4)
không xem tự ngã là trong sắc;
không xem thọ
là tự ngã, không xem tự ngã là có thọ, không xem thọ là trong tự
ngã, không xem tự ngã là trong thọ;
không xem tưởng là tự ngã, không xem tự ngã là có tưởng,
không xem tưởng là trong tự ngã, không xem tự ngã là trong tưởng;
không xem các hành là tự ngã, không xem tự ngã là có các hành,
không xem các hành là trong tự ngã, không xem tự ngã là trong các hành;
không xem thức là tự ngã, không xem tự ngã là có thức, không
xem thức là trong tự ngã, không xem tự ngã là trong thức.
Như vậy, Hiền-giả Visākha, là không có thân kiến.
(Bát
chánh đạo)
9. - Thưa Ni-sư, thế nào là Thánh đạo Tám ngành?
-
Hiền-giả Visākha, đây là Thánh đạo Tám
ngành, tức là Chánh Tri kiến, Chánh Tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp,
Chánh mạng, Chánh Tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định.
10. - Thưa Ni-sư, Thánh đạo Tám ngành này là hữu vi hay vô vi?
-
Hiền-giả Visākha, Thánh đạo Tám ngành này là hữu vi.
11. - Thưa Ni-sư, ba uẩn được Thánh đạo Tám ngành
thâu nhiếp hay Thánh đạo Tám ngành được ba uẩn thâu nhiếp?
-
Hiền-giả Visākha, ba uẩn không bị Thánh đạo Tám ngành thâu nhiếp; Hiền-giả Visākha,
Thánh đạo Tám ngành bị ba uẩn thâu nhiếp. Hiền-giả
Visākha,
1)
Chánh
ngữ, Chánh nghiệp và Chánh mạng,
những pháp này được thâu nhiếp trong giới uẩn.
2)
Chánh Tinh tấn, Chánh niệm và Chánh định, những pháp này được thâu nhiếp trong định
uẩn.
3)
Chánh Tri kiến và Chánh tư duy, những pháp này được thâu nhiếp trong tuệ
uẩn
(Ðịnh)
12. – Thưa Ni-sư thế nào là định, thế nào là định tướng, thế nào là định tư cụ, thế nào
là định tu tập?
-
Hiền-giả Visākha,
1)
nhất tâm là định,
2)
Bốn Niệm Xứ là định tướng,
3)
Bốn Tinh cần là định tư cụ,
4)
sự luyện tập, sự tu tập, sự tái tu tập của những
pháp ấy là định tu tập ở đây vậy.
(Hành)
13. - Thưa Ni-sư, có bao nhiêu hành?
-
Hiền-giả, có ba loại hành này:
1)
thân hành,
2)
khẩu hành,
3)
và tâm hành.
14. - Thưa Ni-sư, thế nào là thân hành, thế nào là khẩu hành, thế nào là tâm hành?
1)
Thở vô, thở ra, Hiền-giả Visākha, là thân hành,
2)
tầm tứ là khẩu
hành,
3)
tưởng và thọ là tâm
hành.
15. – Thưa Ni-sư, vì sao thở vô thở ra là thân hành, vì sao tầm tứ là khẩu hành, vì
sao tưởng và thọ là tâm hành?
1)
Thở vô, thở ra, Hiền-giả Visākha, thuộc về
thân, những pháp này lệ thuộc với thân, nên thở vô thở ra thuộc về thân
hành.
2)
Hiền-giả Visākha, trước phải tầm
và tứ rồi sau mới phát lời nói, nên tầm tứ thuộc về khẩu
hành.
3)
Tưởng và thọ là tâm sở, các pháp này lệ thuộc
với tâm, nên tưởng và thọ thuộc về tâm hành.
(Diệt
định)
16. - Thưa Ni-sư, như thế nào là chứng nhập Diệt thọ tưởng định?
-
Hiền-giả Visākha, Tỷ-kheo chứng nhập Diệt thọ tưởng định, vị ấy không nghĩ
rằng: "Tôi sẽ chứng nhập Diệt thọ tưởng định", hay
"Tôi đang chứng nhập Diệt thọ tưởng định" hay "Tôi đã chứng nhập
Diệt thọ tưởng định". Vì rằng, tâm của vị này trước đã được tu tập như vậy
nên đưa đến trạng thái như vậy.
17. - Thưa Ni-sư, Tỷ-kheo chứng nhập Diệt thọ
tưởng định, những pháp gì diệt trước,
thân hành, hay khẩu hành, hay tâm hành?
-
Hiền-giả Visākha, vị Tỷ-kheo chứng nhập Diệt thọ tưởng định, khẩu hành diệt trước,
rồi đến thân
hành, rồi đến tâm hành.
18. - Thưa Ni-sư, làm thế nào xuất khởi Diệt
thọ tưởng định?
-
Hiền-giả Visākha, vị Tỷ-kheo xuất khởi Diệt thọ tưởng
định, không có nghĩ rằng:
"Tôi sẽ
xuất khởi Diệt thọ tưởng định", hay "Tôi đang xuất khởi Diệt thọ
tưởng định", hay "Tôi đã xuất khởi Diệt thọ tưởng định".
Vì rằng tâm
của vị này trước đã tu tập như vậy nên đưa đến trạng thái như vậy.
19. - Thưa Ni-sư, Tỷ-kheo xuất khởi Diệt thọ tưởng
định, những pháp nào khởi lên trước,
thân hành, hay khẩu hành hay tâm hành?
- Hiền-giả Visākha, Tỷ-kheo xuất khởi Diệt thọ tưởng định, tâm hành khởi lên trước nhất, rồi đến thân hành, rồi đến khẩu
hành.
20. - Thưa Ni-sư, khi Tỷ-kheo xuất khởi Diệt
thọ tưởng định, vị ấy cảm giác những xúc nào?
-
Hiền-giả Visākha, khi Tỷ-kheo xuất khởi Diệt
thọ tưởng định, vị ấy cảm giác ba loại xúc: không xúc, vô tướng
xúc, vô nguyện xúc.
21. - Thưa Ni-sư, khi Tỷ-kheo xuất khởi Diệt
thọ tưởng định, tâm của vị ấy thiên về gì, hướng về gì, khuynh hướng về
gì?
-
Hiền-giả Visākha, khi Tỷ-kheo xuất khởi Diệt thọ tưởng định, tâm của vị ấy thiên về độc cư, hướng về độc cư, khuynh hướng
về độc cư.
(Thọ)
22. - Thưa Ni-sư, có bao nhiêu thọ?
-
Hiền-giả Visākha, có ba thọ này, lạc thọ, khổ thọ,
bất khổ bất lạc thọ.
23. - Thưa Ni-sư, thế nào là lạc thọ, thế nào là khổ thọ, thế nào là bất khổ bất lạc
thọ?
1)
Hiền-giả Visākha, cái gì được cảm
thọ bởi thân hay tâm, một cách khoái lạc,
khoái cảm, như vậy là lạc thọ.
2)
Hiền-giả Visākha, cái gì được cảm
thọ bởi thân hay tâm, một cách đau khổ,
không khoái cảm, như vậy là khổ thọ.
3)
Hiền-giả Visākha, cái gì được cảm
thọ bởi thân hay tâm không khoái cảm, không
khoái cảm như vậy là bất khổ bất lạc thọ.
24. – Thưa Ni-sư, đối với lạc thọ, cái gì lạc, cái gì khổ? Ðối với khổ thọ, cái gì khổ, cái gì lạc? Ðối với bất khổ
bất lạc thọ, cái gì lạc, cái gì khổ?
1)
Hiền-giả Visākha, đối với lạc thọ, cái gì trú là lạc, cái gì biến hoại là
khổ.
2)
Ðối với khổ
thọ,
cái gì trú là
khổ, cái gì biến hoại là lạc.
3)
Ðối với bất
khổ bất lạc thọ, có trí là lạc, vô trí là khổ.
(Tùy
miên)
25. - Thưa Ni-sư, trong lạc thọ, có tùy miên gì tồn tại; trong khổ
thọ, có tùy miên gì tồn tại; trong bất khổ bất lạc thọ, có tùy miên gì tồn tại?
1)
Hiền-giả Visākha, trong lạc thọ,
tham tùy miên tồn tại;
2)
trong khổ thọ, sân
tùy miên tồn tại;
3)
tất cả bất khổ bất lạc thọ, vô minh tùy miên tồn tại.
26. - Thưa Ni-sư, có phải trong tất cả lạc thọ, tham tùy miên tồn tại;
trong tất cả khổ thọ, sân tùy miên tồn tại; trong tất cả bất khổ bất lạc thọ,
vô minh tùy miên tồn tại?
1)
Hiền-giả Visākha, không phải trong tất cả
lạc thọ, tham tùy miên tồn tại;
2)
không phải trong tất cả khổ thọ, sân tùy miên tồn tại;
3)
không phải trong tất cả bất khổ bất lạc thọ, vô minh tùy
miên tồn tại.
27. - Thưa Ni-sư, trong lạc thọ, cái gì phải từ bỏ. Trong khổ thọ,
cái gì phải từ bỏ. Trong bất khổ bất lạc thọ, cái gì phải từ bỏ?
1)
Hiền-giả Visākha, trong lạc thọ, tham tùy miên phải từ bỏ.
2)
Trong khổ thọ, sân tùy miên phải từ bỏ.
3)
Trong bất khổ bất lạc thọ, vô minh tùy miên phải từ bỏ.
28. - Thưa Ni-sư, có phải trong tất cả lạc thọ, tham tùy miên phải từ bỏ. Trong
tất cả khổ thọ, sân tùy miên phải từ bỏ. Trong tất cả bất khổ bất lạc thọ, vô
minh tùy miên phải từ bỏ?
-
Hiền-giả Visākha, không phải trong tất cả lạc thọ, tham tùy miên phải từ bỏ; trong tất
cả khổ thọ, sân tùy miên phải từ bỏ; trong tất cả bất khổ bất lạc thọ, vô minh
tùy miên phải từ bỏ.
Ở
đây, Hiền-giả Visākha, vị Tỷ-kheo ly dục, ly bất thiện pháp, chứng và an trú Thiền thứ
nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm và tứ. Do vậy tham đã được từ bỏ, không còn tham tùy miên tồn tại ở đây.
Ở
đây, Hiền-giả Visākha, vị Tỷ-kheo suy tư như sau: “Chắc chắn ta sẽ chứng và an trú trong trú
xứ mà nay các vị Thánh đang an trú”. Vì muốn phát nguyện hướng đến
các cảnh giải thoát vô thượng, do ước nguyện ấy, khởi lên ưu tư. Do vậy, sân được từ bỏ, không còn sân tùy miên tồn tại ở đây.
Ở
đây, Hiền-giả Visākha, vị Tỷ-kheo xả lạc và xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và
trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh. Do vậy vô minh đã được từ bỏ, không còn vô minh
tùy miên tồn tại ở đây.
(Ðối
tác)
29.
- Thưa Ni-sư, lạc thọ lấy gì làm tương đương?
-
Hiền-giả Visākha, lạc thọ
lấy khổ thọ làm tương đương.
30.
- Thưa Ni-sư, khổ thọ lấy gì làm tương đương?
-
Hiền-giả Visākha, khổ thọ lấy lạc thọ
làm tương đương.
31.
- Thưa Ni-sư, bất khổ bất lạc thọ lấy gì làm tương đương?
-
Hiền-giả Visākha, bất khổ bất lạc thọ lấy vô minh làm tương đương.
32.
- Thưa Ni-sư, vô minh lấy gì làm tương đương?
-
Hiền-giả Visākha, vô minh lấy minh làm tương đương.
33.
- Thưa Ni-sư, minh lấy gì làm tương đương?
-
Hiền-giả Visākha, minh lấy giải
thoát làm tương đương.
34.
- Thưa Ni-sư, giải thoát lấy gì làm tương đương?
-
Hiền-giả Visākha, giải thoát lấy Niết-bàn (Nibbāna) làm tương đương?
35.
- Thưa Ni-sư, Niết-bàn lấy gì làm tương đương?
-
Hiền-giả Visākha, câu hỏi đi quá xa, vượt ra ngoài giới hạn
câu trả lời. Hiền-giả Visākha, phạm hạnh là để thể nhập vào Niết-bàn,
để vượt qua đến Niết-bàn, để đạt cứu cánh Niết-bàn.
Hiền-giả
Visākha, nếu Hiền-giả muốn, hãy đến chỗ Thế Tôn ở, và hỏi ý nghĩa này. Và Thế
Tôn trả lời cho Hiền-giả như thế nào, hãy như vậy thọ trì.
(Kết
luận)
36.
Rồi nam cư-sĩ Visākha hoan hỷ, tín thọ lời Tỷ-kheo ni Dhammadinnā giảng, từ chỗ
ngồi đứng dậy, đảnh lễ Tỷ-kheo ni Dhammadinnā, thân bên phải hướng về phía Tỷ-kheo
ni rồi từ biệt.
Và
nam cư-sĩ Visākha đi đến chỗ Thế Tôn ở. Sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi
xuống một bên. Ngồi một bên, nam cư-sĩ Visākha thuật lại cho Thế Tôn tất cả câu
chuyện đàm đạo với Tỷ-kheo ni Dhammadinnā. Khi nghe nói vậy, Thế Tôn nói với
nam cư-sĩ Visākha:
- Này Visākha, Tỷ-kheo ni Dhammadinnā là bậc Hiền-trí!
Này Visākha, Tỷ-kheo ni Dhammadinnā là bậc Ðại tuệ. Này Visākha, nếu ông hỏi Ta
ý nghĩa ấy, Ta cũng trả lời như Tỷ-kheo ni Dhammadinnā đã trả lời. ông đối với
nghĩa này, hãy như vậy thọ trì.
Thế
Tôn thuyết giảng như vậy. Nam cư-sĩ Visākha hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy.
No comments:
Post a Comment