SN 55.7 – Kinh Những Người Ở Veḷudvāra: Veḷudvāreyyasuttaṃ
1. Như vầy tôi
nghe. Một thời, Thế Tôn đang đi du hành giữa Kosala cùng với đại chúng Tỷ-kheo
và đi đến một làng Bà-la-môn của dân chúng Kosala tên là Veḷudvāra.
2. Các Bà-la-môn
gia chủ ở Veḷudvāra được nghe: "Sa-môn Gotama là Thích tử, đã xuất gia từ gia tộc họ
Thích, đang đi du hành giữa dân chúng Kosala cùng với đại chúng Tỷ-kheo và đã đến
Veḷudvāra". Tiếng đồn tốt đẹp sau đây được truyền đi về Thế
Tôn: "Ðây
là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải,
Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Với thắng trí,
Ngài tự thân chứng ngộ thế giới này cùng với Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới,
cùng với chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người. Sau khi chứng ngộ,
Ngài thuyết pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện có nghĩa, có văn. Ngài truyền
dạy Phạm hạnh hoàn toàn, đầy đủ, trong sạch. Tốt lành thay, sự chiêm ngưỡng một
vị A-la-hán như vậy!"
3. Rồi các
Bà-la-môn gia chủ ở Veḷudvāra đi đến Thế Tôn. Sau khi đến, một số đảnh lễ Thế
Tôn rồi ngồi xuống một bên; một số nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi
thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu rồi ngồi xuống một
bên; một số chấp tay vái chào Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên; một số nói lên với
Thế Tôn tên và dòng họ rồi ngồi xuống một bên; một số im lặng ngồi xuống một
bên.
4. Ngồi một bên,
các Bà-la-môn gia chủ ở Veḷudvāra bạch Thế Tôn:
- Thưa Tôn-giả
Gotama, chúng tôi có ước vọng như thế này, có ước muốn như thế này, có chú tâm
(adhippāya) như thế này: "Mong rằng chúng tôi được sống trong một nhà chật đầy trẻ
con! Mong chúng tôi được sử dụng các hương chiên đàn từ Kāsi! Mong rằng chúng
tôi được trang sức bằng vòng hoa và phấn sáp! Mong rằng chúng tôi được sử dụng
vàng và bạc! Sau khi thân hoại mạng chung, mong rằng chúng tôi được sanh thiện
thú, thiên giới, cõi đời này!"
Mong rằng Tôn-giả Gotama hãy thuyết pháp cho
chúng tôi, những người có ước vọng như vậy, có ước muốn như vậy, có chú tâm như
vậy. Hãy thuyết pháp
như thế nào để chúng tôi được sống trong một nhà chật đầy trẻ con, để chúng tôi được sử dụng các hương chiên đàn từ Kāsi, để chúng tôi được
trang sức bằng vòng hoa và phấn sáp, để chúng tôi được sử dụng vàng và bạc, để
chúng tôi, khi thân hoại mạng chung,
được sanh thiện thú, thiên giới, cõi đời này
5. - Vậy này các
gia chủ, Ta sẽ thuyết cho các ông một pháp môn đưa đến lợi ích (tự lợi cho tự
ngã - attūpanāyikaṃ).
Hãy nghe và khéo tác ý, Ta sẽ giảng.
- Thưa vâng, Tôn-giả.
Các Bà-la-môn ở Veḷudvāra
vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:
- Này các gia chủ, thế nào là pháp môn đưa đến lợi ích cho
tự ngã?
6. Ở đây, này các
gia chủ, vị Thánh đệ tử suy nghĩ như sau:
"Ta muốn sống, không muốn chết, muốn lạc,
ghét khổ.
Nếu có ai đến đoạt mạng sống của
ta, một người muốn sống, không
muốn chết, muốn lạc, ghét khổ, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý đối
với ta.
Nhưng nếu ta đoạt mạng sống
một người muốn sống, không muốn chết, muốn lạc, ghét khổ, như vậy là một việc
không khả ái, không khả ý đối với người ấy.
Một pháp này không khả ái,
không khả ý cho ta, thời pháp ấy cũng không khả ái, không khả ý cho người khác.
Và một pháp này không khả ái,
không khả ý cho ta, thời sao ta lại
đem cột pháp ấy cho người khác?"
Do suy tư như vậy,
1)
vị ấy từ bỏ sát sanh,
2)
khuyến khích người khác từ bỏ sát sanh,
3)
nói lời tán thán từ bỏ sát sanh.
Như vậy, về thân hành, vị ấy được hoàn toàn thanh tịnh
(kāyasamācāro tikoṭiparisuddho).
7. Lại nữa, này các
gia chủ, vị Thánh đệ tử suy tư như sau:
"Nếu có ai lấy của không
cho của ta, gọi là ăn trộm, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý cho
ta.
Nhưng nếu ta lấy của không cho
của người khác, gọi là ăn trộm, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý
cho người ấy.
Một pháp này không khả ái,
không khả ý cho ta, thời pháp ấy cũng không khả ái, không khả ý cho người khác.
Và một pháp này không khả ái,
không khả ý cho ta, thời sao lại đem
cột pháp ấy cho người khác?"
Do suy tư như vậy,
1)
vị ấy từ bỏ lấy của không cho,
2)
khuyến khích người khác từ bỏ lấy của không cho,
3)
nói lời tán thán từ bỏ lấy của không cho.
Như vậy, về thân hành, vị ấy được hoàn toàn thanh tịnh.
8. Lại nữa, này các
gia chủ, vị Thánh đệ tử suy nghĩ như sau:
"Nếu ai có tà hạnh với vợ
của ta, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý cho ta.
Nhưng nếu ta có tà hạnh với vợ
của người khác, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý cho người ấy.
Một pháp này không khả ái,
không khả ý cho ta, thời pháp này không khả ái, không khả ý cho người khác.
Và một pháp này không khả ái,
không khả ý cho ta, thời sao ta lại đem cột pháp ấy cho người khác?"
Do suy tư như vậy,
1)
vị ấy tự mình từ bỏ tà hạnh trong các dục,
2)
khuyến khích người khác từ bỏ tà hạnh trong các dục,
3)
nói lời tán thán từ bỏ tà hạnh trong các dục.
Như vậy, về thân hành, vị ấy được hoàn toàn thanh tịnh.
9. Lại nữa, này các
gia chủ, vị Thánh đệ tử suy nghĩ như sau:
"Nếu có ai làm tổn hại lợi
ích ta với lời nói láo, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý cho ta.
Nhưng nếu ta cũng làm tổn hại
lợi ích người khác với lời nói láo, như vậy là một việc không khả ái, không khả
ý cho người ấy.
Một pháp này không khả ái,
không khả ý cho ta, thời pháp này không khả ái, không khả ý cho người khác.
Và một pháp này không khả ái,
không khả ý cho ta, thời sao ta lại đem cột pháp ấy cho người khác?"
Do suy tư như vậy,
1)
vị ấy tự mình từ bỏ nói láo,
2)
khuyến khích người khác từ bỏ nói láo,
3)
nói lời tán thán từ bỏ nói láo.
Như vậy, về khẩu hành, vị ấy được hoàn toàn thanh tịnh.
10. Lại nữa, này
các gia chủ, vị Thánh đệ tử suy tư như sau:
"Nếu có ai chia rẽ bạn bè
ta bằng lời nói hai lưỡi,như vậy là một việc không khả ái, không khả ý cho ta.
Nhưng nếu ta chia rẽ bạn bè
người khác bằng lời nói hai lưỡi, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý
cho người ấy.
Một pháp này không khả ái,
không khả ý cho ta, thời pháp này không khả ái, không khả ý cho người khác.
Và một pháp này không khả ái,
không khả ý cho ta, thời sao ta lại
đem cột pháp ấy cho người khác?"
Do suy tư như vậy,
1)
vị ấy tự mình từ bỏ nói hai lưỡi,
2)
khuyến khích người khác từ bỏ nói lời hai lưỡi,
3)
nói lời tán thán từ bỏ nói lời hai lưỡi.
Như vậy, về khẩu hành,
vị ấy được hoàn toàn thanh tịnh.
11. Lại nữa, này
các gia chủ, vị Thánh đệ tử suy tư như sau:
"Nếu có ai đối xử với
ta bằng thô ác ngữ, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý cho ta.
Nhưng nếu ta cũng đối xử với
người khác bằng thô ác ngữ, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý
cho người ấy.
Một pháp này không khả ái, không
khả ý cho ta, thời pháp này không khả ái, không khả ý cho người khác.
Và một pháp này không khả ái,
không khả ý cho ta, thời sao ta lại
đem cột pháp ấy cho người khác?"
Do suy tư như vậy,
1)
vị ấy tự mình từ bỏ thô ác ngữ,
2)
khuyến khích người khác từ bỏ thô ác ngữ,
3)
nói lời tán thán từ bỏ thô ác ngữ.
Như vậy, về khẩu hành,
vị ấy được hoàn toàn thanh tịnh.
12. Lại nữa, này
các gia chủ, vị Thánh đệ tử suy tư như sau:
"Nếu có ai đối xử với ta với lời tạp ngữ,
với lời phù phiếm, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý cho
ta.
Nhưng
nếu ta cũng đối xử với người khác với
lời tạp ngữ, với lời phù phiếm, như vậy là một việc không khả ái, không
khả ý cho người ấy.
Một
pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời pháp này không khả ái, không khả
ý cho người khác.
Và một
pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời sao ta lại đem cột pháp ấy cho
người khác?"
Do suy tư như vậy,
1)
vị ấy tự mình từ bỏ lời nói phù phiếm,
2)
khuyến khích người khác từ bỏ nói lời phù phiếm,
3)
tán thán từ bỏ nói lời phù phiếm.
Như vậy, về khẩu hành,
vị ấy được hoàn toàn thanh tịnh.
13. Vị ấy thành tựu lòng tịnh tín bất động đối với đức Phật: "Ðây là Thế
Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô
Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn".
14. Vị ấy thành tựu
lòng tịnh tín bất động đối với Pháp:
"Pháp do
Thế Tôn khéo thuyết, thiết thực hiện tại, có hiệu quả tức thời, đến để mà thấy,
có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu".
15. Vị ấy thành tựu
lòng tịnh tín bất động đối với chúng Tăng:
"Diệu hạnh
là chúng đệ tử của Thế Tôn. Trực hạnh là chúng đệ tử của Thế Tôn. Ứng lý hạnh
là chúng đệ tử của Thế Tôn. Chơn chánh hạnh là chúng đệ tử của Thế Tôn. Tức là
bốn đôi tám chúng. Chúng đệ tử của Thế Tôn là đáng cung kính, đáng cúng dường,
đáng tôn trọng, đáng được chấp tay, là phước điền vô thượng ở đời".
16. Vị ấy thành tựu
các giới được bậc Thánh ái kính, không bị phá hoại, không bị đâm cắt,
không bị nhiễm ô, không bị uế nhiễm, đem lại giải thoát, được người trí tán
thán, không bị chấp thủ, đưa đến Thiền định.
17. Này các gia chủ,
khi nào vị Thánh đệ tử thành tựu bảy pháp này và bốn lời nguyện xứ
này, nếu vị ấy
muốn, vị ấy có thể tuyên bố về mình: "Ta đã đoạn tận địa ngục, đoạn tận khỏi sanh
vào loại bàng sanh, đoạn tận cõi ngạ quỷ, đoạn tận ác sanh, ác thú, đọa xứ. Ta
là bậc
Dự lưu, không có bị thối đọa, quyết chắc chứng quả
giác ngộ".
18. Ðược nói vậy,
các Bà-la-môn gia chủ ở Veḷudvāra bạch Thế Tôn:
- Thật
vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Như người dựng
đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ
đường cho những người bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai
có mắt có thể thấy sắc.
Cũng
vậy, Chánh pháp đã được Thế Tôn dùng nhiều phương tiện trình bày, giải thích.
Bạch Thế Tôn, chúng con xin quy y Thế Tôn, quy y Pháp và
quy y chúng Tỷ-kheo Tăng. Mong Thế Tôn nhận chúng con làm đệ tử;
từ nay trở đi
cho đến mạng chung, chúng con trọn đời quy ngưỡng.
No comments:
Post a Comment