NAMO TASSA BHAGAVATO ARAHATO SAMMASAMBUDDHASA

Chánh Pháp (Phật Pháp)

Chánh Pháp mà đức Thế Tôn đã khéo thuyết giảng"thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu".

Chánh Pháp ấy là Bốn Thánh Đế và sự tu tập chân chánh là sự thực hành con đường Thánh Đạo Tám Ngành (còn được gọi là: Bát Chánh Đạo, hay Bát Thánh Đạo): Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm và Chánh Định; y chỉ viễn ly, y chỉ ly tham, y chỉ đoạn diệt, y chỉ từ bỏ; là con đường duy nhất đưa đến đoạn tận Tham Sân Si, chấm dứt khổ đau, chấm dứt sanh tử luân hồi, chứng ngộ Niết Bàn.

Chúng ta hãy thường xuyên ôn tập và ghi nhớ lời dạy sau đây của đức Phật để tự nhắc mình luôn tinh tấn tu tập Thánh Đạo Tám Ngành:

  • "Vô thỉ là luân hồi này, này các Tỷ-kheo, khởi điểm không thể nêu rõ đối với sự lưu chuyển luân hồi của các chúng sanh bị vô minh che đậy, bị tham ái trói buộc".
  • "Này các Tỷ-kheo, do không giác ngộ, do không thông đạt Bốn Thánh Đế mà Ta và các Ông lâu ngày phải dong ruổi, lưu chuyển như thế này. Thế nào là bốn? Thánh đế về Khổ, Thánh đế về Khổ tập, Thánh đế về Khổ diệt, Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt".
  • "Này các Tỷ-kheo, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Khổ".
  • Một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Khổ tập".
  • Một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Khổ diệt".
  • Một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Con đường đưa đến Khổ diệt"".
  • "Này các Tỷ-kheo, Thánh đế về Khổ, cần phải liễu tri.
  • Thánh đế về Khổ tập cần phải đoạn tận.
  • Thánh đế về Khổ diệt cần phải chứng ngộ.
  • Thánh đế về Con đường đưa đến Khổ diệt cần phải tu tập".

(trích Kinh Tương Ưng Bộ)

--------------------------------------------------------------------------------------------------------

Popular Posts

Tuesday, December 22, 2015

AN 3. 2. 1. 4 Kinh Bà-la-môn Du-sĩ (Pháp thiết thực hiện tại)

(3. 2. 1. 4) Bà-la-môn Du-sĩ: Paribbājakaṃ (1448)
1. Rồi một Bà-la-môn du-sĩ đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ, nói lên những lời chào đón, thăm hỏi thân hữu rồi ngồi xuống một bên.
2. Ngồi xuống một bên, Bà-la-môn du-sĩ bạch Thế Tôn:
- Pháp là thiết thực hiện tại, thưa Tôn-giả Gotama, được nói đến như vậy. Cho đến như thế nào, thưa Tôn-giả Gotama, pháp là thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu?
3. - Bị tham ái làm say đắm, này Bà-la-môn, bị chinh phục, tâm bị xâm chiếm, nên suy nghĩ điều hại mình, suy nghĩ điều hại người, suy nghĩ điều hại cả hai, cảm thọ tâm khổ tâm ưu. Tham ái được đoạn trừ, thời không nghĩ đến tự hại, không nghĩ đến hại người, không nghĩ đến hại cả hai, không cảm thọ tâm khổ tâm ưu. 
Bị tham ái làm say đắm, này Bà-la-môn, bị chinh phục, tâm bị xâm chiếm, vị ấy làm ác hạnh về thân, làm ác hạnh về lời nói, làm ác hạnh về ý. Tham ái được đoạn trừ, vị ấy không làm ác hạnh về thân, không làm ác hạnh về lời nói, không làm ác hạnh về ý.
Bị tham ái làm say đắm, này Bà-la-môn, bị chinh phục, tâm bị xâm chiếm, vị ấy không như thật rõ biết lợi ích của mình, không như thật rõ biết lợi ích của người, không như thật rõ biết lợi ích của cả hai. Tham ái được đoạn trừ, vị ấy như thật rõ biết lợi ích của mình, như thật rõ biết lợi ích của người, như thật rõ biết lợi ích của cả hai.
Như vậy, này Bà-la-môn, pháp là thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu.
4. Bị sân làm uế nhiễm, này Bà-la-môn, bị chinh phục, tâm bị xâm chiếm, nên suy nghĩ điều hại mình, suy nghĩ điều hại người, suy nghĩ điều hại cả hai, cảm thọ tâm khổ tâm ưu. Sân được đoạn trừ, thời không nghĩ đến tự hại, không nghĩ đến hại người, không nghĩ đến hại cả hai, không cảm thọ tâm khổ tâm ưu. 
Bị sân làm uế nhiễm, này Bà-la-môn, bị chinh phục, tâm bị xâm chiếm, vị ấy làm ác hạnh về thân, làm ác hạnh về lời nói, làm ác hạnh về ý. Sân được đoạn trừ, vị ấy không làm ác hạnh về thân, không làm ác hạnh về lời nói , không làm ác hạnh về ý.
Bị sân làm uế nhiễm, này Bà-la-môn, bị chinh phục, tâm bị xâm chiếm, vị ấy không như thật rõ biết lợi ích của mình, không như thật rõ biết lợi ích của người, không như thật rõ biết lợi ích của cả hai. Sân được đoạn trừ, vị ấy như thật rõ biết lợi ích của mình, như thật rõ biết lợi ích của người, như thật rõ biết lợi ích của cả hai.
Như vậy, này Bà-la-môn, pháp là thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu.
5. Bị si làm mê mờ, này Bà-la-môn, bị chinh phục, tâm bị xâm chiếm, nên suy nghĩ điều hại mình, suy nghĩ điều hại người, suy nghĩ điều hại cả hai, cảm thọ tâm khổ tâm ưu. Sân được đoạn trừ, thời không nghĩ đến tự hại, không nghĩ đến hại người, không nghĩ đến hại cả hai, không cảm thọ tâm khổ tâm ưu. 
Bị si làm cho mê mờ, này Bà-la-môn, bị chinh phục, tâm bị xâm chiếm, nên làm ác hạnh về thân, làm ác hạnh về lời nói, làm ác hạnh về ý. Si được đoạn trừ, thời không làm ác hạnh về thân, không làm ác hạnh về lời nói, không làm ác hạnh về ý.
Bị si làm cho mê mờ, này Bà-la-môn, bị chinh phục, tâm bị xâm chiếm, nên không như thật rõ biết lợi ích của mình, không như thật rõ biết lợi ích của người, không như thật rõ biết lợi ích của cả hai. Si được đoạn trừ, thời như thật rõ biết lợi ích của mình, như thật rõ biết lợi ích của người, như thật rõ biết lợi ích của cả hai.
Như vậy, này Bà-la-môn, pháp là thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu. 

SN 15.9 Kinh Cây Gậy (Vô thỉ là luân hồi này)

SN 15.9          (15. 1. 9) Cây Gậy: Daṇḍasuttaṃ (272)

1. Trú ở Sāvatthī.
2. - Vô thỉ là luân hồi này, này các Tỷ-kheo. Khởi điểm không thể nêu rõ đối với sự lưu chuyển luân hồi của các chúng sanh bị vô minh che đậy, bị tham ái trói buộc.
3. Ví như, này các Tỷ-kheo, một cây gậy được ném lên trên hư không, khi thì rơi trên đầu gốc, khi thì rơi chặng giữa, khi thì rơi đầu ngọn. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, các chúng sanh bị vô minh che đậy, bị tham ái trói buộc, lưu chuyển luân hồi, khi thì từ thế giới này đi thế giới khác, khi thì từ thế giới khác đến thế giới này.
4. Vì sao? Vô thỉ là luân hồi này, này các Tỷ-kheo, khởi điểm không thể nêu rõ đối với sự lưu chuyển luân hồi của các chúng sanh bị vô minh che đậy, bị tham ái trói buộc.

5. Cho đến như vậy, này các Tỷ-kheo, là vừa đủ để các ông nhàm chán, là vừa đủ để các ông từ bỏ, là vừa đủ để các ông giải thoát đối với tất cả các hành.

AN 4.123 Kinh Hạng Người Sai Khác

(4. 3. 3. 3) Hạng Người Sai Khác (1): Paṭhamanānākaraṇasuttaṃ (123)
1. - Có bốn hạng người này có mặt, hiện hữu ở đời. Thế nào là bốn?
2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người ly dục, ly pháp bất thiện, chứng đạt và an trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm có tứ. Vị ấy nếm được vị ngọt của Thiền ấy, ái luyến Thiền ấy, và do vậy tìm được an lạc; an trú trên ấy, chú tâm trên ấy, sống phần lớn với Thiền ấy, không có thối đọa; khi thân hoại mạng chung, được sanh cộng trú với chư Thiên ở Phạm Chúng Thiên (Brahmakāyika). Một kiếp, này các Tỷ-kheo, là tuổi thọ vô lượng của chư Thiên ở Phạm Chúng Thiên. Tại đấy, kẻ phàm phu, sau khi an trú cho đến hết tuổi thọ ấy, sau khi sống trọn vẹn tuổi thọ của chư Thiên ấy, đi đến địa ngục, đi đến bàng sanh, đi đến ngạ quỷ. Còn đệ tử Như Lai, tại đấy, sau khi an trú cho đến hết trọn vẹn tuổi thọ của chư Thiên ấy, nhập Niết-bàn trong hiện hữu ấy. Này các Tỷ-kheo, đây là sự đặc thù, đây là sự thù thắng, đây là sự sai khác giữa Thánh đệ tử có nghe pháp và kẻ phàm phu không nghe pháp, tức là vấn đề sanh thú.
3. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, ở đây có hạng người làm cho tịnh chỉ tầm và tứ, chứng đạt và an trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tĩnh nhất tâm. Vị ấy nếm được vị ngọt của Thiền ấy, ái luyến Thiền ấy, và do vậy tìm được an lạc; an trú trên ấy, chú tâm trên ấy, sống phần lớn với Thiền ấy, không có thối đọa; khi thân hoại mạng chung, được sanh cộng trú với chư Thiên ở Quang Âm Thiên (Ābhassara). Hai kiếp này, này các Tỷ-kheo, là tuổi thọ vô lượng của chư Thiên ở Quang Âm thiên. Tại đấy, kẻ phàm phu, sau khi an trú cho đến hết tuổi thọ ấy, sau khi sống trọn vẹn tuổi thọ của chư Thiên ấy, đi đến địa ngục, đi đến bàng sanh, đi đến ngạ quỷ. Còn đệ tử Như Lai, tại đấy, sau khi an trú cho đến hết trọn vẹn tuổi thọ của chư Thiên ấy, nhập Niết-bàn trong hiện hữu ấy. Này các Tỷ-kheo, đây là sự đặc thù, đây là sự thù thắng, đây là sự sai khác giữa Thánh đệ tử có nghe pháp và kẻ phàm phu không nghe pháp, tức là vấn đề sanh thú.
4. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, ở đây có hạng người ly hỷ, trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng đạt và an trú Thiền thứ ba. Vị ấy nếm được vị ngọt của Thiền ấy, ái luyến Thiền ấy, và do vậy tìm được an lạc; an trú trên ấy, chú tâm trên ấy, sống phần lớn với Thiền ấy, không có thối đọa; khi thân hoại mạng chung, được sanh cộng trú với chư Thiên ở Biến Tịnh Thiên (Subhakiṇha). Bốn kiếp, này các Tỷ-kheo, là tuổi thọ vô lượng của chư Thiên ở Biến Tịnh Thiên. Tại đấy, kẻ phàm phu, sau khi an trú cho đến hết tuổi thọ ấy, sau khi sống trọn vẹn tuổi thọ của chư Thiên ấy, đi đến địa ngục, đi đến bàng sanh, đi đến ngạ quỷ. Còn đệ tử Như Lai, tại đấy, sau khi an trú cho đến hết trọn vẹn tuổi thọ của chư Thiên ấy, nhập Niết-bàn trong hiện hữu ấy. Này các Tỷ-kheo, đây là sự đặc thù, đây là sự thù thắng, đây là sự sai khác giữa Thánh đệ tử có nghe pháp và kẻ phàm phu không nghe pháp, tức là vấn đề sanh thú.
5. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, ở đây có hạng người xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh. Vị ấy nếm được vị ngọt của Thiền ấy (ở đây, bản 1978 ghi: vấn đề là đã trú xả, sao có thể cảm thọ an lạc được?), ái luyến Thiền ấy, và do vậy tìm được an lạc; an trú trên ấy, chú tâm trên ấy, sống phần lớn với Thiền ấy, không có thối đọa; khi thân hoại mạng chung, được sanh cộng trú với chư Thiên ở Quảng Quả Thiên (Vehapphala). Năm kiếp, này các Tỷ-kheo, là tuổi thọ vô lượng các chư Thiên ở Quảng Quả Thiên. Tại đấy, kẻ phàm phu, sau khi an trú cho đến hết tuổi thọ ấy, sau khi sống trọn vẹn tuổi thọ của chư Thiên ấy, đi đến địa ngục, đi đến bàng sanh, đi đến ngạ quỷ. Còn đệ tử Như Lai, tại đấy, sau khi an trú cho đến hết trọn vẹn tuổi thọ của chư Thiên ấy, nhập Niết-bàn trong hiện hữu ấy. Này các Tỷ-kheo, đây là sự đặc thù, đây là sự thù thắng, đây là sự sai khác giữa Thánh đệ tử có nghe pháp và kẻ phàm phu không nghe pháp, tức là vấn đề sanh thú.
6. Này các Tỷ-kheo, có bốn hạng người này có mặt, hiện hữu ở đời.
(4. 3. 3. 4) Các Hạng Người Sai Khác (2): Dutiyanānākaraṇasuttaṃ (124)
1. - Có bốn hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, hiện hữu ở đời. Thế nào là bốn?
2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người ly dục, ly ác pháp, chứng đạt và an trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm có tứ. Ở đây, về các pháp thuộc sắc, thuộc thọ, thuộc tưởng, thuộc hành, thuộc thức, vị ấy tùy quán là vô thường, là khổ, là bệnh, là ung nhọt, là mũi tên, là bất hạnh, là bệnh hoạn, là hướng ngoại, là hoại diệt, là trống không, là vô ngã. Vị ấy, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh cộng trú với chư Thiên ở Tịnh Cư Thiên (Suddhāvāsa). Sự sanh khởi này, này các Tỷ-kheo, không có chung cùng với các hàng phàm phu.
3. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, ở đây có hạng người làm cho tịnh chỉ tầm và tứ, chứng đạt và an trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tĩnh nhất tâm. Ở đây, về các pháp thuộc sắc, thuộc thọ, thuộc tưởng, thuộc hành, thuộc thức, vị ấy tùy quán là vô thường, là khổ, là bệnh, là ung nhọt, là mũi tên, là bất hạnh, là bệnh hoạn, là hướng ngoại, là hoại diệt, là trống không, là vô ngã. Vị ấy, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh cộng trú với chư Thiên ở Tịnh Cư Thiên. Sự sanh khởi này, này các Tỷ-kheo, không có chung cùng với các hàng phàm phu.
4. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, ở đây có hạng người ly hỷ, trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng đạt và an trú Thiền thứ ba. Ở đây, về các pháp thuộc sắc, thuộc thọ, thuộc tưởng, thuộc hành, thuộc thức, vị ấy tùy quán là vô thường, là khổ, là bệnh, là ung nhọt, là mũi tên, là bất hạnh, là bệnh hoạn, là hướng ngoại, là hoại diệt, là trống không, là vô ngã. Vị ấy, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh cộng trú với chư Thiên ở Tịnh Cư Thiên. Sự sanh khởi này, này các Tỷ-kheo, không có chung cùng với các hàng phàm phu.
5. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, ở đây có hạng người xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh. Ở đây, về các pháp thuộc sắc, thuộc thọ, thuộc tưởng, thuộc hành, thuộc thức, vị ấy tùy quán là vô thường, là khổ, là bệnh, là ung nhọt, là mũi tên, là bất hạnh, là bệnh hoạn, là hướng ngoại, là hoại diệt, là trống không, là vô ngã. Vị ấy, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh cộng trú với chư Thiên ở Tịnh Cư Thiên. Sự sanh khởi này, này các Tỷ-kheo, không có chung cùng với các hàng phàm phu.

6. Có bốn hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, hiện hữu ở đời. 

SN 15.8 Kinh Sông Hằng (Vô thỉ là luân hồi này)

SN 15.8              (15. 1. 8) Sông Hằng: Gaṅgāsuttaṃ (271)

1. Trú ở Rājagaha (Vương Xá), Veḷuvana (Trúc Lâm).
2. Rồi một Bà-la-môn đi đến Thế Tôn; sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.
3. Ngồi xuống một bên, Bà-la-môn ấy bạch Thế Tôn:
- Có bao nhiêu kiếp, bạch Thế Tôn đã đi qua, đã vượt qua?
4. - Rất nhiều, này Bà-la-môn, là những kiếp đã đi qua, đã vượt qua. Thật không dễ gì để có thể đếm chúng được, là một vài kiếp, một vài trăm kiếp, một vài ngàn kiếp, một vài trăm ngàn kiếp.
5. - Tôn-giả Gotama có thể cho một ví dụ được không?
6. - Có thể được, này Bà-la-môn. Ví như, này Bà-la-môn, sông Hằng này từ chỗ nguồn bắt đầu đến chỗ nó chảy nhập vào biển. Số cát nằm ở giữa chặng ấy, thật không dễ gì để có thể đếm chúng được là một số hột cát, là số trăm hột cát, là số ngàn hột cát, là số trăm ngàn hột cát.
7. Nhiều hơn vậy, này Bà-la-môn, là những kiếp đã đi qua, đã vượt qua. Thật không dễ gì có thể đếm chúng được, là một số kiếp, một trăm kiếp, là một ngàn kiếp, là một số trăm ngàn kiếp.
8. Vì sao? Vô thỉ là luân hồi này, này Bà-la-môn, khởi điểm không thể nêu rõ đối với sự lưu chuyển luân hồi của các chúng sanh bị vô minh che đậy, bị tham ái trói buộc.
9. Cũng vậy, đã lâu ngày, này Bà-la-môn, các ông chịu đựng khổ, chịu đựng thống khổ, chịu đựng tai họa, và các mộ phần ngày một lớn lên. Cho đến như vậy, này Bà-la-môn, là vừa đủ để nhàm chán, là vừa đủ để từ bỏ, là vừa đủ để giải thoát đối với tất cả các hành.
10. Ðược nghe nói vậy, Bà-la-môn ấy bạch Thế Tôn:

- Thật vi diệu thay, Tôn-giả Gotama! Thật vi diệu thay, Tôn-giả Gotama! Như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho người bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, Chánh pháp đã được Tôn-giả Gotama dùng nhiều phương tiện trình bày giải thích. Con quy y Tôn-giả Gotama, quy y Pháp và quy y Tỷ-kheo Tăng. Mong Tôn-giả Gotama nhận con làm đệ tử, từ này trở đi cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.

SN 15.6 Kinh Hột Cải (Vô thỉ là luân hồi này)

SN 15.6              (15. 1. 6) Hột Cải: Sāsapasuttaṃ (269)

1. Trú ở Sāvatthī.
2. Rồi một Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn; sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.
3. Ngồi xuống một bên, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
- Một kiếp, bạch Thế Tôn, dài như thế nào?
4. - Thật dài, này Tỷ-kheo, là một kiếp. Thật không dễ gì để có thể đếm là một vài năm, một vài trăm năm, một vài ngàn năm, hay một vài trăm ngàn năm.
5. - Bạch Thế Tôn, Thế Tôn có thể cho một ví dụ được không?
6. - Có thể được, này Tỷ-kheo. Ví như, này Tỷ-kheo, có một thành bằng sắt, dài một do-tuần, rộng một do-tuần, cao một do-tuần, chứa đầy hột cải cao như chóp khăn đầu. Một người từ nơi chỗ ấy, sau mỗi trăm năm lấy ra một hột cải. Này Tỷ-kheo, đống hột cải ấy được làm như vậy, có thể đi đến đoạn tận, đoạn diệt mau hơn là một kiếp.
7. Như vậy (là) dài, này Tỷ-kheo, là một kiếp. Với những kiếp dài như vậy, hơn một kiếp đã qua, hơn một trăm kiếp đã qua, hơn một ngàn kiếp đã qua, hơn một trăm ngàn kiếp đã qua.
8. Vì sao? Vô thỉ là luân hồi này, này các Tỷ-kheo, khởi điểm không thể nêu rõ đối với sự lưu chuyển luân hồi của các chúng sanh bị vô minh che đậy, bị tham ái trói buộc.

9. Cho đến như vậy, này các Tỷ-kheo, là vừa đủ để các ông nhàm chán, là vừa đủ để các ông từ bỏ, là vừa đủ để các ông giải thoát đối với tất cả các hành.

Saturday, September 19, 2015

MN 151 – Kinh Khất Thực Thanh Tịnh


Tóm tắt MN 151 – Kinh Khất Thực Thanh Tịnh


1)       Do vậy, này Sāriputta, nếu Tỷ-kheo ước mong rằng: "Mong rằng tôi nay phần lớn an trú với sự an trú không tánh", thời này Sāriputta, Tỷ-kheo ấy cần phải suy tư như sau: "Trên con đường ta đã đi vào làng để khất thực, tại trú xứ ta đã đi khất thực, và trên con đường từ làng ta đi khất thực trở về, tại chỗ ấy, đối với các sắc do mắt nhận thức, có khởi lên ở nơi ta dục, tham, sân si, hay hận tâm không?"
Này Sāriputta, nếu Tỷ-kheo sau khi tư duy biết rằng: "Trên con đường ta đã đi vào làng để khất thực, tại trú xứ ta đã đi khất thực và trên con đường từ làng ta đi khất thực trở về, đối với các sắc do mắt nhận thức, có khởi lên nơi ta dục, tham, sân, si hay hận tâm", thời này Sāriputta, Tỷ-kheo ấy phải tinh tấn đoạn tận các ác bất thiện pháp ấy.
Nhưng này Sāriputta, nếu Tỷ-kheo trong khi suy tư được biết như sau: "Trên con đường ta đã đi vào làng để khất thực, tại trú xứ ta đã đi khất thực và trên con đường từ làng ta đi khất thực trở về, đối với các sắc do mắt nhận thức, không có khởi lên nơi dục, tham, sân, si hay hận tâm", thời này Sāriputta, Tỷ-kheo ấy phải an trú với hỷ và hân hoan, ngày đêm tu học trong các thiện pháp.

(tương tự đối với:
các tiếng do tai nhận thức
các hương do mũi nhận thức,
các vị do lưỡi nhận thức
các xúc do thân nhận thức
các pháp do ý nhận thức)

2)       Lại nữa, này Sāriputta, Tỷ-kheo cần phải suy tư như sau: "Ta đã đoạn tận năm dục trưởng dưỡng chưa?"
3)     Lại nữa, này Sāriputta, Tỷ-kheo cần phải suy tư như sau: "Ta đã đoạn tận năm triền cái chưa?"
4)     Lại nữa, này Sāriputta, Tỷ-kheo cần phải suy tư: "Ta có liễu tri năm thủ uẩn chưa?"
5)       Lại nữa, này Sāriputta, Tỷ-kheo cần phải suy tư như sau: "Ta đã tu tập bốn niệm xứ chưa?"
6)     Lại nữa, này Sāriputta, Tỷ-kheo cần phải suy tư: "Ta đã tu tập bốn Chánh cần chưa?"  
7)       Lại nữa, này Sāriputta, Tỷ-kheo cần phải suy tư: "Ta đã tu tập bốn như ý túc chưa?"      
8)     Lại nữa, này Sāriputta, Tỷ-kheo cần phải suy tư: "Ta đã tu tập năm căn chưa?"
9)   Lại nữa, này Sāriputta, Tỷ-kheo cần phải suy tư: "Ta đã tu tập năm lực chưa?"
10)   Lại nữa, này Sāriputta, Tỷ-kheo cần phải suy tư: "Ta đã tu tập bảy giác chi chưa?"
11)   Lại nữa, này Sāriputta, Tỷ-kheo cần phải suy tư như sau: "Ta đã tu tập Thánh đạo Tám ngành chưa?"
12)   Lại nữa, này Sāriputta, Tỷ-kheo cần phải suy tư: "Ta đã tu tập Chỉ và Quán chưa?"
13)   Lại nữa, này Sāriputta, Tỷ-kheo cần phải suy tư như sau: "Ta đã chứng ngộ minh và giải thoát chưa?"
Nếu Tỷ-kheo, này Sāriputta, trong khi suy tư được biết như sau: "Ta chưa chứng ngộ minh và giải thoát", thời này Sāriputta, Tỷ-kheo ấy cần phải tinh tấn tu tập minh và giải thoát.
Nhưng nếu, này Sāriputta, Tỷ-kheo trong khi suy tư được biết như sau: "Ta đã chứng ngộ minh và giải thoát", thời này Sāriputta, Tỷ-kheo ấy cần phải an trú với hỷ và hân hoan, ngày đêm tu học trong các thiện pháp.
21. Này Sāriputta, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào trong thời quá khứ đã làm cho khất thực được thanh tịnh, tất cả những vị ấy đã làm cho khất thực được thanh tịnh bằng cách suy tư, (và) suy tư như vậy.
Này Sāriputta, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào trong thời gian tương lai sẽ làm cho khất thực được thanh tịnh, tất cả những vị ấy sẽ làm cho khất thực được thanh tịnh, bằng cách suy tư, (và) suy tư như vậy.
Và này Sāriputta, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào trong thời hiện tại đang làm cho khất thực được thanh tịnh, tất cả những vị ấy đang làm cho khất thực được thanh tịnh, bằng cách suy tư, (và) suy tư như vậy.
Vậy này Sāriputta, các ông cần phải học tập như sau: "Sau khi suy tư, suy tư, chúng ta sẽ làm cho khất thực được thanh tịnh". Này Sāriputta, các ông phải tu tập như vậy.


MN 151 – Kinh Khất Thực Thanh Tịnh (Piṇḍapātapārisuddhisutta)

1. Như vầy tôi nghe. Một thời, Thế Tôn ở Rājagaha (Vương Xá), Veḷuvana (Trúc lâm), tại chỗ nuôi dưỡng các con sóc (Kalandakanivāpa).
2. Rồi Tôn-giả Sāriputta vào buổi chiều, từ Thiền tịnh độc cư đứng dậy, đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với Tôn-giả Sāriputta đang ngồi một bên:
- Này Sāriputta, các căn của ông rất sáng suốt, sắc da của ông thanh tịnh trong sáng. Này Sāriputta, ông nay đang phần lớn an trú với loại an trú nào?
- Bạch Thế Tôn, con nay đang phần lớn an trú với Không trú.
- Lành thay, lành thay! Này Sāriputta, ông nay đang phần lớn an trú với sự an trú của bậc Ðại nhân. Này Sāriputta, sự an trú của bậc Ðại nhân tức là không tánh.
3. Do vậy, này Sāriputta, nếu Tỷ-kheo ước mong rằng: "Mong rằng tôi nay phần lớn an trú với sự an trú không tánh", thời này Sāriputta, Tỷ-kheo ấy cần phải suy tư như sau: "Trên con đường ta đã đi vào làng để khất thực, tại trú xứ ta đã đi khất thực, và trên con đường từ làng ta đi khất thực trở về, tại chỗ ấy, đối với các sắc do mắt nhận thức, có khởi lên ở nơi ta dục, tham, sân si, hay hận tâm không?"
Này Sāriputta, nếu Tỷ-kheo sau khi tư duy biết rằng: "Trên con đường ta đã đi vào làng để khất thực, tại trú xứ ta đã đi khất thực và trên con đường từ làng ta đi khất thực trở về, đối với các sắc do mắt nhận thức, có khởi lên nơi ta dục, tham, sân, si hay hận tâm", thời này Sāriputta, Tỷ-kheo ấy phải tinh tấn đoạn tận các ác bất thiện pháp ấy.
Nhưng này Sāriputta, nếu Tỷ-kheo trong khi suy tư được biết như sau: "Trên con đường ta đã đi vào làng để khất thực, tại trú xứ ta đã đi khất thực và trên con đường từ làng ta đi khất thực trở về, đối với các sắc do mắt nhận thức, không có khởi lên nơi dục, tham, sân, si hay hận tâm", thời này Sāriputta, Tỷ-kheo ấy phải an trú với hỷ và hân hoan, ngày đêm tu học trong các thiện pháp.
4. Lại nữa, này Sāriputta, Tỷ-kheo cần phải suy tư như sau: "Trên con đường ta đã đi vào làng để khất thực, tại trú xứ ta đã đi khất thực, và trên con đường từ làng ta đi khất thực trở về, tại chỗ ấy, đối với các tiếng do tai nhận thức, có khởi lên ở nơi ta dục, tham, sân si, hay hận tâm không?"
Này Sāriputta, nếu Tỷ-kheo sau khi tư duy biết rằng: "Trên con đường ta đã đi vào làng để khất thực, tại trú xứ ta đã đi khất thực và trên con đường từ làng ta đi khất thực trở về, đối với các tiếng do tai nhận thức, có khởi lên nơi ta dục, tham, sân, si hay hận tâm", thời này Sāriputta, Tỷ-kheo ấy phải tinh tấn đoạn tận các ác bất thiện pháp ấy. Nhưng này Sāriputta, nếu Tỷ-kheo trong khi suy tư được biết như sau: "Trên con đường ta đã đi vào làng để khất thực, tại trú xứ ta đã đi khất thực và trên con đường từ làng ta đi khất thực trở về, đối với các tiếng do tai nhận thức, không có khởi lên nơi dục, tham, sân, si hay hận tâm", thời này Sāriputta, Tỷ-kheo ấy phải an trú với hỷ và hân hoan, ngày đêm tu học trong các thiện pháp.
5. Lại nữa, này Sāriputta, Tỷ-kheo cần phải suy tư như sau: "Trên con đường ta đã đi vào làng để khất thực, tại trú xứ ta đã đi khất thực, và trên con đường từ làng ta đi khất thực trở về, tại chỗ ấy, đối với các hương do mũi nhận thức, có khởi lên ở nơi ta dục, tham, sân si, hay hận tâm không?"
Này Sāriputta, nếu Tỷ-kheo sau khi tư duy biết rằng: "Trên con đường ta đã đi vào làng để khất thực, tại trú xứ ta đã đi khất thực và trên con đường từ làng ta đi khất thực trở về, đối với các hương do mũi nhận thức, có khởi lên nơi ta dục, tham, sân, si hay hận tâm", thời này Sāriputta, Tỷ-kheo ấy phải tinh tấn đoạn tận các ác bất thiện pháp ấy. Nhưng này Sāriputta, nếu Tỷ-kheo trong khi suy tư được biết như sau: "Trên con đường ta đã đi vào làng để khất thực, tại trú xứ ta đã đi khất thực và trên con đường từ làng ta đi khất thực trở về, đối với các hương do mũi nhận thức, không có khởi lên nơi dục, tham, sân, si hay hận tâm", thời này Sāriputta, Tỷ-kheo ấy phải an trú với hỷ và hân hoan, ngày đêm tu học trong các thiện pháp.
6. Lại nữa, này Sāriputta, Tỷ-kheo cần phải suy tư như sau: "Trên con đường ta đã đi vào làng để khất thực, tại trú xứ ta đã đi khất thực, và trên con đường từ làng ta đi khất thực trở về, tại chỗ ấy, đối với các vị do lưỡi nhận thức, có khởi lên ở nơi ta dục, tham, sân si, hay hận tâm không?"
Này Sāriputta, nếu Tỷ-kheo sau khi tư duy biết rằng: "Trên con đường ta đã đi vào làng để khất thực, tại trú xứ ta đã đi khất thực và trên con đường từ làng ta đi khất thực trở về, đối với các vị do lưỡi nhận thức, có khởi lên nơi ta dục, tham, sân, si hay hận tâm", thời này Sāriputta, Tỷ-kheo ấy phải tinh tấn đoạn tận các ác bất thiện pháp ấy. Nhưng này Sāriputta, nếu Tỷ-kheo trong khi suy tư được biết như sau: "Trên con đường ta đã đi vào làng để khất thực, tại trú xứ ta đã đi khất thực và trên con đường từ làng ta đi khất thực trở về, đối với các vị do lưỡi nhận thức, không có khởi lên nơi dục, tham, sân, si hay hận tâm", thời này Sāriputta, Tỷ-kheo ấy phải an trú với hỷ và hân hoan, ngày đêm tu học trong các thiện pháp.
7. Lại nữa, này Sāriputta, Tỷ-kheo cần phải suy tư như sau: "Trên con đường ta đã đi vào làng để khất thực, tại trú xứ ta đã đi khất thực, và trên con đường từ làng ta đi khất thực trở về, tại chỗ ấy, đối với các xúc do thân nhận thức, có khởi lên ở nơi ta dục, tham, sân si, hay hận tâm không?"
Này Sāriputta, nếu Tỷ-kheo sau khi tư duy biết rằng: "Trên con đường ta đã đi vào làng để khất thực, tại trú xứ ta đã đi khất thực và trên con đường từ làng ta đi khất thực trở về, đối với các xúc do thân nhận thức, có khởi lên nơi ta dục, tham, sân, si hay hận tâm", thời này Sāriputta, Tỷ-kheo ấy phải tinh tấn đoạn tận các ác bất thiện pháp ấy. Nhưng này Sāriputta, nếu Tỷ-kheo trong khi suy tư được biết như sau: "Trên con đường ta đã đi vào làng để khất thực, tại trú xứ ta đã đi khất thực và trên con đường từ làng ta đi khất thực trở về, đối với các xúc do thân nhận thức, không có khởi lên nơi dục, tham, sân, si hay hận tâm", thời này Sāriputta, Tỷ-kheo ấy phải an trú với hỷ và hân hoan, ngày đêm tu học trong các thiện pháp.
8. Lại nữa, này Sāriputta, Tỷ-kheo cần phải suy tư như sau: "Trên con đường ta đã đi vào làng để khất thực, tại trú xứ ta đã đi khất thực, và trên con đường từ làng ta đi khất thực trở về, tại chỗ ấy, đối với các pháp do ý nhận thức, có khởi lên ở nơi ta dục, tham, sân si, hay hận tâm không?"
Này Sāriputta, nếu Tỷ-kheo sau khi tư duy biết rằng: "Trên con đường ta đã đi vào làng để khất thực, tại trú xứ ta đã đi khất thực và trên con đường từ làng ta đi khất thực trở về, đối với các pháp do ý nhận thức, có khởi lên nơi ta dục, tham, sân, si hay hận tâm", thời này Sāriputta, Tỷ-kheo ấy phải tinh tấn đoạn tận các ác bất thiện pháp ấy. Nhưng này Sāriputta, nếu Tỷ-kheo trong khi suy tư được biết như sau: "Trên con đường ta đã đi vào làng để khất thực, tại trú xứ ta đã đi khất thực và trên con đường từ làng ta đi khất thực trở về, đối với các pháp do ý nhận thức, không có khởi lên nơi dục, tham, sân, si hay hận tâm", thời này Sāriputta, Tỷ-kheo ấy phải an trú với hỷ và hân hoan, ngày đêm tu học trong các thiện pháp.
9. Lại nữa, này Sāriputta, Tỷ-kheo cần phải suy tư như sau: "Ta đã đoạn tận năm dục trưởng dưỡng chưa?"
Này Sāriputta, nếu Tỷ-kheo, trong khi suy tư được biết như sau: "Ta chưa đoạn tận năm dục trưởng dưỡng", thời này Sāriputta, Tỷ-kheo ấy phải tinh tấn đoạn tận năm dục trưởng dưỡng. Nhưng nếu, này Sāriputta, Tỷ-kheo trong khi suy tư được biết như sau: "Ta đã đoạn tận năm dục trưởng dưỡng", thời này Sāriputta, Tỷ-kheo ấy phải an trú với hỷ và hân hoan, ngày đêm tu học trong các thiện pháp.
10. Lại nữa, này Sāriputta, Tỷ-kheo cần phải suy tư như sau: "Ta đã đoạn tận năm triền cái chưa?"
Nếu, này Sāriputta, trong khi suy tư, Tỷ-kheo được biết như sau: "Ta chưa đoạn tận năm triền cái", thời này Sāriputta, Tỷ-kheo ấy phải tinh tấn đoạn tận năm triền cái. Nhưng nếu, này Sāriputta, Tỷ-kheo trong khi suy tư được biết như sau: "Ta đã đoạn tận năm triền cái", thời này Sāriputta, Tỷ-kheo ấy phải an trú với hỷ và hân hoan, ngày đêm tu học trong các thiện pháp.
11. Lại nữa, này Sāriputta, Tỷ-kheo cần phải suy tư: "Ta có liễu tri năm thủ uẩn chưa?"
Này Sāriputta, nếu trong khi suy tư, Tỷ-kheo được biết như sau: "Ta chưa có liễu tri năm thủ uẩn", thời này Sāriputta, Tỷ-kheo ấy cần phải tinh tấn liễu tri năm thủ uẩn. Nhưng nếu, này Sāriputta, trong khi suy tư, Tỷ-kheo ấy được biết như sau: "Ta đã liễu tri năm thủ uẩn", thời này Sāriputta, vị Tỷ-kheo ấy phải an trú với hỷ và hân hoan, ngày đêm tu học trong các thiện pháp.
12. Lại nữa, này Sāriputta, Tỷ-kheo cần phải suy tư như sau: "Ta đã tu tập bốn niệm xứ chưa?"
Này Sāriputta, nếu trong khi suy tư, Tỷ-kheo được biết: "Ta chưa tu tập bốn niệm xứ", thời này Sāriputta, vị Tỷ-kheo cần phải tinh tấn tu tập bốn niệm xứ. Nhưng nếu, này Sāriputta, trong khi suy tư, Tỷ-kheo được biết như sau: "Ta đã tu tập bốn niệm xứ ", thời này Sāriputta, Tỷ-kheo ấy cần phải an trú với hỷ và hân hoan, ngày đêm tu học trong các thiện pháp.
13. Lại nữa, này Sāriputta, Tỷ-kheo cần phải suy tư: "Ta đã tu tập bốn Chánh cần chưa?"
Nếu, này Sāriputta, trong khi suy tư, Tỷ-kheo được biết như sau: "Ta chưa tu tập bốn Chánh cần", thời này Sāriputta, Tỷ-kheo ấy phải tinh tấn tu tập bốn Chánh cần. Nhưng nếu, này Sāriputta, Tỷ-kheo trong khi suy tư được biết như sau: "Ta đã tu tập bốn Chánh cần", thời này Sāriputta, Tỷ-kheo ấy phải an trú với hỷ và hân hoan, ngày đêm tu học trong các thiện pháp.
14. Lại nữa, này Sāriputta, Tỷ-kheo cần phải suy tư: "Ta đã tu tập bốn như ý túc chưa?"
Nếu, này Sāriputta, trong khi suy tư, Tỷ-kheo được biết như sau: "Ta chưa tu tập bốn như ý túc", thời này Sāriputta, Tỷ-kheo ấy phải tinh tấn tu tập bốn như ý túc. Nhưng nếu, này Sāriputta, Tỷ-kheo trong khi suy tư được biết như sau: "Ta đã tu tập bốn như ý túc", thời này Sāriputta, Tỷ-kheo ấy phải an trú với hỷ và hân hoan, ngày đêm tu học trong các thiện pháp.
15. Lại nữa, này Sāriputta, Tỷ-kheo cần phải suy tư: "Ta đã tu tập năm căn chưa?"
Nếu, này Sāriputta, trong khi suy tư, Tỷ-kheo được biết như sau: "Ta chưa tu tập năm căn", thời này Sāriputta, Tỷ-kheo ấy phải tinh tấn tu tập năm căn. Nhưng nếu, này Sāriputta, Tỷ-kheo trong khi suy tư được biết như sau: "Ta đã tu tập năm căn", thời này Sāriputta, Tỷ-kheo ấy phải an trú với hỷ và hân hoan, ngày đêm tu học trong các thiện pháp.
16. Lại nữa, này Sāriputta, Tỷ-kheo cần phải suy tư: "Ta đã tu tập năm lực chưa?"
Nếu, này Sāriputta, trong khi suy tư, Tỷ-kheo được biết như sau: "Ta chưa tu tập năm lực", thời này Sāriputta, Tỷ-kheo ấy phải tinh tấn tu tập năm lực. Nhưng nếu, này Sāriputta, Tỷ-kheo trong khi suy tư được biết như sau: "Ta đã tu tập năm lực", thời này Sāriputta, Tỷ-kheo ấy phải an trú với hỷ và hân hoan, ngày đêm tu học trong các thiện pháp.
17. Lại nữa, này Sāriputta, Tỷ-kheo cần phải suy tư: "Ta đã tu tập bảy giác chi chưa?"
Nếu, này Sāriputta, trong khi suy tư, Tỷ-kheo được biết như sau: "Ta chưa tu tập bảy giác chi", thời này Sāriputta, Tỷ-kheo ấy phải tinh tấn tu tập bảy giác chi. Nhưng nếu, này Sāriputta, Tỷ-kheo trong khi suy tư được biết như sau: "Ta đã tu tập bảy giác chi", thời này Sāriputta, Tỷ-kheo ấy phải an trú với hỷ và hân hoan, ngày đêm tu học trong các thiện pháp.
18. Lại nữa, này Sāriputta, Tỷ-kheo cần phải suy tư như sau: "Ta đã tu tập Thánh đạo Tám ngành chưa?"
Nếu Tỷ-kheo, này Sāriputta, trong khi suy tư được biết như sau: "Ta chưa tu tập Thánh đạo Tám ngành", thời này Sāriputta, Tỷ-kheo ấy cần phải tinh tấn tu tập Thánh đạo Tám ngành. Nhưng nếu, này Sāriputta, Tỷ-kheo trong khi suy tư được biết như sau: "Ta đã tu tập Thánh đạo Tám ngành", thời này Sāriputta, Tỷ-kheo ấy cần phải an trú trong hỷ và hân hoan, ngày đêm tu học trong các thiện pháp.
19. Lại nữa, này Sāriputta, Tỷ-kheo cần phải suy tư: "Ta đã tu tập Chỉ và Quán chưa?"
Nếu Tỷ-kheo, này Sāriputta, trong khi suy tư được biết như sau: "Ta chưa tu tập Chỉ và Quán", thời này Sāriputta, Tỷ-kheo ấy cần phải tinh tấn tu tập Chỉ và Quán. Nhưng nếu, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trong khi suy tư được biết như sau: "Ta đã tu tập Chỉ và Quán", thời này Sāriputta, Tỷ-kheo ấy cần phải an trú với hỷ và hân hoan, ngày đêm tu học trong các thiện pháp.
20. Lại nữa, này Sāriputta, Tỷ-kheo cần phải suy tư như sau: "Ta đã chứng ngộ minh và giải thoát chưa?"
Nếu Tỷ-kheo, này Sāriputta, trong khi suy tư được biết như sau: "Ta chưa chứng ngộ minh và giải thoát", thời này Sāriputta, Tỷ-kheo ấy cần phải tinh tấn tu tập minh và giải thoát.
Nhưng nếu, này Sāriputta, Tỷ-kheo trong khi suy tư được biết như sau: "Ta đã chứng ngộ minh và giải thoát", thời này Sāriputta, Tỷ-kheo ấy cần phải an trú với hỷ và hân hoan, ngày đêm tu học trong các thiện pháp.
21. Này Sāriputta, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào trong thời quá khứ đã làm cho khất thực được thanh tịnh, tất cả những vị ấy đã làm cho khất thực được thanh tịnh bằng cách suy tư, (và) suy tư như vậy.
Này Sāriputta, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào trong thời gian tương lai sẽ làm cho khất thực được thanh tịnh, tất cả những vị ấy sẽ làm cho khất thực được thanh tịnh, bằng cách suy tư, (và) suy tư như vậy.
Và này Sāriputta, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào trong thời hiện tại đang làm cho khất thực được thanh tịnh, tất cả những vị ấy đang làm cho khất thực được thanh tịnh, bằng cách suy tư, (và) suy tư như vậy.
Vậy này Sāriputta, các ông cần phải học tập như sau: "Sau khi suy tư, suy tư, chúng ta sẽ làm cho khất thực được thanh tịnh". Này Sāriputta, các ông phải tu tập như vậy.
Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Tôn-giả Sāriputta hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy.