NAMO TASSA BHAGAVATO ARAHATO SAMMASAMBUDDHASA

Chánh Pháp (Phật Pháp)

Chánh Pháp mà đức Thế Tôn đã khéo thuyết giảng"thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu".

Chánh Pháp ấy là Bốn Thánh Đế và sự tu tập chân chánh là sự thực hành con đường Thánh Đạo Tám Ngành (còn được gọi là: Bát Chánh Đạo, hay Bát Thánh Đạo): Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm và Chánh Định; y chỉ viễn ly, y chỉ ly tham, y chỉ đoạn diệt, y chỉ từ bỏ; là con đường duy nhất đưa đến đoạn tận Tham Sân Si, chấm dứt khổ đau, chấm dứt sanh tử luân hồi, chứng ngộ Niết Bàn.

Chúng ta hãy thường xuyên ôn tập và ghi nhớ lời dạy sau đây của đức Phật để tự nhắc mình luôn tinh tấn tu tập Thánh Đạo Tám Ngành:

  • "Vô thỉ là luân hồi này, này các Tỷ-kheo, khởi điểm không thể nêu rõ đối với sự lưu chuyển luân hồi của các chúng sanh bị vô minh che đậy, bị tham ái trói buộc".
  • "Này các Tỷ-kheo, do không giác ngộ, do không thông đạt Bốn Thánh Đế mà Ta và các Ông lâu ngày phải dong ruổi, lưu chuyển như thế này. Thế nào là bốn? Thánh đế về Khổ, Thánh đế về Khổ tập, Thánh đế về Khổ diệt, Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt".
  • "Này các Tỷ-kheo, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Khổ".
  • Một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Khổ tập".
  • Một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Khổ diệt".
  • Một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Con đường đưa đến Khổ diệt"".
  • "Này các Tỷ-kheo, Thánh đế về Khổ, cần phải liễu tri.
  • Thánh đế về Khổ tập cần phải đoạn tận.
  • Thánh đế về Khổ diệt cần phải chứng ngộ.
  • Thánh đế về Con đường đưa đến Khổ diệt cần phải tu tập".

(trích Kinh Tương Ưng Bộ)

--------------------------------------------------------------------------------------------------------

Popular Posts

Thursday, July 31, 2014

Kinh Tài Vật (Tín tài, giới tài, văn tài, thí tài, tuệ tài)

Tài Vật: Pañcadhanasuttaṃ (Kinh Tăng Chi Bộ)

1. - Này các Tỷ-kheo, có năm tài sản này. Thế nào là năm? Tín tài, giới tài, văn tài, thí tài, tuệ tài.
2. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tín tài?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử có lòng tin, tin tưởng vào sự giác ngộ của Như Lai: "Ðây là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn". Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tín tài.
3. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là giới tài?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh với vợ người, từ bỏ nói láo, từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là giới tài.
4. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là văn tài?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử Vị này là vị đa văn, nhớ nghĩ những điều đã nghe, tích tụ những điều đã nghe. Những pháp nào, sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa, có văn, nói lên phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ thanh tịnh, những pháp như vậy, vị ấy nghe nhiều, thọ trì, đọc tụng bằng lời, được ý suy tư, được chánh kiến thể nhập. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là văn tài.
5. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là thí tài?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử sống ở gia đình, tâm không bị cấu uế xan tham chi phối, bố thí rộng rãi, với bàn tay rộng mở, ưa thích từ bỏ, sẵn sàng để được yêu cầu, ưa thích phân phát vật bố thí. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là thí tài.
6. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tuệ tài?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử có trí tuệ, thành tựu trí tuệ đối với sanh diệt và sự thể nhập bậc Thánh đưa đến đoạn tận khổ đau. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tuệ tài.
7. Các pháp này, này các Tỷ-kheo là năm tài sản:
Ai tin tưởng Như Lai,
Bất động, khéo an trí,
Ai gìn giữ thiện giới,
Thánh ái mộ, tán thán,
Ai tịnh tín chúng Tăng,
Ðược thấy bậc Chánh trực,
Người ấy gọi không nghèo,
Mạng sống không trống không,
Do vậy, tín và giới,
Tịnh tín thấy Chánh pháp,
Bậc trí tâm chuyên chú,
Nhớ đến lời Phật dạy.


Kinh Ðại Tướng Sīha

Ðại Tướng Sīha: Sīhasenāpatisuttaṃ (Kinh Tăng Chi Bộ)
1. Một thời, Thế Tôn ở Vesàlì, tại Đại Lâm ở giảng đường có nóc nhọn. Rồi tướng quân Sìha đi đến thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, tướng quân Sìha bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, Thế Tôn có thể trình bày cho con về quả thiết thực hiện tại của bố thí? Thế Tôn đáp:
2. - Có thể được, này Sìha! Người bố thí, này Sìha, người thí chủ được quần chúng ái mộ và ưa thích. Này Sìha, người bố thí, người thí chủ được quần chúng ái mộ và ưa thích, đây quả bố thí thiết thực hiện tại
3. Lại nữa, này Sìha! Bậc thiện, bậc Chân nhân thân cận người bố thí, người thí chủ. Này Sìha, bậc Thiện, bậc Chân nhân, thân cận người bố thí, người bố thí, người thí chủ. Này Sìha, đây là quả bố thí thiết thực hiện tại.
4. Lại nữa, này Sìha! Người bố thí, người thí chủ được tiếng đồn tốt đẹp truyền đi. Này Sìha, người bố thí, người thí chủ được tiếng đồn tốt đẹp truyền đi. Này Sìha, đây là quả bố thí thiết thực hiện tại.
5. Lại nữa, này Sìha, người bố thí, người thí chủ đi đến hội chúng nào, hoặc hội chúng Sát-đế-ly, hoặc hội chúng Bà-la-môn, hoặc hội chúng gia chủ, hoặc hội chúng Sa-môn. Vị ấy đi đến với tự tín, không có do dự hoang mang. Này Sìha, người bố thí, người thí đi đến hội chúng Bà-la-môn, hoặc hội chúng gia chủ, hoặc hội chúng Sa-môn; vị ấy đi đến với tự tin, không có do dự hoang mang. Này Sìha, đây là quả bố thí thiết thực hiện tại.
6. Lại nữa, Sìha! Người bố thì, người thí chủ, sau khi thân hoại mạng chung được sanh lên cõi lành, Thiên giới. Người bố thí, người thí chủ, này Sìha, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên cõi lành, Thiên giới. Này Sìha, đây là quả bố thí thiết thực hiện đại.
7. Được nói vậy, tướng quân Sìha bạch Thế Tôn:
·       Bốn quả bố thí thiết thực hiện tại này, bạch Thế Tôn, được Thế Tôn nói đến, con không nhờ chúng đi đến lòng tin Thế Tôn. Con biết được chúng.
·       Bạch Thế Tôn, con là người bố thí, là thí chủ được quần chúng ái mộ ưa thích.
·       Bạch Thế Tôn, con là người bố thí, người thí chủ được bậc thiện, bậc Chân nhân thân cận với con.
·       Bạch Thế Tôn, con là người bố thí, người thí chủ. Tiếng đồn tốt đẹp được truyền đi về con:" Tướng quân Sìha là người bố thí, là người làm việc, là người hộ trì chúng Tăng."
·       Bạch Thế Tôn, con là người bố thí, là người thí chủ. Con đi đến hội chúng nào, hoặc hội chúng Sát-đế-ly, hoặc hội chúng Bà-la-môn, hoặc hội chúng Gia chủ, hoặc hội chúng Sa-môn. Con đi đến với lòng tự tín, không do dự hoang mang.
Bốn quả bố thí hiện tại này, bạch Thế Tôn, được Thế Tôn nói đến, con không nhờ chúng đi đến lòng tin Thế Tôn. Con biết được chúng.
Nhưng bạch Thế Tôn, khi Thế Tôn nói với con: "Người bố thí, này Sìha, người thí chủ sau khi thân hoại mạng chung được sanh lên cõi lành, Thiên giới." Điều này con không được biết, ở đây con đi đến lòng tin Thế Tôn.
- Sự kiện là vậy, này Sìha! Sự kiện là vậy, này Sìha! Người bố thí, người thí chủ, sau khi thân hoại mạng chung được sanh lên thiện thú, Thiên giới.
Người cho được ái mộ,
Được nhiều người thân cận,
Được tiếng đồn tốt đẹp,
Danh xưng được tăng trưởng.
Không hoang mang do dự,
Đi vào giữa hội chúng,
Với tâm đầy tự tín,
Là người không xan tham.

Do vậy người có trí,
Thường thường làm bố thí,
Nhiếp phục uế, xan tham,
Tìm cầu chơn an lạc.
Được an trú lâu ngày,
Trên cõi trời Thập Tam
Họ sống vui hoan hỷ,
Đồng bạn với chư Thiên.

Sanh duyên đã làm xong
Thiện hạnh đã làm xong,
Mệnh chung sanh chư Thiên,
Được sống và thọ hưởng,
Tại rừng Nan-da-na
Tại đấy họ hoan hỷ,
Họ vui thích, thoải mái,
Thọ hưởng năm dục lạc,
Đối với lời thuyết giảng
Bậc Vô trước Thế Tôn,
Các đệ tử Thiện Thệ,
Sống hoan hỷ Thiên giới


Kinh Vacchagotta

[Này Vaccha, ai ngăn chận người khác bố thí, người ấy tạo ra ba chướng ngại pháp và đánh cắp mất ba vật.]
[Này Vaccha, Ta nói như sau: "Những ai đổ đồ phế thải trên mâm bàn, hay đồ rửa chén bát vào hố phân hay hố rác rưởi với ý nghĩ để các loài hữu tình trong ấy nhờ đấy được ăn để sống". Do nhân duyên ấy, này Vaccha, Ta nói có đem lại công đức, còn nói gì đối với loài người.]

Vacchagotta: Vacchagottasutta(Kinh Tăng Chi Bộ)
1. Rồi du-sĩ Vacchagotta đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ, nói lên những lời chào đón thăm hỏi thân hữu rồi ngồi xuống một bên.
2. Ngồi xuống một bên, du-sĩ Vacchagotta thưa với Thế Tôn:
- Tôi có được nghe, thưa Tôn-giả Gotama, người ta loan truyền rằng Sa-môn Gotama nói như sau: "Cần phải bố thí cho Ta, không cần bố thí cho người khác. Cần phải bố thí cho đệ tử của Ta, không cần phải bố thí cho đệ tử những người khác. Bố thí cho Ta có quả lớn, bố thí cho những người khác không có quả lớn. Bố thí cho các đệ tử của Ta có quả lớn, bố thí cho những đệ tử của người khác không có quả lớn!"
Thưa Tôn-giả Gotama, những ai nói rằng Sa-môn nói như sau: "Cần phải bố thí cho Ta, không cần bố thí cho người khác. Cần phải bố thí cho đệ tử của Ta, không cần phải bố thí cho đệ tử những người khác. Bố thí cho Ta có quả lớn, bố thí cho những người khác không có quả lớn. Bố thí cho các đệ tử của Ta có quả lớn, bố thí cho những đệ tử của người khác không có quả lớn!"
Những người nói như vậy, có phải nói đúng lời nói của Tôn-giả Gotama, không có xuyên tạc Tôn-giả Gotama với điều không thật? Có phải họ nói như vậy là đúng pháp và thuận pháp, và những ai là người đúng pháp, nói lời đúng pháp và thuận pháp, không có cơ hội để chỉ trích? Họ không muốn xuyên tạc Tôn-giả Gotama?
3. - Này Vaccha, những ai nói rằng Sa-môn Gotama nói như sau: "Cần phải bố thí cho Ta, không cần bố thí cho người khác. Cần phải bố thí cho đệ tử của Ta, không cần phải bố thí cho đệ tử những người khác. Bố thí cho Ta có quả lớn, bố thí cho những người khác không có quả lớn. Bố thí cho các đệ tử của Ta có quả lớn, bố thí cho những đệ tử của người khác không có quả lớn!"
Những người ấy không nói đúng với lời nói của Ta, họ đã xuyên tạc Ta với điều không thật, họ đã nói láo.
Này Vaccha, ai ngăn chận người khác bố thí, người ấy tạo ra ba chướng ngại pháp và đánh cắp mất ba vật. Thế nào là ba?
Người ấy làm chướng ngại người cho không được công đức, người ấy ngăn chặn người nhận không được bố thí, và tự ngã người ấy trước đã mất gốc, lại càng bị thương tổn hơn. Này Vaccha, ai ngăn chặn người cho không bố thí người khác, tạo ra ba chướng ngại như vậy, và đánh cắp mất ba vật.
Này Vaccha, Ta nói như sau: "Những ai đổ đồ phế thải trên mâm bàn, hay đồ rửa chén bát vào hố phân hay hố rác rưởi với ý nghĩ để các loài hữu tình trong ấy nhờ đấy được ăn để sống". Do nhân duyên ấy, này Vaccha, Ta nói có đem lại công đức, còn nói gì đối với loài người.
4. Lại nữa, này Vaccha, Ta tuyên bố rằng, cho người có giới hạnh được quả lớn, cho người ác giới không phải như vậy. Người có giới hạnh là người đã đoạn tận năm pháp và đã đầy đủ năm pháp.
Thế nào là năm pháp đã được đoạn tận?
·       Dục tham đã được đoạn tận,
·       sân đã được đoạn tận,
·       hôn trầm thùy miên đã được đoạn tận,
·       trạo hối đã được đoạn tận,
·       nghi đã được đoạn tận,
năm pháp này đã được đoạn tận.
Năm pháp nào đã được đầy đủ?
·       Ðầy đủ vô học giới uẩn,
·       đầy đủ vô học định uẩn,
·       đầy đủ vô học tuệ uẩn,
·       đầy đủ vô học giải thoát uẩn,
·       đầy đủ vô học giải thoát tri kiến uẩn.
Vị ấy được đầy đủ năm pháp này. Ở đây, Ta tuyên bố rằng, bố thí cho người đoạn tận năm pháp, đầy đủ năm pháp có quả lớn.
Như trong một đàn bò,
Có con đen, trắng, đỏ,
Màu hung hay có đốm,
Có con màu bồ câu.
Dầu con bò màu gì,
Kiếm được con bò thuần,
Con vật kéo sức mạnh,
Ðẹp, lanh và hăng hái,
Mặc kệ nó màu gì,
Liền mắc vào gánh nặng.
Cũng vậy, giữa loài người,
Dầu có sinh chỗ nào,
Hoàng tộc, Bà-la-môn,
Thương gia hay nô bộc.
Kẻ không có giai cấp,
Hay hạ cấp đổ phân,
Giữa những người như vậy,
Ai điều phục thuần thục,
Ngay thẳng, đủ giới đức,
Nói thực, biết tàm quý,
Sanh tử đã đoạn tận,
Phạm hạnh được vẹn toàn.
Gánh nặng đã hạ xuống,
Không còn bị trói buộc,
Việc cần làm đã làm,
Không còn bị lậu hoặc.
Ðã đến bờ bên kia,
Không chấp pháp tịch tịnh,
Phước điền ấy vô cấu,
Quả lớn đáng cúng dường.
Như kẻ ngu không biết,
Thiếu trí, ít nghe nhiều,
Chỉ bố thí bên ngoài,
Không đến gần kẻ thiện.
Những ai gần kẻ thiện,
Có tuệ, tôn bực hiền,
Họ tin bậc Thiện Thệ,
An trú tận gốc rễ.
Sanh Thiên hay ở đây,
Ðược sanh gia đình tốt,
Bậc trí tuần tự tiến,
Chứng được cảnh Niết-bàn.


Kinh Bố Thí

[Vì sao bố thí không có quả lớn?]
[Nhân giống nhau, Tâm khác nhau, Quả khác nhau]
  
Bố Thí: Dānasuttaṃ (Kinh Tăng Chi Bộ)

1. Một thời, Thế Tôn ở Campā, trên bờ hồ Gaggarā.
2. Bấy giờ có nhiều cư-sĩ ở Campā đi đến Tôn-giả Sāriputta, sau khi đến, đảnh lễ Tôn-giả Sāriputta rồi ngồi xuống một bên.
3. Ngồi xuống một bên, các nam cư-sĩ ấy thưa với Tôn-giả Sāriputta:
- Thưa Tôn-giả, đã lâu lắm, chúng con không được nghe pháp thoại từ miệng Thế Tôn. Lành thay, thưa Tôn-giả, nếu nay chúng con được nghe pháp thoại từ miệng Thế Tôn!
- Vậy này chư Hiền, hãy đến trong ngày lễ Trai giới (uposatha), các thầy sẽ được nghe pháp thoại từ miệng Thế Tôn.
- Thưa vâng, Tôn-giả!
Các nam cư-sĩ ở Campā ấy vâng đáp Tôn-giả Sāriputta, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Tôn-giả Sāriputta, thân bên hữu hướng về Tôn-giả rồi ra đi. Rồi các nam cư-sĩ ở Campā, đến ngày lễ Trai giới, đi đến Tôn-giả Sāriputta, sau khi đến, đảnh lễ Tôn-giả Sāriputta rồi đứng một bên. Rồi Tôn-giả Sāriputta cùng với các nam cư-sĩ ở Campā đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.
4. Ngồi xuống một bên, Tôn-giả Sāriputta bạch Thế Tôn:
- Có thể, bạch Thế Tôn, ở đây có hạng người bố thí như vậy, không được quả lớn, không được lợi ích lớn. Nhưng bạch Thế Tôn, có thể ở đây có hạng người bố thí như vậy, được quả lớn, được lợi ích lớn.
- Này Sāriputta, có thể ở đây có hạng người bố thí như vậy, không được quả lớn, không được lợi ích lớn. Có thể, này Sāriputta, ở đây có hạng người bố thí như vậy, được quả lớn, được lợi ích lớn.
5. - Bạch Thế Tôn, do nhân gì, do duyên gì, ở đây có hạng người bố thí như vậy, không được quả lớn, không được lợi ích lớn? Bạch Thế Tôn, do nhân gì, do duyên gì, ở đây có hạng người bố thí như vậy, được quả lớn, được lợi ích lớn?
- Ở đây, này Sāriputta, có người bố thí với tâm mong cầu, bố thí với tâm trói buộc (về kết quả), bố thí với tâm mong cầu được chất chứa, bố thí với ý nghĩ: "Tôi sẽ hưởng thọ cái này trong đời sau". Vị ấy bố thí như vậy cho các Sa-môn, Bà-la-môn, bố thí đồ ăn, đồ uống, vải mặc, xe cộ, vòng hoa, hương thơm, hương liệu, giường nằm, những trú xứ, đèn đuốc. Thầy nghĩ thế nào, này Sāriputta, ở đây có thể có hạng người bố thí như vậy không?
- Thưa có, bạch Thế Tôn.
- Ở đây, này Sāriputta, có hạng người bố thí với tâm mong cầu, bố thí với tâm trói buộc, bố thí với tâm mong cầu được chất chứa, bố thí với ý nghĩ: "Ta sẽ hưởng thọ cái này trong đời sau". Vị ấy bố thí như vậy, khi thân hoại mạng chung, được sanh cộng trú với chư Thiên ở Bốn thiên vương. Và vị ấy, khi nghiệp được đoạn tận, thần lực ấy, danh tiếng ấy, uy quyền ấy được đoạn tận, vị ấy trở thành "vị trở lui lại", trở lui trạng thái này.
6. Ở đây, này Sāriputta, có người bố thí không với tâm cầu mong, bố thí không với tâm trói buộc, bố thí không với mong cầu được chất chứa, bố thí không với ý nghĩ: "Ta sẽ hưởng thọ cái này trong đời sau", bố thí không với ý nghĩ: "Lành thay, sự bố thí", bố thí không với ý nghĩ: "Cái này đã được cho trong đời quá khứ, đã được tổ tiên làm trong quá khứ, ta không nên để truyền thống gia đình này bị bỏ quên", bố thí không với ý nghĩ: "Ta nấu ăn, các người này không nấu ăn. Ta không xứng đáng là người nấu ăn, lại không bố thí cho người không nấu ăn", bố thí không với ý nghĩ: "Như các vị ẩn sĩ thời xưa có những tế đàn lớn như Aṭṭhaka, Vāmaka, Vāmadeva, Vessāmitta, Yamataggi, Aṅgīrasa, Bhāradvāja, Vāsettha , Kassapa, Bhagu; cũng vậy, ta sẽ là người san sẻ các vật bố thí này", bố thí không với ý nghĩ: "Do ta bố thí vật bố thí này, tâm được tịnh tín, hỷ duyệt khởi lên". Nhưng vị ấy bố thí với ý nghĩ để trang nghiêm tâm, để trang bị tâm. Và đối với Sa-môn hay Bà-la-môn, vị ấy bố thí đồ ăn, đồ uống, vải mặc, xe cộ, vòng hoa, hương thơm, hương liệu, giường nằm, trú xứ, đèn đuốc. Thầy nghĩ thế nào, này Sāriputta, ở đây, có hạng người có thể bố thí như vậy không?
- Thưa có, bạch Thế Tôn.
- Này Sāriputta, ở đây, ai bố thí không với tâm cầu mong, bố thí không với tâm trói buộc, bố thí không với mong cầu được chất chứa, bố thí không với ý nghĩ: "Ta sẽ hưởng thọ cái này trong đời sau", bố thí không với ý nghĩ: "Lành thay, sự bố thí", bố thí không với ý nghĩ: "Cái này đã được cho trong đời quá khứ, đã được tổ tiên làm trong quá khứ, ta không nên để truyền thống gia đình này bị bỏ quên", bố thí không với ý nghĩ: "Ta nấu ăn, các người này không nấu ăn. Ta không xứng đáng là người nấu ăn, lại không bố thí cho người không nấu ăn", bố thí không với ý nghĩ: "Như các vị ẩn sĩ thời xưa có những tế đàn lớn như Aṭṭhaka, Vāmaka, Vāmadeva, Vessāmitta, Yamataggi, Aṅgīrasa, Bhāradvāja, Vāsettha , Kassapa, Bhagu; cũng vậy, ta sẽ là người san sẻ các vật bố thí này", bố thí không với ý nghĩ: "Do ta bố thí vật bố thí này, tâm được tịnh tín, hỷ duyệt khởi lên". Nhưng vị ấy bố thí với ý nghĩ để trang nghiêm tâm, để trang bị tâm. Do vị ấy bố thí như vậy, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh cộng trú với chư Thiên ở Phạm chúng thiên. Và khi vị ấy, nghiệp được đoạn tận, thần lực ấy, danh tiếng ấy, uy quyền ấy được đoạn tận, vị ấy trở thành vị Bất lai, không trở lui trạng thái này.
7. Này Sāriputta, đây là nhân, đây là duyên, khiến cho ở đây, một hạng người bố thí như vậy, không được quả lớn, không được lợi ích lớn. Này Sāriputta, nhưng đây cũng là nhân, là duyên khiến cho ở đây, có hạng người bố thí như vậy, được quả lớn, được lợi ích lớn.


Kinh Vật Thí Gồm Sáu Phần

Vật Thí Gồm Sáu Phần: Chaḷaṅgadānasuttaṃ (Kinh Tăng Chi Bộ)
1. Một thời, Thế Tôn trú ở Sāvatthī, tại Jetavata, khu vườn của ông Anāthapiṇḍika.
2. Lúc bấy giờ, mẹ của Nanda, nữ gia chủ người Veḷukaṇḍakī làm một thí vật gồm có sáu phần cho chúng Tỷ-kheo Tăng, cầm đầu là Sāriputta và Moggallāna.
3. Thế Tôn với thiên nhãn thanh tịnh, siêu nhân, thấy mẹ của Nanda, nữ gia chủ người Veḷukaṇḍakī làm một thí vật gồm có sáu phần cho chúng Tỷ-kheo Tăng, cầm đầu là Sāriputta và Moggallāna. Sau khi thấy vậy Thế Tôn liền bảo các Tỷ-kheo:
- Có mẹ của Nanda, nữ gia chủ người Veḷukaṇḍakī làm một thí vật gồm có sáu phần cho chúng Tỷ-kheo Tăng, cầm đầu là Sāriputta và Moggallāna. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là thí vật gồm có sáu phần cho chúng Tỷ-kheo Tăng?
4. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có ba phần thuộc người bố thícó ba phần thuộc người nhận đồ bố thí. Thế nào là ba phần thuộc về người bố thí? Ở đây, này các Tỷ-kheo, người bố thí, trước khi bố thí, ý được vui lòng; trong khi bố thí, tâm được tịnh tín; sau khi bố thí, cảm thấy hoan hỷ. Ðây là ba phần của người bố thí.
Thế nào là ba phần của người nhận bố thí? Ở đây, này các Tỷ-kheo, những người nhận vật bố thí, đã được ly tham hay đang thực hành hạnh ly tham; đã được ly sân hay đang thực hành hạnh ly sân; đã được ly si hay đang thực hành hạnh ly si. Ðây là ba phần của những người nhận vật bố thí. Như vậy là ba phần của người bố thí và ba phần của những người nhận được vật bố thí.
Như vậy, này các Tỷ-kheo, là thí vật gồm có sáu phần.
5. Như vậy, này các Tỷ-kheo, thực không dễ gì nắm được số lượng về công đức một thí vật gồm có sáu phần như vậy: "Có chừng ấy nguồn sanh phước, nguồn sanh thiện, món ăn an lạc, thuộc Thiên giới, là quả lạc dị thục, dẫn đến cõi Trời, đưa đến khả lạc, khả hỷ, khả ý, hạnh phúc, an lạc"; vì rằng cả khối công đức lớn được xem là vô số, vô lượng. Ví như, này các Tỷ-kheo, trong biển lớn, thật không dễ gì nắm lấy một số lượng nước và nói rằng: "Có chừng ấy thùng nước, hay có chừng ấy trăm thùng nước, hay có chừng ấy ngàn thùng nước, hay có chừng ấy trăm ngàn thùng nước"; vì rằng, cả khối lượng lớn nước được xem là vô số, vô lượng. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, thật không dễ gì để nắm được số lượng về công đức của một thí vật gồm sáu phần như vậy: "Có chừng ấy nguồn sanh phước, nguồn sanh thiện, món ăn an lạc, thuộc Thiên giới, là quả lạc dị thục, dẫn đến cõi Trời, đưa đến khả lạc, khả hỷ, khả ý, hạnh phúc, an lạc"; vì rằng cả khối công đức lớn được xem là vô số, vô lượng.
Trước bố thí, ý vui,
Khi bố thí, tâm tín.
Sau bố thí, hoan hỷ,

Ðây lễ thí đầy đủ.
Ly tham và ly sân,
Ly si, không lậu hoặc,
Vị Phạm hạnh chế ngự

Là ruộng phước lễ thí.
Nếu tự thanh tịnh mình,
Tự tay mình bố thí,
Tự mình đến đời sau,
Lễ thí vậy, quả lớn.
Lễ thí vậy, bậc trí,
Với tín, tâm giải thoát,
Không hận thù, an lạc,
Bậc Hiền sanh ở đời.


Wednesday, July 30, 2014

Kinh Người Chân Nhân

 (8. 1. 4. 7) Người Chân Nhân (1): Sappurisadānasuttaṃ (37) – Kinh Tăng Chi Bộ
- Này các Tỷ-kheo, có tám bố thí này của bậc chân nhân. Thế nào là tám?
1)    Cho vật trong sạch;
2)    cho vật thù diệu;
3)    cho đúng thời;
4)    cho vật thích ứng;
5)    cho với sự cẩn thận;
6)    cho luôn luôn;
7)    tâm cho được tịnh tín;
8)    sau khi cho được hoan hỷ.
Này các Tỷ-kheo, có tám bố thí này của bậc chân nhân:
Trong sạch và thù diệu,
Ðúng thời và thích ứng,
Ðồ uống và đồ ăn,
Luôn luôn làm bố thí,
Trong các ruộng tốt lành,
Sống theo đời Phạm hạnh.
Không có gì hối tiếc,
Bố thí nhiều tài vật,
Những bố thí như vậy,
Ðược bậc trí tán thán.
Bậc Trí thí như vậy,
Với tâm tín, giải thoát,
Không hại, tâm an lạc,
Bậc trí sanh ở đời.

(8. 1. 4. 8) Người Chân Nhân (2): Sappurisasuttaṃ (38) – Kinh Tăng Chi Bộ
1. - Này các Tỷ-kheo, bậc chân nhân sinh ra trong gia đình nào, đem lại lợi ích, hạnh phúc, an lạc cho nhiều người:
đem lại lợi ích, hạnh phúc, an lạc cho cha mẹ;
đem lại lợi ích, hạnh phúc, an lạc cho vợ con;
đem lại lợi ích, hạnh phúc, an lạc cho người phục vụ, người làm công;
đem lại lợi ích, hạnh phúc, an lạc cho bạn bè thân hữu;
đem lại lợi ích, hạnh phúc, an lạc cho các hương linh đã mất;
đem lại lợi ích, hạnh phúc, an lạc cho vua chúa;
đem lại lợi ích, hạnh phúc, an lạc cho chư Thiên;
đem lại lợi ích, hạnh phúc, an lạc cho Sa-môn, Bà-la-môn.
2. Ví như, này các Tỷ-kheo, một cơn mưa lớn làm cho các loại mùa màng đều thành tựu đầy đủ, đem lại lợi ích, hạnh phúc, an lạc cho nhiều người. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, bậc chân nhân sinh ra trong gia đình nào, đem lại lợi ích, hạnh phúc, an lạc cho nhiều người: đem lại lợi ích, hạnh phúc, an lạc cho cha mẹ; đem lại lợi ích, hạnh phúc, an lạc cho vợ con; đem lại lợi ích, hạnh phúc, an lạc cho người phục vụ, người làm công; đem lại lợi ích, hạnh phúc, an lạc cho bạn bè thân hữu; đem lại lợi ích, hạnh phúc, an lạc cho các hương linh đã mất; đem lại lợi ích, hạnh phúc, an lạc cho vua chúa; đem lại lợi ích, hạnh phúc, an lạc cho chư Thiên; đem lại lợi ích, hạnh phúc, an lạc cho Sa-môn, Bà-la-môn.
Vì lợi ích nhiều người,
Bậc trí sống gia đình,
Không mệt mỏi ngày đêm,
Cúng dường thật đúng pháp,

Mẹ cha và tổ tiên,
Nhớ ngày trước đã làm.
Ðối xuất gia, không nhà,
Kính lễ bậc Phạm hạnh,
Tin vững trú, cúng dường,
Biết pháp, khéo xử sự.
Là người đem lợi ích,
Cho vua, cho chư Thiên,
Là người đem lợi ích,
Cho bà con, bè bạn.

Là người đem lợi ích,
Cho tất cả mọi người,
Khéo an trú diệu pháp,
Nhiếp xan tham, cấu uế,
Hưởng cuộc đời hạnh phúc.

Kinh Thửa Ruộng

Thửa Ruộng: Khettasuttaṃ (Kinh Tăng Chi Bộ)
1. - Này các Tỷ-kheo, hột giống được gieo vào thửa ruộng thành tựu tám chi phần được xem là không quả lớn, không vị ngọt lớn, không phải địa điểm tăng thịnh. Thế nào là thành tựu tám chi phần?
2. Này các Tỷ-kheo, ở đây thửa ruộng lồi lên lõm xuống, đầy đá và sạn, đất mặn, không có bề sâu, không có chỗ nước chảy ra, không có chỗ nước chảy vào, không có nước chảy, không có bờ đê. Như vậy, này các Tỷ-kheo, hột giống được gieo vào thửa ruộng thành tựu được tám chi phần được xem là không quả lớn, không vị ngọt lớn, không phải địa điểm tăng thịnh.
3. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, bố thí giữa những Sa-môn, Bà-la-môn thành tựu tám chi phần, không có quả lớn, không lợi ích lớn, không có rung cảm lớn. Thế nào là thành tựu tám chi phần?
4. Ở đây, này các Tỷ-kheo, các Sa-môn, các Bà-la-môn có tà kiến, tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà tinh tấn, tà niệm, tà định. Như vậy, này các Tỷ-kheo, bố thí giữa những Sa-môn, Bà-la-môn thành tựu tám chi phần, không có quả lớn, không lợi ích lớn, không có rung cảm lớn.
5. Này các Tỷ-kheo, hột giống được gieo vào thửa ruộng thành tựu tám chi phần được xem là có quả lớn, có vị ngọt lớn, là địa điểm tăng thịnh. Thế nào là thành tựu tám chi phần?
6. Này các Tỷ-kheo, ở đây thửa ruộng không lồi lên lõm xuống, không có đầy đá và sạn, không có đất mặn, có bề sâu, có chỗ nước chảy ra, có chỗ nước chảy vào, có nước chảy, có bờ đê. Như vậy, này các Tỷ-kheo, hột giống được gieo vào thửa ruộng thành tựu tám chi phần được xem là có quả lớn, có vị ngọt lớn, là địa điểm tăng thịnh.
7. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, bố thí giữa những Sa-môn, Bà-la-môn thành tựu tám chi phần, có quả lớn, lợi ích lớn, có rực rỡ lớn, có rung cảm lớn. Thế nào là thành tựu tám chi phần?
8. Ở đây, này các Tỷ-kheo, các Sa-môn, các Bà-la-môn có Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định. Như vậy, này các Tỷ-kheo, bố thí giữa những Sa-môn, Bà-la-môn thành tựu tám chi phần, có quả lớn, lợi ích lớn, có rực rỡ lớn, có rung cảm lớn.
Khi ruộng được đầy đủ,
Hột giống gieo đầy đủ,
Khi mưa xuống đầy đủ,
Lúa gặt được đầy đủ.
Tai họa không có mặt,
Tăng trưởng được đầy đủ,
Rộng lớn được đầy đủ,
Kết quả được đầy đủ.
Cũng vậy, sự bố thí,
Giữa những người đủ giới,
Và vật liệu bố thí,
Cũng được sắm đầy đủ,
Ðưa đến sự đầy đủ,
Vì sở hành đầy đủ.
Vậy ai muốn đầy đủ,
Phải tự mình đầy đủ,
Phục vụ người đủ tuệ,
Như vậy thành công đủ.
Ðầy đủ trí và đức,
Với tâm được đầy đủ,
Làm nghiệp được đầy đủ,
Lợi ích được đầy đủ.
Như thật biết cuộc đời,
Ðạt được kiến đầy đủ,
Ðường đầy đủ, đi đến,
Tiến đến ý đầy đủ.
Vất bỏ mọi cấu uế,
Ðạt Niết-bàn cụ túc,
Giải thoát mọi khổ đau,
Tức đầy đủ vẹn toàn.



Kinh Ugga (Bảy tài sản)

Ugga: Uggasuttaṃ (Kinh Tăng Chi Bộ - tập 4)
1. Bấy giờ Ugga, vị đại thần của vua đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.
2. Ngồi xuống một bên, Ugga, vị đại thần của vua, bạch Thế Tôn:
- Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Thật hy hữu thay, bạch Thế Tôn! Giàu có đến như vậy, đại phú đến như vậy, tài sản nhiều đến như vậy, bạch Thế Tôn, là Migāra Rohaṇeyya!
- Này Ugga, Migāra Rohaṇeyya giàu có đến mức nào, đại phú đến mức nào, tài sản nhiều đến mức nào?
- Bạch Thế Tôn, về vàng có đến trăm ngàn, còn nói gì về bạc!
3. - Này Ugga, đây có thể là tài sản chăng? Không phải Ta nói rằng đây không phải là tài sản. Nhưng tài sản ấy bị chi phối bởi lửa, nước, vua chúa, ăn trộm, các kẻ thừa tự, thù địch.
Bảy tài sản này, này Ugga, không bị lửa, nước, vua chúa, ăn trộm, các kẻ thừa tự, thù địch chi phối. Thế nào là bảy? Tín tài, giới tài, tàm tài, quý tài, văn tài, thí tài, tuệ tài.
Bảy loại tài sản này, này Ugga, không bị lửa, nước, vua chúa, ăn trộm, các kẻ thừa tự, thù địch chi phối:
Tín tài và giới tài,
Tàm tài và quý tài,
Văn tài và thí tài,
Và tuệ tài thứ bảy.
Ai có tài sản này,
Nữ nhân hay nam nhân,
Người ấy là đại phú,
Thiên nhân giới khó thắng.
Do vậy, tín và giới,
Tịnh tín và thấy pháp,
Bậc trí chuyên chú tâm,
Ức niệm lời Phật dạy.