NAMO TASSA BHAGAVATO ARAHATO SAMMASAMBUDDHASA

Chánh Pháp (Phật Pháp)

Chánh Pháp mà đức Thế Tôn đã khéo thuyết giảng"thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu".

Chánh Pháp ấy là Bốn Thánh Đế và sự tu tập chân chánh là sự thực hành con đường Thánh Đạo Tám Ngành (còn được gọi là: Bát Chánh Đạo, hay Bát Thánh Đạo): Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm và Chánh Định; y chỉ viễn ly, y chỉ ly tham, y chỉ đoạn diệt, y chỉ từ bỏ; là con đường duy nhất đưa đến đoạn tận Tham Sân Si, chấm dứt khổ đau, chấm dứt sanh tử luân hồi, chứng ngộ Niết Bàn.

Chúng ta hãy thường xuyên ôn tập và ghi nhớ lời dạy sau đây của đức Phật để tự nhắc mình luôn tinh tấn tu tập Thánh Đạo Tám Ngành:

  • "Vô thỉ là luân hồi này, này các Tỷ-kheo, khởi điểm không thể nêu rõ đối với sự lưu chuyển luân hồi của các chúng sanh bị vô minh che đậy, bị tham ái trói buộc".
  • "Này các Tỷ-kheo, do không giác ngộ, do không thông đạt Bốn Thánh Đế mà Ta và các Ông lâu ngày phải dong ruổi, lưu chuyển như thế này. Thế nào là bốn? Thánh đế về Khổ, Thánh đế về Khổ tập, Thánh đế về Khổ diệt, Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt".
  • "Này các Tỷ-kheo, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Khổ".
  • Một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Khổ tập".
  • Một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Khổ diệt".
  • Một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Con đường đưa đến Khổ diệt"".
  • "Này các Tỷ-kheo, Thánh đế về Khổ, cần phải liễu tri.
  • Thánh đế về Khổ tập cần phải đoạn tận.
  • Thánh đế về Khổ diệt cần phải chứng ngộ.
  • Thánh đế về Con đường đưa đến Khổ diệt cần phải tu tập".

(trích Kinh Tương Ưng Bộ)

--------------------------------------------------------------------------------------------------------

Popular Posts

Sunday, January 24, 2016

AN 7.61 Kinh Ngủ Gục



AN 7.61 Kinh Ngủ Gục: Pacalāyamānasuttaṃ
1. Như vầy tôi nghe. Một thời Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Bhagga, tại núi Suṃsumāragira, rừng Bhesakaḷā (hay Bhesakala), tại vườn Nai.
2. Lúc bấy giờ, Tôn-giả Mahāmoggallāna đang ngồi ngủ gục, trong làng Kallavāḷamutta (hay Kallavālamutta), giữa dân chúng Māgadha. Thế Tôn với thiên nhãn thanh tịnh siêu nhân, thấy Tôn-giả Mahāmoggallāna đang ngồi ngủ gục, trong làng Kallavāḷamutta, giữa dân chúng Māgadha. Thấy vậy, như nhà lực sĩ duỗi bàn tay đang co lại, hay co lại bàn tay đang duỗi ra; cũng vậy, Thế Tôn biến mất giữa dân chúng Bhagga, tại núi Suṃsumāragira, rừng Bhesakaḷā, ở vườn Nai, rồi hiện ra trước mặt Tôn-giả Mahāmoggallāna, tại làng Kallavāḷamutta, giữa dân chúng Māgadha. Thế Tôn ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn; sau khi ngồi, Thế Tôn nói với Tôn-giả Mahāmoggallāna:
- Này Moggallāna, có phải thầy ngủ gục? Này Moggallāna, có phải thầy ngủ gục?
- Thưa phải, bạch Thế Tôn.
3. - Do vậy, này Moggallāna, khi nào thầy trú có tưởng và thụy miên xâm nhập thầy, chớ có tác ý đến nó, chớ có tưởng nhiều đến nó. Sự kiện này có xảy ra, do thầy trú như vậy, thụy miên ấy được đoạn diệt.
4. Nếu thầy trú như vậy, và thụy miên ấy không được đoạn diệt, thời này Moggallāna, với tâm của thầy, hãy tùy tầm, tùy tứ, với ý hãy tùy quán pháp như đã được nghe, như đã được học thuộc lòng. Sự kiện này có xảy ra, do thầy trú như vậy, thụy miên ấy được đoạn diệt.
5. Nếu thầy trú như vậy, và thụy miên ấy không được đoạn diệt, thời này Moggallāna thầy hãy đọc tụng pháp một cách rộng rãi, như đã được nghe, như đã được học thuộc lòng. Sự kiện này có xảy ra, do thầy trú như vậy, thụy miên ấy được đoạn diệt.
6. Nếu thầy trú như vậy, và thụy miên ấy không được đoạn diệt, thời này Moggallāna thầy hãy kéo hai lỗ tai của thầy, và lấy tay xoa bóp tay chân. Sự kiện này có xảy ra, do thầy trú như vậy, thụy miên ấy được đoạn diệt.
7. Nếu thầy trú như vậy, và thụy miên ấy không được đoạn diệt, thời này Moggallāna thầy hãy từ chỗ ngồi, đứng dậy lấy nước chùi mắt, nhìn về phía chân trời và nhìn lên các sao lấp lánh. Sự kiện này có xảy ra, do thầy trú như vậy, thụy miên ấy được đoạn diệt.
8. Nếu thầy trú như vậy, và thụy miên ấy không được đoạn diệt, thời này Moggallāna thầy hãy tác ý đến quang tưởng và an trú vào tưởng ban ngày. Như ban ngày, ban đêm cũng vậy. Như ban đêm, ban ngày cũng vậy. Như vậy, với tâm rộng mở, không có hạn chế. Sự kiện này có xảy ra, do thầy trú như vậy, thụy miên ấy được đoạn diệt.
9. Nếu thầy trú như vậy, và thụy miên ấy không được đoạn diệt, thời này Moggallāna thầy hãy trú tâm trên chỗ kinh hành, với tưởng trước mặt và sau lưng, với căn hướng nội, với ý không hướng ngoại. Sự kiện này có xảy ra, do thầy trú như vậy, thụy miên ấy được đoạn diệt.
10. Nếu thầy trú như vậy, và thụy miên ấy không được đoạn diệt, thời này Moggallāna thầy hãy nằm như dáng nằm con sư tử, về phía hông bên phải, hai chân gác lên nhau, chánh niệm tỉnh giác, tác ý với tưởng thức dậy. Và khi thức dậy, này Moggallāna, thầy hãy thức dậy thật mau, nghĩ rằng: "Ta sẽ trú, không có chú tâm đến lạc nằm ngủ, lạc nằm xuống một bên, lạc thụy miên". Như vậy, này Moggallāna, thầy cần phải học tập.
11. Do vậy, này Moggallāna, hãy học tập như sau: "Không say sưa trong cao mạn, ta sẽ đi đến thăm các gia đình". Này Moggallāna, như vậy các thầy sẽ học tập. Này Moggallāna, nếu Tỷ-kheo say sưa trong cao mạn đi đến thăm các gia đình. Trong các gia đình, này Moggallāna, người ta có nhiều công việc phải làm. Do vậy, người ta không có tác ý đến Tỷ-kheo đã đi đến. Ở đây, Tỷ-kheo ấy có thể suy nghĩ: "Nay, ai đã chia rẽ ta với gia đình này. Các người này không ưa thích gì ta". Như vậy, do không được gì, vị ấy nản chí, vị ấy dao động; do dao động, vị ấy không phòng hộ, do không phòng hộ, tâm rời xa Thiền định. Do vậy, này Moggallāna, hãy học tập như sau: "Ta sẽ không nói lời khiêu khích". Như vậy, này Moggallāna, thầy cần phải học tập. Khi nào có lời khiêu khích, này Moggallāna, thời chờ đợi là nhiều lời qua tiếng lại, khi nào có nhiều lời qua tiếng lại, thời có dao động. Với người có dao động, thời không có phòng hộ. Với người không có phòng hộ, tâm rời xa Thiền định. Này Moggallāna, Ta không tán thán tất cả sự liên hệ, nhưng không phải Ta không tán thán tất cả sự liên hệ. Thật vậy, này Moggallāna, Ta không tán thán các vị xuất gia có sự liên hệ, với các gia chủ. Nhưng với các trú xứ ít tiếng ồn, ít tiếng động, thoát khỏi hơi thở của nhiều người, những chỗ ở cô độc xa vắng loài Người, thích hợp cho đời sống Thiền tịnh, Ta tán thán sự liên hệ với những trú xứ như vậy.
12. Ðược nghe nói như vậy, Tôn-giả Mahāmoggallāna bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, cho đến như thế nào, tóm tắt lại, một Tỷ-kheo được giải thoát nhờ sự đoạn diệt khát ái, đạt đến cứu cánh mục đích, đạt đến cứu cánh an ổn khỏi ách nạn, đạt đến cứu cánh Phạm hạnh, đạt đến cứu cánh của cứu cánh, trở thành tối thượng giữa chư Thiên và loài Người?
- Này Moggallāna, ở đây, Tỷ-kheo được nghe như sau: "Không nên thiên chấp tất cả pháp". Này Moggallāna, và Tỷ-kheo được nghe như sau: "Không nên thiên chấp tất cả pháp". Vị ấy thắng tri tất cả pháp; do thắng tri tất cả pháp, vị ấy liễu tri tất cả pháp. Do liễu tri tất cả pháp, phàm có cảm thọ gì được cảm giác, lạc, khổ hay không khổ, không lạc, vị ấy trú tùy quán vô thường đối với các cảm thọ ấy. Vị ấy trú tùy quán ly tham. Vị ấy trú tùy quán đoạn diệt. Vị ấy trú tùy quán từ bỏ. Do vị ấy trú tùy quán vô thường trong các cảm thọ, do vị ấy trú tùy quán ly tham, do vị ấy tùy quán đoạn diệt. Vị ấy trú tùy quán từ bỏ, nên không chấp thủ một cái gì ở đời; do không chấp thủ nên không lo âu; do không tham đắm nên tự mình nhập Niết-bàn. Vị ấy biết rõ: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, việc nên làm đã làm, không còn trở lui trong trạng thái này nữa".

Này Moggallāna, cho đến như vậy, tóm tắt lại, một Tỷ-kheo được giải thoát nhờ sự đoạn diệt khát ái, đạt đến mục đích cứu cánh, đạt đến cứu cánh an ổn khỏi các ách nạn, đạt đến cứu cánh Phạm hạnh, đạt đến cứu cánh của cứu cánh, trở thành tối thượng giữa chư Thiên và loài Người.

No comments: