MN 129. Kinh Hiền Ngu (Bālapaṇḍitasutta)
Xin Lưu Ý:
Cõi địa ngục, cõi súc sanh, cõi ngạ quỷ thật
đáng sợ hãi.
Hãy sợ
hãi cõi địa ngục, cõi súc sanh, cõi ngạ quỷ.
Hãy sợ hãi Ác giới.
Nếu đã phạm ác giới, hãy khởi tâm tàm quý để không phạm ác giới nữa.
********
Xin Lưu Ý:
Thiện giới đem lại
an lạc, đem lại cõi chư Thiên. Cảnh giới chư Thiên thật là vi diệu.
Con người ở đời này lao tâm khổ trí để tìm cầu
của cải vật chất, vậy tại sao không cố gắng thành tựu giới hạnh để được an lạc
vi diệu hơn nhiều ở cõi chư Thiên.
Không thành tựu giới hạnh không thể giải
thoát khỏi đọa xứ còn nói gì đến việc
giải thoát khỏi sanh tử luân hồi.
Hoan hỉ với thân làm lành, hoan hỉ với lời
nói lành,hoan hỉ với ý nghĩ lành, người cư sĩ tại gia
1)
từ bỏ sát sanh,
2)
từ bỏ lấy của không cho,
3)
từ bỏ tà dâm,
4)
từ bỏ nói láo,
5)
từ bỏ rượu men rượu nấu
tức là hoan hỉ với việc thành tựu giới hạnh
tại gia.
(“Cõi địa ngục
và cõi súc sanh, và cõi Chư Thiên” được mô tả trong kinh MN 129. Kinh Hiền Ngu. “Cõi
ngạ quỷ” được mô tả trong kinh Tương Ưng SN
19.1 Kinh Đống Xương)
|
1. Như vầy tôi nghe. Một thời Thế Tôn ở Sāvatthī (Xá-vệ),
Jetavana (Kỳ-đà viên), tại tịnh-xá ông Anāthapiṇḍika (Cấp Cô Ðộc).
Tại đấy, Thế
Tôn gọi các Tỷ-kheo: "Này các Tỷ-kheo".
- "Thưa
vâng, bạch Thế Tôn", các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:
(Người Ngu)
2. - Này các Tỷ-kheo, có ba đặc
điểm, đặc tướng, và đặc ấn này của người ngu. Thế nào là ba? Ở
đây, này các Tỷ-kheo, người ngu tư duy ác tư duy, nói lời ác ngữ và hành các ác
hạnh.
Này các
Tỷ-kheo, nếu người ngu không tư duy ác tư duy, không nói lời ác ngữ, không hành
ác hạnh, thời làm sao kẻ trí biết được người ấy: "Người này là người ngu, không phải là Chân
nhân"? Và vì rằng, này các Tỷ-kheo, người ngu tư duy ác tư duy,
nói lời ác ngữ, hành ác hạnh, do vậy, người trí biết người ấy: "Người này là người
ngu, không phải là Chân nhân".
3. Người ngu ấy, này các Tỷ-kheo, ngay trong hiện tại
cảm thọ ba loại khổ ưu.
Này các
Tỷ-kheo, nếu người
ngu ngồi giữa hội chúng, hay ngồi bên đường có xe cộ qua lại,
hay tại ngã (ba, ngã tư) đường, tại đấy (nếu) có người nghĩ đến câu chuyện
thích hợp về người ấy. Nếu người ngu, này
các Tỷ-kheo,
1)
sát sanh,
2)
lấy của không cho,
3)
theo tà hạnh trong dâm dục,
4)
nói láo,
5)
say rượu men, rượu nấu,
thời ở đây, này
các Tỷ-kheo, người ngu ấy suy nghĩ như sau: "Các
người ấy nghĩ đến câu chuyện thích hợp về ta, vì những pháp ấy thật có nơi ta
và ta có những pháp ấy".
Này các
Tỷ-kheo, đây là loại khổ ưu thứ nhất,
người ngu cảm thọ ngay trong hiện tại.
4. Lại nữa, này
các Tỷ-kheo, người
ngu thấy các vua chúa sau khi bắt tên trộm cướp có phạm tội,
liền áp dụng nhiều hình phạt sai khác.
Họ đánh bằng roi, họ đánh bằng gậy, họ
đánh bằng côn, họ chặt tay, họ chặt chân, họ chặt tay chân, họ xẻo tai, họ cắt
mũi, họ xẻo tai cắt mũi, họ dùng hình phạt vạc dầu, họ dùng hình phạt bối đồi
hình (xẻo đỉnh đầu thành hình con sò), họ dùng hình phạt la hầu khẩu hình, hỏa
man hình (lấy lửa đốt thành vòng hoa), chúc thủ hình (đốt tay), khu hành hình
(lấy rơm bện lại rồi siết chặt), bì y hình (lấy vỏ cây làm áo), linh dương hình
(hình phạt con dê núi), câu nhục hình (lấy câu móc vào thịt), tiền hình (cắt
thịt thành hình đồng tiền), khối trấp hình, chuyển hình, cao đạp đài, họ tưới
bằng dầu sôi, họ cho chó ăn, họ đóng cọc những người sống, họ lấy gươm chặt
đầu.
Ở đây, này các
Tỷ-kheo, người
ngu nghĩ như sau: "Do
nhân các ác hành như vậy, các vua chúa sau khi bắt tên trộm cướp có phạm tội,
liền áp dụng những hình phạt sai khác.
Họ đánh bằng roi, họ đánh bằng gậy, họ
đánh bằng côn, họ chặt tay, họ chặt chân, họ chặt tay chân, họ xẻo tai, họ cắt
mũi, họ xẻo tai cắt mũi, họ dùng hình phạt vạc dầu, họ dùng hình phạt bối đồi
hình (xẻo đỉnh đầu thành hình con sò), họ dùng hình phạt la hầu khẩu hình, hỏa
man hình (lấy lửa đốt thành vòng hoa), chúc thủ hình (đốt tay), khu hành hình
(lấy rơm bện lại rồi siết chặt), bì y hình (lấy vỏ cây làm áo), linh dương hình
(hình phạt con dê núi), câu nhục hình (lấy câu móc vào thịt), tiền hình (cắt
thịt thành hình đồng tiền), khối trấp hình, chuyển hình, cao đạp đài, họ tưới
bằng dầu sôi, họ cho chó ăn, họ đóng cọc những người sống, họ lấy gươm chặt
đầu.
Những pháp ấy có thật nơi
ta và ta có những pháp ấy. Nếu các vua chúa biết về ta, các vua chúa ấy sau khi
bắt ta liền áp dụng nhiều hình phạt sai khác.
Họ đánh bằng roi, họ đánh bằng gậy, họ
đánh bằng côn, họ chặt tay, họ chặt chân, họ chặt tay chân, họ xẻo tai, họ cắt
mũi, họ xẻo tai cắt mũi, họ dùng hình phạt vạc dầu, họ dùng hình phạt bối đồi
hình (xẻo đỉnh đầu thành hình con sò), họ dùng hình phạt la hầu khẩu hình, hỏa
man hình (lấy lửa đốt thành vòng hoa), chúc thủ hình (đốt tay), khu hành hình
(lấy rơm bện lại rồi siết chặt), bì y hình (lấy vỏ cây làm áo), linh dương hình
(hình phạt con dê núi), câu nhục hình (lấy câu móc vào thịt), tiền hình (cắt
thịt thành hình đồng tiền), khối trấp hình, chuyển hình, cao đạp đài, họ tưới
bằng dầu sôi, họ cho chó ăn, họ đóng cọc những người sống, họ lấy gươm chặt
đầu”.
Này các
Tỷ-kheo, đây là loại khổ ưu thứ hai,
người ngu cảm thọ ngay trong hiện tại.
5. Lại nữa, này
các Tỷ-kheo, khi
người ngu leo ngồi trên ghế, hay trên giường, hay nằm trên đất, lúc
bấy giờ, những ác
nghiệp người ấy làm từ trước, như thân
ác hành, khẩu ác hành, ý ác hành, treo
nằm, treo áp, treo đè lên người ấy.
Ví như, này các
Tỷ-kheo, vào buổi chiều, những bóng các đỉnh núi treo nằm, treo áp, treo đè
trên đất; cũng vậy, này các Tỷ-kheo, khi người ngu ngồi trên ghế, hay ngồi trên
giường, hay nằm dưới đất, trong khi ấy các nghiệp quá khứ của người ấy, tức là thân ác hành,
khẩu ác hành, ý ác hành, treo nằm, treo áp, treo đè trên người ấy.
Ở đây, này các
Tỷ-kheo, người ngu suy nghĩ như sau: "Thật
sự ta không làm điều phước, không làm điều thiện, không làm điều chống lại sợ
hãi, làm điều ác, làm điều hung bạo, làm điều tội lỗi. Do không làm điều phước,
không làm điều thiện, không làm điều chống lại sợ hãi, do làm điều ác, làm điều
hung bạo, làm điều tội lỗi nên phải đi đến ác thú; ác thú ấy sau khi chết ta
phải đi".
Người ấy sầu
muộn, than van, than khóc, đấm ngực, rên la và rơi vào bất tỉnh.
Này các
Tỷ-kheo, đây là sự khổ ưu thứ ba,
ngay trong hiện tại, người ngu (phải) cảm thọ.
6. Này các Tỷ-kheo, kẻ ngu kia sau khi làm thân ác hành, sau khi làm khẩu ác
hành, sau khi làm ý ác hành, khi thân hoại mạng
chung, sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.
(Địa ngục)
7. Này các
Tỷ-kheo, nếu có ai nói một cách đúng đắn về người ấy, phải nói rằng người ấy
hoàn toàn không tốt đẹp, hoàn toàn không khả ái, hoàn toàn không thích ý.
Cũng như muốn
nói một cách đúng đắn về Địa ngục, phải nói rằng Địa ngục, hoàn toàn không tốt đẹp, hoàn toàn
không khả ái, hoàn toàn không thích ý.
Về vấn đề này,
này các Tỷ-kheo, cho đến một ví dụ cũng không dễ gì, vì rất nhiều là sự đau khổ của Địa ngục.
8. Khi được nói
vậy, một Tỷ-kheo khác bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn,
Thế Tôn có thể cho con một ví dụ được không?
Thế Tôn đáp:
- Có thể được,
này Tỷ-kheo. Ví như, này Tỷ-kheo, có người bắt được một tên trộm cắp, dẫn đến
trước mặt vua và thưa: "Tâu Ðại
vương, đây là một tên trộm cướp phạm tội cho Ngài! Hãy hình phạt nó như Ðại
vương muốn".
Và vị vua ấy
nói như sau về tên trộm cướp ấy: "Này các ông, hãy đi và vào buổi sáng, hãy đâm người này với một trăm ngọn
giáo". Và vào buổi sáng, họ đâm người ấy với một trăm ngọn
giáo.
Rồi đến trưa, vua nói như sau: "Này các ông,
người ấy ra sao?"
- "Tâu
Ðại vương, nó vẫn còn sống". Rồi vua lại nói như sau về tên trộm cướp
ấy: "Này
các ông, hãy đi và vào buổi trưa, hãy đâm người này với một trăm ngọn
giáo". Và vào buổi trưa, họ đâm người ấy với một trăm ngọn
giáo.
Rồi đến chiều, vua nói như sau: "Này các ông,
người ấy ra sao?"
- "Tâu Ðại
vương, nó vẫn còn sống". Rồi vua lại nói như sau về người kia: "Này các ông, hãy
đi và vào buổi chiều, hãy đâm người này với một trăm ngọn giáo".
Và vào buổi chiều, họ đâm người ấy với một trăm ngọn giáo.
Này các Tỷ-kheo, ông nghĩ
thế nào? Người ấy bị đâm ba trăm ngọn giáo, do nhân duyên ấy, có cảm thọ khổ ưu
không?
- Bạch Thế Tôn,
chỉ bị ngọn giáo đâm một lần, người kia do nhân duyên ấy cũng cảm thấy khổ ưu,
còn nói gì đến ba trăm ngọn giáo!
9. Rồi Thế Tôn
lượm lên một hòn đá nhỏ, lớn bằng bàn tay và nói với các Tỷ-kheo:
- Này các
Tỷ-kheo, các ông nghĩ thế nào? Cái gì lớn hơn, hòn đá này, to bằng bàn tay do ta lượm
lên, hay núi Tuyết Sơn (Himalaya), vua các loại núi?
- Thật là quá
nhỏ, bạch Thế Tôn, hòn đá này lớn bằng bàn tay do Thế Tôn lượm lên. So sánh với
Tuyết Sơn, vua các loại núi, nó không đáng kể gì, nó không bằng một phần ngàn
vạn lần (của núi Tuyết), không thể so sánh được!
- Cũng vậy, này
các Tỷ-kheo, người
ấy bị đâm bởi ba trăm ngọn giáo, do nhân duyên ấy cảm thọ khổ ưu. Khổ ưu ấy
so sánh với khổ ưu ở Địa ngục không đáng kể gì, không bằng một phần ngàn
vạn lần, không thể so sánh được.
10. Này các
Tỷ-kheo, các người giữ địa ngục bắt người ấy chịu
hình phạt gọi là năm cọc (pañcavidhabandhanaṃ).
Họ lấy cọc sắt nung đỏ đóng vào một bàn
tay, họ lấy cọc sắt nung đỏ đóng vào bàn tay thứ hai, họ lấy cọc sắt nung đỏ
đóng vào bàn chân, họ lấy cọc sắt nung đỏ đóng vào bàn chân thứ hai, họ lấy cọc
sắt nung đỏ đóng vào giữa ngực.
Người ấy ở đây thọ lãnh các cảm giác đau đớn, thống khổ, khốc liệt.
Nhưng người ấy không có thể mệnh chung cho đến khi ác nghiệp của người ấy chưa được tiêu
trừ.
11. Này các
Tỷ-kheo, các người giữ Địa ngục bắt người ấy nằm
xuống và lấy búa chặt người ấy.
Người ấy ở đây thọ lãnh các cảm giác
đau đớn, thống khổ, khốc liệt. Nhưng người ấy không thể mệnh chung cho đến khi
ác nghiệp của người ấy chưa được tiêu trừ.
12. Này các
Tỷ-kheo, các người giữ Địa ngục dựng ngược người ấy,
chân phía trên, đầu phía dưới và lấy búa chặt người ấy.
Người ấy ở đây thọ lãnh các cảm giác
đau đớn, thống khổ, khốc liệt. Nhưng người ấy không thể mệnh chung cho đến khi
ác nghiệp của người ấy chưa được tiêu trừ.
13. Này các
Tỷ-kheo, các người giữ Địa ngục cột người ấy vào một
chiếc xe, kéo người ấy chạy tới chạy lui trên đất được đốt cháy đỏ, cháy thành
ngọn, cháy đỏ rực.
Người ấy ở đây thọ lãnh các cảm giác
đau đớn, thống khổ, khốc liệt. Nhưng người ấy không thể mệnh chung cho đến khi
ác nghiệp của người ấy chưa được tiêu trừ.
14. Rồi này các
Tỷ-kheo, các người giữ Địa ngục đẩy người ấy lên, kéo
người ấy xuống trên một sườn núi đầy than hừng, cháy đỏ, cháy thành ngọn, cháy
đỏ rực.
Người ấy ở đây thọ lãnh các cảm giác
đau đớn, thống khổ, khốc liệt. Nhưng người ấy không thể mệnh chung cho đến khi
ác nghiệp của người ấy chưa được tiêu trừ.
15. Rồi này các
Tỷ-kheo, các người giữ Địa ngục dựng ngược người ấy,
chân phía trên, đầu phía dưới và quăng người ấy vào một vạc dầu bằng đồng nung
đỏ, cháy đỏ, cháy thành ngọn, cháy đỏ rực.
Người ấy ở đây bị nấu với bọt nước sôi
sùng sục. O đây bị nấu với vạc nước sôi sùng sục, khi thì nổi lên trên, khi thì
chìm xuống đáy, khi thì trôi dạt ngang.
Người ấy ở đây thọ lãnh các cảm giác
đau đớn, thống khổ, khốc liệt. Nhưng người ấy không có thể mệnh chung cho đến
khi ác nghiệp của người ấy chưa được tiêu trừ.
16. Rồi này các
Tỷ-kheo, những người giữ Địa ngục quăng người ấy vào
Ðại địa ngục.
Này các Tỷ-kheo, Ðại địa ngục ấy, có
bốn góc, bốn cửa, chia thành phần bằng nhau, xung quanh có tường sắt, mái sắt
lợp lên trên. Nền Địa ngục bằng sắt nung đỏ, cháy đỏ rực, đứng thẳng, luôn có
mặt, rộng một trăm do tuần.
17. Này các
Tỷ-kheo, với rất nhiều pháp môn, Ta nói về Địa ngục, nhưng thật khó nói cho
được đầy đủ, này các Tỷ-kheo, vì đau khổ ở Địa
ngục quá nhiều.
(Cõi thú)
18. Này các
Tỷ-kheo, có những loại sanh vật thuộc loại bàng sanh, có
hơi thở, ăn cỏ. Chúng ăn những cỏ ướt và khô, với răng nhai,
nghiền cỏ ấy. Này các Tỷ-kheo, những sanh vật ấy thuộc loại bàng sanh, có hơi
thở, ăn cỏ là gì?
Các loại ngựa, trâu, bò,
lừa, dê, nai hay các sanh vật khác, thuộc loại bàng sanh, có hơi thở, ăn cỏ.
Này các
Tỷ-kheo, người
ngu ấy do trước kia hưởng thọ ở đây, do trước kia làm các ác nghiệp ở đây,
sau khi thân hoại mạng chung, sanh ra cộng trú với các loài hữu tình ấy, những
loại hữu tình ăn cỏ.
19. Này các
Tỷ-kheo, có các sanh vật thuộc loại bàng sanh, có hơi
thở và ăn phân. Chúng ngửi được mùi phân từ đường xa, liền
chạy tới, nghĩ rằng: "Chúng ta sẽ ăn ở đây, chúng ta sẽ ăn ở đây". Ví
như các Bà-la-môn chạy đến, ngửi được mùi lễ tế sanh, nghĩ rằng: "Chúng ta
sẽ ăn ở đây, chúng ta sẽ ăn ở đây". Cũng vậy này các Tỷ-kheo, có các loại
sanh vật, thuộc loại bàng sanh, có hơi thở, và ăn phân. Chúng ngửi được mùi
phân từ đường xa, liền chạy tới, nghĩ rằng: "Chúng ta sẽ ăn ở đây, chúng
ta sẽ ăn ở đây". Và này các Tỷ-kheo, các sanh vật ấy, thuộc loại bàng
sanh, có hơi thở và ăn phân là gì?
Các loại gà, heo, chó,
chó rừng (giả can), hay tất cả các sanh vật khác, thuộc loại bàng sanh, có hơi
thở, ăn phân.
Này các
Tỷ-kheo, người
ngu ấy do trước kia hưởng thọ ở đây, do trước kia làm các ác nghiệp ở đây,
sau khi thân hoại mạng chung, sanh ra cộng trú với các loại hữu tình ấy, những
loại hữu tình ăn phân.
20. Này các
Tỷ-kheo, có các
loại sanh vật thuộc loại bàng sanh, có
hơi thở, sanh ra trong bóng tối, già trong bóng tối và chết trong bóng tối.
Này các Tỷ-kheo, những sanh vật ấy, thuộc loại bàng sanh, có hơi thở, sanh ra
trong bóng tối, già trong bóng tối và chết trong bóng tối là gì?
Các loại côn trùng, con sùng,
con dòi, con sâu đôm đốm và các loại sanh vật khác thuộc loại bàng sanh, có hơi
thở, sống trong bóng tối.
Này các
Tỷ-kheo, người
ngu ấy do trước kia hưởng thọ ở đây, do trước kia làm các ác nghiệp ở đây,
sau khi thân hoại mạng chung, sanh ra cộng trú với các loài hữu tình ấy tức là
các loại hữu tình sinh ra trong bóng tối, già trong bóng tối, chết trong bóng
tối.
21. Này các
Tỷ-kheo, có những sanh vật, thuộc loại bàng sanh, có hơi
thở, sinh ra trong nước, già trong nước, chết trong nước. Và
này các Tỷ-kheo, các sanh vật ấy thuộc loại bàng sanh, có hơi thở, sanh ra
trong nước, già trong nước, chết trong nước là gì?
Các loại cá, rùa, cá sấu,
hay các sanh vật khác, thuộc loại bàng sanh, có hơi thở, sanh ra trong nước,
già trong nước, chết trong nước.
Này các
Tỷ-kheo, người ngu ấy, do trước kia hưởng thọ ở đây, do trước kia làm các ác
nghiệp ở đây, sau khi thân hoại mạng chung, sanh ra cộng trú với các loài hữu
tình ấy, tức là các loài hữu tình sanh ra trong nước, già trong nước, chết
trong nước.
22. Này các
Tỷ-kheo, có các sanh vật thuộc loài bàng sanh, có hơi
thở, sanh ra trong bất tịnh, già trong bất tịnh, chết trong bất tịnh. Và
này các Tỷ-kheo, các sanh vật ấy, các loại thuộc bàng sanh, có hơi thở, sanh ra
trong bất tịnh, già trong bất tịnh, chết trong bất tịnh là gì?
Này các Tỷ-kheo, các loài
hữu tình nào sanh ra trong cá thúi hay già trong cá thúi, hay chết trong cá
thúi, hay trong tử thi thúi, hay trong đồ ăn thúi, hay trong vũng nước, hay
sinh ra trong đầm nước (nhớp), hay các sanh vật khác, thuộc loại bàng sanh, có
hơi thở, sanh ra trong bất tịnh, già trong bất tịnh, chết trong bất tịnh.
Này các
Tỷ-kheo, người
ngu ấy, do trước kia hưởng thọ ở đây, do trước kia làm các ác nghiệp ở đây,
sau khi thân hoại mạng chung, sanh ra cộng trú với các loài hữu tình ấy, tức là
các loài hữu tình sanh ra trong bất tịnh, già trong bất tịnh, chết trong bất
tịnh.
23. Này các
Tỷ-kheo, với rất nhiều pháp môn, Ta nói về các loại bàng sanh, nhưng thật khó
nói cho được đầy đủ, này các Tỷ-kheo, vì đau khổ ở loài
bàng sanh quá nhiều.
24. Ví như, này các Tỷ-kheo, một người
quăng một khúc cây có một cái lỗ trên biển, một ngọn gió từ phương Ðông thổi nó
trôi qua phía Tây; một ngọn gió từ phương Tây thổi nó trôi qua phía Đông; một
ngọn gió từ phương Bắc thổi nó trôi qua phía Nam; một ngọn gió từ phương Nam
thổi nó trôi qua phía Bắc. Rồi có một con rùa mù, cứ một trăm năm mới trồi đầu
lên một lần.
Này các
Tỷ-kheo, các ông nghĩ thế nào? Con rùa mù ấy có thể đút cổ nó vào trong lỗ cây
này được không?
- Nếu có được
chăng nữa, bạch Thế Tôn, thời chỉ được một lần, sau một thời gian rất lâu dài.
- Còn mau hơn, này các Tỷ-kheo, con rùa mù ấy có thể chui
cổ vào khúc cây có lỗ hổng kia; nhưng này các Tỷ-kheo, Ta tuyên
bố rằng còn khó hơn được làm người trở lại, một khi người ngu bị rơi vào đọa
xứ. Vì sao vậy? Vì ở đấy,
này các Tỷ-kheo, không có pháp hành, an tịnh hành, thiện hành, phước hành.
Này các Tỷ-kheo, ở đây chỉ có ăn lẫn nhau và ăn thịt kẻ
yếu.
25. Và này các
Tỷ-kheo, nếu người ngu ấy sau một thời gian rất lâu dài, có được làm người trở
lại, thời người
ấy sẽ sanh trong gia đình thấp hèn, trong gia đình hạ cấp, trong gia
đình kẻ đi săn, trong gia đình kẻ đan tre, trong gia đình người làm xe, hay
trong gia đình người đổ phân, trong những gia đình nghèo khốn, không đủ để uống
hay để ăn, cho đến miếng vải che lưng cũng khó tìm được.
Lại nữa, người
ấy thô xấu,
khó nhìn, lùn thấp, hay bệnh, mù hay có tật,
què hay bị bại, người ấy không có thể được các đồ ăn, đồ uống, vải mặc, xe cộ,
vòng hoa, hương liệu, giường nằm, chỗ trú xứ và ánh sáng.
Người ấy hành thân ác hành,
khẩu ác hành, ý ác hành; vì hành thân ác hành, khẩu ác hành, ý ác hành; sau
khi thân hoại mạng chung, sinh ra trong cõi dữ, ác thú, đọa xứ, Địa ngục.
26. Ví như, này các Tỷ-kheo, một
người đánh bạc, trong canh đổ bạc đầu tiên, mất con, mất vợ, mất tất cả tài
sản, lại cuối cùng phải (bị) tù tội.
Nhưng này các Tỷ-kheo, còn nhỏ bé (là) canh đổ bạc ấy, do canh đổ bạc đầu
tiên này, người ấy mất con, mất vợ, mất tất cả tài sản, lại cuối cùng phải (bị)
tù tội. Và canh bạc này to lớn hơn, với canh bạc ấy, người ngu, do thân ác hành, khẩu ác hành, ý
ác hành, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ,
Địa ngục. Này các Tỷ-kheo, đây là địa xứ hoàn toàn viên mãn của kẻ ngu.
(Người Hiền
trí)
27. Này các Tỷ-kheo, có ba đặc điểm, đặc tướng, và đặc ấn này của người trí.
Thế nào là ba?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, người trí tư duy thiện tư duy,
nói lời thiện ngữ, và hành các thiện hành.
Này các
Tỷ-kheo, nếu người trí không tư duy thiện tư duy, không nói lời thiện ngữ,
không hành các thiện hành, thời làm sao kẻ trí biết được người ấy: "Vị này là người trí, là bậc Chân
nhân"?
Và vì rằng, này các Tỷ-kheo, người
trí tư duy thiện tư duy, nói lời thiện ngữ, hành thiện hành, do vậy người trí
biết người ấy: "Vị
này là người có trí, là bậc Chân nhân".
28. Người trí ấy, này các Tỷ-kheo, ngay trong hiện tại cảm thọ ba loại lạc hỷ.
Này các
Tỷ-kheo, nếu
người trí ngồi giữa hội chúng, hay ngồi bên đường có xe cộ qua
lại, hay tại ngã (ba, ngã tư) đường, tại đấy (nếu) có người nghĩ đến câu chuyện
thích hợp về người ấy; nếu người trí, này các Tỷ-kheo,
1) từ bỏ sát sanh,
2) từ bỏ lấy của không cho,
3) từ bỏ tà hạnh trong dâm dục,
4) từ bỏ nói láo,
5) từ bỏ say rượu men rượu nấu,
thời ở đây, này
các Tỷ-kheo, người trí ấy suy nghĩ như sau: "Các
người ấy nghĩ đến câu chuyện thích hợp về ta, vì những pháp ấy thật có nơi ta
và ta có những pháp ấy".
Này các Tỷ-kheo, đây là loại lạc hỷ thứ
nhất, người trí cảm thọ ngay trong hiện tại.
29. Lại nữa này
các Tỷ-kheo, người
trí thấy các vua chúa, sau khi bắt tên trộm cướp phạm tội, liền áp dụng nhiều
hình phạt sai khác.
Họ đánh bằng roi, họ đánh bằng gậy, họ
đánh bằng côn, họ chặt tay, họ chặt chân, họ chặt tay chân, họ xẻo tai, họ cắt
mũi, họ xẻo tai cắt mũi, họ dùng hình phạt vạc dầu, họ dùng hình phạt bối đồi
hình (xẻo đỉnh đầu thành hình con sò), họ dùng hình phạt la hầu khẩu hình, hỏa
man hình (lấy lửa đốt thành vòng hoa), chúc thủ hình (đốt tay), khu hành hình
(lấy rơm bện lại rồi siết chặt), bì y hình (lấy vỏ cây làm áo), linh dương hình
(hình phạt con dê núi), câu nhục hình (lấy câu móc vào thịt), tiền hình (cắt
thịt thành hình đồng tiền), khối trấp hình, chuyển hình, cao đạp đài, họ tưới
bằng dầu sôi, họ cho chó ăn, họ đóng cọc những người sống, họ lấy gươm chặt
đầu.
Ở đây, này các
Tỷ-kheo, người trí suy nghĩ như sau: "Do
nhân các ác hành như vậy, các vua chúa sau khi bắt tên trộm cướp có phạm tội,
liền áp dụng những hình phạt sai khác. Họ đánh bằng roi, họ đánh bằng gậy, họ
đánh bằng côn, họ chặt tay, họ chặt chân, họ chặt tay chân, họ xẻo tai, họ cắt
mũi, họ xẻo tai cắt mũi, họ dùng hình phạt vạc dầu, họ dùng hình phạt bối đồi
hình (xẻo đỉnh đầu thành hình con sò), họ dùng hình phạt la hầu khẩu hình, hỏa
man hình (lấy lửa đốt thành vòng hoa), chúc thủ hình (đốt tay), khu hành hình
(lấy rơm bện lại rồi siết chặt), bì y hình (lấy vỏ cây làm áo), linh dương hình
(hình phạt con dê núi), câu nhục hình (lấy câu móc vào thịt), tiền hình (cắt
thịt thành hình đồng tiền), khối trấp hình, chuyển hình, cao đạp đài, họ tưới
bằng dầu sôi, họ cho chó ăn, họ đóng cọc những người sống, họ lấy gươm chặt đầu,
những pháp ấy
thật không có nơi ta, và ta không có những pháp ấy".
Này các Tỷ-kheo, đây là loại lạc hỷ thứ
hai, người trí cảm thọ ngay trong hiện tại.
30. Lại nữa,
này các Tỷ-kheo, khi người trí leo ngồi trên ghế, hay trên giường, hay nằm
trên đất, lúc bấy giờ những thiện nghiệp người ấy làm từ trước, như thân thiện hành,
khẩu thiện hành, ý thiện hành treo nằm, treo áp, treo đè trên người ấy.
Ví như, này các
Tỷ-kheo, vào buổi chiều, những bóng các đỉnh núi treo nằm, treo áp, treo đè
trên đất; cũng vậy, này các Tỷ-kheo, khi người trí ngồi trên ghế hay ngồi trên
giường, hay nằm dưới đất, trong khi các nghiệp quá khứ của người ấy tức
là thân ác hành, khẩu ác hành, ý ác hành treo nằm, treo áp, treo đè trên người ấy.
Ở đây, này các
Tỷ-kheo, người trí suy nghĩ như sau:
"Thật sự ta không
làm điều ác, không làm điều hung bạo, không làm điều tội lỗi, lại làm điều
phước, làm điều thiện, làm điều chống sợ hãi.
Do không làm điều ác,
không làm điều hung bạo, không làm điều tội lỗi, do làm điều phước, làm điều
thiện, làm điều chống sợ hãi, được đi đến (thiện) thú nào, (thiện) thú ấy sau
khi chết, ta được đi".
Vị ấy không
sầu muộn, không than van, không than khóc, không đấm ngực, rên la và rơi vào
bất tỉnh.
Này các Tỷ-kheo, đây là sự lạc hỷ
thứ ba, ngay trong hiện tại người trí được cảm thọ.
31. Này các
Tỷ-kheo, kẻ trí kia sau khi làm thân thiện hành,
sau khi làm khẩu
thiện hành, sau khi làm ý thiện hành, sau khi thân hoại mạng chung, sanh ra trong
thiện thú, Thiên giới, cõi đời này.
(Cõi Thiên)
32. Này các
Tỷ-kheo, nếu có ai nói một cách đúng đắn về vị ấy phải nói rằng vị ấy hoàn toàn
tốt đẹp, hoàn toàn khả ái, hoàn toàn thích ý. Cũng như muốn nói một cách đúng
đắn về Thiên giới phải nói rằng Thiên giới hoàn toàn tốt đẹp, hoàn toàn khả ái, hoàn toàn
thích ý. Về vấn đề này, này các Tỷ-kheo, cho đến một ví dụ cũng
không dễ gì, vì
rất nhiều là sự (an) lạc của Thiên giới.
Khi được nói
vậy, một Tỷ-kheo khác bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn,
Thế Tôn có thể làm cho con một ví dụ được không?
33. - Có thể
được, này Tỷ-kheo. Ví như, này các Tỷ-kheo, vị vua Chuyển luân có đầy đủ bảy món báu và bốn như ý đức,
do nhân duyên
ấy cảm thọ lạc hỷ. Thế nào là bảy?
34. Ở đây, này
các Tỷ-kheo, vua Sát-đế-lỵ, đã làm lễ quán đảnh, vào ngày Bố-tát trăng rằm, sau
khi gội đầu, lên cao điện để trai giới, thời Thiên luân báu hiện ra, đủ một ngàn
cọng xe, với vành xe, trục xe, đủ mọi bộ phận.
Thấy vậy, vua
Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh suy nghĩ: "Ta nghe như vầy: Khi một vị vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh vào ngày
Bố-tát trăng rằm, sau khi gội đầu, lên cao điện để trai giới, nếu có Thiên luân
báu hiện ra, đủ một ngàn
cọng xe, với vành xe, trục xe, đủ mọi bộ phận, thời vị vua
ấy là Chuyển luân vương. Như vậy, ta có thể là Chuyển luân vương".
35. Này các
Tỷ-kheo, rồi vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh, từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp
thượng y trên một vai, tay trái cầm bình nước và với tay phải rưới nước trên xe
báu và nói: "Này xe báu hãy lăn
khắp. Này xe báu hãy chinh phục!"
Và này các
Tỷ-kheo, xe báu lăn về hướng Ðông và vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh cùng với
bốn loại binh chủng đi theo sau. Và này các Tỷ-kheo, chỗ nào xe báu dừng lại,
chỗ ấy vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh, an trú cùng với bốn loại binh chủng.
Này các
Tỷ-kheo, các địch vương ở phương Ðông đến yết kiến vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán
đảnh, và nói: "Hãy đến đây, Ðại
vương!" Hoan nghênh, đón mừng Ðại vương! Tâu Ðại vương, tất cả đều
thuộc của ngài. Ðại vương hãy giáo huấn cho chúng tôi!"
Vua Sát-đế-lỵ
đã làm lễ quán đảnh, nói rằng: "Không được sát sanh. Không được lấy của không cho.
Không được tà dâm. Không được nói láo. Không được uống rượu. Hãy ăn uống cho
thích nghi".
Này các
Tỷ-kheo, tất cả địch vương ở phương Ðông đều trở thành chư hầu vua Sát-đế-lỵ đã
làm lễ quán đảnh.
Này các Tỷ-kheo,
rồi xe báu lăn xuống biển lớn ở phương Ðông, nổi lên rồi lăn về phương Nam...; lặn xuống
biển lớn ở phương Nam, nổi lên rồi lăn về phương Tây...; lặn xuống
biển lớn ở phương Tây, nổi lên và lăn về phương Bắc, và vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh
cùng với bốn loại binh chủng đi theo sau. Này các Tỷ-kheo, chỗ nào xe báu dừng
lại, chỗ ấy vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh an trú cùng với bốn loại binh
chủng.
Này các
Tỷ-kheo, các địch vương ở phương
Bắc đến yết kiến
vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh và nói: "Hãy đến đây, Ðại vương! Hoan
nghênh, đón mừng Ðại vương! Tâu Ðại vương, tất cả đều thuộc của ngài, tất cả
đều thuộc của ngài. Ðại vương hãy giáo huấn cho chúng tôi!"
Này các
Tỷ-kheo, tất
cả địch vương ở phương Bắc đều trở thành chư hầu vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán
đảnh.
Này các
Tỷ-kheo, xe báu ấy sau khi chinh phục trái đất cho đến hải biên, liền trở về
kinh đô Kusāvati*, và đứng
trước pháp đình, trên cửa nội cung như một trang bảo cho nội cung của vua
Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh. Này các Tỷ-kheo, như vậy là sự xuất hiện của xe báu của vua
Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh.
36. Lại nữa,
này các Tỷ-kheo, voi báu xuất hiện cho vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh,
thuần trắng, bảy xứ kiên cường, có thần lực, phi hành trên hư không và tên là
Uposatha (Bố-tát). Thấy voi báu, vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh, sanh tâm
hoan hỷ và nghĩ: "Lành thay được cỡi
con voi này, nếu nó chịu sự điều ngự". Và này các Tỷ-kheo, như một con
hiền tượng quý phái chịu sự điều ngự lâu ngày, con voi báu ấy tự đến để chịu
điều ngự. Này các Tỷ-kheo, thuở xưa, vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh, để thử
voi báu này, sáng sớm cỡi voi đi khắp quả đất cho đến hải biên, rồi về lại kinh
đô Kusāvati* kịp giờ ăn sáng. Này các Tỷ-kheo, như vậy là sự xuất hiện voi báu
của vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh.
37. Lại nữa,
này các Tỷ-kheo, ngựa báu xuất hiện
cho vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh, thuần trắng, đầu đen như quạ, bờm ngựa
màu đen, có thần lực, phi hành trên hư không và tên là Valāhaka. Thấy ngựa báu,
vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh, sanh tâm hoan hỷ và nghĩ: "Tốt đẹp thay được cỡi con ngựa này nếu nó
chịu sự điều ngự". Và này các Tỷ-kheo, như một con hiền mã quý phái,
chịu sự điều ngự lâu ngày, con ngựa báu ấy tự đến để chịu sự điều ngự. Này các
Tỷ-kheo, thuở xưa, vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh để thử con ngựa báu này,
sáng sớm liền cỡi ngựa, đi khắp quả đất cho đến hải biên, rồi về lại kinh đô
Kusāvati* kịp giờ ăn sáng. Này các Tỷ-kheo, như vậy là sự xuất hiện ngựa báu
của vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh.
38. Lại nữa,
này các Tỷ-kheo, châu báu lại xuất hiện
cho vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh. Châu báu ấy là lưu ly châu, sáng suốt,
thuần chất, có tám mặt, khó dũa, khó mài, thanh tịnh, trong suốt, hoàn hảo mọi
phương diện. Này các Tỷ-kheo, hào quang châu báu này chiếu sáng cùng khắp một
do tuần. Này các Tỷ-kheo, thuở xưa, vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh để thử
châu báu này đã cho dàn bày bốn binh chủng, đặt bảo châu cao trên quân kỳ và có
thể tiến quân trong đêm tối âm u. Này các Tỷ-kheo, mọi người trong làng ở xung
quanh đều bắt đầu làm việc, tưởng rằng trời đã sáng rồi. Này các Tỷ-kheo, như
vậy là sự xuất hiện châu báu của vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh.
39. Này các
Tỷ-kheo, nữ báu lại xuất hiện cho
vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh, mỹ miều, khả ái, cử chỉ đoan trang, màu da
tuyệt mỹ, không quá cao, không quá thấp, không béo, không gầy, không quá đen,
không quá trắng, vượt trên dung sắc loài Người, ánh sáng bằng dung sắc chư
Thiên. Này các Tỷ-kheo, thân xác nữ báu này là (êm mịn) như bông, như nhung.
Này các Tỷ-kheo, khi trời lạnh, chân tay nữ báu này trở thành ấm áp; khi trời
nóng, trở thành lạnh mát. Này các Tỷ-kheo, thân nữ báu tỏa mùi thơm chiên đàn,
miệng tỏa mùi thơm hoa sen. Này các Tỷ-kheo, nữ báu này dậy trước và đi ngủ sau
vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh, mọi hành động làm vua thỏa thích, yên lành
khả ái. Này các Tỷ-kheo, nữ báu này không có môt tư tưởng nào bất tín đối với
vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh, huống nữa là về thân thể. Này các Tỷ-kheo,
như vậy là sự xuất hiện nữ báu của vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh.
40. Lại nữa,
này các Tỷ-kheo, cư-sĩ báu xuất hiện
cho vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh, chứng được thiên nhãn, do nghiệp dị thục
sanh và nhờ thiên nhãn này có thể thấy châu báu chôn cất có chủ hay không có
chủ. Cư-sĩ báu này đến vua Sát-đế-lỵ đã làm quán đảnh và nói:
- "Tâu Ðại
vương, Ðại vương chớ có lo âu, thần sẽ xử lý thích nghi tài sản Ðại
vương".
Này các
Tỷ-kheo, thuở xưa vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh, muốn thử cư-sĩ báu này,
liền cỡi thuyền, chèo ra giữa sông Hằng và bảo cư-sĩ báu:
"- Này
cư-sĩ, ta cần vàng”.
"- Tâu Ðại
vương, hãy cho chèo thuyền gần bờ nào cũng được”.
"- Này
cư-sĩ, ta cần vàng ngay tại đây”.
Này các
Tỷ-kheo, khi ấy cư-sĩ báu thọc hai tay xuống nước nhắc lên một ghè đầy cả vàng
ròng, rồi tâu với vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh:
"- Tâu Ðại
vương, như vậy đã đủ chưa? Tâu Ðại vương, làm như vậy đã được chưa?"
Vua Sát-đế-lỵ
đã làm lễ quán đảnh trả lời:
"- Này
cư-sĩ, như vậy là đủ. Này cư-sĩ, làm như vậy là được rồi. Này cư-sĩ, cúng dường
như vậy là được rồi".
Này các
Tỷ-kheo, như vậy là sự xuất hiện cư-sĩ báu của vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán
đảnh.
41. Lai nữa,
này các Tỷ-kheo, tướng quân báu xuất
hiện cho vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh, có học thức, thông
minh, sáng suốt, có khả năng khuyến cáo vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh, khi
đáng tiến thì tiến, khi đáng lùi thì lùi, khi đáng dừng thì dừng:
Vị này đến tâu
vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh:
"- Tâu Ðại
vương, Ðại vương chớ có lo âu, thần sẽ cố vấn Ðại vương".
Này các
Tỷ-kheo, như vậy là sự xuất hiện tướng quân báu của vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ
quán đảnh.
Này các
Tỷ-kheo, vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh có đầy đủ bảy báu như vậy.
42. Lại nữa,
này các Tỷ-kheo, vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh có đầy
đủ bốn như ý đức. Thế nào là bốn?
Này các
Tỷ-kheo, vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh
đẹp trai, khả ái, cử chỉ thanh lịch, sắc diện tuyệt luân, thấy
xa hơn mọi người. Này các Tỷ-kheo, đó là như ý đức thứ nhất
của vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh.
43. Này các
Tỷ-kheo, lại nữa, vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh sống
lâu, tuổi thọ thắng xa các người khác. Này các Tỷ-kheo, đó là như ý đức thứ hai của vua Sát-đế-lỵ đã làm
lễ quán đảnh.
44. Lại nữa,
này các Tỷ-kheo, vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh ít
bệnh tật, ít tai ương, thể nhiệt không quá lạnh, không quá nóng,
được quân phân để điều hòa sự tiêu hóa, thắng xa các người khác. Này các
Tỷ-kheo, đó là như ý đức thứ ba của
vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh.
45. Lại nữa,
này các Tỷ-kheo, vua Sát-đế-lỵ, đã làm lễ quán đảnh
được các Bà-la-môn và gia chủ ái kính và yêu mến. Này các
Tỷ-kheo, như người cha được các người con ái kính và yêu mến; cũng vậy, này các
Tỷ-kheo, vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh được các Bà-la-môn và gia chủ ái
kính và yêu mến. Này các Tỷ-kheo, các vị Bà-la-môn và gia chủ được vua
Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh ái kính và yêu mến. Này các Tỷ-kheo, như những
người con được người cha ái kính và yêu mến; cũng vậy, này các Tỷ-kheo, các
Bà-la-môn và gia chủ được vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh ái kính và yêu mến.
Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh đi đến hoa viên
cùng với bốn loại binh chủng. Này các Tỷ-kheo, các Bà-la-môn và gia chủ đến vua
Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh và tâu rằng:
"- Tâu Ðại
vương, hãy cho đi chậm chậm để chúng tôi có thể chiêm ngưỡng lâu dài hơn.
".
Này các
Tỷ-kheo, nhưng vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh lại ra lệnh cho người đánh xe:
"- Này anh
đánh xe, hãy đánh xe chậm chậm đủ để ta có thể thấy các vị Bà-la-môn và gia chủ
lâu dài hơn".
Này các
Tỷ-kheo, như vậy là như ý đức thứ tư
của vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh.
Và này các
Tỷ-kheo, vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh suy nghĩ: "Nay ta hãy cho xây
những hồ sen giữa các hàng cây Tāla, cứ cách khoảng một trăm cung tầm!"
Này các
Tỷ-kheo, vua Chuyển luân có đầy đủ bốn như ý đức này.
46. Này các
Tỷ-kheo, các ông nghĩ thế nào? Vua Chuyển luân, đầy
đủ bảy món báu và bốn như ý đức; do nhân duyên ấy, có cảm thọ
lạc hỷ không?
- Bạch Thế Tôn,
vua Chuyển luân chỉ đầy đủ một món báu, do nhân duyên ấy, có cảm thọ lạc hỷ;
còn nói gì đầy đủ bảy món báu và bốn như ý đức.
47. Rồi Thế Tôn
lượm lên một hòn đá nhỏ, lớn bằng bàn tay và nói với các Tỷ-kheo:
- Này các
Tỷ-kheo, các ông nghĩ thế nào? Cái gì lớn hơn? Hòn đá này, to bằng bàn tay do
Ta lượm lên hay núi Tuyết Sơn, vua các loại núi?
- Thật là quá nhỏ, bạch Thế Tôn, là hòn
đá này, lớn bằng bàn tay, do Thế Tôn lượm lên, so sánh với Tuyết Sơn, vua các
loại núi, nó không đáng kể gì, nó không bằng một phần ngàn vạn lần (của núi
Tuyết), không thể so sánh được.
- Cũng vậy, này
các Tỷ-kheo, vua Chuyển luân với bảy món báu và bốn như ý đức, do nhân duyên ấy cảm
thọ lạc hỷ, lạc hỷ ấy so sánh với Thiên lạc không đáng kể gì, không bằng một
phần ngàn vạn lần, không thể so sánh được.
48. Này các
Tỷ-kheo, người có trí ấy, nếu sau
một thời gian rất lâu dài, được sinh làm người, người ấy sẽ sinh ra trong một gia đình cao
quí Sát-đế-lỵ đại gia, hay Bà-la-môn đại
gia, hay cư-sĩ đại gia, giàu có, tài sản nhiều, tài nguyên nhiều, vàng và bạc
phong phú, tài vật phong phú, lúa thóc phong phú. Hơn nữa, vị ấy đẹp trai, khả
ái, dễ thương, đầy đủ dung sắc tối thượng. Vị ấy nhận được đồ ăn, đồ uống, vải
mặc, xe cộ, vòng hoa, hương liệu, giường nằm, chỗ trú xứ và ánh sáng.
Vị ấy sống với thân thiện hành, khẩu thiện hành, ý thiện
hành. Sống với thân thiện hành, khẩu thiện hành, ý thiện
hành, sau khi
thân hoại mạng chung, vị ấy được sanh lên thiện thú, Thiên giới.
49. Ví như, này
các Tỷ-kheo, một người đánh bạc, chính
trong canh bạc thứ nhất (đổ xúc sắc) được tiền bạc rất nhiều. Thật là quá
nhỏ, này các Tỷ-kheo, là canh bạc ấy, nhờ canh bạc đầu tiên này, người đánh bạc
ấy được tiền bạc rất nhiều.
Lớn hơn canh bạc ấy là canh
bạc, nhờ đó, người trí sau khi hành thân thiện hành, khẩu thiện hành, ý thiện
hành, sau khi thân hoại mạng chung, sanh lên thiện thú, Thiên giới, cõi đời này.
Này các Tỷ-kheo,
đây là địa vức hoàn toàn viên mãn của bậc có trí.
Thế Tôn thuyết
giảng như vậy. Các Tỷ-kheo ấy hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy.
* Ở đây, chúng tôi so sánh với các bản Pāḷi và thấy rằng, tên kinh đô
không được nhắc đến một cách hoàn toàn như vậy. Chúng tôi nghĩ rằng đã có một
sự nhầm lẫn ở đây, so với Kinh Đại Thiện Kiến Vương ở Trường Bộ Kinh, tập 2, và
như vậy, ở đây, chúng tôi xin mạn phép góp ý, tức là nên sửa đoạn đó thành
“liền trở về kinh đô của vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh”.