NAMO TASSA BHAGAVATO ARAHATO SAMMASAMBUDDHASA

Chánh Pháp (Phật Pháp)

Chánh Pháp mà đức Thế Tôn đã khéo thuyết giảng"thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu".

Chánh Pháp ấy là Bốn Thánh Đế và sự tu tập chân chánh là sự thực hành con đường Thánh Đạo Tám Ngành (còn được gọi là: Bát Chánh Đạo, hay Bát Thánh Đạo): Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm và Chánh Định; y chỉ viễn ly, y chỉ ly tham, y chỉ đoạn diệt, y chỉ từ bỏ; là con đường duy nhất đưa đến đoạn tận Tham Sân Si, chấm dứt khổ đau, chấm dứt sanh tử luân hồi, chứng ngộ Niết Bàn.

Chúng ta hãy thường xuyên ôn tập và ghi nhớ lời dạy sau đây của đức Phật để tự nhắc mình luôn tinh tấn tu tập Thánh Đạo Tám Ngành:

  • "Vô thỉ là luân hồi này, này các Tỷ-kheo, khởi điểm không thể nêu rõ đối với sự lưu chuyển luân hồi của các chúng sanh bị vô minh che đậy, bị tham ái trói buộc".
  • "Này các Tỷ-kheo, do không giác ngộ, do không thông đạt Bốn Thánh Đế mà Ta và các Ông lâu ngày phải dong ruổi, lưu chuyển như thế này. Thế nào là bốn? Thánh đế về Khổ, Thánh đế về Khổ tập, Thánh đế về Khổ diệt, Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt".
  • "Này các Tỷ-kheo, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Khổ".
  • Một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Khổ tập".
  • Một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Khổ diệt".
  • Một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Con đường đưa đến Khổ diệt"".
  • "Này các Tỷ-kheo, Thánh đế về Khổ, cần phải liễu tri.
  • Thánh đế về Khổ tập cần phải đoạn tận.
  • Thánh đế về Khổ diệt cần phải chứng ngộ.
  • Thánh đế về Con đường đưa đến Khổ diệt cần phải tu tập".

(trích Kinh Tương Ưng Bộ)

--------------------------------------------------------------------------------------------------------

Popular Posts

Tuesday, August 11, 2015

SN 35.239 – Kinh Dụ Ngôn Về Chiếc Xe (hộ trì các căn, tiết độ ăn uống, chú tâm tỉnh giác)

SN 35.239 – (35. 4. 4. 2) Dụ Ngôn Về Chiếc Xe:
Rathapamasuttaṃ (239)[1] [KTƯ-04. Chương 35. Tương Ưng Sáu Xứ]

1. Tại Sāvatthī.
2. Ở đây, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo: “Này các Tỷ-kheo”. - “Thưa vâng, bạch Thế Tôn”. Những vị Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn.
3. Thế Tôn nói như sau:
- Này các Tỷ-kheo, đầy đủ được ba pháp ấy, một Tỷ-kheo ngay trong hiện tại, sống nhiều an lạc, hoan hỷ, và tạo nguyên nhân bắt đầu đoạn tận các lậu hoặc.
Thế nào là ba? Hộ trì các căn, tiết độ trong ăn uống và chú tâm tỉnh giác.
4. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo hộ trì các căn?
Ở đây, này các Tỷ-kheo,
1)      khi mắt thấy sắc, Tỷ-kheo không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì khiến nhãn căn không được chế ngự, khiến tham ái, ưu bi, các ác bất thiện pháp khởi lên, Tỷ-kheo tự chế ngự những nguyên nhân ấy, hộ trì nhãn căn, thực hành hộ trì nhãn căn.
2)      Khi tai nghe tiếng...;
3)      mũi ngửi hương...;
4)      lưỡi nếm vị...;
5)      thân cảm xúc…;
6)      ý nhận thức các pháp, Tỷ-kheo không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì khiến ý căn không được chế ngự, khiến tham ái, ưu bi, các ác bất thiện pháp khởi lên, Tỷ-kheo tự chế ngự những nguyên nhân ấy, hộ trì ý căn, thực hành hộ trì ý căn.
5. Ví như, này các Tỷ-kheo, trên đất bằng, tại chỗ ngã tư, có chiếc xe đang đậu, thắng với ngựa hay, có roi ngựa đặc biệt đang sẵn sàng. Có người mã thuật sư thiện xảo, người đánh xe điều ngự các con ngựa đáng được điều ngự, leo lên xe ấy, tay trái nắm lấy dây cương, tay mặt cầm lấy roi ngựa, có thể đánh xe ngựa đi tới, đi lui như thế nào, và tại chỗ nào theo ý mình muốn.
Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo học hộ trì, học chế ngự, học điều ngự, học tịnh chỉ sáu căn này. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo hộ trì các căn.
6. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo tiết độ trong ăn uống?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo
1)        chân chánh giác sát thọ dụng món ăn,
2)        không phải để vui đùa,
3)        không phải để đam mê,
4)        không phải để trang sức,
5)        không phải để tự làm đẹp mình,
6)        mà chỉ để thân này được an trú,
7)        được bảo dưỡng,
8)        khỏi bị thương hại,
9)        để hỗ trợ Phạm hạnh;
10)    vị ấy nghĩ rằng: "Như vậy, ta diệt trừ các cảm thọ cũ, không cho khởi lên các cảm thọ mới, và ta sẽ không có lỗi lầm, sống được an lạc".
7. Ví như, này các Tỷ-kheo, một người bôi thuốc vào một vết thương để chữa lành vết thương ấy.
Ví như một người bôi dầu vào trục xe với mục đích để có thể chở đồ nặng.
Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo chân chánh giác sát thọ dụng món ăn không phải để vui đùa, không phải để đam mê, không phải để trang sức, không phải để tự làm đẹp mình, mà chỉ để thân này được an trú, được bảo dưỡng, khỏi bị thương hại, để hỗ trợ Phạm hạnh; vị ấy nghĩ rằng: "Như vậy, ta diệt trừ các cảm thọ cũ, không cho khởi lên các cảm thọ mới, và ta sẽ không có lỗi lầm, sống được an lạc".
Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo tiết độ trong ăn uống.
8. Và như thế nào, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo chú tâm tỉnh giác?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo
1)      ban ngày trong khi đi kinh hành hay ngồi, tâm trừ sạch các chướng ngại pháp.
2)      Ban đêm canh một, khi đi kinh hành hay ngồi, tâm trừ sạch các chướng ngại pháp.
3)      Ban đêm canh giữa, vị ấy nằm phía hông bên phải, trong dáng nằm con sư tử, hai chân để trên nhau, chánh niệm tỉnh giác, tác ý đến lúc thức dậy.
4)      Ban đêm trong canh cuối cùng, vị ấy thức dậy, trong khi đi kinh hành và ngồi, tâm trừ sạch các chướng ngại pháp.
Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo chú tâm tỉnh giác.
9. Này các Tỷ-kheo, đầy đủ ba pháp ấy, Tỷ-kheo ngay trong hiện tại, sống nhiều an lạc, hoan hỷ, và tạo nguyên nhân bắt đầu đoạn tận các lậu hoặc.



[1] Bài kinh này còn có tên là “kinh Hỷ Lạc” trong bản in của Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam.

No comments: