NAMO TASSA BHAGAVATO ARAHATO SAMMASAMBUDDHASA

Chánh Pháp (Phật Pháp)

Chánh Pháp mà đức Thế Tôn đã khéo thuyết giảng"thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu".

Chánh Pháp ấy là Bốn Thánh Đế và sự tu tập chân chánh là sự thực hành con đường Thánh Đạo Tám Ngành (còn được gọi là: Bát Chánh Đạo, hay Bát Thánh Đạo): Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm và Chánh Định; y chỉ viễn ly, y chỉ ly tham, y chỉ đoạn diệt, y chỉ từ bỏ; là con đường duy nhất đưa đến đoạn tận Tham Sân Si, chấm dứt khổ đau, chấm dứt sanh tử luân hồi, chứng ngộ Niết Bàn.

Chúng ta hãy thường xuyên ôn tập và ghi nhớ lời dạy sau đây của đức Phật để tự nhắc mình luôn tinh tấn tu tập Thánh Đạo Tám Ngành:

  • "Vô thỉ là luân hồi này, này các Tỷ-kheo, khởi điểm không thể nêu rõ đối với sự lưu chuyển luân hồi của các chúng sanh bị vô minh che đậy, bị tham ái trói buộc".
  • "Này các Tỷ-kheo, do không giác ngộ, do không thông đạt Bốn Thánh Đế mà Ta và các Ông lâu ngày phải dong ruổi, lưu chuyển như thế này. Thế nào là bốn? Thánh đế về Khổ, Thánh đế về Khổ tập, Thánh đế về Khổ diệt, Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt".
  • "Này các Tỷ-kheo, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Khổ".
  • Một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Khổ tập".
  • Một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Khổ diệt".
  • Một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Con đường đưa đến Khổ diệt"".
  • "Này các Tỷ-kheo, Thánh đế về Khổ, cần phải liễu tri.
  • Thánh đế về Khổ tập cần phải đoạn tận.
  • Thánh đế về Khổ diệt cần phải chứng ngộ.
  • Thánh đế về Con đường đưa đến Khổ diệt cần phải tu tập".

(trích Kinh Tương Ưng Bộ)

--------------------------------------------------------------------------------------------------------

Popular Posts

Thursday, September 3, 2015

SN 12.65 – Kinh Thành Ấp (con đường cũ, đạo lộ cũ)

SN 12.65 – Kinh Thành Ấp: Nagarasuttaṃ

1. Tại Sāvatthī.
2. - Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, trước khi Ta giác ngộ, chưa chứng Chánh Ðẳng Giác, còn là Bồ-tát, Ta suy nghĩ như sau:
1)     "Thật sự thế giới này bị hãm trong khổ não, bị sanh, bị già, bị chết, bị đoạn diệt, và bị tái sanh;
2)     và từ nơi đau khổ này, không biết xuất ly khỏi già và chết;
3)     từ nơi đau khổ này, không biết khi nào được biết đến xuất ly khỏi già và chết".
3. Rồi này các Tỷ-kheo, Ta lại suy nghĩ như sau: "Do cái gì có mặt, già, chết hiện hữu? Do cái gì, già, chết sanh khởi?"
4. Rồi này các Tỷ-kheo, sau khi Ta như lý tư duy, nhờ trí tuệ, phát sinh minh kiến như sau: "Do sanh có mặt nên già, chết hiện hữu. Do duyên sanh, nên già, chết sanh khởi".
5. Rồi này các Tỷ-kheo, Ta lại suy nghĩ như sau: "Do cái gì có mặt, sanh hiện hữu? Do cái gì, sanh sanh khởi?"
6. Rồi này các Tỷ-kheo, sau khi Ta như lý tư duy, nhờ trí tuệ, phát sinh minh kiến như sau: "Do hữu có mặt nên sanh hiện hữu. Do duyên hữu, nên sanh sanh khởi".
7. Rồi này các Tỷ-kheo, Ta lại suy nghĩ như sau: "Do cái gì có mặt, hữu hiện hữu? Do cái gì, hữu sanh khởi?"
8. Rồi này các Tỷ-kheo, sau khi Ta như lý tư duy, nhờ trí tuệ, phát sinh minh kiến như sau: "Do thủ có mặt nên hữu hiện hữu. Do duyên thủ, nên hữu sanh khởi".
9. Rồi này các Tỷ-kheo, Ta lại suy nghĩ như sau: "Do cái gì có mặt, thủ hiện hữu? Do cái gì, thủ sanh khởi?"
10. Rồi này các Tỷ-kheo, sau khi Ta như lý tư duy, nhờ trí tuệ, phát sinh minh kiến như sau: "Do ái có mặt nên thủ hiện hữu. Do duyên ái, nên thủ sanh khởi".
11. Rồi này các Tỷ-kheo, Ta lại suy nghĩ như sau: "Do cái gì có mặt, ái hiện hữu? Do cái gì, ái sanh khởi?"
12. Rồi này các Tỷ-kheo, sau khi Ta như lý tư duy, nhờ trí tuệ, phát sinh minh kiến như sau: "Do thọ có mặt nên ái hiện hữu. Do duyên thọ, nên ái sanh khởi".
13. Rồi này các Tỷ-kheo, Ta lại suy nghĩ như sau: "Do cái gì có mặt, thọ hiện hữu? Do cái gì, thọ sanh khởi?"
14. Rồi này các Tỷ-kheo, sau khi Ta như lý tư duy, nhờ trí tuệ, phát sinh minh kiến như sau: "Do xúc có mặt nên thọ hiện hữu. Do duyên xúc, nên thọ sanh khởi".
15. Rồi này các Tỷ-kheo, Ta lại suy nghĩ như sau: "Do cái gì có mặt, xúc hiện hữu? Do cái gì, xúc sanh khởi?"
16. Rồi này các Tỷ-kheo, sau khi Ta như lý tư duy, nhờ trí tuệ, phát sinh minh kiến như sau: "Do sáu xứ có mặt nên xúc hiện hữu. Do duyên sáu xứ, nên xúc sanh khởi".
17. Rồi này các Tỷ-kheo, Ta lại suy nghĩ như sau: "Do cái gì có mặt, sáu xứ hiện hữu? Do cái gì, sáu xứ sanh khởi?"
18. Rồi này các Tỷ-kheo, sau khi Ta như lý tư duy, nhờ trí tuệ, phát sinh minh kiến như sau: "Do danh sắc có mặt nên sáu xứ hiện hữu. Do duyên danh sắc, nên sáu xứ sanh khởi".
19. Rồi này các Tỷ-kheo, Ta lại suy nghĩ như sau: "Do cái gì có mặt, danh sắc hiện hữu? Do cái gì, danh sắc sanh khởi?"
20. Rồi này các Tỷ-kheo, sau khi Ta như lý tư duy, nhờ trí tuệ, phát sinh minh kiến như sau: "Do thức có mặt nên danh sắc hiện hữu. Do duyên thức, nên danh sắc sanh khởi".
21. Rồi này các Tỷ-kheo, Ta lại suy nghĩ như sau: "Do cái gì có mặt, thức hiện hữu. Do duyên cái gì, thức sanh khởi?"
22. Rồi này các Tỷ-kheo, sau khi Ta như lý tư duy, nhờ trí tuệ, phát sinh minh kiến như sau: "Do danh sắc có mặt nên thức hiện hữu. Do duyên danh sắc nên thức sanh khởi".
23. Rồi này các Tỷ-kheo, Ta suy nghĩ như sau: "Thức này trở lui, không đi xa hơn danh sắc. Xa đến như vậy, chúng ta bị sanh, bị già, bị chết, bị đoạn diệt, bị tái sanh, nghĩa là
1)        do duyên danh sắc, thức sanh khởi.
2)        Do duyên thức, danh sắc sanh khởi.
3)        Do duyên danh sắc, sáu xứ sanh khởi.
4)        Do duyên sáu xứ, xúc sanh khởi.
5)        Do duyên xúc, thọ sanh khởi.
6)        Do duyên thọ, ái sanh khởi.
7)        Do duyên ái, thủ sanh khởi.
8)        Do duyên thủ, hữu sanh khởi.
9)        Do duyên hữu, sanh sanh khởi.
10)   Do duyên sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não sanh khởi.
Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này tập khởi.
24. "Tập khởi, tập khởi". Này các Tỷ-kheo, đối với các pháp từ trước chưa từng được nghe, nhãn khởi lên, trí khởi lên, tuệ khởi lên, minh khởi lên, quang khởi lên.
25. Rồi này các Tỷ-kheo, Ta lại suy nghĩ như sau: "Do cái gì không có mặt, già, chết không hiện hữu? Do cái gì diệt, già, chết diệt?"
26. Rồi này các Tỷ-kheo, sau khi Ta như lý tư duy, nhờ trí tuệ, phát sinh minh kiến như sau: "Do sanh không có mặt, nên già, chết không hiện hữu. Do sanh diệt, nên già, chết diệt".
27. Rồi này các Tỷ-kheo, Ta lại suy nghĩ như sau: "Do cái gì không có mặt, sanh không hiện hữu? Do cái gì diệt, nên sanh diệt?"
28. Rồi này các Tỷ-kheo, sau khi Ta như lý tư duy, nhờ trí tuệ, phát sinh minh kiến như sau: "Do hữu không có mặt, nên sanh không hiện hữu. Do hữu diệt, nên sanh diệt".
29. Rồi này các Tỷ-kheo, Ta lại suy nghĩ như sau: "Do cái gì không có mặt, hữu không hiện hữu? Do cái gì diệt, nên hữu diệt?"
30. Rồi này các Tỷ-kheo, sau khi Ta như lý tư duy, nhờ trí tuệ, phát sinh minh kiến như sau: "Do thủ không có mặt, nên hữu không hiện hữu. Do thủ diệt, nên hữu diệt".
31. Rồi này các Tỷ-kheo, Ta lại suy nghĩ như sau: "Do cái gì không có mặt, thủ không hiện hữu? Do cái gì diệt, nên thủ diệt?"
32. Rồi này các Tỷ-kheo, sau khi Ta như lý tư duy, nhờ trí tuệ, phát sinh minh kiến như sau: "Do ái không có mặt, nên thủ không hiện hữu. Do ái diệt, nên thủ diệt".
33. Rồi này các Tỷ-kheo, Ta lại suy nghĩ như sau: "Do cái gì không có mặt, ái không hiện hữu? Do cái gì diệt, nên ái diệt?"
34. Rồi này các Tỷ-kheo, sau khi Ta như lý tư duy, nhờ trí tuệ, phát sinh minh kiến như sau: "Do thọ không có mặt, nên ái không hiện hữu. Do thọ diệt, nên ái diệt".
35. Rồi này các Tỷ-kheo, Ta lại suy nghĩ như sau: "Do cái gì không có mặt, thọ không hiện hữu? Do cái gì diệt, nên thọ diệt?"
36. Rồi này các Tỷ-kheo, sau khi Ta như lý tư duy, nhờ trí tuệ, phát sinh minh kiến như sau: "Do xúc không có mặt, nên thọ không hiện hữu. Do xúc diệt, nên thọ diệt".
37. Rồi này các Tỷ-kheo, Ta lại suy nghĩ như sau: "Do cái gì không có mặt, xúc không hiện hữu? Do cái gì diệt, nên xúc diệt?"
38. Rồi này các Tỷ-kheo, sau khi Ta như lý tư duy, nhờ trí tuệ, phát sinh minh kiến như sau: "Do sáu xứ không có mặt, nên xúc không hiện hữu. Do sáu xứ diệt, nên xúc diệt".
39. Rồi này các Tỷ-kheo, Ta lại suy nghĩ như sau: "Do cái gì không có mặt, sáu xứ không hiện hữu? Do cái gì diệt, nên sáu xứ diệt?"
40. Rồi này các Tỷ-kheo, sau khi Ta như lý tư duy, nhờ trí tuệ, phát sinh minh kiến như sau: "Do danh sắc không có mặt, nên sáu xứ không hiện hữu. Do danh sắc diệt, nên sáu xứ diệt".
41. Rồi này các Tỷ-kheo, Ta lại suy nghĩ như sau: "Do cái gì không có mặt, danh sắc không hiện hữu? Do cái gì diệt, nên danh sắc diệt?"
42. Rồi này các Tỷ-kheo, sau khi Ta như lý tư duy, nhờ trí tuệ, phát sinh minh kiến như sau: "Do thức không có mặt, nên danh sắc không hiện hữu. Do thức diệt, nên danh sắc diệt".
43. Rồi này các Tỷ-kheo, Ta lại suy nghĩ như sau: "Do cái gì không có mặt, thức không hiện hữu? Do cái gì diệt, nên thức diệt?"
44. Rồi này các Tỷ-kheo, sau khi Ta như lý tư duy, nhờ trí tuệ, phát sinh minh kiến như sau: "Do danh sắc không có mặt, nên thức không hiện hữu. Do danh sắc diệt, nên thức diệt".
45. Rồi này các Tỷ-kheo, Ta lại suy nghĩ như sau: "Ta đã chứng đắc con đường này đưa đến giác ngộ, tức là
1)          do danh sắc diệt nên thức diệt.
2)          Do thức diệt nên danh sắc diệt.
3)          Do danh sắc diệt nên sáu xứ diệt.
4)          Do sáu xứ diệt nên xúc diệt.
5)          Do xúc diệt nên thọ diệt.
6)          Do thọ diệt nên ái diệt.
7)          Do ái diệt nên thủ diệt.
8)          Do thủ diệt nên hữu diệt.
9)          Do hữu diệt nên sanh diệt.
10)      Do sanh diệt nên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não đều diệt.
Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này đoạn diệt".
46. "Ðoạn diệt, đoạn diệt". Này các Tỷ-kheo, đối với các pháp từ trước Ta chưa từng được nghe, nhãn sanh, trí sanh, tuệ sanh, minh sanh, quang sanh.
47. Ví như, này các Tỷ-kheo,
1)     một người khi đi qua một khu rừng,
2)     một chặng núi,
3)     thấy được một con đường cũ, một đạo lộ cũ, do những người xưa đã từng đi qua.
4)     Người ấy đi theo con đường ấy,
5)     trong khi đi theo con đường ấy, người ấy thấy được một cổ thành, một cố đô do người xưa ở, với đầy đủ vườn tược, đầy đủ rừng cây, đầy đủ hồ ao với thành lũy đẹp đẽ.
48. Rồi này các Tỷ-kheo, người ấy báo cáo với vua hay vị đại thần: "Chư tôn hãy biết, trong khi đi ngang một khu rừng, một chặng núi, tôi thấy được một con đường cũ, một đạo lộ cũ, do những người xưa đã từng đi qua. Tôi đã đi theo con đường ấy và thấy được một cổ thành, một cố đô do người xưa ở, với đầy đủ vườn tược, đầy đủ rừng cây, đầy đủ hồ ao, với thành lũy đẹp đẽ. Thưa các Tôn-giả, hãy xây dựng lại ngôi thành ấy".
49. Rồi này các Tỷ-kheo, vị vua hay vị đại thần cho xây dựng lại ngôi thành ấy. Và ngôi thành ấy, sau một thời gian, lớn lên và trở thành một thành phố phồn vinh, thịnh vượng, đông đúc, tràn đầy người ở.
Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Ta đã thấy một con đường cũ, một đạo lộ cũ, do các vị Chánh Ðẳng Giác thuở xưa đã đi qua.
50. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là con đường cũ, đạo lộ cũ ấy, do các vị Chánh Ðẳng Giác thuở xưa đã đi qua?
Ðây chính là con đường Thánh đạo tám ngành, tức là Chánh tri kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định. Con đường ấy, này các Tỷ-kheo, là con đường cũ, đạo lộ cũ, do các bậc Chánh Ðẳng Giác thuở xưa đã đi qua.
Ta đã đi theo con đường ấy. Ði theo con đường ấy,
1)     Ta thấy rõ già, chết;
2)     Ta thấy rõ già, chết tập khởi;
3)     Ta thấy rõ già, chết đoạn diệt;
4)     Ta thấy rõ con đường đưa đến già, chết đoạn diệt.
51. Ta đã đi theo con đường ấy. Ði theo con đường ấy, Ta thấy rõ sanh, Ta thấy rõ sanh tập khởi, Ta thấy rõ sanh đoạn diệt, Ta thấy rõ con đường đưa đến sanh đoạn diệt.
52. Ta đã đi theo con đường ấy. Ði theo con đường ấy, Ta thấy rõ hữu, Ta thấy rõ hữu tập khởi, Ta thấy rõ hữu đoạn diệt, Ta thấy rõ con đường đưa đến hữu đoạn diệt.
53. Ta đã đi theo con đường ấy. Ði theo con đường ấy, Ta thấy rõ thủ, Ta thấy rõ thủ tập khởi, Ta thấy rõ thủ đoạn diệt, Ta thấy rõ con đường đưa đến thủ đoạn diệt.
54. Ta đã đi theo con đường ấy. Ði theo con đường ấy, Ta thấy rõ ái, Ta thấy rõ ái tập khởi, Ta thấy rõ ái đoạn diệt, Ta thấy rõ con đường đưa đến ái đoạn diệt.
55. Ta đã đi theo con đường ấy. Ði theo con đường ấy, Ta thấy rõ thọ, Ta thấy rõ thọ tập khởi, Ta thấy rõ thọ đoạn diệt, Ta thấy rõ con đường đưa đến thọ đoạn diệt.
56. Ta đã đi theo con đường ấy. Ði theo con đường ấy, Ta thấy rõ xúc, Ta thấy rõ xúc tập khởi, Ta thấy rõ xúc đoạn diệt, Ta thấy rõ con đường đưa đến xúc đoạn diệt.
57. Ta đã đi theo con đường ấy. Ði theo con đường ấy, Ta thấy rõ sáu xứ, Ta thấy rõ sáu xứ tập khởi, Ta thấy rõ sáu xứ đoạn diệt, Ta thấy rõ con đường đưa đến sáu xứ đoạn diệt.
58. Ta đã đi theo con đường ấy. Ði theo con đường ấy, Ta thấy rõ danh sắc, Ta thấy rõ danh sắc tập khởi, Ta thấy rõ danh sắc đoạn diệt, Ta thấy rõ con đường đưa đến danh sắc đoạn diệt.
59. Ta đã đi theo con đường ấy. Ði theo con đường ấy, Ta thấy rõ thức, Ta thấy rõ thức tập khởi, Ta thấy rõ thức đoạn diệt, Ta thấy rõ con đường đưa đến thức đoạn diệt.
60. Ta đã đi theo con đường ấy. Ði theo con đường ấy, Ta thấy rõ các hành, Ta thấy rõ các hành tập khởi, Ta thấy rõ các hành đoạn diệt, Ta thấy rõ con đường đưa đến các hành đoạn diệt.
61. Cái được Ta biết rõ, Ta đã tuyên bố cho các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ni, nam cư-sĩ, nữ cư-sĩ được biết. Này các Tỷ-kheo, tức là Phạm hạnh này, phồn vinh, thịnh vượng, quảng đại, chúng đa (ngày càng được nhiều người biết đến và thực hành – người hiệu đính), và được chư Thiên, loài Người khéo léo trình bày.

No comments: