NAMO TASSA BHAGAVATO ARAHATO SAMMASAMBUDDHASA

Chánh Pháp (Phật Pháp)

Chánh Pháp mà đức Thế Tôn đã khéo thuyết giảng"thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu".

Chánh Pháp ấy là Bốn Thánh Đế và sự tu tập chân chánh là sự thực hành con đường Thánh Đạo Tám Ngành (còn được gọi là: Bát Chánh Đạo, hay Bát Thánh Đạo): Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm và Chánh Định; y chỉ viễn ly, y chỉ ly tham, y chỉ đoạn diệt, y chỉ từ bỏ; là con đường duy nhất đưa đến đoạn tận Tham Sân Si, chấm dứt khổ đau, chấm dứt sanh tử luân hồi, chứng ngộ Niết Bàn.

Chúng ta hãy thường xuyên ôn tập và ghi nhớ lời dạy sau đây của đức Phật để tự nhắc mình luôn tinh tấn tu tập Thánh Đạo Tám Ngành:

  • "Vô thỉ là luân hồi này, này các Tỷ-kheo, khởi điểm không thể nêu rõ đối với sự lưu chuyển luân hồi của các chúng sanh bị vô minh che đậy, bị tham ái trói buộc".
  • "Này các Tỷ-kheo, do không giác ngộ, do không thông đạt Bốn Thánh Đế mà Ta và các Ông lâu ngày phải dong ruổi, lưu chuyển như thế này. Thế nào là bốn? Thánh đế về Khổ, Thánh đế về Khổ tập, Thánh đế về Khổ diệt, Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt".
  • "Này các Tỷ-kheo, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Khổ".
  • Một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Khổ tập".
  • Một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Khổ diệt".
  • Một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Con đường đưa đến Khổ diệt"".
  • "Này các Tỷ-kheo, Thánh đế về Khổ, cần phải liễu tri.
  • Thánh đế về Khổ tập cần phải đoạn tận.
  • Thánh đế về Khổ diệt cần phải chứng ngộ.
  • Thánh đế về Con đường đưa đến Khổ diệt cần phải tu tập".

(trích Kinh Tương Ưng Bộ)

--------------------------------------------------------------------------------------------------------

Popular Posts

Saturday, September 5, 2015

AN 3.93 – Kinh Sống Viễn Ly (viễn ly ác giới, viễn ly tà kiến, viễn ly các lậu hoặc)

AN 3.93 – Kinh Sống Viễn Ly: Pavivekasuttaṃ

1. - Có ba hạnh viễn ly này được các du-sĩ ngoại đạo trình bày. Thế nào là ba?
1)          Viễn ly y áo,
2)          viễn ly đồ ăn khất thực,
3)          viễn ly sàng tọa.
2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, các du-sĩ ngoại đạo trình bày về viễn ly y áo:
1)          mang vải gai thô,
2)          mặc vải gai thô lẫn với các vải khác,
3)          mặc vải tẩm liệm quăng đi,
4)          mặc vải lượm từ đống rác,
5)          y thì dùng vỏ cây tirīṭaka làm áo,
6)          mặc da con sơn dương đen,
7)          mặc áo bện từng mảnh da con sơn dương đen,
8)          mặc áo từ cỏ kusa bện lại,
9)          mặc áo bằng vỏ cây,
10)      mặc áo bằng đuôi ngựa bện lại,
11)      mặc áo bằng lông cú.
Như vậy, này các Tỷ-kheo, các du-sĩ ngoại đạo trình bày về viễn ly y áo.
3. Ở đây, này các Tỷ-kheo, các du-sĩ ngoại đạo trình bày về viễn ly đồ ăn khất thực:
1)          ăn rau,
2)          cây kê,
3)          gạo sống,
4)          gạo rừng,
5)          cây lau,
6)          bột gạo,
7)          bột gạo cháy,
8)          ăn bột vừng,
9)          ăn cỏ,
10)      ăn phân bò,
11)      ăn trái cây,
12)      ăn rễ cây trong rừng,
13)      ăn trái cây rụng để sống.
Như vậy, này các Tỷ-kheo, các du-sĩ ngoại đạo trình bày về viễn ly đồ ăn khất thực.
4. Ở đây, này các Tỷ-kheo, các du-sĩ ngoại đạo trình bày về viễn ly sàng tọa:
1)          sống trong rừng,
2)          tại một gốc cây,
3)          tại bãi tha ma,
4)          tại khóm rừng rậm,
5)          sống ngoài trời,
6)          trên một đống rơm,
7)          trong nhà bằng tranh.
Như vậy, này các Tỷ-kheo, các du-sĩ ngoại đạo trình bày về viễn ly sàng tọa.
5. Này các Tỷ-kheo, các du-sĩ ngoại đạo trình bày về ba hạnh viễn ly này.
6. Này các Tỷ-kheo, có ba hạnh viễn ly này của vị Tỷ-kheo trong pháp và luật. Thế nào là ba?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo
1)          gìn giữ giới luật, từ bỏ ác giới, viễn ly ác giới,
2)          có chánh tri kiến, từ bỏ tà kiến, viễn ly tà kiến,
3)          đoạn tận các lậu hoặc, từ bỏ các lậu hoặc, viễn ly các lậu hoặc.
Vì rằng, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo
1)          gìn giữ giới luật, từ bỏ ác giới, viễn ly ác giới,
2)          có chánh tri kiến, từ bỏ tà kiến, viễn ly tà kiến,
3)          đoạn tận các lậu hoặc, từ bỏ các lậu hoặc, viễn ly các lậu hoặc,
nên Tỷ-kheo này, này các Tỷ-kheo, được gọi là đạt được tối thượng, đạt được căn bản thanh tịnh, được an trú trên căn bản.
7. Ví như, này các Tỷ-kheo, ruộng lúa của người nông phu gia chủ đã chín, người nông phu gia chủ ấy mau mắn gặt lúa. Sau khi mau mắn gặt lúa, phải mau mắn chất lúa thành đống. Sau khi mau mắn chất lúa thành đống, phải mau mắn chở lúa về. Sau khi mau mắn chở lúa về, phải mau mắn đánh lúa thành đống. Sau khi mau mắn đánh lúa thành đống, phải mau mắn đập lúa. Sau khi mau mắn đập lúa, phải mau mắn giũ rơm. Sau khi mau mắn giũ rơm, phải mau mắn lấy thóc ra. Sau khi mau mắn lấy thóc ra, phải mau mắn quạt thóc. Sau khi mau mắn quạt thóc, phải mau mắn chứa thóc. Sau khi mau mắn chứa thóc, phải mau mắn xay thóc. Sau khi mau mắn xay thóc, phải mau mắn sàng cám lấy gạo. Như vậy, này các Tỷ-kheo, với người nông phu gia chủ ấy, lúa gạo ấy đạt được tối thượng, đạt được căn bản thanh tịnh, đạt được an trú trên căn bản.

Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo gìn giữ giới luật, từ bỏ ác giới, viễn ly ác giới, có chánh tri kiến, từ bỏ tà kiến, viễn ly tà kiến, đoạn tận các lậu hoặc, từ bỏ các lậu hoặc, viễn ly các lậu hoặc, nên Tỷ-kheo này, này các Tỷ-kheo, được gọi là đạt được tối thượng, đạt được căn bản thanh tịnh, được an trú trên căn bản.

No comments: