Friday, August 8, 2014

SN 47.3 – Kinh Tỷ-kheo (giới khéo thanh tịnh và tri kiến chánh trực)

Việc cần làm trước khi tu tập Bốn Niệm Xứ
1)    Hãy làm cho thanh tịnh căn bản trong các thiện pháp: sống hộ trì với sự hộ trì của Giới bổn, đầy đủ uy nghi chánh hạnh, thấy sự nguy hiểm trong những lỗi nhỏ nhặt, chấp nhận và thực hành các học giới. [SN 47.46 – Kinh Pātimokkha (KTƯ-05)]
2)   Hãy làm cho thanh tịnh những căn bản trong các thiện pháp: đoạn tận thân-khẩu-ý ác hành, tu tập thân-khẩu-ý thiện hành. [SN 47.47 – Kinh Ác Hành (KTƯ-05)]
3)     Gột sạch hai pháp cơ bản về các thiện pháp: được giới khéo thanh tịnh tri kiến chánh trực. [SN 47.3 – Kinh Tỷ-kheo (KTƯ-05)]



SN 47.3 – Kinh Tỷ-kheo: Bhikkhusuttaṃ [KTƯ-05]

1. Một thời Thế Tôn trú ở Sāvatthī, tại Jetavana, khu vườn ông Anāthapiṇḍika.
2. Rồi một Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.
3. Ngồi một bên, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
- Lành thay, bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn thuyết pháp vắn tắt cho con. Sau khi nghe Thế Tôn thuyết pháp, con sẽ sống một mình, an tịnh, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần. Và như vậy có thể có những người nghi ngờ pháp ấy và họ thẩm tra con; sau khi con nói pháp cho họ, họ nghĩ rằng đi theo con sẽ có lợi ích cho họ. Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy thuyết pháp vắn tắt cho con. Thiện Thệ hãy thuyết pháp vắn tắt cho con. Chắc chắn con có thể hiểu lời Thế Tôn thuyết. Chắc chắn con có thể trở thành người thừa tự lời Thế Tôn dạy.
4. - Vậy này Tỷ-kheo, ông phải gột sạch hai pháp cơ bản về các thiện pháp.
Và thế nào là hai pháp cơ bản về các thiện pháp? Chính là giới khéo thanh tịnh, và tri kiến chánh trực. Này Tỷ-kheo, khi nào ông được giới khéo thanh tịnh và tri kiến chánh trực, này Tỷ-kheo, ông hãy y cứ trên giới, an trú trên giới, tu tập Bốn niệm xứ theo ba cách. Thế nào là bốn?
5. Ở đây, này Tỷ-kheo, ông hãy trú, quán thân trên nội thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, Chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời; hay ông hãy trú, quán thân trên ngoại thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, Chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời; hay ông hãy trú, quán thân trên nội ngoại thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, Chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời.
Hay ông hãy trú, quán thọ trên các nội thọ, nhiệt tâm, tỉnh giác, Chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời; hay ông hãy trú, quán thọ trên các ngoại thọ, nhiệt tâm, tỉnh giác, Chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời; hay ông hãy trú, quán thọ trên các nội ngoại thọ, nhiệt tâm, tỉnh giác, Chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời.
Hay ông hãy trú, quán tâm trên các nội tâm, nhiệt tâm, tỉnh giác, Chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời; hay ông hãy trú, quán tâm trên các ngoại tâm, nhiệt tâm, tỉnh giác, Chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời; hay ông hãy trú, quán tâm trên các nội ngoại tâm, nhiệt tâm, tỉnh giác, Chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời.
Hay ông hãy trú, quán pháp trên các nội pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, Chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời; hay ông hãy trú, quán pháp trên các ngoại pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, Chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời; hay ông hãy trú, quán pháp trên các nội ngoại pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, Chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời.
Này Tỷ-kheo, khi nào ông y cứ trên giới, an trú trên giới và tu tập Bốn niệm xứ theo ba cách như vậy; khi ấy, này Tỷ-kheo, hoặc đêm hay ngày, chờ đợi là tăng trưởng trong các thiện pháp, không phải là tổn giảm.
6. Rồi Tỷ-kheo ấy hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân phía hữu hướng về Ngài rồi ra đi.
7. Rồi Tỷ-kheo ấy sống một mình, an tịnh, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, không bao lâu đạt được mục đích mà một thiện nam tử xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình hướng đến: Chính là vô thượng cứu cánh Phạm hạnh, ngay trong hiện tại, vị ấy tự mình với thắng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an trú. Vị ấy rõ biết: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa".
8. Và Tỷ-kheo ấy trở thành một vị A-la-hán nữa.

No comments:

Post a Comment