NAMO TASSA BHAGAVATO ARAHATO SAMMASAMBUDDHASA

Chánh Pháp (Phật Pháp)

Chánh Pháp mà đức Thế Tôn đã khéo thuyết giảng"thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu".

Chánh Pháp ấy là Bốn Thánh Đế và sự tu tập chân chánh là sự thực hành con đường Thánh Đạo Tám Ngành (còn được gọi là: Bát Chánh Đạo, hay Bát Thánh Đạo): Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm và Chánh Định; y chỉ viễn ly, y chỉ ly tham, y chỉ đoạn diệt, y chỉ từ bỏ; là con đường duy nhất đưa đến đoạn tận Tham Sân Si, chấm dứt khổ đau, chấm dứt sanh tử luân hồi, chứng ngộ Niết Bàn.

Chúng ta hãy thường xuyên ôn tập và ghi nhớ lời dạy sau đây của đức Phật để tự nhắc mình luôn tinh tấn tu tập Thánh Đạo Tám Ngành:

  • "Vô thỉ là luân hồi này, này các Tỷ-kheo, khởi điểm không thể nêu rõ đối với sự lưu chuyển luân hồi của các chúng sanh bị vô minh che đậy, bị tham ái trói buộc".
  • "Này các Tỷ-kheo, do không giác ngộ, do không thông đạt Bốn Thánh Đế mà Ta và các Ông lâu ngày phải dong ruổi, lưu chuyển như thế này. Thế nào là bốn? Thánh đế về Khổ, Thánh đế về Khổ tập, Thánh đế về Khổ diệt, Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt".
  • "Này các Tỷ-kheo, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Khổ".
  • Một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Khổ tập".
  • Một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Khổ diệt".
  • Một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Con đường đưa đến Khổ diệt"".
  • "Này các Tỷ-kheo, Thánh đế về Khổ, cần phải liễu tri.
  • Thánh đế về Khổ tập cần phải đoạn tận.
  • Thánh đế về Khổ diệt cần phải chứng ngộ.
  • Thánh đế về Con đường đưa đến Khổ diệt cần phải tu tập".

(trích Kinh Tương Ưng Bộ)

--------------------------------------------------------------------------------------------------------

Popular Posts

Tuesday, July 29, 2014

Ðại Kinh Nghiệp Phân Biệt

Ðại Kinh Nghiệp Phân Biệt (Mahākammavibhaṅgasutta) - Kinh Trung Bộ số 136

1. Như vầy tôi nghe. Một thời, Thế Tôn ở Rājagaha (Vương Xá), Veḷuvana (Trúc Lâm), tại chỗ nuôi dưỡng sóc.
2. Lúc bấy giờ, Tôn-giả Samiddhi trú tại một cái cốc trong rừng. Rồi du-sĩ ngoại đạo Potaliputta tiêu dao tản bộ, tuần tự du hành, đi đến Tôn-giả Samiddhi; sau khi đến, nói lên với Tôn-giả Samiddhi những lời chào đón hỏi thăm. Sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu rồi ngồi xuống một bên. Ngồi một bên, du-sĩ ngoại đạo Potaliputta thưa với Tôn-giả Samiddhi:
- Này Hiền-giả Samiddhi, trước mặt Thế Tôn, tôi tự thân nghe, tự thân ghi nhận như sau: "Hư vọng là thân nghiệp, hư vọng là khẩu nghiệp, chỉ có ý nghiệp là chân thật. Và có một Thiền chứng (Sāmapatti), do thành tựu Thiền chứng này, sẽ không có cảm giác gì".
- Này Hiền-giả Potaliputta, chớ có nói vậy. Này Hiền-giả Potaliputta, chớ có nói vậy. Chớ có phỉ báng Thế Tôn; phỉ báng Thế Tôn là không tốt. Thế Tôn không có nói như vậy: "Hư vọng là thân nghiệp, hư vọng là khẩu nghiệp, chỉ có ý nghiệp là chân thật". Và Hiền-giả, có một Thiền chứng, do thành tựu Thiền chứng này, sẽ không có cảm giác gì.
- Ngài xuất gia đã bao lâu, thưa Hiền-giả Samiddhi?
- Không lâu, thưa Hiền-giả. Có ba năm.
- Nay ở đây chúng tôi còn hỏi các Tỷ-kheo trưởng lão làm gì khi một tân Tỷ-kheo nghĩ rằng cần phải bảo vệ vị Ðạo Sư như vậy. Thưa Hiền-giả Samiddhi, khi một người có dụng ý làm thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp thời người ấy có cảm giác gì?
- Này Hiền-giả Potaliputta, khi một người có dụng ý làm thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp thời người ấy cảm giác khổ đau.
Rồi du-sĩ ngoại đạo Potaliputta, không tán thán cũng không phản đối lời nói của Tôn-giả Samiddhi. Không tán thán, không phản đối, du-sĩ ngoại đạo Potaliputta từ chỗ ngồi đứng dậy rồi ra đi.
3. Rồi Tôn-giả Samiddhi, sau khi du-sĩ ngoại đạo Potaliputta ra đi không bao lâu, liền đi đến Tôn-giả Ānanda; sau khi đến, nói lên với Tôn-giả Ānanda những lời chào đón hỏi thăm; sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn-giả Samiddhi kể lại cho Tôn-giả Ānanda tất cả cuộc đàm thoại với du-sĩ ngoại đạo Potaliputta. Sau khi nghe nói vậy, Tôn-giả Ānanda nói với Tôn-giả Samiddhi:
- Này Hiền-giả Samiddhi, đây là đề tài một câu chuyện cần phải yết kiến Thế Tôn. Này Hiền-giả Samiddhi, chúng ta hãy đi đến Thế Tôn, sau khi đến hãy trình bày lên Thế Tôn rõ ý nghĩa này. Thế Tôn trả lời chúng ta như thế nào, chúng ta hãy như vậy thọ trì.
- Thưa vâng, Hiền-giả.
Tôn-giả Samiddhi vâng đáp Tôn-giả Ānanda.
4. Rồi Tôn-giả Ānanda và Tôn-giả Samiddhi đi đến Thế Tôn; sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn-giả Ānanda, trình lên Thế Tôn tất cả câu chuyện giữa Tôn-giả Samiddhi với du-sĩ ngoại đạo Potaliputta.
5. Khi nghe nói vậy, Thế Tôn nói với Tôn-giả Ānanda:
- Này Ānanda, Ta chưa từng thấy du-sĩ ngoại đạo Potaliputta, thời câu chuyện này từ đây xảy ra? Này Ānanda, câu hỏi đáng lý phải trả lời phân tích rõ ràng cho du-sĩ ngoại đạo Potaliputta, lại được kẻ ngu si Samiddhi này trả lời theo một chiều.
6. Khi nghe nói vậy, Tôn-giả Udāyi bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, nếu đây là ý nghĩa của Tôn-giả Samiddhi nói lên, thời cảm giác gì người ấy cảm thọ là cảm giác khổ đau.
Rồi Thế Tôn nói với Tôn-giả Ānanda:
- Này Ānanda, hãy xem con đường sai lạc của kẻ ngu si Samiddhi này. Này Ānanda, Ta biết rằng, nếu nay kẻ ngu si Samiddhi này mở miệng ra (đề cập vấn đề gì), ông ấy sẽ mở miệng đề cập một cách không như lý (ayoniso).
Này Ānanda, thật sự chỗ khởi thủy của du-sĩ ngoại đạo Potaliputta hỏi là về ba cảm thọ.
Này Ānanda, nếu kẻ ngu si Samiddhi này được du-sĩ ngoại đạo Potaliputta hỏi như vậy và trả lời như sau:
"Này Hiền-giả Potaliputta, nếu một ai có dụng ý làm thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp, có khả năng đưa đến lạc thọ, người ấy sẽ cảm giác lạc thọ.
Này Hiền-giả Potaliputta, nếu một ai có dụng ý làm thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp có khả năng đưa đến khổ thọ, người ấy sẽ cảm giác khổ thọ.
Này Hiền-giả Potaliputta, nếu một ai có dụng ý làm thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp có khả năng đưa đến bất khổ bất lạc thọ, người ấy sẽ cảm giác bất khổ bất lạc thọ";
nếu trả lời như vậy, này Ānanda, kẻ ngu si Samiddhi đã trả lời một cách chơn chánh cho du-sĩ ngoại đạo Potaliputta. Và lại nữa, này Ānanda, những kẻ du-sĩ ngoại đạo ngu si, kém học, họ sẽ hiểu được đại phân biệt về nghiệp của Như Lai, này Ānanda, nếu ông nghe Như Lai phân tích đại phân biệt về nghiệp".
7. - Bạch Thế Tôn, nay đã đến thời; bạch Thiện Thệ nay đã đến thời, Thế Tôn hãy phân tích đại phân biệt về nghiệp! Sau khi nghe Thế Tôn, các Tỷ-kheo sẽ thọ trì.
- Vậy này Ānanda, hãy nghe và khéo tác ý, Ta sẽ nói.
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Tôn-giả Ānanda vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:
8. - Này Ānanda, có bốn loại người này có mặt ở đời. Thế nào là bốn? Ở đây, này Ānanda, có người sát sanh, lấy của không cho, sống tà hạnh trong các dục, nói láo, nói hai lưỡi, nói lời ác khẩu, nói lời phù phiếm, có tham dục, có sân tâm, có tà kiến; sau khi thân hoại mạng chung, người ấy sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.
Nhưng ở đây, này Ānanda, có người sát sanh, lấy của không cho, sống tà hạnh trong các dục, nói láo, nói hai lưỡi, nói lời ác khẩu, nói lời phù phiếm, có tham dục, có sân tâm, có tà kiến; sau khi thân hoại mạng chung, người ấy sanh vào thiện thú, Thiên giới, cõi đời này.
Ở đây, này Ānanda, có người từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói ác khẩu, từ bỏ nói lời phù phiếm, từ bỏ tham dục, từ bỏ sân tâm, có Chánh kiến; sau khi thân hoại mạng chung, người ấy được sanh vào thiện thú, Thiên giới, cõi đời này.
Nhưng ở đây, này Ānanda, có người từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói ác khẩu, từ bỏ nói lời phù phiếm, từ bỏ tham dục, từ bỏ sân tâm, có Chánh kiến; sau khi thân hoại mạng chung, người ấy sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.
9. Ở đây, này Ānanda, có vị Sa-môn hay Bà-la-môn nhờ nhiệt tâm, nhờ tinh tấn, nhờ cần mẫn, nhờ không phóng dật, nhờ Chánh tác ý, nên tâm nhập định. Khi tâm nhập định, nhờ thiên nhãn thanh tịnh siêu nhân, vị ấy thấy có người ở đây sát sanh, lấy của không cho, sống tà hạnh trong các dục, nói láo, nói hai lưỡi, nói ác khẩu, nói lời phù phiếm, có tham dục, có sân tâm, có tà kiến; sau khi thân hoại mạng chung, người ấy sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.
Vị ấy nói như sau: "Thật sự có những ác nghiệp, có quả báo ác hạnh. Và ta đã thấy có người ở đây sát sanh, lấy của không cho, sống tà hạnh trong các dục, nói láo, nói hai lưỡi, nói lời ác khẩu, nói lời phù phiếm, có tham dục, có sân tâm, có tà kiến; sau khi thân hoại mạng chung, người ấy sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục".
Vị ấy nói như sau: "Chắc chắn tất cả mọi người sát sanh, lấy của không cho, sống tà hạnh trong các dục, nói láo, nói hai lưỡi, nói lời ác khẩu, nói lời phù phiếm, có tham dục, có sân tâm, có tà kiến; sau khi thân hoại mạng chung, họ đều sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục".
Những ai biết như vậy, những vị ấy biết một cách chơn chánh. Những ai biết khác như vậy, trí của họ thuộc tà trí. Như vậy, điều vị ấy tự mình biết, tự mình thấy, tự mình hiểu rõ, ở đây, vị ấy nắm giữ, chấp trước và tuyên bố: "Chỉ như vậy mới chơn thực, ngoài ra đều là hư vọng".
10. Ở đây, này Ānanda, có Sa-môn hay Bà-la-môn, nhờ nhiệt tâm, nhờ tinh tấn, nhờ cần mẫn, nhờ không phóng dật, nhờ Chánh tác ý, nên tâm nhập định. Khi tâm nhập định, nhờ thiên nhãn thanh tịnh siêu nhân, vị ấy thấy có người ở đây sát sanh, lấy của không cho, sống tà hạnh trong các dục, nói láo, nói hai lưỡi, nói ác khẩu, nói lời phù phiếm, có tham dục, có sân tâm, có tà kiến; sau khi thân hoại mạng chung, người ấy được sanh vào thiện thú, Thiên giới, cõi đời này.
Vị ấy nói như sau: "Thật sự không có những ác nghiệp, không có quả báo ác hạnh. Và ta đã thấy có người ở đây sát sanh, lấy của không cho, sống tà hạnh trong các dục, nói láo, nói hai lưỡi, nói ác khẩu, nói lời phù phiếm, có tham dục, có sân tâm, có tà kiến; sau khi thân hoại mạng chung, được sanh vào thiện thú, Thiên giới, cõi đời này.
Vị ấy nói như sau: "Chắc chắn tất cả mọi người sát sanh, lấy của không cho, sống tà hạnh trong các dục, nói láo, nói hai lưỡi, nói ác khẩu, nói lời phù phiếm, có tham dục, có sân tâm, có tà kiến; "sau khi thân hoại mạng chung, họ đều được sanh vào thiện thú, Thiên giới, cõi đời này".
Những ai biết như vậy, những vị ấy biết một cách chơn chánh. Những ai biết khác như vậy, trí của họ thuộc tà trí. Như vậy, điều vị ấy tự mình biết, tự mình thấy, tự mình hiểu rõ, ở đây, vị ấy nắm giữ, chấp trước và tuyên bố: "Chỉ như vậy mới chân thực, ngoài ra đều là hư vọng".
11. Ở đây, này Ānanda, có Sa-môn hay Bà-la-môn, nhờ nhiệt tâm, nhờ tinh tấn, nhờ cần mẫn, nhờ không phóng dật, nhờ Chánh tác ý, nên tâm nhập định. Khi tâm nhập định, nhờ thiên nhãn thanh tịnh siêu nhân, vị ấy thấy có người ở đây từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói ác khẩu, từ bỏ nói lời phù phiếm, từ bỏ tham dục, từ bỏ sân tâm, có Chánh kiến; sau khi thân hoại mạng chung, người ấy sanh vào thiện thú, Thiên giới, cõi đời này.
Vị ấy nói như sau: "Thật sự có những thiện nghiệp, có quả báo thiện hạnh. Và ta đã thấy có người ở đây từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói ác khẩu, từ bỏ nói lời phù phiếm, từ bỏ tham dục, từ bỏ sân tâm, có Chánh kiến, sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào thiện thú, Thiên giới, cõi đời này".
Vị ấy nói như sau: "Chắc chắn tất cả mọi người từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói ác khẩu, từ bỏ nói lời phù phiếm, từ bỏ tham dục, từ bỏ sân tâm, có Chánh kiến; sau khi thân hoại mạng chung, họ đều sanh vào thiện thú, Thiên giới, cõi đời này.
Những ai biết như vậy, những vị ấy biết một cách chơn chánh. Những ai biết khác như vậy, trí của họ thuộc tà trí. Như vậy, điều này vị ấy tự mình biết, tự mình thấy, tự mình hiểu rõ, ở đây, vị ấy nắm giữ, chấp trước và tuyên bố: "Chỉ như vậy mới chơn thực, ngoài ra đều là hư vọng".
12. Ở đây, này Ānanda, có Sa-môn hay Bà-la-môn, nhờ nhiệt tâm, nhờ tinh tấn, nhờ cần mẫn, nhờ không phóng dật, nhờ Chánh tác ý, nên tâm nhập định. Khi tâm nhập định, nhờ thiên nhãn thanh tịnh siêu nhân, vị ấy thấy có người từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói ác khẩu, từ bỏ nói lời phù phiếm, từ bỏ tham dục, từ bỏ sân tâm, có Chánh kiến; sau khi thân hoại mạng chung, người ấy bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.
Vị ấy nói như sau: "Thật sự không có những thiện nghiệp, không có quả báo thiện hạnh. Và ta đã thấy có người ở đây từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói ác khẩu, từ bỏ nói lời phù phiếm, từ bỏ tham dục, từ bỏ sân tâm, có Chánh kiến; sau khi thân hoại mạng chung, người ấy bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục".
Vị ấy nói như sau: "Chắc chắn tất cả mọi người từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói ác khẩu, từ bỏ nói lời phù phiếm, từ bỏ tham dục, từ bỏ sân tâm, có Chánh kiến; sau khi thân hoại mạng chung, họ đều bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.
Những ai biết như vậy, những vị ấy biết một cách chân chánh. Những ai biết khác như vậy, trí của họ thuộc tà trí. Như vậy, điều vị ấy tự mình biết, tự mình thấy, tự mình hiểu rõ, ở đây, vị ấy nắm giữ, chấp trước và tuyên bố: "Chỉ như vậy mới chân thực, ngoài ra đều là hư vọng".
13. Ở đây, này Ānanda, Sa-môn hay Bà-la-môn nào nói như sau: "Chắc chắn có ác nghiệp, có quả báo ác nghiệp". Như vậy, Ta chấp nhận cho vị ấy.
Vị ấy nói như sau: "Tôi đã thấy ở đây có người sát sanh, lấy của không cho, sống tà hạnh trong các dục, nói láo, nói hai lưỡi, nói ác khẩu, nói lời phù phiếm, có tham dục, có sân tâm, có tà kiến, sau khi thân hoại mạng chung, tôi thấy người ấy sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục". Như vậy, Ta cũng chấp nhận cho vị ấy.
Còn nếu vị ấy nói như sau: "Chắc chắn tất cả những ai sát sanh, lấy của không cho, sống tà hạnh trong các dục, nói láo, nói hai lưỡi, nói ác khẩu, nói lời phù phiếm, có tham dục, có sân tâm, có tà kiến; sau khi thân hoại mạng chung, họ đều sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục", như vậy, Ta không chấp nhận cho vị ấy.
Và nếu vị ấy nói như sau: "Những ai biết như vậy, những vị ấy biết một cách chân chánh. Những ai biết khác như vậy, trí của họ thuộc tà trí"; như vậy, Ta không chấp nhận cho vị ấy.
Ðiều vị ấy tự mình biết, tự mình thấy, tự mình hiểu rõ, ở đây, vị ấy nắm giữ, chấp trước và tuyên bố: "Chỉ như vậy mới chơn thực, ngoài ra đều là hư vọng". Như vậy, Ta cũng không chấp nhận cho vị ấy. Vì cớ sao? Khác như vậy, này Ānanda, là trí của Như Lai về Ðại phân biệt về nghiệp.
14. Ở đây, này Ānanda, Sa-môn hay Bà-la-môn nào nói như sau: "Chắc chắn không có ác nghiệp, không có quả báo ác hạnh". Như vậy, Ta không chấp nhận cho vị ấy.
Và vị ấy nói như sau: "Tôi đã thấy ở đây có người sát sanh, lấy của không cho, sống tà hạnh trong các dục, nói láo, nói hai lưỡi, nói ác khẩu, nói lời phù phiếm, có tham dục, có sân tâm, có tà kiến; sau khi thân hoại mạng chung, tôi thấy người ấy sanh vào thiện thú, Thiên giới, cõi đời này". Như vậy, Ta chấp nhận cho vị ấy.
Còn nếu vị ấy nói như sau: "Chắc chắn tất cả những ai sát sanh, lấy của không cho, sống tà hạnh trong các dục, nói láo, nói hai lưỡi, nói ác khẩu, nói lời phù phiếm, có tham dục, có sân tâm, có tà kiến, tất cả sau khi thân hoại mạng chung, họ đều sanh vào thiện thú, Thiên giới, cõi đời này"; như vậy, Ta không chấp nhận cho vị ấy.
Và nếu vị ấy nói như sau: "Những ai biết như vậy, những vị ấy biết một cách chơn chánh. Những ai biết khác như vậy, trí của họ thuộc tà trí"; như vậy, Ta không chấp nhận cho vị ấy.
Ðiều vị ấy tự mình biết, tự mình thấy, tự mình hiểu rõ, ở đây, vị ấy nắm giữ, chấp trước và tuyên bố: "Chỉ như vậy mới chơn thực, ngoài ra đều là hư vọng". Như vậy, Ta cũng không chấp nhận cho vị ấy. Vì cớ sao? Khác như vậy, này Ānanda, là trí của Như Lai về Ðại phân biệt về nghiệp.
15. Ở đây, này Ānanda, Sa-môn hay Bà-la-môn nào nói như sau: "Chắc chắn có thiện nghiệp, có quả báo thiện hạnh". Như vậy, Ta chấp nhận cho vị ấy.
Và vị ấy nói như sau: "Tôi đã thấy ở đây có người từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói ác khẩu, từ bỏ nói lời phù phiếm, từ bỏ tham dục, từ bỏ sân tâm, có Chánh kiến; sau khi thân hoại mạng chung, tôi thấy người ấy sanh vào thiện thú, Thiên giới, cõi đời này". Như vậy, Ta cũng chấp nhận cho vị ấy.
Còn nếu vị ấy nói như sau: "Chắc chắn tất cả những ai từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói ác khẩu, từ bỏ nói lời phù phiếm, từ bỏ tham dục, từ bỏ sân tâm, có Chánh kiến, tất cả sau khi thân hoại mạng chung; họ đều sanh vào thiện thú, Thiên giới, cõi đời này"; như vậy, Ta không chấp nhận cho vị ấy.
Và nếu vị ấy nói như sau: "Những ai biết như vậy, những vị ấy biết một cách chân chánh. Những ai biết khác như vậy, trí của họ thuộc tà trí"; như vậy, Ta cũng không chấp nhận cho vị ấy.
Ðiều vị ấy tự mình biết, tự mình thấy, tự mình hiểu rõ, ở đây, vị ấy nắm giữ, chấp trước và tuyên bố: "Chỉ như vậy mới chơn thực, ngoài ra đều là hư vọng". Như vậy, Ta cũng không chấp nhận cho vị ấy. Vì cớ sao? Khác như vậy, này Ānanda, là trí của Như Lai về Ðại phân biệt về nghiệp.
16. Ở đây, này Ānanda, Sa-môn hay Bà-la-môn nào nói như sau: "Chắc chắn không có thiện nghiệp, không có quả báo thiện hạnh ". Như vậy, Ta không chấp nhận cho vị ấy.
Và vị ấy nói như sau: "Tôi đã thấy ở đây có người từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói ác khẩu, từ bỏ nói lời phù phiếm, từ bỏ tham dục, từ bỏ sân tâm, có Chánh kiến; sau khi thân hoại mạng chung, tôi thấy người ấy sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục". Như vậy, Ta chấp nhận cho vị ấy.
Còn nếu vị ấy nói như sau: "Chắc chắn những ai từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói ác khẩu, từ bỏ nói lời phù phiếm, từ bỏ tham dục, từ bỏ sân tâm, có Chánh kiến, tất cả sau khi thân hoại mạng chung, họ đều sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục"; như vậy, Ta cũng không chấp nhận cho vị ấy.
Và nếu vị ấy nói như sau: "Những ai biết như vậy, những vị ấy biết một cách chân chánh. Những ai biết khác như vậy, trí của họ thuộc tà trí"; như vậy, Ta cũng không chấp nhận cho vị ấy.
Ðiều vị ấy tự mình biết, tự mình thấy, tự mình hiểu rõ, ở đây, vị ấy nắm giữ, chấp trước và tuyên bố: "Chỉ như vậy mới chơn thực, ngoài ra đều là hư vọng". Như vậy, Ta cũng không chấp nhận cho vị ấy. Vì cớ sao? Khác như vậy, này Ānanda, là trí của Như Lai về Ðại phân biệt về nghiệp.
17. Ở đây, này Ānanda, người nào sát sanh, lấy của không cho, sống tà hạnh trong các dục, nói láo, nói hai lưỡi, nói ác khẩu, nói lời phù phiếm, có tham dục, có sân tâm, có tà kiến; sau khi thân hoại mạng chung, người ấy bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Hoặc là một ác nghiệp đưa đến cảm giác khổ thọ do người ấy làm lúc trước, hay một ác nghiệp đưa đến cảm giác khổ thọ do người ấy làm về sau, hay trong khi mệnh chung, một tà kiến được người ấy chấp nhận và chấp chặt. Do vậy, sau khi thân hoại mạng chung, người ấy sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Và ai ở đây sát sanh, lấy của không cho, sống tà hạnh trong các dục, nói láo, nói hai lưỡi, nói ác khẩu, nói lời phù phiếm, có tham dục, có sân tâm, có tà kiến, người ấy phải lãnh thọ quả báo được khởi lên ngay hiện tại hay trong một đời khác.
18. Ở đây, này Ānanda, người nào sát sanh, lấy của không cho, sống tà hạnh trong các dục, nói láo, nói hai lưỡi, nói ác khẩu, nói lời phù phiếm, có tham dục, có sân tâm, có tà kiến; sau khi thân hoại mạng chung, người ấy sanh vào thiện thú, Thiên giới, cõi đời này. Hoặc là một thiện nghiệp đưa đến cảm giác lạc thọ do người ấy làm lúc trước, hay một thiện nghiệp đưa đến cảm giác lạc thọ do người ấy làm về sau, hay trong khi mệnh chung, một Chánh kiến được người ấy chấp nhận và chấp chặt. Do vậy sau khi thân hoại mạng chung, người ấy sanh vào thiện thú, Thiên giới, cõi đời này. Và ai ở đây sát sanh, lấy của không cho, sống tà hạnh trong các dục, nói láo, nói hai lưỡi, nói ác khẩu, nói lời phù phiếm, có tham dục, có sân tâm, có tà kiến, người ấy phải lãnh thọ quả báo được khởi lên ngay hiện tại hay trong một đời khác.
19. Ở đây, này Ānanda, người nào từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói ác khẩu, từ bỏ nói lời phù phiếm, từ bỏ tham dục, từ bỏ sân tâm, có Chánh kiến; sau khi thân hoại mạng chung, người ấy sanh vào thiện thú, Thiên giới, cõi đời này. Hoặc là một thiện nghiệp đưa đến cảm giác lạc thọ do người ấy làm từ trước, hay một thiện nghiệp đưa đến cảm giác lạc thọ do người ấy làm về sau, hay trong khi mệnh chung, một Chánh kiến được người ấy chấp nhận và chấp chặt. Do vậy, sau khi thân hoại mạng chung, người ấy sanh vào thiện thú, Thiên giới, cõi đời này. Và ai ở đây từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói ác khẩu, từ bỏ nói lời phù phiếm, từ bỏ tham dục, từ bỏ sân tâm, có Chánh kiến, người ấy phải lãnh thọ quả báo được khởi lên ngay hiện tại, hay trong một đời khác.
20. Ở đây, này Ānanda, người nào từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói ác khẩu, từ bỏ nói lời phù phiếm, từ bỏ tham dục, từ bỏ sân tâm, có Chánh kiến; sau khi thân hoại mạng chung, người ấy bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Hoặc là một ác nghiệp đưa đến cảm giác khổ thọ do người ấy làm từ trước, hay một ác nghiệp đưa đến cảm giác khổ thọ do người ấy làm về sau, hay trong khi mệnh chung, một tà kiến được người ấy chấp nhận và chấp chặt. Do vậy, sau khi thân hoại mạng chung, người ấy sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Và ai ở đây từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói ác khẩu, từ bỏ nói lời phù phiếm, từ bỏ tham dục, từ bỏ sân tâm, có Chánh kiến, người ấy phải lãnh thọ quả báo được khởi lên ngay hiện tại hay trong một đời khác.
21. Như vậy, này Ānanda, có nghiệp vô hữu tợ vô hữu, có nghiệp vô hữu tợ hữu, có nghiệp hữu tợ hữu, có nghiệp hữu tợ vô hữu.

Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Tôn-giả Ānanda hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy.

No comments: