SN 12.22 Kinh Mười Lực (2): Dutiyadasabalasuttaṃ (Kinh
Tương Ưng tập 2, Chương 12. Tương Ưng Nhân Duyên)
1. Trú Tại Sāvatthī.
2. - Này các Tỷ-kheo, Như Lai đầy đủ mười lực, đầy
đủ bốn vô sở úy, tự nhận vị trí Ngưu vương, rống tiếng rống con sư tử giữa hội
chúng, chuyển Pháp luân và nói rằng: "Ðây là sắc, đây là sắc tập khởi, đây là sắc đoạn diệt.
Ðây là thọ, đây là thọ tập khởi, đây là thọ đoạn diệt. Ðây là tưởng, đây là tưởng
tập khởi, đây là tưởng đoạn diệt. Ðây là hành, đây là hành tập khởi, đây là
hành đoạn diệt. Ðây là thức, đây là thức tập khởi, đây là thức đoạn diệt".
Như vậy, do cái này có mặt, cái kia có mặt. Do cái này sanh, cái kia
sanh. Do cái này không có mặt, cái kia không có mặt. Do cái này diệt, cái kia
diệt.
3. Nghĩa là vô minh duyên hành; hành
duyên thức; thức duyên danh sắc; danh sắc duyên sáu xứ; sáu xứ duyên xúc; xúc
duyên thọ; thọ duyên ái; ái duyên thủ; thủ duyên hữu; hữu duyên sanh; sanh
duyên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não được sanh khởi. Như vậy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này.
4. Nhưng do sự ly tham, đoạn diệt vô minh một cách hoàn toàn, nên
các hành diệt. Do hành diệt nên thức diệt. Do thức diệt nên danh sắc
diệt. Do danh sắc diệt nên sáu xứ diệt. Do sáu xứ diệt nên xúc diệt. Do xúc diệt
nên thọ diệt. Do thọ diệt nên ái diệt. Do ái diệt nên thủ diệt. Do thủ diệt nên
hữu diệt. Do hữu diệt nên sanh diệt. Do sanh diệt nên già, chết, sầu, bi, khổ,
ưu, não, diệt. Như
vậy là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn này.
5. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Pháp được Ta khéo thuyết,
hiển thị, khai thị, hiển lộ, các buộc ràng được cắt đoạn.
6. Như vậy, này các Tỷ-kheo, với Pháp được Ta khéo
thuyết, hiển thị, khai thị, hiển lộ, các buộc ràng được cắt đoạn, thật là đủ
cho thiện nam tử do lòng tin xuất gia có thể bắt đầu tinh tấn (hành trì và nguyện).
Như vậy, này các Tỷ-kheo, với Pháp được Ta khéo
thuyết, hiển thị, hiển lộ các buộc ràng được cắt đoạn. Chắc chắn dầu chỉ còn lại da, gân và xương
trên thân, dầu thịt, máu trở thành khô cạn, mong rằng tinh tấn lực, sẽ được
kiên trì để chứng đắc những gì chưa chứng đắc, nhờ trượng phu lực, nhờ trượng
phu tinh tấn, nhờ trượng phu cần dõng.
7. Khổ thay,
này các Tỷ-kheo, là người sống biếng nhác, dính đầy các
pháp ác, bất thiện và mục đích lớn bị suy giảm!
An lạc thay, này các Tỷ-kheo, là người sống tinh cần,
tinh tấn, viễn ly các ác, bất thiện pháp, và mục đích lớn được viên mãn!
8. Này các Tỷ-kheo, không phải với cái hạ liệt có thể đạt được cái
cao thượng. Này các Tỷ-kheo, phải với cái
cao thượng mới đạt được cái cao thượng.
Ðáng được tán thán, này các Tỷ-kheo, là Phạm hạnh
này với sự có mặt của bậc Ðạo Sư. Do vậy, này các Tỷ-kheo, hãy tinh tấn lên để chứng đạt những
gì chưa chứng đạt, để chứng đắc những gì chưa chứng đắc, để chứng ngộ những gì
chưa chứng ngộ.
9. Có vậy, sự xuất gia này của chúng ta sẽ không phải trống
không, có kết quả, có thành tích (Sa-udrayā). Và những vật dụng
chúng ta thọ dụng như y phục, đồ ăn khất thực, sàng tọa, thuốc trị bệnh, dầu
cho những thứ này là khiêm tốn (te kārā), đối với chúng ta sẽ có quả lớn, có lợi
ích lớn.
10. Như vậy, này các Tỷ-kheo, các ông cần phải học
tập. Này các Tỷ-kheo, thấy được tự lợi là
vừa đủ để tinh tấn không phóng dật. Hay này các Tỷ-kheo, khi thấy lợi tha là vừa đủ để tinh tấn,
không phóng dật. Hay này các Tỷ-kheo, thấy
lợi cả hai, là vừa đủ để tinh tấn, không phóng dật.
No comments:
Post a Comment