Wednesday, August 13, 2014

Kinh Hành, Kinh Chánh Niệm và Kinh Niệm (Nhiệt Tâm, Chánh Niệm và Tỉnh Giác)

8. Thế nào là Nhiệt Tâm, Chánh Niệm và Tỉnh Giác?

8.1  [Nhiệt tâm] Có nhiệt tình, có xấu hổ, liên tục thường hằng tinh cần, tinh tấn, siêng năng

[Nhiệt tâm] Có nhiệt tình, có xấu hổ, liên tục thường hằng tinh cần, tinh tấn, siêng năng

AN 4.11 – Kinh Hành: Carasuttaṃ (KTC-04. Chương Bốn Pháp)

1. - Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo khi đang đi khởi lên
1)     dục tầm,
2)     hay sân tầm,
3)     hay hại tầm
nếu Tỷ-kheo
1)     chấp nhận,
2)     không có từ bỏ,
3)     không có tẩy sạch,
4)     không có chấm dứt,
5)     không có đi đến không hiện hữu;
này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo đang đi có sở hành như vậy, vị ấy được gọi là người
1)     không có nhiệt tình,
2)     không có xấu hổ,
3)     liên tục thường hằng biếng nhác, tinh tấn hạ liệt.
Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo khi đang đứng khởi lên dục tầm, hay sân tầm, hay hại tầm, nếu Tỷ-kheo chấp nhận, không có từ bỏ, không có tẩy sạch, không có chấm dứt, không có đi đến không hiện hữu; này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo đang đứng có sở hành như vậy, vị ấy được gọi là người không có nhiệt tình, không có xấu hổ, liên tục thường hằng biếng nhác, tinh tấn hạ liệt.
Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo khi đang ngồi khởi lên dục tầm, hay sân tầm, hay hại tầm, nếu Tỷ-kheo chấp nhận, không có từ bỏ, không có tẩy sạch, không có chấm dứt, không có đi đến không hiện hữu; này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo đang ngồi có sở hành như vậy, vị ấy được gọi là người không có nhiệt tình, không có xấu hổ, liên tục thường hằng biếng nhác, tinh tấn hạ liệt.
Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo khi đang nằm, thức khởi lên dục tầm, hay sân tầm, hay hại tầm, nếu Tỷ-kheo chấp nhận, không có từ bỏ, không có tẩy sạch, không có chấm dứt, không có đi đến không hiện hữu; này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo đang nằm, thức có sở hành như vậy, vị ấy được gọi là người không có nhiệt tình, không có xấu hổ, liên tục thường hằng biếng nhác, tinh tấn hạ liệt.
2. Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo khi đang đi khởi lên
1)     dục tầm,
2)     hay sân tầm,
3)     hay hại tầm,
nếu Tỷ-kheo
1)     không chấp nhận,
2)     từ bỏ,
3)     tẩy sạch,
4)     chấm dứt,
5)     đi đến không hiện hữu;
này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo đang đi có sở hành như vậy, vị ấy được gọi là người
1)     có nhiệt tình,
2)     có xấu hổ,
3)     liên tục thường hằng tinh cần, tinh tấn, siêng năng.
Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo khi đang đứng khởi lên dục tầm, hay sân tầm, hay hại tầm, nếu Tỷ-kheo không chấp nhận, từ bỏ, tẩy sạch, chấm dứt, đi đến không hiện hữu; này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo đang đứng có sở hành như vậy, vị ấy được gọi là người có nhiệt tình, có xấu hổ, liên tục thường hằng tinh cần, tinh tấn, siêng năng.
Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo khi đang ngồi khởi lên dục tầm, hay sân tầm, hay hại tầm, nếu Tỷ-kheo không chấp nhận, từ bỏ, tẩy sạch, chấm dứt, đi đến không hiện hữu; này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo đang ngồi có sở hành như vậy, vị ấy được gọi là người có nhiệt tình, có xấu hổ, liên tục thường hằng tinh cần, tinh tấn, siêng năng.
Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo khi đang nằm, thức khởi lên dục tầm, hay sân tầm, hay hại tầm, nếu Tỷ-kheo không chấp nhận, từ bỏ, tẩy sạch, chấm dứt, đi đến không hiện hữu; này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo đang nằm, thức có sở hành như vậy, vị ấy được gọi là người có nhiệt tình, có xấu hổ, liên tục thường hằng tinh cần, tinh tấn, siêng năng.
Nếu khi đi, khi đứng,
Khi ngồi hay khi nằm,
Khởi lên ác tầm tư,
Liên hệ đến gia đ
ình,
Thực hành theo ác
đạo,
Mờ ám bởi si mê,
Vị Tỷ-kheo như vậy,
Không chứng Vô thượng
giác.

Ai khi đi, khi đứng,
Khi ngồi hay khi nằm,
Ðiều phục
được tâm tư,
Yêu thích tầm chỉ tịnh,
Vị Tỷ-kheo như  vậy,
Chứng được Vô thượng giác.

8.2  [Chánh niệm, Tỉnh giác]


(47. 1. 2) Kinh Chánh niệm: Satisuttaṃ (1180 - Kinh Tương Ưng)
1. Một thời Thế Tôn ở Vesālī, tại rừng Ambapāli.
2. Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo: "Này các Tỷ-kheo". - "Thưa vâng, bạch Thế Tôn". Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn.
3. Thế Tôn nói như sau:
- Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo cần phải trú Chánh niệm, tỉnh giác. Ðây là lời giáo giới của Ta cho các ông.
4. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo Chánh niệm? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trú, quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời; trú, sống quán thọ trên các thọ, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời; trú, sống quán tâm trên tâm, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời; trú, sống quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời.
5. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo tỉnh giác? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo khi đi tới, khi đi lui đều tỉnh giác; khi nhìn tới, khi nhìn lui đều tỉnh giác; khi co cánh tay, duỗi cánh tay đều tỉnh giác; khi đắp y Tăng-già-lê, khi mang y bát đều tỉnh giác; khi ăn uống, nhai nếm đều tỉnh giác; khi đi tiểu tiện, đại tiện đều tỉnh giác; khi đi, đứng, ngồi, ngủ, thức, nói, im lặng đều tỉnh giác. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo tỉnh giác.
6. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo hãy Chánh niệm, tỉnh giác. Ðây là lời giáo giới của Ta cho các ông.

(47. 4. 5) Kinh Niệm: Satisuttaṃ (1213 - Kinh Tương Ưng)
1. Tại Sāvatthī.
2. - Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo hãy trú Chánh niệm, tỉnh giác. Ðây là lời giáo giới của Ta cho các ông.
3. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo Chánh niệm? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trú, quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời; trú, sống quán thọ trên các thọ, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời; trú, sống quán tâm trên tâm, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời; trú, sống quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo Chánh niệm.
4. Và này các Tỷ-kheo, như thế nào là Tỷ-kheo tỉnh giác?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo biết rõ ràng các cảm thọ khởi lên, biết rõ ràng các cảm thọ an trú, biết rõ ràng các cảm thọ đi đến tiêu mất; biết rõ ràng các tưởng khởi lên, biết rõ ràng các tưởng an trú, biết rõ ràng các tưởng đi đến tiêu mất. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo tỉnh giác[1].
6. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo hãy trú Chánh niệm, tỉnh giác. Ðây là lời giáo giới của Ta cho các ông.







[1] Suy tư của CS. Nguyên Bình có thêm Tầm (Thọ, Tầm, Tường)
-        biết rõ ràng các tầm khởi lên,
-        biết rõ ràng các tầm an trú,
-        biết rõ ràng các tầm đi đến tiêu mất

Kinh Ðại Niệm Xứ

7. Kinh Ðại Niệm Xứ (Mahāsatipaṭṭhānasutta) - Kinh Trường Bộ số 22

1. Tôi nghe như vậy. Một thời, Thế Tôn ở xứ Kuru (Câu-lâu), tại Kammāssadhamma (Kiềm-ma-sắt-đàm) - đô thị của xứ Kuru. Rồi Thế Tôn gọi các vị Tỷ-kheo: "Này các Tỷ-kheo." Các Tỷ-kheo trả lời Thế Tôn: "Bạch Thế Tôn." Thế Tôn nói như sau:
- Này các Tỷ-kheo, đây là con đường độc nhất, đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sầu bi, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh lý, chứng ngộ Niết-bàn. Ðó là Bốn niệm xứ.
Thế nào là bốn?
·       Này các Tỷ-kheo, ở đây vị Tỷ-kheo sống quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, Chánh Niệm, để chế ngự tham ưu ở đời;
·       sống quán thọ trên các thọ, nhiệt tâm, tỉnh giác, Chánh Niệm, để chế ngự tham ưu ở đời;
·       sống quán tâm trên tâm, nhiệt tâm, tỉnh giác, Chánh Niệm, để chế ngự tham ưu ở đời;
·       sống quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, Chánh Niệm, để chế ngự tham ưu ở đời.
(Quán thân)
2. Này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo sống quán thân trên thân?
QT-1. Hơi thở
Này các Tỷ-kheo, ở đây Tỷ-kheo đi đến khu rừng, đi đến gốc cây, hay đi đến ngôi nhà trống, ngồi kiết già, lưng thẳng và an trú Chánh Niệm trước mặt.
·       Tỉnh giác, vị ấy thở vô; tỉnh giác, vị ấy thở ra.
·       Thở vô dài, vị ấy tuệ tri: "Tôi thở vô dài"; hay thở ra dài, vị ấy tuệ tri: "Tôi thở ra dài";
·       hay thở vô ngắn, vị ấy tuệ tri: "Tôi thở vô ngắn"; hay thở ra ngắn, vị ấy tuệ tri: "Tôi thở ra ngắn";
·       "Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập; "Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập;
·       "An tịnh thân hành, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập; "An tịnh thân hành, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập.
Này các Tỷ-kheo, như người thợ quay hay học trò người thợ quay tuệ tri thiện xảo, khi quay dài, tuệ tri rằng: "Tôi quay dài"; hay khi quay ngắn, tuệ tri rằng: "Tôi quay ngắn". Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thở vô dài, tuệ tri: "Tôi thở vô dài"; hay thở ra dài tuệ tri: "Tôi thở ra dài"; hay thở vô ngắn, tuệ tri: "Tôi thở vô ngắn"; hay thở ra ngắn, tuệ tri: "Tôi thở ra ngắn"; "Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập; "Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập; "An tịnh thân hành, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập; "An tịnh thân hành, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập.
Như vậy, vị ấy sống,
·       quán thân trên nội thân,
·       hay sống quán thân trên ngoại thân,
·       hay sống quán thân trên cả nội thân, ngoại thân,
·       hay sống quán tánh sanh khởi trên thân,
·       hay sống quán tánh diệt tận trên thân,
·       hay sống quán tánh sanh diệt trên thân.
·       "Có thân đây", vị ấy sống an trú Chánh Niệm như vậy, với hy vọng hướng đến Chánh Trí, Chánh Niệm.
·       Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước vật gì ở trên đời.
Này các Tỷ-kheo, như vậy Tỷ-kheo sống quán thân trên thân.
QT-1. Đại oai nghi
3. Lại nữa, này các Tỷ-kheo,
·       Tỷ-kheo khi đi, tuệ tri: "Tôi đi";
·       hay đứng, tuệ tri: "Tôi đứng";
·       hay ngồi, tuệ tri: "Tôi ngồi";
·       hay nằm, tuệ tri: "Tôi nằm".
Thân thể được sử dụng như thế nào, vị ấy biết thân như thế ấy.
Như vậy, vị ấy sống,
·       quán thân trên nội thân,
·       hay sống quán thân trên ngoại thân,
·       hay sống quán thân trên cả nội thân, ngoại thân,
·       hay sống quán tánh sanh khởi trên thân,
·       hay sống quán tánh diệt tận trên thân,
·       hay sống quán tánh sanh diệt trên thân.
·       "Có thân đây", vị ấy sống an trú Chánh Niệm như vậy, với hy vọng hướng đến Chánh Trí, Chánh Niệm.
·       Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước vật gì ở trên đời.
Này các Tỷ-kheo, như vậy Tỷ-kheo sống quán thân trên thân.
QT-3. Tiểu oai nghi
4. Lại nữa, này các Tỷ-kheo,
·       Tỷ-kheo khi bước tới, bước lui, biết rõ việc mình đang làm;
·       khi ngó tới, ngó lui, biết rõ việc mình đang làm; khi co tay, duỗi tay, biết rõ việc mình đang làm;
·       khi mang áo Saṅghāṭi (Tăng-già-lê), mang bát, mang y, biết rõ việc mình đang làm.
·       Khi ăn, uống, nhai, nếm, biết rõ việc mình đang làm;
·       khi đi đại tiện, tiểu tiện, biết rõ việc mình đang làm;
·       khi đi, đứng, ngồi, nằm, biết rõ việc mình đang làm.
Như vậy, vị ấy sống,
·       quán thân trên nội thân,
·       hay sống quán thân trên ngoại thân,
·       hay sống quán thân trên cả nội thân, ngoại thân,
·       hay sống quán tánh sanh khởi trên thân,
·       hay sống quán tánh diệt tận trên thân,
·       hay sống quán tánh sanh diệt trên thân.
·       "Có thân đây", vị ấy sống an trú Chánh Niệm như vậy, với hy vọng hướng đến Chánh Trí, Chánh Niệm.
·       Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước vật gì ở trên đời.
Này các Tỷ-kheo, như vậy Tỷ-kheo sống quán thân trên thân.
QT-4. 32 thể bất tịnh
5. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo quán sát thân này, dưới từ bàn chân trở lên, trên cho đến đảnh tóc, bao bọc bởi da và chứa đầy những vật bất tịnh sai biệt: "Trong thân này, đây là: tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, tủy, thận, tim, gan, hoành cách mô, lá lách, phổi, ruột, màng ruột, bụng, phân, mật, đàm, mủ, máu, mồ hôi, mỡ, nước mắt, mỡ da, nước miếng, nước mủ, chất nhờn ở khớp, nước tiểu và não trong đầu".
Này các Tỷ-kheo, cũng như một bao đồ, hai đầu trống đựng đầy các loại hột như gạo, lúa, đậu xanh, đậu lớn, mè, gạo đã xay rồi. Một người có mắt, đổ các hột ấy ra và quan sát: "Ðây là hột gạo, đây là hột lúa, đây là đậu xanh, đây là đậu đỏ, đây là mè, đây là hột lúa đã xay rồi." Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo quán sát thân này dưới từ bàn chân trở lên, trên cho đến đảnh tóc, bao bọc bởi da và chứa đầy những vật bất tịnh sai biệt: "Trong thân này, đây là: tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, tủy, thận, tim, gan, hoành cách mô, lá lách, phổi, ruột, màng ruột, bụng, phân, mật, đàm, mủ, máu, mồ hôi, mỡ, nước mắt, mỡ da, nước miếng, nước mủ, chất nhờn ở khớp, nước tiểu và não trong đầu".
Như vậy, vị ấy sống,
·       quán thân trên nội thân,
·       hay sống quán thân trên ngoại thân,
·       hay sống quán thân trên cả nội thân, ngoại thân,
·       hay sống quán tánh sanh khởi trên thân,
·       hay sống quán tánh diệt tận trên thân,
·       hay sống quán tánh sanh diệt trên thân.
·       "Có thân đây", vị ấy sống an trú Chánh Niệm như vậy, với hy vọng hướng đến Chánh Trí, Chánh Niệm.
·       Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước vật gì ở trên đời.
Này các Tỷ-kheo, như vậy Tỷ-kheo sống quán thân trên thân.
QT-5. Sự sắp đặt các giới
6. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo quán sát thân này về vị trí các giới và sự sắp đặt các giới: "Trong thân này có địa đại, thủy đại, hỏa đại và phong đại."
Này các Tỷ-kheo, như một người đồ tể thiện xảo, hay đệ tử của một người đồ tể giết một con bò, ngồi cắt chia từng thân phần tại ngã tư đường. Cũng vậy này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo quán sát thân nay về vị trí các giới và về sự sắp đặt các giới: "Trong thân này có địa đại, thủy đại, hỏa đại và phong đại."
Như vậy, vị ấy sống,
·       quán thân trên nội thân,
·       hay sống quán thân trên ngoại thân,
·       hay sống quán thân trên cả nội thân, ngoại thân,
·       hay sống quán tánh sanh khởi trên thân,
·       hay sống quán tánh diệt tận trên thân,
·       hay sống quán tánh sanh diệt trên thân.
·       "Có thân đây", vị ấy sống an trú Chánh Niệm như vậy, với hy vọng hướng đến Chánh Trí, Chánh Niệm.
·       Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước vật gì ở trên đời.
Này các Tỷ-kheo, như vậy Tỷ-kheo sống quán thân trên thân.
QT-6. Xác chết
7. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo khi thấy một thi thể quăng bỏ trong nghĩa địa một ngày, hai ngày, ba ngày, thi thể ấy trương phồng lên, xanh đen lại, nát thối ra. Tỷ-kheo quán thân ấy như sau: "Thân này tánh chất là như vậy, bản tánh là như vậy, không vượt khỏi tánh chất ấy."
Như vậy, vị ấy sống,
·       quán thân trên nội thân,
·       hay sống quán thân trên ngoại thân,
·       hay sống quán thân trên cả nội thân, ngoại thân,
·       hay sống quán tánh sanh khởi trên thân,
·       hay sống quán tánh diệt tận trên thân,
·       hay sống quán tánh sanh diệt trên thân.
·       "Có thân đây", vị ấy sống an trú Chánh Niệm như vậy, với hy vọng hướng đến Chánh Trí, Chánh Niệm.
·       Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước vật gì ở trên đời.
Này các Tỷ-kheo, như vậy Tỷ-kheo sống quán thân trên thân.
8. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo khi thấy một thi thể quăng bỏ trong nghĩa địa bị các loài quạ ăn, hay bị các loài diều hâu ăn, hay bị các chim kên ăn, hay bị các loài chó ăn, hay bị các loài giả can ăn, hay bị các loài côn trùng ăn. Tỷ-kheo quán thân ấy như sau: "Thân này tánh chất là như vậy, bản tánh là như vậy, không vượt khỏi tánh chất ấy."
Như vậy, vị ấy sống,
·       quán thân trên nội thân,
·       hay sống quán thân trên ngoại thân,
·       hay sống quán thân trên cả nội thân, ngoại thân,
·       hay sống quán tánh sanh khởi trên thân,
·       hay sống quán tánh diệt tận trên thân,
·       hay sống quán tánh sanh diệt trên thân.
·       "Có thân đây", vị ấy sống an trú Chánh Niệm như vậy, với hy vọng hướng đến Chánh Trí, Chánh Niệm.
·       Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước vật gì ở trên đời.
Này các Tỷ-kheo, như vậy Tỷ-kheo sống quán thân trên thân.
9. Này các Tỷ-kheo, lại nữa, Tỷ-kheo khi thấy một thi thể bị quăng bỏ trong nghĩa địa, với các xương còn liên kết với nhau, còn dính thịt và máu, còn được các đường gân cột lại; với các xương còn liên kết với nhau, không còn dính thịt nhưng còn dính máu, còn được các đường gân cột lại; với các xương còn liên kết với nhau, không còn dính thịt và máu, còn được các đường gân cột lại; chỉ còn các xương không dính lại với nhau, rải rác chỗ này, chỗ kia, ở đây là xương tay, ở đây là xương chân, ở đây là xương ống, ở đây là xương bắp vế, ở đây là xương mông, ở đây là xương sống, ở đây là xương đầu,... Tỷ-kheo quán thân ấy như sau: "Thân này tánh chất là như vậy, bản tánh là như vậy, không vượt khỏi tánh chất ấy".
Như vậy, vị ấy sống,
·       quán thân trên nội thân,
·       hay sống quán thân trên ngoại thân,
·       hay sống quán thân trên cả nội thân, ngoại thân,
·       hay sống quán tánh sanh khởi trên thân,
·       hay sống quán tánh diệt tận trên thân,
·       hay sống quán tánh sanh diệt trên thân.
·       "Có thân đây", vị ấy sống an trú Chánh Niệm như vậy, với hy vọng hướng đến Chánh Trí, Chánh Niệm.
·       Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước vật gì ở trên đời.
Này các Tỷ-kheo, như vậy Tỷ-kheo sống quán thân trên thân.
10. Lại nữa này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo khi thấy một thi thể quăng bỏ trong nghĩa địa, chỉ còn toàn xương trắng màu vỏ ốc...; chỉ còn một đống xương lâu hơn một năm...; chỉ còn là xương thối trở thành bột. Tỷ-kheo quán thân ấy như sau: "Thân này tánh chất là như vậy, bản tánh là như vậy, không vượt khỏi tánh chất ấy."
Như vậy, vị ấy sống,
·       quán thân trên nội thân,
·       hay sống quán thân trên ngoại thân,
·       hay sống quán thân trên cả nội thân, ngoại thân,
·       hay sống quán tánh sanh khởi trên thân,
·       hay sống quán tánh diệt tận trên thân,
·       hay sống quán tánh sanh diệt trên thân.
·       "Có thân đây", vị ấy sống an trú Chánh Niệm như vậy, với hy vọng hướng đến Chánh Trí, Chánh Niệm.
·       Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước vật gì ở trên đời.
Này các Tỷ-kheo, như vậy Tỷ-kheo sống quán thân trên thân.
 (Quán thọ)
11. Này các Tỷ-kheo, như thế nào Tỷ-kheo sống quán thọ trên các thọ?
Này các Tỷ-kheo, ở nơi đây
·       Tỷ-kheo khi cảm giác lạc thọ, biết rằng: "Tôi cảm giác lạc thọ";
·       khi cảm giác khổ thọ, biết rằng: "Tôi cảm giác khổ thọ";
·       khi cảm giác bất khổ bất lạc thọ, biết rằng: "Tôi cảm giác bất khổ bất lạc thọ".
·       Hay khi cảm giác lạc thọ thuộc vật chất biết rằng: "Tôi cảm giác lạc thọ thuộc vật chất";
·       hay khi cảm giác lạc thọ không thuộc vật chất, biết rằng: "Tôi cảm giác lạc thọ không thuộc vật chất";
·       hay khi cảm giác khổ thọ thuộc vật chất, biết rằng: "Tôi cảm giác khổ thọ thuộc vật chất";
·       hay khi cảm giác khổ thọ không thuộc vật chất, biết rằng: "Tôi cảm giác khổ thọ không thuộc vật chất";
·       hay khi cảm giác bất khổ bất lạc thọ thuộc vật chất, biết rằng: "Tôi cảm giác bất khổ bất lạc thọ thuộc vật chất";
·       hay khi cảm giác bất khổ bất lạc thọ không thuộc vật chất, biết rằng: "Tôi cảm giác bất khổ bất lạc thọ không thuộc vật chất".
Như vậy, vị ấy sống,
·       quán thọ trên các nội thọ,
·       hay sống quán thọ trên các ngoại thọ,
·       hay sống quán thọ trên cả các nội thọ, ngoại thọ,
·       hay sống quán tánh sanh khởi trên các thọ,
·       hay sống quán tánh diệt tận trên các thọ,
·       hay sống quán tánh sanh diệt trên các thọ.
·       "Có thọ đây", vị ấy sống an trú Chánh Niệm như vậy, với hy vọng hướng đến Chánh Trí, Chánh Niệm.
·       Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì ở trên đời.
Này các Tỷ-kheo, như vậy Tỷ-kheo sống quán thọ trên các thọ.
(Quán tâm)
12. Này các Tỷ-kheo, như thế nào Tỷ-kheo sống quán tâm trên tâm?
Này các Tỷ-kheo, ở đây vị Tỷ-kheo:
1)      "Với tâm có tham, biết rằng tâm có tham";
2)      hay "Với tâm không tham, biết rằng tâm không tham";
3)      hay "Với tâm có sân, biết rằng tâm có sân";
4)      hay "Với tâm không sân, biết rằng tâm không sân";
5)      hay "Với tâm có si, biết rằng tâm có si";
6)      hay "Với tâm không si, biết rằng tâm không si";
7)      hay "Với tâm thâu nhiếp, biết rằng tâm được thâu nhiếp";
8)      hay "Với tâm tán loạn, biết rằng tâm bị tán loạn";
9)      hay "Với tâm quảng đại, biết rằng tâm được quảng đại";
10)   hay "Với tâm không quảng đại, biết rằng tâm không được quảng đại";
11)  hay "Với tâm hữu hạn, biết rằng tâm hữu hạn";
12)  hay "Với tâm vô thượng, biết rằng tâm vô thượng";
13)  hay "Với tâm có định, biết rằng tâm có định";
14)  hay "Với tâm không định, biết rằng tâm không định";
15)  hay "Với tâm giải thoát, biết rằng tâm có giải thoát";
16)  hay "Với tâm không giải thoát, biết rằng tâm không có giải thoát".
Như vậy, vị ấy sống
·       quán tâm trên nội tâm,
·       hay sống quán tâm trên ngoại tâm,
·       hay sống quán tâm trên nội tâm, ngoại tâm,
·       hay sống quán tánh sanh khởi trên tâm,
·       hay sống quán tánh diệt tận trên tâm,
·       hay sống quán tánh sanh diệt trên tâm.
·       "Có tâm đây", vị ấy sống an trú Chánh Niệm như vậy, với hy vọng hướng đến Chánh Trí, Chánh Niệm.
·       Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì ở trên đời.
Này các Tỷ-kheo, như vậy vị Tỷ-kheo sống quán tâm trên tâm.
(Quán pháp)
13. Này các Tỷ-kheo, thế nào là vị Tỷ-kheo sống quán pháp trên các pháp?
Này các Tỷ-kheo, ở đây Tỷ-kheo sống quán pháp trên các pháp đối với năm triền cái. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là vị Tỷ-kheo sống quán pháp trên các pháp đối với Năm Triền cái?
Này các Tỷ-kheo, ở đây Tỷ-kheo,
·       nội tâm có tham dục, tuệ tri: "Nội tâm tôi có tham dục";
·       hay nội tâm không có tham dục, tuệ tri rằng: "Nội tâm tôi không có tham dục".
·       Và với tham dục chưa sanh nay sanh khởi, vị ấy tuệ tri như vậy.
·       Và với tham dục đã sanh, nay được đoạn diệt, vị ấy tuệ tri như vậy.
·       Và với tham dục đã được đoạn diệt, tương lai không sanh khởi nữa, vị ấy tuệ tri như vậy.
Hay nội tâm có sân hận, tuệ tri rằng: "Nội tâm tôi có sân hận"; hay nội tâm không có sân hận, tuệ tri rằng: "Nội tâm tôi không có sân hận." Và với sân hận chưa sanh nay sanh khởi, vị ấy tuệ tri như vậy. Và với sân hận đã sanh nay được đoạn diệt, vị ấy tuệ tri như vậy. Và với sân hận đã được đoạn diệt, tương lai không sanh khởi nữa, vị ấy tuệ tri như vậy.
Hay nội tâm có hôn trầm thụy miên, tuệ tri rằng: "Nội tâm tôi có hôn trầm thụy miên"; hay nội tâm không có hôn trầm thụy miên, tuệ tri rằng: "Nội tâm tôi không có hôn trầm thụy miên". Và với hôn trầm thụy miên chưa sanh nay sanh khởi, vị ấy tuệ tri như vậy. Và với hôn trầm thụy miên đã sanh nay được đoạn diệt, vị ấy tuệ tri như vậy. Và với hôn trầm thụy miên đã được đoạn diệt, tương lai không sanh khởi nữa, vị ấy tuệ tri như vậy.
Hay nội tâm có trạo hối, tuệ tri rằng: "Nội tâm tôi có trạo hối"; hay nội tâm không có trạo hối, tuệ tri rằng: "Nội tâm tôi không có trạo hối". Và với trạo hối chưa sanh nay sanh khởi, vị ấy tuệ tri như vậy. Và với trạo hối đã sanh nay được đoạn diệt, vị ấy tuệ tri như vậy. Và với trạo hối đã được đoạn diệt, tương lai không sanh khởi nữa, vị ấy tuệ tri như vậy.
Hay nội tâm có nghi, tuệ tri rằng: "Nội tâm tôi có nghi"; hay nội tâm không có nghi, tuệ tri rằng: "Nội tâm tôi không có nghi." Và với nghi chưa sanh nay sanh khởi, vị ấy tuệ tri như vậy. Và với nghi đã sanh, nay được đoạn diệt, vị ấy tuệ tri như vậy, và với nghi đã được đoạn diệt, tương lai không sanh khởi nữa, vị ấy tuệ tri như vậy.
Như vậy vị ấy sống
·       quán pháp trên các nội pháp,
·       hay sống quán pháp trên các ngoại pháp,
·       hay sống quán pháp trên cả các nội pháp, ngoại pháp,
·       hay sống quán tánh sanh khởi trên các pháp,
·       hay sống quán tánh diệt tận trên các pháp, hay sống quán tánh sanh diệt trên các pháp.
·       "Có những pháp ở đây", vị ấy sống an trú Chánh Niệm như vậy, với hy vọng hướng đến Chánh Trí, Chánh Niệm.
·       Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì ở trên đời.
Này các Tỷ-kheo, như vậy Tỷ-kheo sống quán pháp trên các pháp, đối với năm triền cái.
14. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sống quán pháp trên các pháp đối với Năm Thủ Uẩn. Này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo sống quán pháp trên các pháp đối với Năm Thủ Uẩn?
Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo suy tư:
·       "Ðây là sắc, đây là sắc sanh, đây là sắc diệt.
·       Ðây là thọ, đây là thọ sanh, đây là thọ diệt.
·       Ðây là tưởng, đây là tưởng sanh, đây là tưởng diệt.
·       Ðây là hành, đây là hành sanh, đây là hành diệt.
·       Ðây là thức, đây là thức sanh, đây là thức diệt".
Như vậy vị ấy sống
·       quán pháp trên các nội pháp,
·       hay sống quán pháp trên các ngoại pháp,
·       hay sống quán pháp trên cả các nội pháp, ngoại pháp,
·       hay sống quán tánh sanh khởi trên các pháp,
·       hay sống quán tánh diệt tận trên các pháp, hay sống quán tánh sanh diệt trên các pháp.
·       "Có những pháp ở đây", vị ấy sống an trú Chánh Niệm như vậy, với hy vọng hướng đến Chánh Trí, Chánh Niệm.
·       Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì ở trên đời.
Này các Tỷ-kheo, như vậy Tỷ-kheo sống quán pháp trên các pháp, đối với Năm Thủ Uẩn.
15. Lại nữa này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sống quán pháp trên các pháp đối với Sáu Nội Ngoại xứ. Này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo sống quán pháp trên các pháp đối với Sáu Nội Ngoại xứ?
Này các Tỷ-kheo, ở đây Tỷ-kheo
·       tuệ tri con mắt và tuệ tri các sắc, do duyên hai pháp này, kiết sử sanh khởi, vị ấy tuệ tri như vậy;
·       và với kiết sử chưa sanh nay sanh khởi, vị ấy tuệ tri như vậy;
·       và với kiết sử đã sanh nay được đoạn diệt, vị ấy tuệ tri như vậy;
·       và với kiết sử đã được đoạn diệt, tương lai không sanh khởi nữa, vị ấy tuệ tri như vậy.
Này các Tỷ-kheo, ở đây Tỷ-kheo
·       tuệ tri tai và tuệ tri các tiếng...;
·       tuệ tri mũi và tuệ tri các hương...;
·       tuệ tri lưỡi và tuệ tri các vị...;
·       tuệ tri thân và tuệ tri các xúc...; và
·       tuệ tri ý và tuệ tri các pháp, do duyên hai pháp này, kiết sử sanh khởi, vị ấy tuệ tri như vậy; và với kiết sử chưa sanh nay sanh khởi, vị ấy tuệ tri như vậy; và với kiết sử đã sanh nay được đoạn diệt, vị ấy tuệ tri như vậy; và với kiết sử đã được đoạn diệt, tương lai không sanh khởi nữa, vị ấy tuệ tri như vậy.
Như vậy vị ấy sống
·       quán pháp trên các nội pháp,
·       hay sống quán pháp trên các ngoại pháp,
·       hay sống quán pháp trên cả các nội pháp, ngoại pháp,
·       hay sống quán tánh sanh khởi trên các pháp,
·       hay sống quán tánh diệt tận trên các pháp, hay sống quán tánh sanh diệt trên các pháp.
·       "Có những pháp ở đây", vị ấy sống an trú Chánh Niệm như vậy, với hy vọng hướng đến Chánh Trí, Chánh Niệm.
·       Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì ở trên đời.
Này các Tỷ-kheo, như vậy Tỷ-kheo sống quán pháp trên các pháp, đối với Sáu Nội Ngoại xứ.
16. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sống quán pháp trên các pháp đối với Bảy Giác chi. Này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo sống quán pháp trên các pháp đối với Bảy Giác chi?
Này các Tỷ-kheo, ở đây Tỷ-kheo,
·       nội tâm có Niệm Giác chi, tuệ tri rằng: "Nội tâm tôi có Niệm Giác chi",
·       hay nội tâm không có Niệm Giác chi, tuệ tri rằng: "Nội tâm tôi không có Niệm Giác chi";
·       và với Niệm Giác chi chưa sanh nay sanh khởi, vị ấy tuệ tri như vậy,
·       và với Niệm Giác chi đã sanh, nay được tu tập viên thành, vị ấy tuệ tri như vậy.
Này các Tỷ-kheo, ở đây Tỷ-kheo, nội tâm có Trạch pháp Giác chi...;
·       nội tâm có Tinh tấn Giác chi...;
·       nội tâm có Hỷ Giác chi...;
·       nội tâm có Khinh an Giác chi...;
·       nội tâm có Ðịnh Giác chi...;
·       nội tâm có Xả Giác chi, tuệ tri rằng: "Nội tâm tôi có Xả Giác chi", hay nội tâm không có Xả Giác chi, tuệ tri rằng: "Nội tâm tôi không có Xả Giác chi"; và với Xả Giác chi chưa sanh nay sanh khởi, vị ấy tuệ tri như vậy, và với Xả Giác chi đã sanh nay được tu tập viên thành, vị ấy tuệ tri như vậy.
Như vậy vị ấy sống
·       quán pháp trên các nội pháp,
·       hay sống quán pháp trên các ngoại pháp,
·       hay sống quán pháp trên cả các nội pháp, ngoại pháp,
·       hay sống quán tánh sanh khởi trên các pháp,
·       hay sống quán tánh diệt tận trên các pháp, hay sống quán tánh sanh diệt trên các pháp.
·       "Có những pháp ở đây", vị ấy sống an trú Chánh Niệm như vậy, với hy vọng hướng đến Chánh Trí, Chánh Niệm.
·       Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì ở trên đời.
Này các Tỷ-kheo, như vậy Tỷ-kheo sống quán pháp trên các pháp, đối với Bảy Giác chi.
17. Lại nữa này các Tỷ-kheo, vị ấy sống quán pháp trên các pháp đối với Bốn Sự Thật. Này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo sống quán pháp trên các pháp đối với Bốn Sự Thật?
Này các Tỷ-kheo, ở đây Tỷ-kheo như thật tuệ tri: "Ðây là khổ"; như thật tuệ tri: "Ðây là khổ tập"; như thật tuệ tri: "Ðây là khổ diệt"; như thật tuệ tri: "Ðây là con đường đưa đến khổ diệt".
18. Và này các Tỷ-kheo, thế nào Khổ Thánh đế?
Sanh là khổ, già là khổ, chết là khổ, sầu, bi, khổ, ưu, não là khổ, cầu không được là khổ, tóm lại Năm Thủ Uẩn là khổ.
Này các Tỷ-kheo thế nào là sanh?
Mỗi mỗi hạng chúng sanh trong từng giới loại, sự xuất sản, xuất sanh, xuất thành, tái sanh của họ, sự xuất hiện các uẩn, sự hoạch đắc các căn. Này các Tỷ-kheo, như vậy gọi là sanh.
Này các Tỷ-kheo, thế nào là già?
Mỗi mỗi hạng chúng sanh trong từng giới hạn, sự niên lão, sự hủy hoại, trạng thái rụng răng, trạng thái tóc bạc, da nhăn, tuổi thọ rút ngắn, các căn hủy hoại. Này các Tỷ-kheo, như vậy là già.
Này các Tỷ-kheo, thế nào là chết?
Mỗi mỗi hạng chúng sanh trong từng giới loại, sự tạ thế, sự từ trần, thân hoại, sự diệt vong, sự chết, sự tử vong, thời đã đến, các uẩn đã tận diệt, sự vất bỏ tử thi. Này các Tỷ-kheo, như vậy gọi là chết.
Này các Tỷ-kheo, thế nào gọi là sầu?
Này các Tỷ-kheo, với những ai gặp phải tai nạn này hay tai nạn khác, với những ai cảm thọ sự đau khổ này hay sự đau khổ khác, sự sầu, sự sầu lo, sự sầu muộn, nội sầu, mọi khổ sầu của người ấy. Này các Tỷ-kheo, như vậy gọi là sầu.
Này các Tỷ-kheo, thế nào là bi?
Này các Tỷ-kheo, với những ai gặp phải tai nạn này hay tai nạn khác, với những ai cảm thọ sự đau khổ này hay sự đau khổ khác, sự bi ai, sự bi thảm, sự than van, sự than khóc, sự bi thán, sự bi thống của người ấy. Này các Tỷ-kheo, như vậy gọi là bi.
Này các Tỷ-kheo, thế nào là khổ?
Này các Tỷ-kheo, sự đau khổ về thân, sự không sảng khoái về thân, sự đau khổ do thân cảm thọ, sự không sảng khoái do thân cảm thọ. Này các Tỷ-kheo, như vậy gọi là khổ.
Này các Tỷ-kheo, thế nào là ưu?
Này các Tỷ-kheo, sự đau khổ về tâm, sự không sảng khoái về tâm, sự đau khổ do tâm cảm thọ, sự không sảng khoái do tâm cảm thọ. Này các Tỷ-kheo, như vậy gọi là ưu.
Này các Tỷ-kheo, thế nào là não?
Này các Tỷ-kheo, với những ai gặp tai nạn này hay tai nạn khác, với những ai cảm thọ sự đau khổ này hay sự đau khổ khác, sự ảo não, sự bi não, sự thất vọng, sự tuyệt vọng của người ấy. Này các Tỷ-kheo, như vậy gọi là não.
Này các Tỷ-kheo, thế nào là cầu bất đắc khổ?
Này các Tỷ-kheo, chúng sanh bị sanh chi phối, khởi sự mong cầu: "Mong rằng ta khỏi bị sanh chi phối, mong rằng ta khỏi phải đi thác sanh", lời cầu mong ấy không được thành tựu, như vậy gọi là cầu bất đắc khổ! Này các Tỷ-kheo, chúng sanh bị già chi phối...; chúng sanh bị bệnh chi phối...; chúng sanh bị chết chi phối.., chúng sanh bị sầu, bi, khổ, ưu, não chi phối, khởi sự mong cầu: "Mong rằng ta khỏi bị sầu, bi, khổ, ưu, não chi phối! Mong rằng ta khỏi đương chịu sầu, bi, khổ, ưu, não", lời mong cầu ấy không được thành tựu, như vậy là cầu bất đắc khổ.
Này các Tỷ-kheo, như thế nào là tóm lại, Năm Thủ Uẩn là khổ?
Như Sắc thủ uẩn, Thọ thủ uẩn, Tưởng thủ uẩn, Hành thủ uẩn, Thức thủ uẩn. Này các Tỷ-kheo, như vậy tóm lại Năm Thủ Uẩn là khổ.
19. Này các Tỷ-kheo, thế nào là Khổ tập Thánh đế?
Sự tham ái đưa đến tái sanh, câu hữu với hỷ và tham, tìm cầu hỷ lạc chỗ này chỗ kia. Như dục ái, hữu ái, phi hữu ái.
Này các Tỷ-kheo, sự tham ái này khi sanh khởi thì sanh khởi ở đâu, khi an trú thì an trú ở đâu? Ở đời, sắc gì thân ái, sắc gì khả ái?
Ở đời con mắt là sắc thân ái, là sắc khả ái. Sự tham ái này khi sanh khởi thì sanh khởi ở đấy, khi an trú thì an trú ở đấy. Ở đời đôi tai...; ở đời cái mũi...; ở đời cái lưỡi...; ở đời thân này...; ở đời ý này là sắc thân ái, là sắc khả ái. Sự tham ái này khi sanh khởi thì sanh khởi ở đấy, khi an trú thì an trú ở đấy.
Ở đời các sắc...; ở đời các tiếng...; ở đời các hương...; ở đời các vị...; ở đời các cảm xúc...; ở đời các pháp là sắc thân ái, là sắc khả ái. Sự tham ái này khi sanh khởi thì sanh khởi ở đấy, khi an trú thì an trú ở đấy.
Ở đời nhãn thức...; ở đời nhĩ thức...; ở đời tỷ thức...; ở đời thiệt thức...; ở đời thân thức...; ở đời ý thức là sắc thân ái, là sắc khả ái. Sự tham ái này khi sanh khởi thì sanh khởi ở đấy, khi an trú thì an trú ở đấy.
Ở đời nhãn xúc...; ở đời nhĩ xúc...; ở đời tỷ xúc...; ở đời thiệt xúc...; ở đời thân xúc...; ở đời ý xúc là sắc thân ái, là sắc khả ái. Sự tham ái này khi sanh khởi thì sanh khởi ở đấy, khi an trú thì an trú ở đấy.
Ở đời nhãn xúc sở sanh thọ...; ở đời nhĩ xúc sở sanh thọ...; ở đời tỷ xúc sở sanh thọ...; ở đời thiệt xúc sở thanh thọ...; ở đời thân xúc sở sanh thọ...; ở đời ý xúc sở sanh thọ là sắc thân ái, là sắc khả ái. Sự tham ái này khi sanh khởi thì sanh khởi ở đấy, khi an trú thì an trú ở đấy.
Ở đời sắc tưởng...; ở đời thanh tưởng...; ở đời hương tưởng...; ở đời vị tưởng...; ở đời xúc tưởng...; ở đời pháp tưởng là sắc thân ái, là sắc khả ái. Sự tham ái này khi sanh khởi thì sanh khởi ở đấy, khi an trú thì an trú ở đấy.
Ở đời sắc tư...; ở đời thanh tư...; ở đời hương tư...; ở đời vị tư...; ở đời xúc tư...; ở đời pháp tư là sắc thân ái, là sắc khả ái. Sự tham ái này khi sanh khởi thì sanh khởi ở đấy, khi an trú thì an trú ở đấy.
Ở đời sắc ái...; ở đời thanh ái...; ở đời hương ái...; ở đời vị ái...; ở đời xúc ái...; ở đời pháp ái là sắc thân ái, là sắc khả ái. Sự tham ái này khi sanh khởi thì sanh khởi ở đấy, khi an trú thì an trú ở đây.
Ở đời sắc tầm...; ở đời thanh tầm...; ở đời hương tầm...; ở đời vị tầm...; ở đời xúc tầm...; ở đời pháp tầm là sắc thân ái, là sắc khả ái. Sự tham ái này khi sanh khởi thì sanh khởi ở đấy, khi an trú thì an trú ở đấy.
Ở đời sắc tứ...; ở đời thanh tứ...; ở đời hương tứ...; ở đời vị tứ...; ở đời xúc tứ...; ở đời pháp tứ là sắc thân ái, là sắc khả ái. Sự tham ái này khi sanh khởi thì sanh khởi ở đấy, khi an trú thì an trú ở đấy. Này các Tỷ-kheo, như vậy gọi là Khổ tập Thánh đế.
20. Này các Tỷ-kheo, và thế nào là Khổ diệt Thánh đế?
Sự diệt tận không còn luyến tiếc tham ái ấy, sự xả ly, sự buông xả, sự giải thoát, sự vô nhiễm (khỏi tham ái ấy).
Này các Tỷ-kheo, sự tham ái này khi xả ly thì xả ly ở đâu, khi diệt trừ thì diệt trừ ở đâu?
Ở đời các sắc gì thân ái, các sắc gì khả ái, sự tham ái này khi xả ly thì xả ly ở đấy, khi diệt trừ thì diệt trừ ở đấy.
Ở đời sắc gì thân ái, sắc gì khả ái?
Ở đời con mắt là sắc thân ái, là sắc khả ái. Sự tham ái này khi xả ly thì xả ly ở đấy, khi diệt trừ thì diệt trừ ở đấy. Ở đời lỗ tai...; ở đời mũi...; ở đời lưỡi...; ở đời thân...; ở đời ý là sắc thân ái, là sắc khả ái. Sự tham ái này khi xả ly thì xả ly ở đấy, khi diệt trừ thì diệt trừ ở đấy.
Ở đời các sắc...; ở đời các tiếng...; ở đời các hương...; ở đời các vị…; ở đời các xúc…; ở đời các pháp là sắc thân ái, là sắc khả ái. Sự tham ái này khi xả ly thì xả ly ở đấy, khi diệt trừ thì diệt trừ ở đấy.
Ở đời nhãn thức...; ở đời nhĩ thức...; ở đời tỷ thức...; ở đời thiệt thức...; ở đời thân thức…; ở đời ý thức là sắc thân ái, là sắc khả ái. Sự tham ái khi xả ly thì xả ly ở đấy, khi diệt trừ thì diệt trừ ở đấy.
Ở đời nhãn xúc...; ở đời nhĩ xúc...; ở đời tỷ xúc...; ở đời thiệt xúc...; ở đời thân xúc...; ở đời ý xúc là sắc thân ái, là sắc khả ái. Sự tham ái này khi xả ly thì xả ly ở đấy, khi diệt trừ thì diệt trừ ở đấy.
Ở đời nhãn xúc sở sanh thọ...; ở đời nhĩ xúc sở sanh thọ...; ở đời tỷ xúc sở sanh thọ...; ở đời thiệt xúc sở sanh thọ...; ở đời thân xúc sở sanh thọ…; ở đời ý xúc sở sanh thọ là sắc thân ái, là sắc khả ái. Sự tham ái này khi xả ly thì xả ly ở đấy, khi diệt trừ thì diệt trừ ở đấy.
Ở đời sắc tưởng...; ở đời thanh tưởng...; ở đời hương tưởng...; ở đời vị tưởng...; ở đời xúc tưởng...; ở đời pháp tưởng là sắc thân ái, là sắc khả ái. Sự tham ái này khi xả ly thì xả ly ở đấy, khi diệt trừ thì diệt trừ ở đấy.
Ở đời sắc tư...; ở đời thanh tư...; ở đời hương tư...; ở đời vị tư...; ở đời xúc tư...; ở đời pháp tư là sắc thân ái, là sắc khả ái. Sự tham ái này khi xả ly thì xả ly ở đấy, khi diệt trừ thì diệt trừ ở đấy.
Ở đời sắc ái...; ở đời thanh ái...; ở đời hương ái...; ở đời vị ái...; ở đời xúc ái...; ở đời pháp ái là sắc thân ái, là sắc khả ái. Sự tham ái này khi xả ly thì xả ly ở đấy, khi diệt trừ thì diệt trừ ở đấy.
Ở đời sắc tầm...; ở đời thanh tầm...; ở đời hương tầm...; ở đời vị tầm...; ở đời xúc tầm...; ở đời pháp tầm là sắc thân ái, là sắc khả ái. Sự tham ái này khi xả ly thì xả ly ở đấy, khi diệt trừ thì diệt trừ ở đấy.
Ở đời sắc tứ...; ở đời thanh tứ...; ở đời hương tứ...; ở đời vị tứ...; ở đời xúc tứ...; ở đời pháp tứ là sắc thân ái, là sắc khả ái. Sự tham ái này khi xả ly thì xả ly ở đấy, khi diệt trừ thì diệt trừ ở đấy.
Này các Tỷ-kheo, như vậy gọi là Khổ diệt Thánh đế.
21. Này các Tỷ-kheo, thế nào là Khổ diệt đạo Thánh đế?
Ðó là bát chi Thánh đạo, tức là Chánh Tri kiến, Chánh Tư duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh tấn, Chánh Niệm, Chánh Định.
Này các Tỷ-kheo, thế nào là Chánh Tri kiến?
Này các Tỷ-kheo, tri kiến về Khổ, tri kiến về Khổ tập, tri kiến về Khổ diệt, tri kiến về Khổ diệt đạo. Này các Tỷ-kheo, như vậy gọi là Chánh Tri kiến.
Này các Tỷ-kheo, thế nào là Chánh Tư duy?
Tư duy về ly dục, tư duy về vô sân, tư duy về bất hại. Này các Tỷ-kheo, như vậy gọi là Chánh Tư duy.
Này các Tỷ-kheo thế nào là Chánh Ngữ?
Tự chế không nói láo, tự chế không nói hai lưỡi, tự chế không ác khẩu, tự chế không nói lời phù phiếm. Này các Tỷ-kheo, như vậy gọi là Chánh Ngữ.
Này các Tỷ-kheo, thế nào là Chánh Nghiệp?
Tự chế không sát sanh, tự chế không trộm cướp, tự chế không tà dâm. Này các Tỷ-kheo, như vậy gọi là Chánh Nghiệp.
Này các Tỷ-kheo, thế nào là Chánh Mạng?
Này các Tỷ-kheo, ở đây vị Thánh đệ tử từ bỏ tà mạng, sinh sống bằng Chánh Mạng. Này các Tỷ-kheo, như vậy gọi là Chánh Mạng.
Này các Tỷ-kheo, và thế nào là Chánh Tinh tấn?
Này các Tỷ-kheo, ở đây Tỷ-kheo, đối với các ác, bất thiện pháp chưa sanh, khởi lên ý muốn không cho sanh khởi, vị này nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, trì chí.
Ðối với các ác, bất thiện pháp đã sanh, khởi lên ý muốn trừ diệt, vị này nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, trì chí.
Ðối với các thiện pháp chưa sanh, khởi lên ý muốn khiến cho sanh khởi, vị này nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, trì chí.
Ðối với các thiện pháp đã sanh, khởi lên ý muốn khiến cho an trú, không cho băng hoại, khiến cho tăng trưởng, phát triển, viên mãn. Vị này nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, trì chí.
Này các Tỷ-kheo, như vậy gọi là Chánh Tinh tấn.
Này các Tỷ-kheo, thế nào là Chánh Niệm?
Này các Tỷ-kheo, ở đây vị Tỷ-kheo sống quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, Chánh Niệm, để chế ngự tham ưu ở đời; sống quán thọ trên các cảm thọ...; sống quán tâm trên tâm...; sống quán pháp trên các pháp, tinh cần tỉnh giác, Chánh Niệm để chế ngự tham ưu ở đời. Này các Tỷ-kheo, như vậy gọi là Chánh Niệm.
Này các Tỷ-kheo, thế nào là Chánh Định?
Này các Tỷ-kheo, ở đây Tỷ-kheo ly dục, ly ác bất thiện pháp, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, với tầm, với tứ. Tỷ-kheo ấy diệt tầm, diệt tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh nhất tâm. Tỷ-kheo ấy ly hỷ trú xả, Chánh Niệm, tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú Thiền thứ ba. Tỷ-kheo ấy xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh. Này các Tỷ-kheo, như vậy gọi là Chánh Định.
Này các Tỷ-kheo, như vậy gọi là Khổ diệt đạo thánh đế.
Như vậy vị ấy sống
·       quán pháp trên các nội pháp,
·       hay sống quán pháp trên các ngoại pháp,
·       hay sống quán pháp trên cả các nội pháp, ngoại pháp,
·       hay sống quán tánh sanh khởi trên các pháp,
·       hay sống quán tánh diệt tận trên các pháp, hay sống quán tánh sanh diệt trên các pháp.
·       "Có những pháp ở đây", vị ấy sống an trú Chánh Niệm như vậy, với hy vọng hướng đến Chánh Trí, Chánh Niệm.
·       Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì ở trên đời.
Này các Tỷ-kheo, như vậy Tỷ-kheo sống quán pháp trên các pháp, đối với Bốn Thánh đế.
22. Này các Tỷ-kheo, vị nào tu tập Bốn Niệm xứ này như vậy trong bảy năm, vị ấy có thể chứng một trong hai quả sau đây: Một là chứng Chánh Trí ngay trong hiện tại, hai là nếu còn hữu dư y, thì chứng quả Bất hoàn. Này các Tỷ-kheo, không cần gì đến bảy năm, vị nào tu tập Bốn Niệm xứ này như vậy trong sáu năm...; trong năm năm...; trong bốn năm...; trong ba năm...; trong hai năm...; trong một năm, vị ấy có thể chứng một trong hai quả sau đây: Một là chứng Chánh Trí ngay trong hiện tại, hai là nếu còn hữu dư y, thì chứng quả Bất hoàn.
Này các Tỷ-kheo, không cần gì đến một năm, một vị nào tu tập Bốn Niệm xứ này trong bảy tháng, vị ấy có thể chứng một trong hai quả sau đây: Một là chứng Chánh Trí ngay trong hiện tại, hai là nếu còn hữu dư y, thì chứng quả Bất hoàn. Này các Tỷ-kheo, không cần gì bảy tháng, một vị nào tu tập Bốn Niệm xứ này trong sáu tháng...; trong năm tháng...; trong bốn tháng...; trong ba tháng...; trong hai tháng...; trong một tháng...; trong nửa tháng...; vị ấy có thể chứng một trong hai quả sau đây: Một là chứng Chánh Trí ngay trong hiện tại, hai là nếu còn hữu dư y, thì chứng quả Bất hoàn.
Này các Tỷ-kheo, không cần gì nửa tháng, một vị nào tu tập Bốn Niệm xứ này trong bảy ngày, vị ấy có thể chứng một trong hai quả sau đây: Một là chứng Chánh Trí ngay trong hiện tại, hai là nếu còn hữu dư y, thì chứng quả Bất hoàn.
Này các Tỷ-kheo, đây là con đường độc nhất đưa đến sự thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sầu, bi, diệt trừ khổ, ưu, thành tựu Chánh lý, chứng ngộ Niết-bàn. Ðó là Bốn Niệm xứ.
Thế Tôn thuyết pháp đã xong. Các Tỷ-kheo ấy hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy.