Monday, July 28, 2014

Kinh Ưu-ba-ly

Kinh Ưu-ba-ly (Upālisutta)- Kinh Trung Bộ số 56

1. Như vầy tôi nghe. Một thời Thế Tôn ở tại Nāḷandā, trong rừng Pāvārikamba.
2. Lúc bấy giờ, Nigaṇṭha Nāṭaputta trú tại Nāḷandā cùng với đại chúng Nigaṇṭha (Ly Hệ Phái). Rồi Nigaṇṭha Dīghatapassī (Trường Khổ Hạnh Giả), sau khi đi khất thực ở Nāḷandā, ăn xong, trên con đường khất thực trở về, đi đến rừng Pāvārikamba, chỗ Thế Tôn ở. Sau khi đến, nói lên những lời hỏi thăm Thế Tôn. Sau khi nói lên những lời hỏi thăm thân hữu, vị này đứng một bên. Thế Tôn nói với Nigaṇṭha Dīghatapassī đang đứng một bên:
- Này Tapassī, có những ghế ngồi. Nếu ông muốn, hãy ngồi xuống.
3. Khi nghe nói vậy, Nigaṇṭha Dīghatapassī lấy một ghế thấp, rồi ngồi xuống một bên. Và Thế Tôn nói với Nigaṇṭha Dīghatapassī đang ngồi một bên:
- Này Tapassī, Nigaṇṭha Nāṭaputta chủ trương có bao nhiêu nghiệp để tác thành ác nghiệp, để diễn tiến ác nghiệp?
- Hiền-giả Gotama, Nigaṇṭha Nāṭaputta không có thông lệ chủ trương "nghiệp, nghiệp". Hiền-giả Gotama, Nigaṇṭha Nāṭaputta có thông lệ chủ trương "phạt, phạt".
- Này Tapassī, Nigaṇṭha Nāṭaputta chủ trương có bao nhiêu loại phạt để tác thành ác nghiệp, để diễn tiến ác nghiệp?
- Này Hiền-giả Gotama, Nigaṇṭha Nāṭaputta chủ trương có ba loại phạt để tác thành ác nghiệp, để diễn tiến ác nghiệp, tức là thân phạt, khẩu phạt, ý phạt.
- Này Tapassī, nhưng có phải thân phạt khác, khẩu phạt khác, ý phạt khác?
- Hiền-giả Gotama, thân phạt khác, khẩu phạt khác, ý phạt khác.
- Này Tapassī, ba loại phạt này, được chia chẻ như vậy, được phân biệt như vậy, Nigaṇṭha Nāṭaputta chủ trương loại phạt nào tối trọng để tác thành ác nghiệp, để diễn tiến ác nghiệp, thân phạt chăng, khẩu phạt chăng, ý phạt chăng?
- Hiền-giả Gotama, ba loại phạt này được chia chẻ như vậy, được phân biệt như vậy, Nigaṇṭha Nāṭaputta chủ trương thân phạt là tối trọng để tác thành ác nghiệp, để diễn tiến ác nghiệp, khẩu phạt không bằng được, ý phạt không bằng được.
- Này Tapassī, có phải ông nói thân phạt?
- Hiền-giả Gotama, tôi nói thân phạt.
- Này Tapassī, có phải ông nói thân phạt?
- Hiền-giả Gotama, tôi nói thân phạt.                            
- Này Tapassī, có phải ông nói thân phạt?
- Hiền-giả Gotama, tôi nói thân phạt.
Như vậy Thế Tôn trong cuộc đàm thoại này đã làm Nigaṇṭha Dīghatapassī xác nhận cho đến lần thứ ba quan điểm (của mình).
4. Khi nghe nói vậy, Nigaṇṭha Dīghatapassī nói với Thế Tôn:
- Hiền-giả Gotama, Hiền-giả chủ trương có bao nhiêu loại phạt để tác thành ác nghiệp, để diễn tiến ác nghiệp?
- Này Tapassī, Như Lai không có thông lệ chủ trương "phạt, phạt". Này Tapassī, Như Lai có thông lệ chủ trương "nghiệp, nghiệp".
- Hiền-giả Gotama, Hiền-giả chủ trương có bao nhiêu loại nghiệp để tác thành ác nghiệp, để diễn tiến ác nghiệp?
- Này Tapassī, Ta chủ trương có ba loại nghiệp để tác thành ác nghiệp, để diễn tiến ác nghiệp, tức là thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp.
- Hiền-giả Gotama, nhưng có phải thân nghiệp khác, khẩu nghiệp khác, ý nghiệp khác?
- Này Tapassī, thân nghiệp khác, khẩu nghiệp khác, ý nghiệp khác.
- Hiền-giả Gotama, ba loại nghiệp này, được chia chẻ như vậy, được phân biệt như vậy, Hiền-giả chủ trương loại nghiệp nào tối trọng để tác thành ác nghiệp, để diễn tiến ác nghiệp? Thân nghiệp chăng, khẩu nghiệp chăng, ý nghiệp chăng?
- Này Tapassī, ba loại nghiệp này, được chia chẻ như vậy, được phân biệt như vậy, Ta chủ trương ý nghiệp là tối trọng, để tác thành ác ý, để diễn tiến ác nghiệp, thân nghiệp không bằng được, khẩu nghiệp không bằng được.
- Hiền-giả Gotama, có phải Hiền-giả nói ý nghiệp?
- Này Tapassī, Ta nói ý nghiệp.
- Hiền-giả Gotama, có phải Hiền-giả nói ý nghiệp?
- Này Tapassī, Ta nói ý nghiệp.
- Hiền-giả Gotama, có phải Hiền-giả nói ý nghiệp?
- Này Tapassī, Ta nói ý nghiệp.
Như vậy Nigaṇṭha Dīghatapassī trong cuộc đàm thoại này, sau khi đã làm Thế Tôn xác nhận cho đến lần thứ ba quan điểm (của mình), liền từ chỗ ngồi đứng dậy và đi đến chỗ Nigaṇṭha Nāṭaputta.
5. Lúc bấy giờ, Nigaṇṭha Nāṭaputta đang ngồi với một đại chúng gia chủ rất đông, do Upāli (Ưu-ba-ly) người thuộc làng Bālaka cầm đầu. Nigaṇṭha Nāṭaputta thấy Nigaṇṭha Dīghatapassī từ xa đi đến, sau khi thấy, liền nói với Nigaṇṭha Dīghatapassī:
- Này Tapassī, ông từ đâu đi đến, trong ban ngày (nóng bức) như thế này?
- Thưa Tôn-giả, con từ Sa-môn Gotama đi đến đây.
- Này Tapassī, ông có đàm luận gì với Sa-môn Gotama không?
- Thưa Tôn-giả, con cùng với Sa-môn Gotama có cuộc đàm thoại.
- Này Tapassī, cuộc đàm thoại của ông với Sa-môn Gotama như thế nào?
Rồi Nigaṇṭha Dīghatapassī kể lại cho Nigaṇṭha Nāṭaputta nghe một cách đầy đủ cuộc đàm thoại với Thế Tôn.
6. Ðược nghe vậy, Nigaṇṭha Nāṭaputta nói với Dīghatapassī:
- Tốt lành thay, tốt lành thay, Tapassī! Sa-môn Gotama đã được Nigaṇṭha Dīghatapassī trả lời, một đệ tử đa văn đã hiểu đúng đắn lời dạy bậc Ðạo sư. Làm sao một ý phạt hèn kém có thể sáng chói, so sánh với thân phạt cường đại này được? Thân phạt thật là tối trọng để tác thành ác nghiệp, để diễn tiến ác nghiệp, khẩu nghiệp không bằng được, ý nghiệp không bằng được.
7. Khi được nói vậy, gia chủ Upāli thưa với Nigaṇṭha Nāṭaputta:
- Tốt lành thay, tốt lành thay, Tôn-giả Tapassī! Sa-môn Gotama đã được Tôn-giả Tapassī trả lời như vậy, một đệ tử đa văn đã hiểu đúng đắn lời dạy bậc Ðạo sư. Làm sao một ý phạt hèn kém có thể sáng chói, so sánh với thân phạt cường đại này được? Thân phạt thật tối trọng để tác thành ác nghiệp, để diễn tiến ác nghiệp, khẩu phạt không bằng được, ý phạt không bằng được.
Thưa Tôn-giả, con sẽ đi và luận chiến với Sa-môn Gotama trong cuộc đàm thoại này. Nếu Sa-môn Gotama làm con xác nhận như đã làm Tôn-giả Tapassī xác nhận thời cũng như một người lực sĩ tay nắm chặt lông một con cừu có lông dài, có thể kéo tới, giật lui, vần quanh; cũng vậy con sẽ dùng lời nói với lời nói, kéo tới, giật lui, vần quanh Sa-môn Gotama.
Cũng như một người lực sĩ nấu rượu, sau khi nhận chìm một thùng rượu lớn xuống hồ nước sâu, nắm một góc thùng, có thể kéo tới, giật lui, vần quanh; cũng vậy, con dùng lời nói với lời nói, kéo tới, giật lui, vần quanh Sa-môn Gotama.
Cũng như một lực sĩ nghiện rượu sống phóng đãng, sau khi nắm góc một cái sàng, lắc qua, lắc lại, lắc xoay quanh; cũng vậy, con sẽ dùng lời nói với lời nói, lắc qua, lắc lại, lắc xoay quanh Sa-môn Gotama.
Và cũng như một con voi lớn sáu mươi tuổi, sau khi lặn xuống một hồ nước sâu, lại chơi trò phun nước; cũng vậy, con nghĩ, con sẽ chơi trò chơi phun nước với Sa-môn Gotama. Thưa Tôn-giả, con sẽ đi và luận chiến với Sa-môn Gotama trong cuộc đàm thoại này.
- Này gia chủ, hãy đi và luận chiến với Sa-môn Gotama trong cuộc đàm thoại này. Vì rằng, này gia chủ, chỉ có ta hay Nigaṇṭha Dīghatapassī, hay ông mới có thể luận chiến với Sa-môn Gotama.
8. Khi được nói vậy, Nigaṇṭha Dīghatapassī nói với Nigaṇṭha Nāṭaputta:
- Thưa Tôn-giả, con không được hài lòng để gia chủ Upāli luận chiến với Sa-môn Gotama. Thưa Tôn-giả, Sa-môn Gotama là một huyễn sư, Sa-môn Gotama biết được huyễn thuật lôi cuốn những đệ tử ngoại đạo.
- Này Tapassī, không thể có sự kiện, không thể có trường hợp gia chủ Upāli trở thành đệ tử của Sa-môn Gotama; có thể có sự kiện Sa-môn Gotama trở thành đệ tử của gia chủ Upāli. Này gia chủ, hãy đi luận chiến với Sa-môn Gotama trong cuộc đàm thoại này; chỉ có ta, Nigaṇṭha Dīghatapassī, hay ông mới có thể luận chiến với Sa-môn Gotama.
Lần thứ hai... Lần thứ ba, Nigaṇṭha Dīghatapassī nói với Nigaṇṭha Nāṭaputta:
- Thưa Tôn-giả, con không được hài lòng để gia chủ Upāli luận chiến với Sa-môn Gotama. Thưa Tôn-giả, Sa-môn Gotama là một huyễn sư, Sa-môn Gotama biết được huyễn thuật lôi cuốn những đệ tử ngoại đạo.
- Này Tapassī, không thể có sự kiện, không thể có trường hợp gia chủ Upāli trở thành đệ tử của Sa-môn Gotama; có thể có sự kiện Sa-môn Gotama trở thành đệ tử của gia chủ Upāli. Này gia chủ, hãy đi luận chiến với Sa-môn Gotama trong cuộc đàm thoại này; chỉ có ta, Nigaṇṭha Dīghatapassī, hay ông mới có thể luận chiến với Sa-môn Gotama.  
9. - Thưa vâng, Tôn-giả.
Gia chủ Upāli vâng đáp Nigaṇṭha Nāṭaputta, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Nigaṇṭha Nāṭaputta, thân hữu hướng về Nigaṇṭha Nāṭaputta, và đi đến rừng xoài Pāvārikamba, chỗ Thế Tôn ở. Sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi xuống một bên, gia chủ Upāli bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, không biết Nigaṇṭha Dīghatapassī có đến tại đây không?
- Này gia chủ, Nigaṇṭha Dīghatapassī có đến tại đây.
- Bạch Thế Tôn, Thế Tôn có đàm thoại với Nigaṇṭha Dīghatapassī không?
- Này gia chủ, Ta có đàm thoại với Nigaṇṭha Dīghatapassī.
- Bạch Thế Tôn, cuộc đàm thoại của Thế Tôn với Nigaṇṭha Dīghatapassī như thế nào?
Rồi Thế Tôn kể lại cho gia chủ Upāli một cách đầy đủ cuộc đàm thoại với Nigaṇṭha Dīghatapassī. Khi nghe nói vậy, gia chủ Upāli bạch Thế Tôn:
10. - Tốt lành thay, tốt lành thay, Tôn-giả Tapassī! Thế Tôn đã được Tôn-giả Tapassī trả lời như vậy, một đệ tử đa văn đã hiểu đúng đắn lời dạy bậc Ðạo sư. Làm sao một ý phạt hèn kém có thể sáng chói, so sánh với thân phạt cường đại này được, vì thân phạt thật là tối trọng để tác thành ác nghiệp, để diễn tiến ác nghiệp? Khẩu nghiệp không bằng được, ý nghiệp không bằng được.
- Này gia chủ, nếu ông có thể đàm luận y cứ trên sự thật, thời ở đây, có thể có cuộc đàm thoại giữa chúng ta.
- Bạch Thế Tôn, con sẽ đàm luận y cứ trên sự thật. Mong rằng ở đây có cuộc đàm thoại giữa chúng ta.
11. - Này gia chủ, ông nghĩ thế nào? Ở đây, có người Nigaṇṭha, bệnh hoạn, đau khổ, bạo bệnh, từ chối nước lạnh, chỉ uống nước nóng. Người này, vì không được nước lạnh nên mệnh chung. Này gia chủ, theo Nigaṇṭha Nāṭaputta, người ấy tái sanh chỗ nào?
- Bạch Thế Tôn, có hàng chư Thiên được gọi là Manosattā (Ý Trước thiên). Ở đấy người ấy tái sanh. Vì sao vậy? Bạch Thế Tôn, vì người ấy chấp trước ý nên mệnh chung.
- Gia chủ, gia chủ! Sau khi suy nghĩ kỹ, ông hãy trả lời. Lời nói trước của ông không phù hợp lời nói sau của ông! Lời nói sau của ông không phù hợp lời nói trước của ông! Thế mà này gia chủ, ông đã nói như sau: "Bạch Thế Tôn, con sẽ đàm luận y cứ trên sự thật. Mong rằng ở đây sẽ có cuộc đàm thoại giữa chúng ta".
- Bạch Thế Tôn, dầu Thế Tôn có nói như vậy, nhưng chỉ có thân phạt mới là tối trọng để tác thành ác nghiệp, để diễn tiến ác nghiệp. Khẩu phạt không bằng được; ý phạt không bằng được.
12. - Này gia chủ, ông nghĩ thế nào? Ở đây, có người Nigaṇṭha được phòng hộ với sự phòng hộ của bốn loại chế giới, hoàn toàn tự chế ngự đối với nước, hoàn toàn chú tâm (vào sự chế ngự) đối với nước, hoàn toàn loại trừ đối với nước, hoàn toàn thấm nhuần (với sự chế ngự) đối với nước. Vị này khi đi qua, khi đi lại, đã giết hại rất nhiều sinh vật nhỏ bé. Này gia chủ, theo Nigaṇṭha Nāṭaputta, người ấy thọ quả báo nào?
- Bạch Thế Tôn, vì không cố ý, nên Nigaṇṭha Nāṭaputta xem không phải là một đại tội.
- Này gia chủ, nếu người ấy có cố ý thời như thế nào?
- Bạch Thế Tôn, là một đại tội.
- Này Gia chủ, ý thức (ấy), Nigaṇṭha Nāṭaputta xem thuộc về loại gì?
- Bạch Thế Tôn thuộc về ý phạt.
- Gia chủ, gia chủ! Sau khi suy nghĩ kỹ, ông hãy trả lời. Lời nói trước của ông không phù hợp lời nói sau của ông! Lời nói sau của ông không phù hợp lời nói trước của ông! Thế mà này gia chủ, ông đã nói như sau: "Bạch Thế Tôn, con sẽ đàm luận y cứ trên sự thật. Mong rằng ở đây sẽ có cuộc đàm thoại giữa chúng ta".
- Bạch Thế Tôn, dầu Thế Tôn có nói như vậy, nhưng chỉ có thân phạt mới là tối trọng để tác thành ác nghiệp, để diễn tiến ác nghiệp. Khẩu phạt không bằng được, ý phạt không bằng được.
13. - Này gia chủ, ông nghĩ thế nào? Có phải Nāḷandā này là phú cường và phồn thịnh, dân chúng đông đúc, nhân dân trù mật?
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn. Nāḷandā này là phú cường và phồn thịnh, dân chúng đông đúc, nhân dân trù mật.
- Này gia chủ, ông nghĩ thế nào? Ở đây, có người đi đến, với thanh kiếm đưa cao, người này nói: "Trong một sát-na, trong một giây phút, ta sẽ làm cho tất cả mọi người ở tại Nāḷandā này thành một đống thịt, thành một khối thịt". Này gia chủ, ông nghĩ thế nào? Người ấy có thể trong một sát na, trong một giây phút, làm cho tất cả mọi người ở tại Nāḷandā này thành một đống thịt, thành một khối thịt không?
- Bạch Thế Tôn, cho đến mười người, hai mươi người, ba mươi người, bốn mươi người, năm mươi người cũng không có thể, trong một sát-na, trong một giây phút, làm cho tất cả mọi người ở tại Nāḷandā này thành một đống thịt, thành một khối thịt, huống nữa là chỉ một người nhỏ bé sao có thể sáng chói (làm thành) được?
- Này gia chủ, ông nghĩ thế nào? Ở đây, có vị Sa-môn hay Bà-la-môn đến, có thần thông lực, có tâm tự tại. Vị này nói như sau. "Ta sẽ làm cho Nāḷandā này trở thành tro tàn với một tâm sân hận". Này gia chủ, ông nghĩ thế nào? Vị Sa-môn hay vị Bà-la-môn ấy, có thần thông lực, có tâm tự tại, có thể làm cho Nāḷandā này trở thành tro tàn với một tâm sân hận không?
- Bạch Thế Tôn, cho đến mười Nāḷandā, hai mươi, ba mươi Nāḷandā, bốn mươi Nāḷandā, năm mươi Nāḷandā, vị Sa-môn hay vị Bà-la-môn ấy có thần thông lực, có tâm tự tại có thể làm cho các Nāḷandā ấy trở thành tro tàn với một tâm sân hận, huống nữa là một Nāḷandā nhỏ bé này, sao có thể chói sáng được (khỏi bị trở thành tro tàn được)?
- Gia chủ, gia chủ! Sau khi suy nghĩ kỹ, ông hãy trả lời. Lời nói trước của ông không phù hợp lời nói sau của ông! Lời nói sau của ông không phù hợp lời nói trước của ông! Thế mà này gia chủ, ông đã nói như sau: "Bạch Thế Tôn, con sẽ đàm luận y cứ trên sự thật. Mong rằng ở đây sẽ có cuộc đàm thoại giữa chúng ta".
- Bạch Thế Tôn, dầu Thế Tôn có nói như vậy, nhưng chỉ có thân phạt mới là tối trọng để tác thành ác nghiệp, để diễn tiến ác nghiệp. Khẩu phạt không bằng được, ý phạt không bằng được.
14. - Này gia chủ, ông nghĩ thế nào? Ông có nghe các rừng Daṇḍaka, Kāliṅga, Mejjha, Mātaṅga đã trở lại thành rừng như trước?
- Bạch Thế Tôn con có nghe: Các rừng Daṇḍaka, Kāliṅga, Mejjha, Mātaṅga đã trở lại thành rừng (như trước).
- Này gia chủ, ông nghĩ thế nào? Có thể ông được nghe vì sao các rừng Daṇḍaka, Kāliṅga, Mejjha, Mātaṅga trở thành rừng như trước?
- Bạch Thế Tôn, con có nghe, các rừng Daṇḍaka, Kāliṅga, Mejjha, Mātaṅga trở lại thành rừng (như trước) vì tâm sân hận các vị ẩn sĩ.
- Gia chủ, gia chủ! Sau khi suy nghĩ kỹ, ông hãy trả lời. Lời nói trước của ông không phù hợp lời nói sau của ông! Lời nói sau của ông không phù hợp lời nói trước của ông! Thế mà này gia chủ, ông đã nói như sau: "Bạch Thế Tôn, con sẽ đàm luận y cứ trên sự thật. Mong rằng ở đây sẽ có cuộc đàm thoại giữa chúng ta".
15. - Bạch Thế Tôn, với ví dụ đầu tiên, con đã hoan hỷ, con đã thỏa mãn. Những gì con muốn nghe các vấn đáp sai biệt của Thế Tôn, nên con mới nghĩ đóng vai trò đối lập với Thế Tôn. Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, Chánh pháp đã được Thế Tôn dùng nhiều phương tiện, trình bày, giải thích. Vậy nay con quy y Thế Tôn, quy y Pháp, quy y chúng Tỷ-kheo Tăng. Mong Thế Tôn nhận con làm cư-sĩ, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.
16. - Này gia chủ, hãy chín chắn suy tư. Chín chắn suy tư là tốt đẹp với những người trứ danh như ông.
- Bạch Thế Tôn, con càng bội phần hoan hỷ, bội phần thỏa mãn với những lời Thế Tôn nói với con: "Này gia chủ, hãy chín chắn suy tư. Chín chắn suy tư là tốt đẹp với những người trứ danh như ông". Bạch Thế Tôn, nếu các ngoại đạo được con làm đệ tử, họ sẽ trương cờ lên và tuyên bố: "Gia chủ Upāli đã trở thành đệ tử chúng tôi". Nhưng Thế Tôn lại nói với con: "Này gia chủ, hãy chín chắn suy tư. Chín chắn suy tư là tốt đẹp với những người trứ danh như ông". Bạch Thế Tôn, lần thứ hai, con xin quy y Thế Tôn, quy y Pháp và quy y chúng Tỷ-kheo Tăng. Mong Thế Tôn nhận con làm cư-sĩ, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.
17. - Này gia chủ, đã từ lâu gia đình ông như là giếng nước mưa nguồn cho các người Nigaṇṭha. Hãy cúng dường các món ăn cho những ai đến với ông!
- Bạch Thế Tôn, con lại bội phần hoan hỷ, bội phần thỏa mãn với những lời Thế Tôn nói với con: "Này gia chủ, đã từ lâu gia đình của ông như là giếng nước mưa nguồn cho các người Nigaṇṭha. Hãy cúng dường các món ăn cho những ai đến với các ông".
Bạch Thế Tôn, con nghe như sau: "Sa-môn Gotama đã nói: "Chỉ bố thí cho Ta, chớ bố thí cho các người khác. Chỉ bố thí cho các đệ tử Ta, chớ bố thí cho đệ tử những người khác. Chỉ bố thí cho Ta mới có phước lớn, bố thí những người khác không được phước lớn. Chỉ bố thí cho những đệ tử của Ta mới có phước lớn, bố thí cho những đệ tử của những người khác không có phước lớn". Nhưng Thế Tôn lại khuyến khích con bố thí cho các vị Nigaṇṭha. Bạch Thế Tôn, và chúng con ở đây sẽ biết thời nên làm. Bạch Thế Tôn, lần thứ ba, con xin quy y Thế Tôn, quy y Pháp và quy y chúng Tỷ-kheo Tăng. Mong Thế Tôn nhận con làm cư-sĩ, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.
18. Rồi Thế Tôn thuận thứ thuyết pháp cho gia chủ Upāli, tức là thuyết về bố thí, thuyết về giới, thuyết về các cõi trời, trình bày sự nguy hiểm, sự hạ liệt, sự nhiễm ô các dục lạc, những lợi ích của xuất ly. Khi Thế Tôn biết gia chủ Upāli tâm đã sẵn sàng, tâm đã nhu thuận, tâm không triền cái, tâm được phấn khởi, tâm được hoan hỷ, Ngài mới thuyết những pháp được chư Phật tán dương đề cao: Khổ, Tập, Diệt, Ðạo.
Cũng như một tấm vải thuần bạch, các chấm đen được gột rửa rất dễ thấm màu nhuộm, cũng vậy, chính tại chỗ ngồi ấy, pháp nhãn xa trần ly cấu khởi lên với gia chủ Upāli: "Phàm pháp gì được khởi lên, tất cả pháp ấy đều bị tiêu diệt". Rồi gia chủ Upāli, thấy pháp, chứng pháp, ngộ pháp, thể nhập vào pháp, nghi ngờ tiêu trừ, do dự diệt tận, đạt được vô sở úy, không y cứ người khác đối với các pháp bậc Ðạo sư. Gia chủ Upāli bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, nay chúng con phải đi, chúng con có nhiều công việc, có nhiều phận sự phải làm.
- Này gia chủ, ông hãy làm những gì ông nghĩ là hợp thời.
19. Rồi gia chủ Upāli hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Ngài, rồi đi về trú xá của mình, sau khi đến bèn nói với người giữ cửa như sau:
- Từ nay trở đi, này người gác cửa, ta sẽ đóng cửa đối với các nam Nigaṇṭha, các nữ Nigaṇṭha. Cửa sẽ không đóng đối với các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ni, nam cư-sĩ, nữ cư-sĩ của Thế Tôn. Nếu có vị Nigaṇṭha nào đến, ông hãy nói vị ấy như sau: "Tôn-giả hãy đứng lại, chớ bước vào! Từ nay trở đi, gia chủ Upāli đã trở thành đệ tử của Sa-môn Gotama. Cửa sẽ đóng đối với nam Nigaṇṭha, nữ Nigaṇṭha. Cửa sẽ không đóng đối với các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ni, nam cư-sĩ, nữ cư-sĩ của Thế Tôn. Nếu Tôn-giả cần đồ ăn, hãy đứng ở đây. Và có người sẽ đem ra ở đây cho Tôn-giả".
- Thưa vâng, Tôn-giả. - Người giữ cửa vâng đáp gia chủ Upāli.
20. Nigaṇṭha Dīghatapassī nghe như sau: "Gia chủ Upāli đã trở thành đệ tử của Sa-môn Gotama". Rồi Nigaṇṭha Dīghatapassī đi đến chỗ Nigaṇṭha Nāṭaputta ở, sau khi đến liền nói với Nigaṇṭha Nāṭaputta:
- Thưa Tôn-giả, tôi có nghe gia chủ Upāli đã trở thành đệ tử của Sa-môn Gotama.
- Này Tapassī, không thể có sự kiện, không thể có trường hợp gia chủ Upāli trở thành đệ tử của Sa-môn Gotama. Và có thể có sự kiện Sa-môn Gotama trở thành đệ tử của gia chủ Upāli.
Lần thứ hai... Lần thứ ba Nigaṇṭha Dīghatapassī nói với Nigaṇṭha Nāṭaputta:
- Thưa Tôn-giả, tôi có nghe gia chủ Upāli đã trở thành đệ tử của Sa-môn Gotama.
- Này Tapassī, không thể có sự kiện, không thể có trường hợp gia chủ Upāli trở thành đệ tử của Sa-môn Gotama. Có thể có sự kiện Sa-môn Gotama trở thành đệ tử của gia chủ Upāli.
- Thưa Tôn-giả, tôi sẽ đi và tìm biết gia chủ Upāli có trở thành đệ tử của Sa-môn Gotama hay không.
- Này Tapassī, hãy đi và tìm biết gia chủ Upāli có trở thành đệ tử của Sa-môn Gotama hay không.
21. Rồi Nigaṇṭha Dīghatapassī đi đến trú xá của gia chủ Upāli. Người giữ cửa thấy Nigaṇṭha Dīghatapassī ở đường xa đi đến, khi thấy vậy liền nói với Nigaṇṭha Dīghatapassī:
- Thưa Tôn-giả, hãy đứng ở đây, chớ có bước vào! Từ nay trở đi, gia chủ Upāli đã trở thành đệ tử của Sa-môn Gotama. Cửa sẽ đóng đối với nam Nigaṇṭha, nữ Nigaṇṭha. Cửa sẽ không đóng đối với các vị Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni, nam cư-sĩ, nữ cư-sĩ của Thế Tôn. Nếu Tôn-giả cần đồ ăn, hãy đứng ở đây. Có người sẽ đem ra ở đây cho Tôn-giả.
- Này Hiền-giả, ta không cần đồ ăn.
Nói xong, Nigaṇṭha Dīghatapassī đi trở lui, đến chỗ Nigaṇṭha Nāṭaputta ở, sau khi đến, liền thưa với Nigaṇṭha Nāṭaputta:
- Thưa Tôn-giả, sự thật là gia chủ Upāli đã trở thành đệ tử của Sa-môn Gotama. Về vấn đề này, tôi đã không đồng ý với Tôn-giả và đã nói: "Thưa Tôn-giả, tôi không được hài lòng để gia chủ Upāli luận chiến với Sa-môn Gotama. Thưa Tôn-giả, Sa-môn Gotama là một huyễn thuật sư, Sa-môn Gotama biết được huyễn thuật lôi cuốn những đệ tử các ngoại đạo". Thưa Tôn-giả, nay gia chủ Upāli của Tôn-giả đã bị huyễn thuật của Sa-môn Gotama lôi cuốn rồi.
- Này Tapassī, không thể có sự kiện, không thể có trường hợp gia chủ Upāli trở thành đệ tử của Sa-môn Gotama. Có thể có sự kiện Sa-môn Gotama trở thành đệ tử của gia chủ Upāli.
Lần thứ hai... Lần thứ ba, Nigaṇṭha Dīghatapassī nói với Nigaṇṭha Nāṭaputta:
- Thưa Tôn-giả, sự thật là gia chủ Upāli đã trở thành đệ tử của Sa-môn Gotama. Về vấn đề này, tôi đã không đồng ý với Tôn-giả và đã nói: "Thưa Tôn-giả, tôi không được hài lòng để gia chủ Upāli luận chiến với Sa-môn Gotama. Thưa Tôn-giả, Sa-môn Gotama là một huyễn thuật sư, Sa-môn Gotama biết được huyễn thuật lôi cuốn những đệ tử các ngoại đạo". Thưa Tôn-giả, nay gia chủ Upāli của Tôn-giả đã bị huyễn thuật của Sa-môn Gotama lôi cuốn rồi.
- Này Tapassī, không thể có sự kiện, không thể có trường hợp gia chủ Upāli trở thành đệ tử của Sa-môn Gotama. Có thể có sự kiện Sa-môn Gotama trở thành đệ tử của gia chủ Upāli. Này Tapassī, ta sẽ đi và tìm biết gia chủ Upāli đã trở thành đệ tử Sa-môn Gotama hay không.
22. Rồi Nigaṇṭha Nāṭaputta cùng với đại chúng Nigaṇṭha đi đến trú xá của gia chủ Upāli. Người giữ cửa thấy Nigaṇṭha Nāṭaputta từ xa đi đến, khi thấy vậy liền nói với Nigaṇṭha Nāṭaputta:
- Thưa Tôn-giả, hãy đứng ở đây, chớ có bước vào! Từ nay trở đi, gia chủ Upāli đã trở thành đệ tử của Sa-môn Gotama. Cửa sẽ đóng đối với các nam Nigaṇṭha, các nữ Nigaṇṭha. Cửa sẽ không đóng đối với các vị Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni, nam cư-sĩ, nữ cư-sĩ của Thế Tôn. Thưa Tôn-giả, nếu Tôn-giả cần các món ăn, hãy đứng ở đây. Có người sẽ đem ra ở đây cho Tôn-giả.
- Này người giữ cửa, hãy đi đến gia chủ Upāli, sau khi đến, hãy thưa với gia chủ như sau: "Thưa Tôn-giả, Nigaṇṭha Nāṭaputta cùng với đại chúng Nigaṇṭha đang đứng ở ngoài ngưỡng cửa và muốn yết kiến Tôn-giả".
- Thưa vâng, Tôn-giả. - Người giữ cửa vâng đáp Nigaṇṭha Nāṭaputta, đi đến gia chủ Upāli, sau khi đến liền thưa với gia chủ Upāli:
- Thưa Tôn-giả, có Nigaṇṭha Nāṭaputta cùng với đại chúng Nigaṇṭha đang đứng ở ngoài ngưỡng cửa và muốn yết kiến Tôn-giả.
- Này người giữ cửa, hãy vào soạn các chỗ ngồi trong căn phòng chính giữa có cửa.
- Thưa vâng, Tôn-giả.
Người giữ cửa vâng đáp gia chủ Upāli, sau khi cho vào soạn các chỗ ngồi trong căn phòng chính giữa có cửa, đi đến gia chủ Upāli, sau khi đến, liền nói với gia chủ Upāli:
- Thưa Tôn-giả, các chỗ ngồi trong căn phòng chính giữa có cửa đã được sửa soạn. Tôn-giả hãy làm những gì Tôn-giả nghĩ là phải thời.
23. Rồi gia chủ Upāli đi đến căn phòng chính giữa có cửa, sau khi đến tại chỗ ngồi nào là tối thượng, tối tôn, tối cao và tối thắng, sau khi ngồi trên chỗ ấy, liền bảo người gác cửa:
- Này người giữ cửa, hãy đi đến Nigaṇṭha Nāṭaputta: "Thưa Tôn-giả, gia chủ Upāli có nói: "Thưa Tôn-giả, nếu muốn, Tôn-giả hãy vào".
- Thưa vâng, Tôn-giả.
Người giữ cửa vâng đáp gia chủ Upāli, đi đến Nigaṇṭha Nāṭaputta, sau khi đến, liền nói với Nigaṇṭha Nāṭaputta:
- Thưa Tôn-giả, Gia chủ Upāli có nói: "Thưa Tôn-giả, nếu muốn, Tôn-giả hãy vào".
24. Rồi Nigaṇṭha Nāṭaputta với đại chúng Nigaṇṭha đi đến căn phòng ở giữa có cửa.
Gia chủ Upāli lúc trước mỗi khi thấy Nigaṇṭha Nāṭaputta từ xa đi đến, sau khi thấy liền đi ra nghinh tiếp vào tại chỗ nào có chỗ ngồi tối thượng, tối tôn, tối cao và tối thắng, liền lấy thượng y lau chỗ ngồi ấy, giữ lấy và mời Nigaṇṭha Nāṭaputta ngồi trên chỗ ngồi ấy. Nhưng tại chỗ có chỗ ngồi tối thượng, tối tôn, tối cao và tối thắng, gia chủ Upāli lại ngồi trên chỗ ngồi ấy và nói với Nigaṇṭha Nāṭaputta:
- Thưa Tôn-giả, có những chỗ ngồi. Nếu muốn, Tôn-giả hãy ngồi.
25. Khi nghe nói vậy, Nigaṇṭha Nāṭaputta nói với gia chủ Upāli:
- Này gia chủ, ông thật là điên cuồng. Này gia chủ, ông thật là ngu si. Ông đã nói: "Thưa Tôn-giả, tôi sẽ đi luận chiến với Sa-môn Gotama". Sau khi đi, ông đã trở về bị trói buộc trong lưới lớn luận nghị. Này gia chủ, ví như người đi với hai cao hoàn, đi về với cao hoàn bị thiến. Này gia chủ, như người đi với hai con mắt, đi về với hai con mắt bị khoét. Cũng vậy, này gia chủ, ông đã nói: "Thưa Tôn-giả, con sẽ đi luận chiến với Sa-môn Gotama, sau khi đi đã trở về bị trói buộc trong lưới lớn luận nghị". Này gia chủ, ông đã bị huyễn thuật của Sa-môn Gotama lôi cuốn rồi.
26. - Thưa Tôn-giả, vi diệu thay, huyễn thuật lôi cuốn này! Tốt lành thay, huyễn thuật lôi cuốn này! Thưa Tôn-giả, nếu bà con huyết thống thân yêu của tôi được huyễn thuật này lôi cuốn, thời thật là an lạc, hạnh phúc lâu dài cho các bà con huyết thống của tôi. Thưa Tôn-giả, nếu tất cả các người Sát-đế-lỵ (Khattiya) được huyễn thuật này lôi cuốn, thời thật là an lạc hạnh phúc lâu dài cho tất cả các vị Sát-đế-lỵ. Thưa Tôn-giả, nếu tất cả các người Bà-la-môn (Brāhmaṇa) được huyễn thuật này lôi cuốn, thời thật là an lạc hạnh phúc lâu dài cho tất cả các vị Bà-la-môn. Nếu tất cả các người Vessa (Phệ-xá) được huyễn thuật này lôi cuốn, thời thật là an lạc hạnh phúc lâu dài cho tất cả các vị Vessa. Nếu tất cả các người Sudda (Thủ-đà) được huyễn thuật này lôi cuốn, thời thật là an lạc, và hạnh phúc lâu dài cho tất cả các người Sudda.
Thưa Tôn-giả, nếu thế giới với chư Thiên (Deva), chư Ma (Māra), chư Phạm thiên (Brahma), với chúng Sa-môn (Samaṇa) và Bà-la-môn (Brāhmaṇa) với chư Thiên và loài Người (Manussa) được huyễn thuật này lôi cuốn, thời như vậy là an lạc, hạnh phúc lâu dài cho thế giới với chư Thiên, chư Ma, chư Phạm thiên, với chúng Sa-môn và Bà-la-môn, với chư Thiên và loài Người. Thưa Tôn-giả, tôi sẽ nói cho Tôn-giả ví dụ này. Ở đây, những người có trí nhờ ví dụ sẽ biết rõ ý nghĩa của lời nói.
27. Thưa Tôn-giả, thuở xưa có người Bà-la-môn đã về già, tuổi đã lớn, bậc trưởng lão, có người vợ còn trẻ, trong tuổi thanh xuân, (người vợ này) đang mang thai, sắp đến kỳ sinh nở. Thưa Tôn-giả, người vợ trẻ nói với người Bà-la-môn: "Này Bà-la-môn, hãy đi ra phố mua một con khỉ con đực để cùng chơi với con tôi". Thưa Tôn-giả, được nói vậy, người Bà-la-môn nói với cô vợ trẻ: "Này mình, hãy chờ cho đến khi mình sanh. Nếu mình sanh con trai, tôi sẽ đi chợ mua một con khỉ con đực mang về để cùng chơi với đứa con trai của mình. Còn nếu mình sanh con gái, tôi sẽ đi chợ mua một con khỉ con cái và mang về để cùng chơi với đứa con gái của mình".
Thưa Tôn-giả, lần thứ hai, người vợ trẻ nói với người Bà-la-môn ấy: "Này Bà-la-môn, hãy đi ra phố mua một con khỉ con đực để cùng chơi với con tôi". Thưa Tôn-giả, lần thứ hai, người Bà-la-môn ấy nói với cô vợ trẻ: "Này mình, hãy chờ cho đến khi mình sanh. Nếu mình sanh con trai, tôi sẽ đi chợ mua một con khỉ con đực mang về để cùng chơi với đứa con trai của mình. Còn nếu mình sanh con gái, tôi sẽ đi chợ mua một con khỉ con cái và mang về để cùng chơi với đứa con gái của mình".
Thưa Tôn-giả, lần thứ ba, người vợ trẻ nói với người Bà-la-môn ấy: "Này Bà-la-môn, hãy đi ra phố mua một con khỉ con đực để cùng chơi với con tôi". Thưa Tôn-giả, người Bà-la-môn ấy vì quá yêu thương, quá ái luyến cô vợ trẻ của mình nên đi chợ mua một con khỉ đực, đem về và nói với cô vợ trẻ: "Này mình, đây là con khỉ con đực, tôi mua ở chợ và mang về, hãy để nó cùng chơi với con của mình".
Thưa Tôn-giả, khi nghe nói vậy cô vợ trẻ ấy nói với người Bà-la-môn: "Này Bà-la-môn hãy đi, đem con khỉ con đực này đến Rattapāṇi, con người thợ nhuộm, sau khi đến hãy nói với Rattapāṇi, con người thợ nhuộm: "Này bạn Rattapāṇi, tôi muốn con khỉ đực này được nhuộm với màu vàng, được khéo đập, khéo ủi xung quanh và cả hai phía được làm thành mềm dịu".
Thưa Tôn-giả, người Bà-la-môn ấy vì quá yêu thương, quá ái luyến cô vợ trẻ của mình, nên đã đem con khỉ con đực này đi đến Rattapāṇi, con người thợ nhuộm, khi đến xong liền nói với Rattapāṇi, con người thợ nhuộm: "Này bạn Rattapāṇi, tôi muốn con khỉ đực này được nhuộm màu vàng, được khéo đập, khéo ủi xung quanh, và cả hai phía được làm thành mềm dịu".
Thưa Tôn-giả, được nói vậy, Rattapāṇi, con người thợ nhuộm nói với người Bà-la-môn kia: "Này Tôn-giả, con khỉ con đực này có thể nhuộm được, nhưng không có thể đập được, ủi được, không có thể làm thành mềm dịu". Cũng vậy, thưa Tôn-giả, là lý thuyết của những Nigaṇṭha ngu si, lý thuyết này có thể ăn nhuộm đối với những người ngu si, chớ không ăn nhuộm đối với người có trí.
Thưa Tôn-giả, người Bà-la-môn ấy, sau một thời gian, lấy một cặp áo mới, đi đến chỗ Rattapāṇi, con người thợ nhuộm, sau khi đến, nói với Rattapāṇi, con người thợ nhuộm: "Này Rattapāṇi, tôi muốn nhuộm cặp áo mới này với màu nhuộm màu vàng, được đập và ủi xung quanh, và cả hai phía được làm thành mềm dịu".
Thưa Tôn-giả, được nói vậy, Rattapāṇi, con người thợ nhuộm, nói với người Bà-la-môn ấy: "Thưa Tôn-giả, cặp áo mới này của Tôn-giả có thể nhuộm được, có thể đập và ủi xung quanh và có thể làm thành mềm dịu". Cũng vậy, thưa Tôn-giả, là lý thuyết của Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, có thể ăn nhuộm đối với người có trí, không phải đối với người ngu si, có thể đập được, ủi được, và có thể khiến trở thành mềm dịu".
28. - Này gia chủ, quần chúng này gồm cả các vua chưa được biết như sau: "Gia chủ Upāli là đệ tử của Nigaṇṭha Nāṭaputta". Này gia chủ, nay chúng tôi xem gia chủ là đệ tử của ai?
29. Ðược nói vậy, gia chủ Upāli từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp thượng y qua một bên vai, chắp tay vái chào về hướng Thế Tôn và nói với Nigaṇṭha Nāṭaputta:
- Thưa Tôn-giả, hãy nghe, tôi là đệ tử của ai:
Bậc Trí sáng suốt,
Ðoạn trừ si ám,
Phá tan hoang vu,
Chiến thắng địch quân,
Ðau khổ đoạn diệt,
Tâm an, bình tĩnh,
Giới đức trưởng thành,
Tuệ đức viên minh,
Phiền não nội tịnh,
Rời trần ly cấu,
Tôi thật chính là,
Ðệ tử Thế Tôn
.
Do dự đoạn trừ,
Biết vừa, biết đủ,
Thế lợi tuyệt không,
Tâm tư hoan hỷ,
Làm Sa-môn hạnh,
Sanh ở nhân gian,
Thân này sau cùng,
Làm người nhân thế,
Bậc Thánh cao nhất,
Rời trần, ly cấu,
Tôi thật chính là,
Ðệ tử Thế Tôn.
Không (có) tâm do dự,
Khéo hành thiện xảo,
Bậc trì giới luật,
Ðiều ngự tối thượng,
Là Vô Thượng Sĩ,
Sáng chói hào quang,
Nghi hoặc đoạn trừ,
Soi sáng mọi nơi,
Kiêu mạn đoạn tận,
Vô nhân anh hùng,
Tôi thật chính là,
Ðệ tử Thế Tôn.
Ngài bậc Ngưu Vương,
Tâm tư vô lượng,
Thâm sâu khôn lường,
Bậc thánh Mâu-ni,
Tác thành an ổn,
Bậc có Trí tuệ,
An trú Pháp vị,
Tự phòng hộ thân,
Vượt qua tham ái,
Bậc Giải Thoát Trí,
Tôi thật chính là,
Ðệ tử Thế Tôn.
Ngài bậc Long Vương,
Sống xa thế tục,
Kiết sử đoạn trừ,
Siêu đẳng giải thoát,
Biện tài, từ tốn,
Trong sạch, thanh tịnh,
Cờ xí triệt hạ,
Tham ái đoạn trừ,
Ðiều ngự nhiếp phục,
Hý luận diệt tận,
Tôi thật chính là,
Ðệ tử Thế Tôn,
Ðệ nhất tiên nhân,
Không tin lời đồn,
Ba minh thành tựu,
Ðạt quả Phạm thiên,
Tắm sạch thân, tâm,
Văn cú thông đạt,
Khinh an, yên ổn,
Chánh trí chứng đắc,
Công phá thành trì,
(Của) Thiên chủ Ðế thích,
Tôi chính thật là,
Ðệ tử Thế Tôn.
Ngài bậc Thắng Giả,
Tự tu, tự tập,
Chứng điều phải chứng,
Thuyết giảng hiện tại,
Chánh niệm tỉnh giác,
Thiền quán tinh tế
Không thiên tà dục,
Không nuôi sân hận,
Dao động không còn,
Thân, tâm tự tại,
Tôi chính thật là
Ðệ tử Thế Tôn.
Sống theo chánh đạo,
Trầm tư Thiền tưởng,
Nội tâm không nhiễm,
Thanh tịnh, trong sạch,
Không có chấp trước,
Không có nguyện cầu,
Ðộc cư, độc tọa,
Chứng tối thượng vị,
Ðã vượt qua dòng,
Giúp người vượt qua,
Tôi thật chính là,
Ðệ tử Thế Tôn.
Bậc chứng tịch tịnh,
Trí tuệ vô biên,
Trí tuệ quảng đại,
Tham ái đoạn tận,
Ngài là Như Lai,
Ngài là Thiện Thệ,
Không người sánh bằng,
Không ai đồng đẳng,
Giàu đức tự tin,
Viên mãn thành tựu,
Tôi thật chính là,
Ðệ tử Thế Tôn.
Tham ái đoạn tận,
Giác ngộ Chánh Giác,
Khói mù tiêu tan,
Ô uế trừ sạch,
Xứng đáng cúng dường,
Dạ-xoa thanh tịnh,
Vô thượng Thánh nhân,
Không thể cân lường,
Ðại nhân Ðại giác,
Ðạt đến danh xưng,
Tôi thật chính là,
Ðệ tử Thế Tôn.
30. - Này gia chủ, ông chất chứa những ưu điểm này về Sa-môn Gotama từ bao giờ?
- Thưa Tôn-giả, ví như một đống hoa, có nhiều loại khác nhau, người làm vòng hoa thiện xảo hay người đệ tử làm vòng hoa có thể kết thành một vòng hoa có những loại hoa sai biệt. Cũng vậy, thưa Tôn-giả, Thế Tôn có nhiều đức tánh, có hàng trăm đức tánh. Thưa Tôn-giả, và ai lại không tán thán những bậc đáng tán thán!
31. Vì Nigaṇṭha Nāṭaputta không thể nghe lời tán thán Thế Tôn, nên ngay tại chỗ ấy đã thổ ra huyết nóng.


No comments:

Post a Comment