Sunday, July 27, 2014

MN 135 – Kinh Tiểu Nghiệp Phân Biệt (các loài hữu tình là Chủ nhân của Nghiệp)

MN 135 – Kinh Tiểu Nghiệp Phân Biệt
(Cūḷakammavibhaṅgasutta)- Kinh Trung Bộ số 135

1. Như vầy tôi nghe. Một thời, Thế Tôn ở Sāvatthī (Xá-vệ) Jetavana (Kỳ-đà-lâm), tại tịnh-xá ông Anāthapiṇḍika (Cấp Cô Ðộc).
2. Rồi thanh niên Subha Todeyyaputta đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm; sau khi nói lên những lời chào hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, thanh niên Subha Todeyyaputta bạch Thế Tôn:
3. - Thưa Tôn-giả Gotama, do nhân gì, do duyên gì giữa loài Người với nhau, khi họ là loài Người, lại thấy có người liệt, có người ưu?
Thưa Tôn-giả Gotama, chúng tôi thấy có người đoản thọ, có người trường thọ; chúng tôi thấy có người nhiều bệnh, có người ít bệnh; chúng tôi thấy có người xấu sắc, có người đẹp sắc; chúng tôi thấy có người quyền thế nhỏ, có người quyền thế lớn; chúng tôi thấy có người tài sản nhỏ, có người tài sản lớn; chúng tôi thấy có người thuộc gia đình hạ liệt, có người thuộc gia đình cao quý; chúng tôi thấy có người trí tuệ yếu kém, có người có đầy đủ trí tuệ.
Thưa Tôn-giả Gotama, do nhân gì, do duyên gì, giữa loài Người với nhau, khi họ là loài Người, lại thấy có người liệt, có người ưu?
4. - Này thanh niên, các loài hữu tình là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp. Nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa, nghiệp phân chia các loài hữu tình; nghĩa là có liệt, có ưu.
- Tôi không hiểu nghĩa một cách rộng rãi điều mà Tôn-giả Gotama nói một cách vắn tắt, không có giải nghĩa rộng rãi. Lành thay, nếu Tôn-giả Gotama thuyết pháp cho tôi để tôi có thể hiểu nghĩa một cách rộng rãi điều mà Tôn-giả Gotama nói một cách vắn tắt, không có giải nghĩa rộng rãi.
- Vậy này thanh niên, hãy nghe và suy nghiệm kỹ, Ta sẽ nói.
- Thưa vâng, Tôn-giả.
Thanh niên Subha Todeyyaputta vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:
5. - Ở đây, này thanh niên, có người đàn bà hay người đàn ông, sát sanh, tàn nhẫn, tay lấm máu, tâm chuyên sát hại đả thương, tâm không từ bi đối với các loại chúng sanh. Do nghiệp ấy, thành đạt như vậy, thành tựu như vậy, sau khi thân hoại mạng chung, bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Nếu sau khi thân hoại mạng chung, người ấy không sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục, nếu được đi đến loài Người, chỗ nào người ấy sanh ra, người ấy phải đoản mạng. Con đường ấy đưa đến đoản mạng, này thanh niên, tức là sát sanh, tàn nhẫn, tay lấm máu, tâm chuyên sát hại đả thương, tâm không từ bi đối với các loài hữu tình.
6. Nhưng ở đây, này thanh niên, có người đàn bà hay đàn ông, từ bỏ sát sanh, tránh xa sát sanh, bỏ trượng, bỏ kiếm, biết tàm quý, có lòng từ, sống thương xót đến hạnh phúc tất cả chúng sanh và loài hữu tình. Do nghiệp ấy, thành đạt như vậy, thành tựu như vậy, sau khi thân hoại mạng chung, người ấy được sanh vào thiện thú, Thiên giới, cõi đời này. Nếu sau khi thân hoại mạng chung, người ấy không sanh vào thiện thú, Thiên giới, cõi đời này, nếu người ấy đi đến loài Người, chỗ nào người ấy sanh ra, người ấy được trường thọ. Con đường ấy đưa đến trường thọ, này thanh niên, tức là từ bỏ sát sanh, tránh xa sát sanh, bỏ trượng, bỏ kiếm, biết tàm quý, có lòng từ, sống thương xót đến hạnh phúc tất cả chúng sanh và loài hữu tình.
7. Ở đây, này thanh niên, có người đàn bà hay người đàn ông, tánh hay não hại các loài hữu tình, với tay, hay với cục đất, hay với cây gậy, hay với cây đao. Do nghiệp ấy, thành đạt như vậy, thành tựu như vậy, sau khi thân hoại mạng chung, người ấy sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Nếu sau khi thân hoại mạng chung, người ấy không sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục, nếu người ấy đi đến loài Người, chỗ nào người ấy sanh ra, người ấy phải bị nhiều bệnh hoạn. Con đường ấy đưa đến nhiều bệnh hoạn, này thanh niên, tức là tánh hay não hại các loài hữu tình với tay, hay với cục đất, hay với cây gậy, hay với cây đao.
8. Nhưng ở đây, này thanh niên, có người đàn bà hay người đàn ông, tánh không hay não hại các loài hữu tình, với tay, hay với cục đất, hay với cây gậy, hay với cây đao. Do nghiệp ấy, thành đạt như vậy, thành tựu như vậy, sau khi thân hoại mạng chung, người ấy được được sanh vào thiện thú, Thiên giới, cõi đời này. Nếu sau khi thân hoại mạng chung, người ấy không sanh vào thiện thú, Thiên giới, cõi đời này, nếu người ấy đi đến loài Người, chỗ nào người ấy sanh ra, người ấy được ít bệnh hoạn. Con đường ấy đưa đến ít bệnh hoạn, này thanh niên, tức là tánh không hay não hại các loài hữu tình, với tay, hay với cục đất, hay với cây gậy, hay với cây đao.
9. Ở đây, này thanh niên, có người đàn bà hay người đàn ông, phẫn nộ, nhiều phật ý, bị nói đến một chút thời bất bình, phẫn nộ, sân hận, chống đối, và tỏ lộ phẫn nộ, sân hận, bất mãn. Do nghiệp ấy, thành đạt như vậy, thành tựu như vậy, sau khi thân hoại mạng chung, bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Nếu sau khi thân hoại mạng chung, người ấy không sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục, nếu được đi đến loài Người, chỗ nào người ấy sanh ra, người ấy phải xấu sắc. Con đường ấy đưa đến xấu sắc, này thanh niên, tức là phẫn nộ, nhiều phật ý, bị nói đến một chút thời bất bình, phẫn nộ, sân hận, chống đối, và tỏ lộ phẫn nộ, sân hận, bất mãn.
10. Ở đây, này thanh niên, có người đàn bà hay người đàn ông, không phẫn nộ, không nhiều phật ý, dầu cho bị nói đến nhiều, cũng không bất bình, phẫn nộ, sân hận, chống đối, và không tỏ lộ phẫn nộ, sân hận, bất mãn. Do nghiệp ấy, thành đạt như vậy, thành tựu như vậy, sau khi thân hoại mạng chung, người ấy được được sanh vào thiện thú, Thiên giới, cõi đời này. Nếu sau khi thân hoại mạng chung, người ấy không sanh vào thiện thú, Thiên giới, cõi đời này, nếu người ấy đi đến loài Người, chỗ nào người ấy sanh ra, người ấy được đẹp sắc (pāsādika: hoan hỷ). Con đường ấy đưa đến đẹp sắc, này thanh niên, tức là không phẫn nộ, không nhiều phật ý, dầu cho bị nói đến nhiều, cũng không bất bình, phẫn nộ, sân hận, chống đối, và không tỏ lộ phẫn nộ, sân hận, bất mãn.
11. Ở đây, này thanh niên, có người đàn bà hay người đàn ông, tật đố, đối với người khác được quyền lợi, được tôn trọng, cung kính, tôn sùng, đảnh lễ, cúng dường, sanh tật đố, sanh tâm, ôm ấp tâm tật đố. Do nghiệp ấy, thành đạt như vậy, thành tựu như vậy, sau khi thân hoại mạng chung, bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Nếu sau khi thân hoại mạng chung, người ấy không sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục, nếu được đi đến loài Người, chỗ nào người ấy sanh ra, người ấy phải quyền thế nhỏ. Con đường ấy đưa đến quyền thế nhỏ, này thanh niên, tức là tật đố, đối với người khác được quyền lợi, được tôn trọng, cung kính, tôn sùng, đảnh lễ, cúng dường, sanh tật đố, sanh tâm, ôm ấp tâm tật đố.
12. Nhưng ở đây, này thanh niên, có người đàn bà hay người đàn ông, không có tật đố, đối với những người khác được quyền lợi, được tôn trọng, cung kính, tôn sùng, đảnh lễ, cúng dường, không sanh tật đố, không sanh tâm, không ôm ấp tâm tật đố. Do nghiệp ấy, thành đạt như vậy, thành tựu như vậy, sau khi thân hoại mạng chung, người ấy được được sanh vào thiện thú, Thiên giới, cõi đời này. Nếu sau khi thân hoại mạng chung, người ấy không sanh vào thiện thú, Thiên giới, cõi đời này, nếu người ấy đi đến loài Người, chỗ nào người ấy sanh ra, người ấy được quyền thế lớn. Con đường ấy đưa đến quyền thế lớn, này thanh niên, tức là không có tật đố, đối với những người khác được quyền lợi, được tôn trọng, cung kính, tôn sùng, đảnh lễ, cúng dường, không sanh tật đố, không sanh tâm, không ôm ấp tâm tật đố.
13. Ở đây, này thanh niên, có người đàn bà hay người đàn ông, không bố thí cho Sa-môn hay Bà-la-môn các đồ ăn uống, y phục, xe cộ, vòng hoa, hương liệu, phấn sáp, ngọa cụ, nhà cửa, đèn đuốc. Do nghiệp ấy, thành đạt như vậy, thành tựu như vậy, sau khi thân hoại mạng chung, bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Nếu sau khi thân hoại mạng chung, người ấy không sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục, nếu được đi đến loài Người, chỗ nào người ấy sanh ra, người ấy phải tài sản nhỏ. Con đường đưa đến tài sản nhỏ, này thanh niên, tức là không bố thí cho Sa-môn hay Bà-la-môn các đồ ăn uống, y phục, xe cộ, vòng hoa, hương liệu, phấn sáp, ngọa cụ, nhà cửa, đèn đuốc.
14. Nhưng ở đây, này thanh niên, có người đàn bà hay người đàn ông có bố thí cho Sa-môn hay cho Bà-la-môn các đồ ăn uống, y phục, xe cộ, vòng hoa, hương liệu, phấn sáp, ngọa cụ, nhà cửa, đèn đuốc. Do nghiệp ấy, thành đạt như vậy, thành tựu như vậy, sau khi thân hoại mạng chung, người ấy được được sanh vào thiện thú, Thiên giới, cõi đời này. Nếu sau khi thân hoại mạng chung, người ấy không sanh vào thiện thú, Thiên giới, cõi đời này, nếu người ấy đi đến loài Người, chỗ nào người ấy sanh ra, người ấy được nhiều tài sản. Con đường đưa đến nhiều tài sản, này thanh niên, tức là có bố thí cho Sa-môn hay cho Bà-la-môn các đồ ăn uống, y phục, xe cộ, vòng hoa, hương liệu, phấn sáp, ngọa cụ, nhà cửa, đèn đuốc.
15. Ở đây, này thanh niên, có người đàn bà hay người đàn ông ngạo nghễ, kiêu mạn, không đảnh lễ những người đáng đảnh lễ, không đứng dậy đối với người đáng đứng dậy, không mời ngồi những người đáng mời ngồi, không nhường chỗ đi cho những người đáng được nhường chỗ đi, không tôn trọng những người đáng tôn trọng, không cung kính những người đáng cung kính, không cúng dường những người đáng cúng dường. Do nghiệp ấy, thành đạt như vậy, thành tựu như vậy, sau khi thân hoại mạng chung, bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Nếu sau khi thân hoại mạng chung, người ấy không sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục, nếu được đi đến loài Người, chỗ nào người ấy sanh ra, người ấy phải sanh thuộc gia đình hạ liệt. Con đường đưa đến gia đình hạ liệt, này thanh niên, tức là ngạo nghễ, kiêu mạn, không đảnh lễ những người đáng đảnh lễ, không đứng dậy đối với người đáng đứng dậy, không mời ngồi những người đáng mời ngồi, không nhường chỗ đi cho những người đáng được nhường chỗ đi, không tôn trọng những người đáng tôn trọng, không cung kính những người đáng cung kính, không cúng dường những người đáng cúng dường.
16. Nhưng ở đây, này thanh niên, có người đàn bà hay người đàn ông không có ngạo nghễ quá mạn, đảnh lễ những người đáng đảnh lễ, đứng dậy đối với người đáng đứng dậy, mời ngồi những người đáng mời ngồi, nhường chỗ đi cho những người đáng được nhường chỗ đi, tôn trọng những người đáng tôn trọng, cung kính những người đáng cung kính, cúng dường những người đáng cúng dường. Do nghiệp ấy, thành đạt như vậy, thành tựu như vậy, sau khi thân hoại mạng chung, người ấy được được sanh vào thiện thú, Thiên giới, cõi đời này. Nếu sau khi thân hoại mạng chung, người ấy không sanh vào thiện thú, Thiên giới, cõi đời này, nếu người ấy đi đến loài Người, chỗ nào người ấy sanh ra, người ấy được sanh vào gia đình cao quý. Con đường đưa đến gia đình cao quý, này thanh niên, tức là không có ngạo nghễ quá mạn, đảnh lễ những người đáng đảnh lễ, đứng dậy đối với người đáng đứng dậy, mời ngồi những người đáng mời ngồi, nhường chỗ đi cho những người đáng được nhường chỗ đi, tôn trọng những người đáng tôn trọng, cung kính những người đáng cung kính, cúng dường những người đáng cúng dường.
17. Ở đây, này thanh niên, có người đàn bà hay người đàn ông, sau khi đi đến Sa-môn hay Bà-la-môn, không hỏi: "Thưa Tôn-giả, thế nào là thiện? Thế nào là bất thiện? Thế nào là phạm tội? Thế nào là không phạm tội? Thế nào là cần phải thực hành? Thế nào là không cần phải thực hành? Tôi đã làm gì để phải không lợi ích và đau khổ lâu dài? Hay tôi đã làm gì để được lợi ích và an lạc lâu dài?" Do nghiệp ấy, thành đạt như vậy, thành tựu như vậy, sau khi thân hoại mạng chung, bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Nếu sau khi thân hoại mạng chung, người ấy không sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục, nếu được đi đến loài Người, chỗ nào người ấy sanh ra, người ấy phải trí tuệ yếu kém. Con đường đưa đến trí tuệ yếu kém, này thanh niên, tức là sau khi đi đến Sa-môn hay Bà-la-môn, không hỏi: "Thưa Tôn-giả, thế nào là thiện? Thế nào là bất thiện? Thế nào là phạm tội? Thế nào là không phạm tội? Thế nào là cần phải thực hành? Thế nào là không cần phải thực hành? Tôi đã làm gì để phải không lợi ích và đau khổ lâu dài? Hay tôi đã làm gì để được lợi ích và an lạc lâu dài?"
18. Nhưng ở đây, này thanh niên, có người đàn bà hay người đàn ông, sau khi đến Sa-môn hay Bà-la-môn, có hỏi: "Thưa Tôn-giả, thế nào là thiện? Thế nào là bất thiện? Thế nào là phạm tội? Thế nào là không phạm tội? Thế nào là cần phải thực hành? Thế nào là không cần phải thực hành? Tôi đã làm gì để phải không lợi ích và đau khổ lâu dài? Hay tôi đã làm gì để được lợi ích và an lạc lâu dài?" Do nghiệp ấy, thành đạt như vậy, thành tựu như vậy, sau khi thân hoại mạng chung, người ấy được được sanh vào thiện thú, Thiên giới, cõi đời này. Nếu sau khi thân hoại mạng chung, người ấy không sanh vào thiện thú, Thiên giới, cõi đời này, nếu người ấy đi đến loài Người, chỗ nào người ấy sanh ra, người ấy được đầy đủ trí tuệ. Con đường đưa đến đầy đủ trí tuệ, này thanh niên, tức là sau khi đến Sa-môn hay Bà-la-môn, có hỏi: "Thưa Tôn-giả, thế nào là thiện? Thế nào là bất thiện? Thế nào là phạm tội? Thế nào là không phạm tội? Thế nào là cần phải thực hành? Thế nào là không cần phải thực hành? Tôi đã làm gì để phải không lợi ích và đau khổ lâu dài? Hay tôi đã làm gì để được lợi ích và an lạc lâu dài?"
19. Ở đây, này thanh niên, (đây là – người hiệu đính) con đường đưa đến đoản thọ, dẫn đến đoản thọ; (đây là) con đường đưa đến trường thọ, dẫn đến trường thọ; (đây là) con đường đưa đến nhiều bệnh, dẫn đến nhiều bệnh; (đây là) con đường đưa đến ít bệnh, dẫn đến ít bệnh; (đây là) con đường đưa đến xấu sắc, dẫn đến xấu sắc; (đây là) con đường đưa đến đẹp sắc, dẫn đến đẹp sắc; (đây là) con đường đưa đến quyền thế nhỏ, dẫn đến quyền thế nhỏ; (đây là) con đường đưa đến quyền thế lớn dẫn đến quyền thế lớn; (đây là) con đường đưa đến tài sản nhỏ, dẫn đến tài sản nhỏ; (đây là) con đường đưa đến tài sản lớn, dẫn đến tài sản lớn; (đây là) con đường đưa đến gia đình hạ liệt, dẫn đến gia đình hạ liệt; (đây là) con đường đưa đến gia đình cao quý, dẫn đến gia đình cao quý; (đây là) con đường đưa đến trí tuệ yếu kém, dẫn đến trí tuệ yếu kém; (đây là) con đường đưa đến đầy đủ trí tuệ, dẫn đến trí tuệ đầy đủ.
20. Này thanh niên, các loài hữu tình là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp. Nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa, nghiệp phân chia các loài hữu tình; nghĩa là có liệt, có ưu.
21. Khi nghe nói vậy, thanh niên Subha Todeyyaputta nói với Thế Tôn:
- Thật vi diệu thay, thưa Tôn-giả Gotama! Thật vi diệu thay, thưa Tôn-giả Gotama! Như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày những gì bị che kín, chỉ đường cho những người bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, Chánh pháp đã được Tôn-giả Gotama dùng nhiều phương tiện trình bày giải thích. Con nay xin quy y Tôn-giả Gotama, quy y Pháp và quy y chúng Tỷ-kheo Tăng. Mong Tôn-giả Gotama nhận con làm đệ tử, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.


No comments:

Post a Comment