Với Chi Tiết: Vitthārasuttaṃ (Kinh Tăng Chi Bộ)
1. Có bốn nghiệp này, này các Tỷ-kheo, đã được Ta chứng ngộ
với thắng trí và thuyết giảng. Thế nào là bốn?
· Này các Tỷ-kheo, có nghiệp đen quả đen;
· này các Tỷ-kheo, có nghiệp trắng quả trắng;
· này các Tỷ-kheo, có nghiệp đen trắng, quả đen trắng;
· này các Tỷ-kheo, có nghiệp không đen không trắng, quả không đen không
trắng, nghiệp đưa đến nghiệp đoạn diệt.
2. Và này các Tỷ-kheo,
thế nào là nghiệp đen quả đen?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người làm thân
hành có tổn hại, làm khẩu
hành có tổn hại, làm ý hành có
tổn hại. Người ấy, do làm thân hành có tổn hại, do làm khẩu hành có tổn hại, do
làm ý hành có tổn hại, sanh ra ở thế giới có tổn hại. Do
người ấy sanh ra ở thế giới có tổn hại, các cảm xúc có tổn hại được cảm xúc. Người ấy
được cảm xúc với những cảm xúc có tổn hại, nên cảm thọ những cảm thọ có tổn hại, thuần
nhất khổ, như những chúng sanh trong địa ngục. Này các Tỷ-kheo,
đây gọi là nghiệp đen quả đen.
3. Và này các Tỷ-kheo,
thế nào là nghiệp trắng quả trắng?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người làm thân
hành không có tổn hại, làm khẩu hành không có tổn hại, làm ý hành không có tổn hại. Người ấy, do làm thân
hành không có tổn hại, do làm khẩu hành không có tổn hại, do làm ý hành không
có tổn hại, sanh ra ở thế giới không có tổn hại. Do người ấy sanh ra ở thế giới
không có tổn hại, các cảm xúc không có tổn hại được cảm xúc. Người ấy được cảm
xúc với những cảm xúc không có tổn hại, nên cảm thọ những cảm thọ không có tổn
hại, thuần nhất lạc, như chư Thiên ở Biến Tịnh Thiên. Này các
Tỷ-kheo, đây gọi là nghiệp trắng quả trắng.
4. Và này các Tỷ-kheo,
thế nào là nghiệp đen trắng quả đen
trắng?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người làm thân
hành có tổn hại và không tổn hại, làm khẩu hành có tổn hại và không
tổn hại, làm ý hành có tổn hại
và không tổn hại. Người ấy, do làm thân hành có tổn hại và không tổn
hại, do làm khẩu hành có tổn hại và không tổn hại, do làm ý hành có tổn hại và
không tổn hại, sanh ra ở thế giới có tổn hại và không tổn hại. Do người ấy sanh
ra ở thế giới có tổn hại và không tổn hại, các cảm xúc có tổn hại và không tổn
hại được cảm xúc. Người ấy được cảm xúc với những cảm xúc có tổn hại và không tổn hại, nên
cảm thọ những cảm thọ có tổn hại và không tổn hại, xen lẫn, pha trộn lạc và khổ. Ví như một số người
và chư Thiên, một số chúng sanh ở các đọa xứ. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là nghiệp đen trắng quả đen trắng.
5. Và này các Tỷ-kheo,
thế nào là nghiệp không đen không
trắng quả không đen không trắng, nghiệp đưa đến đoạn diệt?[*]
Tại đấy, này các Tỷ-kheo, phàm có tư
tâm sở nào để đoạn tận nghiệp đen quả đen này; phàm có tư tâm sở nào để đoạn tận nghiệp
trắng quả trắng này; phàm có tư
tâm sở nào để đoạn tận nghiệp đen trắng quả đen trắng này;
này các Tỷ-kheo, đây được gọi là nghiệp không đen không trắng quả không đen
không trắng, nghiệp đưa đến đoạn diệt. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là nghiệp không
đen không trắng quả không đen không trắng, nghiệp đưa đến đoạn diệt.
6. Này các Tỷ-kheo, có bốn nghiệp này đã được Ta chứng ngộ
với thắng trí và thuyết giảng.
[*] Trích kinh Thánh
Ðạo: Ariyamaggasuttaṃ -
Tăng Chi Bộ
5.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là nghiệp
không đen không trắng, quả không đen không trắng, nghiệp đưa đến đoạn diệt?
Ðây
là Chánh tri kiến, Chánh tư duy, Chánh
ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định. Này
các Tỷ-kheo, đây là nghiệp không đen không trắng, quả không đen không trắng,
nghiệp đưa đến nghiệp đoạn diệt.
Trích
kinh Giác Chi: Bojjhaṅgasuttaṃ - Tăng Chi Bộ
5.
Này các Tỷ-kheo, thế nào là nghiệp
không đen không trắng, quả không đen không trắng, nghiệp đưa đến nghiệp
đoạn diệt?
Đây
là Niệm giác chi, Trạch pháp giác chi,
Tinh tấn giác chi, Hỷ giác chi, Khinh an giác chi, Định giác chi, Xả giác chi.
Này
các Tỷ-kheo, đây là nghiệp không đen không trắng, quả không đen không trắng,
nghiệp đưa đến nghiệp đoạn diệt.
No comments:
Post a Comment